Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Sai lầm khi trả 400 người đánh bạc tại VN cho TQ

5 vấn đề lớn của vụ trao trả 400 người Trung Quốc đánh bạc tại Việt Nam
Luật Khoa - Võ Văn Quản - 31-7-2019
Câu chuyện 400 người Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam, tổ chức đánh bạc, bị vây bắt bởi hơn 1.000 chiến sĩ cảnh sát tinh nhuệ và cuối cùng… được trao trả về cho cơ quan điều tra, xét xử Trung Quốc xem xét không hẳn là một câu chuyện nóng hổi, được quan tâm nhiều trên mạng xã hội Việt Nam. Song các biện luận cho hành vi này được ghi nhận trong báo chí lề phải cho thấy nhiều hàm ý pháp lý hình sự cũng như chính trị chưa minh bạch, các nhận thức sai về pháp luật hình sự mà người dân Việt Nam cần hiểu thêm, và từ đó có không gian để trao đổi. Bằng bài viết này, tác giả sẽ ghi nhận 5 vấn đề:
Công an Việt Nam đang làm thủ tục đối với các đối tượng
người Trung Quốc đánh bạc. Ảnh: Người Lao Động
1. Người Trung Quốc tổ chức cho người Trung Quốc đánh bạc thì trao trả cho Trung Quốc là hợp lý?
Một trong những lập luận đầu tiên mà báo chí đưa ra là trung tâm cờ bạc vừa bị triệt phá là do người Trung Quốc lập nên và cho chính công dân của họ tham gia, vậy nên việc trao trả không có vấn đề gì đặc biệt. Đây là cách luận giải phản khoa học và thiếu hiểu biết về khoa học pháp lý hình sự.

Chủ quyền tối cao để giải quyết mọi hành vi được xem là vi phạm pháp luật hình sự trong lãnh thổ một quốc gia là nguyên tắc cơ bản để xác định thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. Nguyên tắc này được biết đến trong khoa học hình sự thế giới với tên gọi “territorial principle”, song ai cũng có thể hiểu một cách bình dân nhất, rằng hành vi phạm tội diễn ra ở đâu thì nơi đó có thẩm quyền (và trách nhiệm) xử lý.

Hiển nhiên, còn nhiều lý thuyết khác cố gắng trả lời câu hỏi thẩm quyền như lý thuyết “Roman”, lý thuyết “nơi thiệt hại” (injured forum) hay lý thuyết phổ quát (cosmopolitan). Tuy nhiên, để đảm bảo chủ quyền trong môi trường pháp lý hiện đại, hầu hết các quốc gia đều coi territorial principle là trung tâm.

Trong pháp luật Việt Nam, nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 5 của Bộ luật Hình sự 2015.

Do đó, cho dù người tổ chức, người tham gia, người vận hành, người dọn dẹp vệ sinh hay người bán thực phẩm cho đường dây này đều là người Trung Quốc đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến trách nhiệm tố tụng và thẩm quyền xét xử độc quyền của cơ quan nhà nước Việt Nam.

2. Người Trung Quốc tự đánh bạc với nhau thì không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của cộng đồng người Việt?


Có bình luận cho rằng việc qua Việt Nam đánh bạc chỉ là một “mắt xích” trong hoạt động phi pháp của tổ chức này, và vì vậy Việt Nam không bị ảnh hưởng.

Lập luận này vừa sai, vừa thiếu căn cứ.

Trong vụ án này, ngoài quốc tịch Trung Quốc ra, sổ sách, máy móc, cách thức vận hành, cơ chế quản lý, tiền bạc tịch thu được của đường dây đều nằm tại Việt Nam.

Chưa kể đến tuyên bố “chỉ có người Trung Quốc” tham gia vào đường dây đánh bạc lớn đến nỗi một buổi kiểm tra bắt được đến hơn 400 người là thiếu thuyết phục. Cách mà hàng trăm – hàng ngàn cá nhân, tổ chức Trung Quốc thâm nhập lãnh thổ Việt Nam, thuê lại nhà xưởng và vận hành đường dây đánh bạc trị giá 12.000 tỉ đồng như thế này đã cho thấy nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan nhà nước và trật tự trị an của Việt Nam như thế nào. Thậm chí cũng có khả năng ngoại tệ và tiền bạc hình thành dựa trên hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam được tuồn trở lại Trung Quốc thông qua con đường “thua cược”.

Khu Đô thị Our City nơi đặt trụ sở của 
đường dây ngàn tỉ. Ảnh: Vietnamnet

Nên nhớ, lực lượng công an Việt Nam đã phải huy động hơn 1.000 người mới truy quét nổi khu phức hợp nói trên. Không thể trừng phạt những cá nhân này bằng pháp luật hình sự và kế tiếp là trục xuất họ (thay vì “trao trả”) là hoàn toàn phi lý.

3. Có hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước Việt – Trung trao thẩm quyền cho cơ quan điều tra, xét xử Trung Quốc?

Cả báo chí và nhiều bình luận mạng xã hội ủng hộ quyết định này cho rằng Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định tương trợ tư pháp mà theo đó vụ việc này “thuộc thẩm quyền điều tra mở rộng, xử lý cuối cùng của công an Trung Quốc”.

Tác giả không biết giới báo chí và những nhà bình luận này có đang nói đến một hiệp định tương trợ tư pháp “mật” nào không, còn Hiệp định Tương trợ Tư pháp chính thức Việt – Trung ký kết ngày 19/10/1998 và có hiệu lực từ ngày 25/12/1999 thì tuyệt nhiên không có kiểu quy định tùy tiện thế này.

Cần nhớ “tương trợ tư pháp” trong luật hình sự thì cuối cùng bản chất vẫn là tương trợ. Hiểu cụ thể là việc cơ quan điều tra hình sự hai bên phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong một số vấn đề như tống đạt giấy tờ; hỗ trợ điều tra, thu thập chứng cứ; triệu tập – bảo hộ người làm chứng; chuyển giao tiền – tài sản do phạm tội mà có… Đây cũng chính là nội dung được phản ánh trong Hiệp định Tương trợ Tư pháp Việt – Trung. Không có bất kỳ điều khoản nào lạm bàn đến thẩm quyền điều tra, xử lý mở rộng hay chuyển giao nghi phạm như một số báo chia sẻ.

Vì sao? Vì Hiệp định tương trợ tư pháp thường do chính phủ các quốc gia ký kết và chỉ có thể dừng lại ở mức độ hợp tác hỗ trợ hoạt động lẫn nhau. Việc chia sẻ một phần chủ quyền quốc gia như thẩm quyền áp dụng và xét xử bằng pháp luật hình sự Việt Nam chắc chắn cần phải có tham gia và chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc Hội theo Luật Điều ước Quốc tế 2016.

4. Việt Nam – Trung Quốc có hiệp ước thỏa thuận về dẫn độ hay không?

Trước tiên, đến nay Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất về một thỏa thuận dẫn độ chính thức.

Thêm vào đó, để bảo đảm thẩm quyền tài phán tối cao của tòa án quốc gia, các thỏa thuận dẫn độ thường đi kèm theo quyền từ chối dẫn độ “khi toàn bộ hoặc một phần tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được cho là đã được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của Bên được yêu cầu theo pháp luật của Bên đó” (Trích từ Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại hàn Dân quốc, song đây cũng là điều khoản khung quan trọng được ghi nhận trong hầu hết các hiệp định dẫn độ khác). Trừ khi có những lý do chính trị đặc biệt trong vụ án, ít quốc gia nào từ bỏ quyền thực hiện quyền chủ quyền của mình.

Trong một vụ án đánh bạc có giá trị lớn và hoàn toàn được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam, người viết sẽ phản đối việc “trao trả” nghi phạm kể cả khi Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận dẫn độ.

5. Thẩm quyền của Bộ Công an đến đâu?

Với việc huy động đến 1.000 công an, Bộ Công an Việt Nam chắc chắn đứng sau chiến dịch lần này.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại. Hiểu đơn giản, tức là Việt Nam sẽ tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ các cá thể được yêu cầu nếu nhận thấy quốc gia yêu cầu cũng có thiện chí và sẽ thực hiện dẫn độ một cá thể khác nếu Việt Nam yêu cầu ngược lại trong tương lai.

Theo quy định tại Điều 493 và 494 thì Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là các cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Bộ Công an và Viện Kiểm sát muốn làm gì thì làm trong lĩnh vực dẫn độ hay tương trợ tư pháp. Hiểu cho đúng thì đây chỉ là những cơ quan được phân công điều phối hoạt động và phân bổ nhân lực cho những hoạt động nói trên. Còn nội hàm pháp luật về thẩm quyền xét xử điều tra, xét xử thì không nằm trong quyền giải thích của họ. Như đã phân tích, việc trao trả không qua xét xử hơn 400 cá thể quốc tịch Trung Quốc là từ bỏ quyền thực hiện thẩm quyền tài phán tối cao của hệ thống các cơ quan tố tụng hình sự Việt Nam. Nếu cả Bộ và Viện đều dựa trên căn cứ Điều 493 và 494 thì rất có thể đã vượt quá thẩm quyền được trao của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét