Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Thân phận phụ nữ VN Cộng hòa thời chiến

Thân phận phụ nữ Việt Nam Cộng hòa thời chiến
Phương Thị Hạnh viết rằng “Theo truyền thống, vai trò của người phụ nữ châu Á là thụ động … Luôn chỉ đứng ở phía sau, các cô bé được nuôi dưỡng để trở nên nữ tính và phụ thuộc, để biết ở nhà chăm sóc chồng con và gia đình. Hai mươi năm trước, ý tưởng về một nữ quân nhân thậm chí còn xa vời hơn ý tưởng về một nữ bác sĩ hoặc nữ luật sư. Nhưng nhiều năm chiến tranh ròng rã đã đưa phụ nữ bước vào thế giới của đàn ông, một phần do sự cần thiết, một phần do sự lựa chọn.”

Đã hơn một tuần kể từ khi Đặng Nguyệt Anh được tin về một cuộc tấn công của Việt Cộng ở tỉnh Phước Long, phía đông bắc Sài Gòn, dọc biên giới Campuchia, nơi chồng cô đang đóng quân. Cô vẫn chưa nghe tin gì từ anh, và sự đợi chờ sớm trở nên không thể chịu đựng nổi. Vậy là người phụ nữ quyết định bắt xe buýt từ nhà ở Sài Gòn đến thị trấn Đồng Xoài, nơi cô quá giang trên một chiếc xe quân đội để đến trung tâm huấn luyện nơi chồng mình đang ở. Trên đường đi, Việt Cộng tấn công chiếc xe, cô bị bắn vào cả hai tay và còn bị gãy xương bàn chân.

Từ bệnh viện trở về Sài Gòn, Đặng Nguyệt Anh viết thư cho Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, yêu cầu chồng mình, trung úy Nguyễn Thanh Trác, được điều chuyển về thành phố để anh có thể sống ở nhà và giúp đỡ chăm sóc sáu đứa con nhỏ của họ. Bức thư mà cô viết vào giữa năm 1965 chỉ là một trong nhiều bức thư mà Bộ Quốc phòng nhận được từ hàng loạt gia đình, xin cho chồng/con trai của họ được chuyển về các đơn vị gần nhà hơn, từ vị trí chiến đấu trên chiến trường sang công việc bàn giấy ở Sài Gòn hoặc thậm chí được xuất ngũ. Một bức thư thật đặc biệt, minh họa cho ranh giới rất đỗi mong manh giữa chiến trường và gia đình, giữa thường dân và lính chiến, trong con mắt người dân miền Nam thời kỳ chiến tranh.

Nhưng ranh giới mong manh đó là một vấn đề lớn đối với Sài Gòn; nghĩa vụ gia đình là một trong những lý do chính dẫn đến việc đào ngũ khỏi Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Và vì vậy, vào khoảng thời gian Bộ Quốc phòng nhận được thư của Đặng Nguyệt Anh, họ đã quyết định thành lập Đoàn Nữ quân nhân (Women’s Armed Forces Corps, W.A.F.C.) để giúp đỡ các gia đình có chồng và con trai đang chiến đấu trong quân đội.

Đến năm 1967, đã có hơn 2.700 phụ nữ tham gia trong các đơn vị toàn nữ. Nhưng chúng ta biết rất ít về những người phụ nữ đó, cũng như những trải nghiệm của họ – rộng hơn là những trải nghiệm thời chiến của phụ nữ miền Nam Việt Nam nói chung. Ngoài một vài nhân vật ‘huyền thoại’ như Lê Thị Hồng Gấm, một tay súng trẻ người Việt đã hạ một chiếc trực thăng Mỹ, tên tuổi và cuộc sống của phụ nữ chẳng hề xuất hiện trong lịch sử chiến tranh. Nhưng hơn hết, trải nghiệm của phụ nữ cần được tìm hiểu bởi chính sự chồng chéo giữa chiến trường và gia đình.

Khác với phụ nữ trong hàng ngũ Việt Cộng hay quân đội Bắc Việt, các thành viên W.A.F.C. không tham gia chiến đấu; thay vào đó, họ làm các công việc hành chính, tình báo, y tế và xã hội, để đàn ông có thể lên đường chiến đấu, yên tâm rằng gia đình mình đã được lo lắng chu toàn. Để trở thành một cán bộ trong quân đoàn, phụ nữ phải hoàn thành chương trình phổ thông 11 năm, trong khi những người đăng ký tham gia khóa đào tạo cần ít nhất 5 năm học chính quy. Các cán bộ phục vụ trong vòng bốn năm; những học viên tham gia đào tạo thì cam kết ba năm. Mọi cô gái được tuyển vào đều không được phép kết hôn và phải giữ nguyên tình trạng này trong hai năm đầu tiên phục vụ. Sau đó, họ mới có thể kết hôn và sinh con mà không bị sa thải.

Bộ phận phúc lợi xã hội trong quân đoàn hỗ trợ cho những gia đình có người thân đang trong quân ngũ, cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe cơ bản và dược phẩm. Việc các thành viên của W.A.F.C. dù ở trong quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng vẫn làm “công việc của phụ nữ” là một trong những minh chứng cho thấy Chiến tranh Việt Nam đã mở rộng vai trò giới nhưng không thay đổi nó hoàn toàn. Tuy nhiên, những công việc này sớm thay đổi khi một cuốn sách tuyên truyền thời chiến tranh được xuất bản bởi Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Việt Nam có tựa đề Phụ nữ miền Nam Việt Nam trong quân phục.

Phương Thị Hạnh, tác giả cuốn sách, viết rằng “Theo truyền thống, vai trò của người phụ nữ châu Á là thụ động … Luôn chỉ đứng ở phía sau, các cô bé được nuôi dưỡng để trở nên nữ tính và phụ thuộc, để biết ở nhà chăm sóc chồng con và gia đình. Hai mươi năm trước, ý tưởng về một nữ quân nhân thậm chí còn xa vời hơn ý tưởng về một nữ bác sĩ hoặc nữ luật sư. Nhưng nhiều năm chiến tranh ròng rã đã đưa phụ nữ bước vào thế giới của đàn ông, một phần do sự cần thiết, một phần do sự lựa chọn.”

Và thực sự, nhiều thay đổi đã diễn ra. Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, các nhà lập pháp đã trình một dự luật lên Quốc Hội, trong đó đề cập đến nghĩa vụ nhập ngũ cho tất cả phụ nữ từ 18 đến 25 tuổi, nhưng nó đã bị các thành viên bảo thủ phải đối. Tuy nhiên, vẫn có những con đường khác: phụ nữ muốn cầm vũ khí có thể được huấn luyện về vũ khí và chiến thuật quân sự qua đơn vị Lực lượng Dân quân địa phương. Hạnh ước tính rằng vào năm 1970, đã có một triệu phụ nữ phục vụ trong các đơn vị dân quân này, hơn 100.000 người trong số họ là trong các vị trí chiến đấu.

Ngay cả đào tạo nâng cao cũng không giúp cho nữ quân nhân đủ điều kiện giữ các vị trí chiến đấu. Dù phụ nữ có thể phục vụ trong các vị trí chiến đấu trong lực lượng dân quân, Nguyễn Hồng Nguyệt, chỉ huy một đơn vị tự vệ Sài Gòn, chia sẻ với bà Hạnh rằng phụ nữ phù hợp nhất trong vai trò trợ tá. Năm 1970, một nhóm phụ nữ ở W.A.F.C. hoàn thành chương trình đào tạo không quân đầy khó khăn, nhảy dù ra khỏi máy bay theo nhóm, như các đồng nghiệp nam của họ. Nhưng như Hạnh đã mô tả chúng trong tập sách của mình, những “cô gái táo bạo” ấy sẽ không có sự nghiệp trong lực lượng tác chiến. Thiếu tá Hồ Thị Vẻ, người đứng đầu trường đào tạo của W.A.F.C., cho biết các nữ sĩ quan đã tham gia khóa học trên chỉ để luyện tập sức khỏe và … để cho vui.

Phụ nữ miền Nam nhập ngũ cũng bởi những lý do tương tự như đàn ông. Trong số những người phụ nữ được bà Hạnh phỏng vấn, một số người mong muốn đóng góp cho nỗ lực chiến tranh, trong khi những người khác coi quân đội là một con đường sự nghiệp. Hứa hẹn phiêu lưu cũng là thứ thu hút phụ nữ đến với W.A.F.C. Vừa tốt nghiệp cấp ba, cô gái Hà Thị Tươi đã đăng ký tham gia quân đoàn và được chỉ định vào một trại hỗ trợ thân nhân lính chiến tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Trung úy Tươi rất thích công việc của mình, nhưng cô chỉ xem đó là khúc ngoặt tạm thời trên con đường đến với cuộc đời của một người phụ nữ truyền thống. Cô đã đính hôn với một sinh viên kiến trúc, và dự định rời khỏi quân đội sau khi sinh con, bởi đó là những gì hôn phu của cô mong muốn.

Tuy nhiên, ngay cả những người nội trợ cũng có thể đóng góp cho nỗ lực chiến tranh. Các tạp chí dành riêng cho phụ nữ như Phụ Nữ Mới khuyến khích độc giả cùng tham gia nỗ lực này. Tạp chí được xuất bản hàng tuần tại Sài Gòn từ năm 1966 đến 1975, chủ yếu đăng tải các chương tiểu thuyết, cùng với nhiều chuyên mục tư vấn, tin tức về thời trang, sắc đẹp và người nổi tiếng, nhưng mỗi ấn bản đều mở đầu bằng một bài xã luận liên quan đến chính trị, quân đội và làm thế nào phụ nữ có thể hỗ trợ nỗ lực chiến tranh. Các bài xã luận giới thiệu hình ảnh phụ nữ trong quân ngũ, khuyến khích phụ nữ quyên góp những vật dụng cần thiết cho quân đội, và sau Tết Mậu Thân thì còn khuyến khích phụ nữ tham gia vào các đơn vị tự vệ địa phương.

Các bài báo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động chính trị của phụ nữ, đặc biệt là trong các sự kiện mở đường cho cuộc bầu cử năm 1967 vốn đưa Nguyễn Văn Thiệu lên ghế Tổng thống. Một bài xã luận xuất bản tháng 07/1967 đã khẳng định rằng phụ nữ cũng quan trọng không kém đàn ông trong việc đảm bảo nền dân chủ sẽ phát triển mạnh ở miền Nam Việt Nam. Ấn bản tháng 9 còn đi xa hơn trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ đối với tiến trình dân chủ: Hoạt động chính trị của phụ nữ sẽ làm nổi bật sự tiến bộ và trưởng thành của miền Nam Việt Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy bình đẳng giới.

Người phụ nữ mới phải tham gia chính trị, nhận thức được hoàn cảnh của những người kém may mắn hơn và sẵn sàng giúp đỡ thông qua việc gây quỹ hoặc các hình thức vận động khác. Hậu quả của chiến tranh đối với phụ nữ nông thôn chẳng bao giờ xa rời tâm trí họ. Chính các phụ nữ thành thị thuộc tầng lớp trung lưu là động lực khiến chính phủ tạo ra các chương trình giúp đỡ phụ nữ nông thôn và gia đình họ. Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ nông thôn sẽ tạo điều kiện giải quyết các vấn đề xã hội khác mà người phụ nữ mới nên quan tâm – chẳng hạn, nạn mại dâm ngày một phổ biến đi kèm với sự gia tăng hiện diện của quân đội nước ngoài ở miền Nam Việt Nam.

Nữ sử gia Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn đã phỏng vấn các cựu thành viên W.A.F.C. về cuộc sống của họ sau chiến tranh, và nhận thấy rằng dù có tránh được đợt đàn áp tồi tệ nhất ở miền Nam, nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với sự đàn áp của chính phủ mới và lực lượng an ninh của họ. Các nữ sĩ quan ấy chỉ có thể đứng nhìn trong sợ hãi khi chồng/anh em trai của mình bị bắt giữ và đưa đến các trại cải tạo. Một số phụ nữ trốn khỏi Việt Nam, sống trong các trại tị nạn trước khi định cư ở Úc hoặc Mỹ. Những người vợ lính chiến cũng phải chịu tình cảnh ấy, chứng kiến chồng mình bị đẩy vào trại cải tạo suốt hàng năm trời.

Nếu đó là định mệnh của Đặng Nguyệt Anh, thì nó ít nhất cũng là lần thứ hai cô phải tự mình chăm sóc các con. Nhưng sau chiến tranh, đã chẳng có nhân viên chăm sóc xã hội nào của W.A.F.C. giúp đỡ cô.

Heather Stur là Phó Giáo sư ngành Lịch sử tại Đại học Nam Mississippi và là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh và Xã hội Dale. Bà là đồng biên tập cuốn “Integrating the U.S. Military: Race, Gender and Sexual Orientation Since World War II” và là tác giả cuốn “Beyond Combat: Women and Gender in the Vietnam War Era.”

http://nghiencuuquocte.org/2019/07/17/than-phan-phu-nu-viet-nam-cong-hoa-thoi-chien/

Nguồn: Heather Stur, South Vietnam’s ‘Daredevil Girls’, The New York Times, 01/08/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét