Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

“Vị Xuyên & Thế sự Việt – Trung” của Phạm Viết Đào

“Vị Xuyên & Thế sự Việt – Trung” của Phạm Viết Đào
Nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7/2019
Nguyễn Đào Trường 27-7-2019 - Cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, do bọn cộng sản bành trướng Trung Quốc phát động, đến nay đã lùi vào dĩ vãng, lớp bụi năm tháng phủ mờ sự việc. Thời gian từ năm 1979-2019 dù cách xa 40 năm, với lịch sử chỉ là chớp mắt. Những thế hệ sinh sau 1979 nhiều người không biết đến cuộc chiến ác liệt đẫm màu này. Những người cầm quyền vì một động cơ nào đó, đã cố ý lãng quên, giấu giếm sự thật lịch sử, nhưng: “Cái kim bọc giẻ lâu ngày vẫn ra”.
Ngày nay, bao cán bộ chiến sỹ, những người trực tiếp chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, Thanh Thủy, Hà Giang thời ấy, chứng nhân lịch sử tường thuật, ghi chép kể lại trong cuốn “Vị Xuyên & Thế sự Việt – Trung” qua các bài: Bút ký, tiểu luận, điều tra, của những người trong cuộc làm sáng tỏ sự thật, bao hy sinh mất mát tính mạng, tài sản do bọn Tàu cộng sản gây ra cho dân tộc, tổ quốc Việt Nam. Chúng ta lật những trang sách dưới đây để thấy rõ hơn bao giờ hết.
Nguồn ảnh: VTC News

Gần đây tôi đọc cuốn“VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT – TRUNG”, bút ký – Tiểu luận – Điều tra của tác giả nhà văn, dịch giả Phạm Viết Đào, một cuốn sách dầy dặn, đồ sộ, ngồn ngộn, đầy ắp tư liệu về cuộc chiến tranh toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam 17/2/1979, do bọn bành trướng cộng sản Tàu phát động chống nhân dân ta, làm món quà, ngoại giao để Đặng Tiểu Bình, Tổng bí thư đảng cộng sản Tàu, dâng lên quan thầy Mỹ, với chiêu bài “Dạy cho Việt Nam bài học”.

Riêng mặt trận Vị Xuyên, Thanh Thủy, Hà Giang chiến đấu ác liệt kéo dài tới 10 năm (1979 – 1989). Những sự kiện dai dẳng, giành giật đẫm máu cuộc chiến này, được những người trong cuộc, các cán bộ, chiến sỹ bộ binh, pháo binh, vận tải, đặc công kể lại…

Quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trực tiếp chiến đấu từng giờ, từng phút giành giật với quân Trung Quốc xâm lược. Họ đã giành giật từng mỏm đá, vách núi, tấc đất, khe suối, gốc cây, ngọn cỏ. Mạng sống con người chỉ trong gang tấc. Tiêu biểu: Trận đánh chí tử trên cao điểm 685 trước tết Ất Sửu 1985 được mệnh danh “Lò vôi Thế kỷ”.
Những ngày cuối năm, nhân dân cả nước đều bận bịu, hối hả rộn rịp chuẩn bị chào đón mùa xuân mới, anh em, con cháu xa gần mong sum họp gia đình hưởng thụ cái tết đầm ấm vui vầy. Thế mà tại Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang những người lính trên cao điểm 685 đang lặng lẽ, kiên cường, ém mình trong công sự, hẻm đá tay ghì chắt khẩu AK, B40, B41 mắt nhìn thẳng phía quân thù, sẵn sàng nhả đạn khi có lệnh. Anh em đồng đội lính bộ binh chiến đấu giữ cao điểm 685 suốt những ngày 27, 28, 29 giáp tết 1985, có ngày đánh hàng chục trận với quân Trung Quốc xâm lược.

Bọn xâm lược Trung Quốc dùng chiến thuật biển người, ào ạt xông lên, hòng đánh bật quân ta để chiếm cho được vị trí điểm cao. Nhưng với tinh thần dũng cảm, kiên cường, khôn khéo lòng căm thù quyết tâm tiêu diệt giặc, đa phần những người lính dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đã đánh bật bọn giặc Tàu. Những lớp biển người xông lên, hết đợt xung phong này, xung phong khác, nó đều gục ngã trước mũi súng và pháo tầm xa của quân ta.

Những mảng núi, vách đá bị đạn pháo đôi bên bắn qua lại nhiều chỗ đá cháy lở trắng như vôi bột, lính tếu táo nói vui: “Lò vôi thế kỷ”. Trên cao điểm, cây cối bị mảnh đạn chém gẫy gục ngổn ngang, thuốc súng mù mịt khét lẹt, tanh tưởi mùi máu, hôi thối mùi xác chết.

Sau nhiều đợt quần nhau với địch, người nào còn sống sót đều mệt lả, đói khát, hoa mắt, số chiến sỹ bị thương băng bó tạm được người còn lành lặn, khỏe khoắn, dìu dấu tránh đạn pháo, nghỉ tạm các hốc đá, khe núi. Qua những đợt đánh phản kích của địch, những người khác bị thương được dìu vào ẩn náu trong hang, thấy người bị thương nặng đợt trước không được cứu chữa kịp thời, đã chết cứng, số hy sinh xác người chưa lấy được đành chịu, chờ lính vận tải lên chốt tiếp viện đạn dược, thuốc men, cơm nắm, và những bình tông nước suối.

Những người lính vận tải mới khổ, khiêng vác, dìu dắt thương binh trong đường hào nông và chật hẹp, vai mang nặng, di chuyển luôn cúi lom khom không thì đạn pháo địch hớt mất đầu. Mang vác tử sỹ mới khổ, quá sức chịu đựng, xác chết lâu ngày đang phân hủy thối rữa, dòi bọ từ người chết bò sang người khiêng cáng, thật không gì rùng rợn bằng” Đường xa nghĩ đến lâu ngày mà kinh”(Nguyễn Du).

Đa phần anh em lính trẻ tuổi đời chỉ 18 đến 23 thế mà nhiều người sau các trận chiến đấu, khiêng vác thương binh, tử sỹ từ các chốt về trạm phẫu hậu cứ, kinh sợ rợn người phát ốm bỏ cả cơm nước đến vài ngày.

Góc trái là Cao điểm 772, liền kề 1509 (Đồi thịt băm). Góc phải là Cao điểm 685 (Lò vôi thế kỷ), nơi xảy ra ác chiến trong Chiến dịch MB 84…

Trận chiến đấu lấy lại cao điểm xung quanh 1509 do quân Trung Quốc chiếm giữ từ lâu. Ngày 12/7/1984 ta tập trung lực lượng tới 4 trung đoàn, hội quân tại cao độ 200, phân tán bao vây mấy ngày, một số đơn vị nhỏ mới bò tới độ cao 800. Hỏa lực địch ở đây rất mạnh, nó từ trên cao nhìn rõ mình từng người một, các loại đạn dược pháo bầy nó trút xuống, ta không những không đánh chiếm được 1509 mà còn thiệt hại nặng nề, trận này quân ta thất bại.

Nguyên do của trận thất bại này còn một yếu tố bí mật, sau này mới được tiết lộ: Theo lời thiếu tướng Lê Duy Mật, chỉ huy trưởng mặt trận Hà Giang: “Trận phản kích đánh chiếm lại 1509 bị lộ kế hoạch và bị thất bại. Vì có người của Cục Quân báo hay của Tổng Cục 2 đầu hàng nó, báo cho nó biết nên đã mất yếu tố bất ngờ… Ta tổ chức đánh ngày nào, giờ nào, bao nhiêu quân nó báo cho Trung Quốc biết hết”.

Vấn đề đặt ra ở đây là: tại sao cuộc chiến đấu chống quân xâm lược cộng sản Tàu, trên mặt trận Vị Xuyên, Thanh Thủy, Hà Giang ác liệt như thế suốt 10 năm ròng rã (1979 – 1989). Ta hy sinh không biết bao nhiêu sức người sức của, tổn hại vô cùng, cuối cùng vẫn mất đất một số nơi…

Điểm cao 1509 rơi vào tay quân xâm lược. Cả hệ thống tuyên truyền đồ sộ, hùng hậu, hàng ngàn tờ báo, hàng trăm đài phát thanh, truyền hình, hàng vạn dư luận viên của đảng, còn hơn bộ máy tuyên truyền của bọn Gơ Rinh, Gơ Ben thời phát xít Đức Quốc Xã, mỗi năm tiêu tốn cơ man tiền thuế của dân, lại im hơi lặng tiếng đến độ khó hiểu.

Các nhà làm sử quốc doanh khả kính không hề đả động, không một gương mặt nào xuất hiện trang viết ghi chép sự kiện trọng đại này, không những thế mà chứng tích hiếm hoi, bia ghi tội ác bọn xâm lược cộng sản Tàu cũng bị đập bỏ. Làm sao cứ trách trẻ thời nay không thích học lịch sử.

Nguyễn Đào Trường (trái) và Phạm Viết Đào (phải)

Trở lại cuốn“Vị Xuyên & Thế sự Việt – Trung”, một cuốn sách rất có giá trị lịch sử. Tổng hợp nhiều trận đánh, nhiều chứng nhân lịch sử, những người cán bộ chiến sỹ trực tiếp chiến đấu, làm lên trang sử hào hùng dân tộc Việt. Nó cần được phát hành rộng rãi, lan tỏa tới toàn dân, cho mọi người Việt Nam đời đời nhớ ơn các anh hùng chiến sỹ quân đội nhân dân đã chiến đấu ngoan cường trên mặt trận Vị Xuyên, Thanh Thủy, Hà Giang, để nhân dân không quên tội ác của bọn xâm lược cộng sản Tàu và những tên Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc thời nay chưa bị lộ.

Nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7

Hải Dương 2019

N.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét