Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

“Lẩy Kiều” và quan hệ Việt- Mỹ

“Lẩy Kiều” và quan hệ Việt- Mỹ
Tô Văn Trường FB - Truyện Kiều là một kiệt tác về văn chương, một bách khoa toàn thư về ngôn ngữ, và đời sống chứa đựng những triết lý rất sâu sắc. Người ta đã “chính trị hoá” Truyện Kiều, thậm chí Cụ Phạm Quỳnh một học giả nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám (Chủ bút Nam Phong tạp chí) còn khẳng định “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn!”.
Điều rất duyên, chỉ Truyện Kiều mới có, đó là cách nói ẩn dụ bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du, lại rất phù hợp với những liên tưởng về đời sống. Dường như Truyện Kiều “linh nghiệm” cả trong đời sống quan hệ ngoại giao nước Việt. Chả thế mà các vị chính khách Mỹ- một Tổng thống và một Phó Tổng thống Hoa Kỳ cũng từng “lẩy Kiều” để nói về quan hệ hai bên.

Bói Kiều

Với một nén hương và câu khấn thành kính trước quyển Kiều: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều”, người ta hồi hộp, chờ đợi lời phán truyền của Vua, của Vãi, của Tiên.

Tỷ như:

” Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”


thì bạn hãy tin rằng chắc chắn vợ ( hoặc chồng ) bạn đang là khắc tinh của bạn đấy! Bạn đã, đang và sẽ bị áp bức, đè nén đến khốn khổ, suốt đời không ngóc đầu dậy được! Cảnh giác không thừa, hãy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Còn nếu như gặp câu:

” Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”


thì trời ơi! đây chính là cơ hội vàng cho bạn nếu bạn đang cô đơn hoặc đang muốn thoát khỏi “khắc tinh” để đi tìm “một nửa” kia của mình! Hai câu thơ huyền diệu ở trên chắc chắn sẽ mang đến may mắn chưa từng có cho bạn, sẽ như Từ Thức gặp tiên đấy! Nhưng… xong rồi hãy nhớ ” đường về quê mẹ” nhé! Kẻo quá đà thì đến vua Từ Hải, vãi Giác Duyên , tiên Thúy Kiều cũng không cứu nổi bạn đâu!

Lãnh đạo thích triết lý và lẩy Kiều

Với tác phẩm “Truyện Kiều”, Đại thi hào Nguyễn Du là người VN được UNESCO tôn vinh ngay từ năm 1965 là “Danh nhân văn hóa Thế giới”. Truyện Kiều, dù lấy từ tích truyện Trung Quốc nhưng đã hoàn toàn “Việt Nam hóa”, là viên ngọc ngôn từ của văn hóa Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, thể hiện những nét đẹp nhất, tinh túy nhất cúa tính cách, tâm hồn và bản sắc dân tộc VN.

Khi VN đã trở thành người bạn cởi mở chân thành của cộng đồng quốc tế, thì nhiều nguyên thủ, chính khách nước ngoài, nhất là các vị khách đến từ Hoa Kỳ, cũng hay “lẩy Kiều” để tạo một không khí thân tình với người dân Việt trong các sự kiện quan trọng. Tất nhiên không phải câu “Kiều” nào các vị khách nước ngoài chọn đọc cũng đúng và trúng nhất, vì điều này phụ thuộc vào kiến thức về “Kiều” của mấy vị quân sư. Dù thế nào thì sự nhiệt tình, thân thiện của các vị khách quý nước ngoài cũng làm người Việt chúng ta vui vẻ, thích thú. Như chuyện ông Obama đến phổ cổ Hà Nội ăn bún chả và ngửa cổ uống bia chai không cần cốc!

Ở lĩnh vực “lẩy Kiều” để ngoại giao Mỹ- Việt, người Mỹ có một sự nghiên cứu rất chu đáo và khá tinh tế. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ lần đầu tiên lãnh đạo nước Mỹ khi thăm VN năm 2000, Tổng tống Mỹ Bill Clinton lẩy Kiều:

“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”


Ngữ cảnh của hai câu thơ mà Bill Clinton sử dụng có thể ngầm hiểu “sen tàn”: chiến tranh đã qua đi; “cúc lại nở hoa”: mối quan hệ (Mỹ-Việt) lại khôi phục; “sầu dài”: Thời đen tối trong quan hệ, nên gác lại “ngày ngắn đông đà sang xuân”: Hiện tại, đã đủ điều kiện để sang trang mới (bình thường hoá quan hệ hai nước).

15 năm sau, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tối 7/7/2015 tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã làm người nghe ngạc nhiên hơn khi bất ngờ lẩy Kiều:

“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”


(Nguyên văn lời ông Joseph Biden: Thank heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds).

Đây là đoạn “tái hợp giữa nàng Kiều và chàng Kim” sau 15 năm xa cách, rất phù hợp với quan hệ Mỹ – Việt. Đây đúng là câu “bói Kiều” tuyệt vời của ông Phó Tổng thống Joseph Biden.

Với ngữ cảnh của mối quan hệ Việt-Mỹ, có thể ngầm hiểu thế này: “Trời còn để có hôm nay”: để có được cuộc hạnh ngộ hôm nay “Tan sương đầu ngõ, Vén mây giữa trời “, mối nghi ngại giữa hai bên đã không còn, quan hệ (Việt -Mỹ) đã bước sang trang mới.


Ý nghĩa của hai câu Kiều mà ông Joseph Biden đã lẩy quá hay, quá chuẩn đối với quan hệ Việt – Mỹ hiện nay. Tuy bản dịch tiếng Anh rất sát ý nhưng vẫn chưa lột tả được nghĩa đen và nghĩa bóng của 2 câu Kiều này.

“Trời còn để có hôm nay’

Đáng lẽ chàng Kim và nàng Kiều đã hết cơ hội tái ngộ rồi, nhưng “ơn Trời” đã tạo ra cơ hội “hôm nay” để họ “tái hợp” và để họ:

“Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”

Có thể hiểu chủ thể của các trạng thái “tan”, “vén” là “sương” và “mây”. Nhưng cũng có thể hiểu chủ thể của hành động chính là chàng Kim và nàng Kiều. Trời đã tạo cơ hội cho họ “tái hợp” thì họ sẽ phải chủ động “làm tan sương” và “vén mây mù” để trông thấy vầng dương.

Ngẫm suy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam là họ không hiểu văn hóa Việt. Có lẽ vì thế, mà các nhà lãnh đạo Mỹ sau này đã bỏ công nghiên cứu rất kỹ để khắc phục điểm yếu này. Thật bất ngờ, khi họ dùng Truyện Kiều để biểu tả mối quan hệ Việt-Mỹ, vừa đúng, vừa sâu sắc lại hóm hỉnh đến thế!

Để đáp lời ông Joseph Biden, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn câu nói của Tổng thống Theodore Roosevelt : “Có lòng tin là đã đi được nửa đường” để bày tỏ lạc quan về tương lai quan hệ VN – Hoa Kỳ. Đây cũng là cách biểu cảm khá đối xứng về văn hóa. Ông Trọng đã mượn lời của một vị Tổng thống rất được kính trọng ở Mỹ để đối với ý tứ văn chương của đại thi hào Nguyễn Du, thể hiện sự hiểu biết văn hóa Mỹ, cũng như đối tác của ông biết quý trọng văn hóa Việt Nam vậy.

Nghe thiên hạ đồn có thể tháng 10 năm nay ông Nguyễn Phú Trọng với cương vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Nếu đúng như vậy, mong rằng các vị lãnh đạo của 02 nước Việt-Mỹ sẽ không chỉ mượn lời Nguyễn Du mà cùng thúc đẩy hành động như câu Kiều tiếp theo câu mà Phó Tổng thống Joseph Biden đã dẫn:

“Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”

Lời kết

Xin có đôi câu lẩy thay cho lời kết về bài báo nói về mối quan hệ Việt-Mỹ:

“Hướng bình yên gác chuyện xưa
Mượn Kiều lựa nói cho vừa lòng nhau
Trăng tà khuất bóng ao sâu
Thù xưa, bạn mới biết đâu duyên tình”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét