Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Biểu tình hay ko biểu tình? Còn biểu tình không?

Biểu tình hay không biểu tình? Có còn biểu tình hay không?
Không có một cuộc biểu tình nào xảy ra dù là của Đảng Cộng sản tổ chức để phản đối Trung Quốc, trong khi vụ Tư Chính xảy ra gần cả tháng rồi. Ba ngày sau, RFA tiếng Việt theo sau, viết một bài nội dung y hệt, tìm thấy câu trả lời cũng y hệt. Tôi thì tôi thấy nguyên nhân có thể là phức tạp hơn.

Người dân biểu tình phản đối Dự luật Đặc
khu và Luật An ninh mạng. Photo Courtesy
Để có một cuộc biểu tình xảy ra cần có hai điều kiện liên quan với nhau: Mục đích của cuộc biểu tình và những người sẵn sàng biểu tình cho mục đích đó. Biểu tình tại Việt Nam trong những năm vừa qua có những nguyên nhân sau đây, và cũng là mục đích, xếp theo thứ tự quan trọng: Chống Trung Quốc, Đòi đất đai, Chống ô nhiễm môi trường, Đòi tăng lương.

Đương nhiên đây là nhận xét chủ quan của tác giả.

Mục đích chống Trung Quốc được mọi người đồng ý dễ dàng với nhau là nguyên nhân lớn nhất, nó kích thích tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Việt Nam chống phương Bắc, vốn có lịch sử cả ngàn năm nay.

Cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra vào năm ngoái, 6/2018, được xem là cuộc biểu tình lớn nhất từ năm 1975 đến nay, chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Mà Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng này được Đảng Cộng sản đang cai trị soạn thảo. Người dân thấy rằng không có con đường nào khác là phải lên tiếng.

Khi những tin tức đầu tiên về vụ Tư Chính được đưa ra, dù không phải là chính thống, người ta thấy rằng nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực đương đầu với người Tàu ngoài biển. Người ta vừa đồn đoán với nhau về chuyện gì đang xảy ra một vài ngày, thì đùng một cái báo chí nhà nước được phép đưa tin một cách rầm rộ, rồi việc phản đối bằng công hàm cũng được đưa tức thì.

Ngòi nổ được tháo đúng lúc.


Đảng Cộng sản đã thành công lần này trong việc không để cho những cuộc tụ tập không do họ kiểm soát, điều họ sợ nhất trên đời, xảy ra.

Một viên chức ngoại giao nói với tác giả, rằng ông thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ tới cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương năm 2014. Trong cuộc biểu tình này đã có người Tàu bị thiệt mạng, nhiều cơ sở của họ bị đập phá. Người ta nói với tôi rằng, người Tàu đã làm áp lực đưa tàu của họ vào để chuyển công dân của họ đi. Việc đó cuối cùng không xảy ra.

Đó là mục đích. Mục đích biểu tình không còn, thì đương nhiên không có biểu tình.

Hơn nữa, tôi đặt câu hỏi cho loại nguyên nhân thứ hai: Còn có ai sẵn sàng đi biểu tình không?

Từ những cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra vào những năm 2000, tại Việt Nam đã hình thành một tầng lớp đối kháng, mà một số đông được qui tụ trong các tổ chức dân sự, thậm chí các đảng phái chính trị. Những người này hoạt động rất tích cực trong những cuộc biểu tình, trong những kháng nghi thư, trong những bình luận phản kháng trên mạng xã hội.

Dĩ nhiên là Đảng Cộng sản rất không thích những tổ chức mà họ không kiểm soát. Do đó nhiều cố gắng liên tục được đảng thực hiện để làm suy yếu các tổ chức này. Với bộ máy công an khổng lồ, quyền lực không giới hạn, đảng đã thành công trong việc phá hoại các tổ chức này. Nhiều người bị bắt bỏ tù, nhiều người bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, vụ Tư Chính lần này đánh dấu một bước lùi của phong trào đối kháng Việt Nam, vì họ không còn ai nữa.

Song song với việc bố ráp, bắt bớ, mà đỉnh cao là vụ đàn áp khốc liệt sau vụ biểu tình chống luật đặc khu vào tháng 6/2018, Đảng Cộng sản dường như đã kiểm soát được mạng xã hội, hay ít nhất họ thấy rằng, điều lo ngại về một cuộc cách mạng Facebook, từa tựa Mùa xuân Ả Rập, đã không xảy ra. Mà ngược lại, dường như Facebook lại đóng một vai trò van xả hơi của những bực bội trong xã hội.

Người ta nói rằng, Việt Nam có rất nhiều tài khoản Facebook, nhưng nếu chúng ta quan sát kỹ, và hãy đặt câu hỏi khu vực Facebook của những người đối kháng là bao nhiêu? Tôi cho rằng không nhiều.

Khu vực này không chồng lên các khu vực khác như là bán hàng, làm đẹp, nấu ăn, văn nghệ thể thao,… Tức là nó hình thành nên một cái mà người phương Tây gọi là Echo Chamber, tạm gọi là Phòng cách âm, chúng ta nói chúng ta nghe với nhau.

Nhưng tôi cho rằng, Đảng Cộng sản cũng có ngó vào cái phòng cách âm đó, để điều chỉnh hành động của họ, tháo van kịp thời.

Bày tỏ trên Facebook rồi thì nhu cầu xuống đường có thể đã giảm đi một ít.


Tại sao không còn những người sẵn sàng biểu tình nữa, nếu phán đoán của tôi là đúng?

Người ta nói rằng, sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi xã hội có một tầng lớp trung lưu đủ mạnh và độc lập. Việt Nam không có tầng lớp ấy.

Khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế cách đây hơn 30 năm, người ta đã hy vọng một tầng lớp trung lưu độc lập hình thành. Hơn một thế hệ đã sinh ra và lớn lên nhưng điều đó đã không xảy ra.

Giới trung lưu Việt Nam đa số sống trong các thành thị lớn, cuộc sống của họ khá hơn rất nhiều so với đại đa số cư dân nghèo khó ở nông thôn. Họ không có nhu cầu phải thay đổi. Ờ, thì không khí có ô nhiễm, tham nhũng có làm cho họ bực bội, nhưng họ vẫn thấy họ rất vững vàng. Chưa nói đến chuyện tầng lớp này lại đang gắn chặt vào sự nhũng lạm có tính cách hệ thống hiện nay.

Chẳng lẽ bức tranh dân chủ hóa Việt Nam lại u tối như thế ư? Và phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn yên tâm, vì không còn nguyên nhân biểu tình mà cũng không có người biểu tình nữa?

Trong thời gian gần đây, người ta hay nói đến chuyện Việt Nam đang trôi về phía Mỹ, xa rời Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc này. Nếu điều này đúng thì quả là mục đích chống Trung Quốc không còn nữa.

Nhưng nguyên nhân của biểu tình, lần này là những bất ổn xã hội, vẫn còn đó. Đó là nông dân vẫn mất đất đai và công nhân vẫn bị bóc lột thậm tệ. Hai điều nói trên tồn tại song song với sự cai trị độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản không thể nào ngăn chận cán bộ của mình cướp đất đai của dân chúng, khi mà họ một mình một chợ, không ai kiểm soát quyền lực của họ cả.

Đảng Cộng sản không thể nào ngăn chận công nhân bị bóc lột khi mà họ không có nghiệp đoàn tự do.

Đảng Cộng sản không thể nào kiểm soát quyền lực của chính họ.

Cách đây hơn chục năm, khi hòa bình ở Bắc Ái Nhĩ Lan và xứ Basque được tái lập, với những vị dân cử của họ ra chấp chính ở Quốc hội, một người bạn Pháp có nói với tôi rằng: Chẳng phải là chửi nhau bằng mồm trong Quốc hội là tốt hơn chửi nhau bằng lựu đạn ngoài phố hay sao?

Tôi xin hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng bà Cấn Thị Thêu có xứng đáng được đại diện ít nhất là cho người dân ngoại thành Hà Nội hay không?

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có xứng đáng được đại diện cho người dân thành phố Nha Trang hay không?

Hai người đà bà ấy nào có muốn xuống đường biểu tình rồi bị tù tội!

Việt Nam vẫn không có những người chấp chính được dân bầu lên. Trong khi người Việt không thiếu những người giỏi giang có thể đại diện cho toàn dân.

J.N.

Jackhammer Nguyễn
Nguồn: (baotiengdan.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét