Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Chuyện Gối Đầu

Đọc những truyện thế này thấy thương lắm, nên không thể không đọc, không thể không biết để khi sống ở trên đời mỗi chúng ta phải biết và phải có tình thương yêu đồng loại. Đừng sống độc ác như quan chức cộng sản ngày xưa và tàn nhẫn, tham lam như quan chức cộng sản ngày nay.
Chuyện Gối Đầu
Huỳnh Văn Phú – Chữ “gối đầu” thường gợi lên một hình ảnh vừa lãng mạn vừa âu yếm của những cặp tình nhân bất luận ở lớp tuổi nào, đang trong thời kỳ yêu nhau say đắm. Chẳng hạn như nàng nằm trên bãi cỏ, gối đầu lên đùi chàng, mắt mơ màng nhìn lên khoảng trời xanh, hát nho nhỏ vừa đủ cho chàng nghe một bài hát quen thuộc hoặc chàng choàng tay luồn qua dưới đầu nàng để nàng gối đầu lên cánh tay rắn chắc của chàng. Còn nếu nàng cứ mãi để cho chàng gối đầu lên cánh tay nàng thì văn chương bình dân cũng có một câu mô tả rất trữ tình như sau :
Cánh tay em trắng lại tròn
Em cho anh gối nó mòn một bên
traicaitao-linhgac
Tôi tin rằng bạn cũng như tôi, ít ra trong đời mình cũng đã từng vài ba lần trải qua những giây phút thơ mộng ấy. Nếu bạn trả lời rằng suốt đời bạn, bạn chẳng bao giờ có được chút hạnh phúc hiếm hoi ấy thì hoặc là bạn hơi bi thảm hóa cuộc đời bạn, hoặc bạn khiêm nhường thái quá còn không thì bạn đúng là một người vừa-nói-dối-vừa-chối rất có trình độ. Tôi không tin bạn lại có thể rơi vào một trong những trường hợp trên và xệ đến như vậy. Nhưng dù bạn có như thế hay không, chuyện đó không quan trọng. Nó chẳng dính dáng một ly ông cụ nào đến chuyện gối đầu tôi sắp kể dưới đây.

Tuy cùng một động từ gối đầu cả đấy nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn bạn ạ. Trước khi kể chuyện này, tôi được biết bạn cũng như hàng trăm ngàn người chung số phận, đã trải qua nhiều năm tháng trong các trại tù Cộng Sản và từng bị đày ải đến tận những nơi thâm sơn cùng cốc trên vùng đất thiên đường xã hội chủ nghĩa ở ngoài xứ Bắc xa xôi ấy rồi. Tôi viết lại chuyện gối đầu là để vừa chia sẻ cùng bạn vừa nhắc cho bạn nhớ lại những ngày tháng ấy chứ không hề có ý lôi bạn vào làm chứng cho những điều tôi kể đâu.

Thật ra, trong những lúc trà dư tửu hậu tôi có có kể những mẩu chuyện này cho một vài người bạn không có được niềm hạnh phúc sống trong tù Cộng Sản như tôi và bạn, tuy họ có chăm chú nghe với vẻ thích thú đấy nhưng cuối cùng thì họ vẫn tỏ vẻ ngờ vực và bảo rằng tôi cường điệu thêm mắm dặm muối cho vui chứ làm gì có chuyện buồn cười đến thế. Tôi nói với mấy anh bạn may mắn hơn chúng ta đó rằng, không tin thì thì cứ đi hỏi thử những ai đã sống qua cảnh ngộ đó xem có phải đúng thế không. Nhiều khi những vị ấy kể lại nghe còn vui và hấp dẫn hơn tôi nữa là khác.

Phải thành thực nói rằng anh em sống trong tù vì quá đói, đói ngày này sang ngày khác, bao tử trống rỗng muôn năm nên đầu óc của người tù lúc nào cũng chỉ nghĩ đến củ khoai, trái bắp, mớ rau hay bất cứ thứ gì có thể được để cái bao tử nó đừng thúc bách kêu gào. Và do đó, họ đã sống theo bản năng cũng là điều dễ hiểu và có thể thông cảm được.

Cho đến bây giờ, đã 30 năm trôi qua, đã có biết bao biến đổi trên trái đất phiền muộn này, nhiều người đã sinh ra và nằm xuống. 30 năm, thời gian đủ dài để một đứa trẻ ra đời vào thời điểm chúng ta vào tù, nay có thể đã là cha, là mẹ của những đứa trẻ khác. Vậy mà không hiểu sao những kỷ niệm về các câu chuyện gối đầu lúc ở trong tù vẫn còn sờ sờ trước mắt tôi. Nó cứ lẩn quất bên tôi, nhắm mắt lại để hình dung, tôi thấy như mới xảy ra hôm qua hôm kia gì đó. Phần tôi thì chẳng bao giờ quên nhưng ngược lại, tôi biết có người tuy đã sống trong cảnh ngộ ấy, vì lý do này lý do khác hoặc không vì lý do gì cả, đã không còn muốn nhớ lại những năm tháng không thể nào quên đó nữa. Tôi không hiểu tâm trạng họ nổi. Và tôi bỗng nghiệm ra rằng khi những đau khổ hay hạnh phúc (nhất là đau khổ) đã qua đi rồi, người ta mới thấy hết tất cả ý nghĩa của nó.

Từ nãy đến giờ tôi nói lan man mà chưa đi thẳng vào vấn đề hai chữ gối đầu trong bài viết này mang ý nghĩa gì. Tôi xin đơn cử vài thí dụ cho rõ ràng để sau đó mới có thể thoải mái bắt đầu câu chuyện. Giả sử tôi gửi hai bài viết đến một tạp chí nào đó. Người chủ bút thấy đều có thể đăng được bèn cho lên khuôn trước một bài, còn bài kia thì ông gối đầu cho số tới. Một ví dụ khác, ở trong tù mỗi ngày tôi được phát 3 chén bắp. Ngày đầu tiên tôi chịu đói một chút, chỉ ăn 2 chén thôi, còn một chén tôi gối đầu (để dành) cho ngày kế tiếp. Hôm sau, tôi cũng được phát 3 chén, tôi lại lấy ra gối đầu một chén và ăn chén bắp để dành từ ngày hôm qua cộng với 2 chén (trong số 3 chén) mới vừa lãnh trong ngày. Làm như thế, ngày nào tôi cũng có một chén bắp để dành. Coi như là một hình thức dự trữ. Hành động ấy, bọn tôi ở trong tù gọi là gối đầu. Tôi nghĩ rằng có nhiều nguyên nhân thúc đẩy một vài anh em tù chúng tôi làm cái công việc để dành phần ăn một cách khác thường và kỳ cục đó. Tôi nói khác thường và kỳ cục là bởi vì chỉ có 3 chén bắp một ngày, ăn không đủ no mà còn gối đầu nữa thì không kỳ cục và tức cười sao ?

Lúc tôi đang tu luyện ở trại 8, Hoàng Liên Sơn, một buổi sáng thức dậy, tự nhiên tôi thấy cái bụng của mình bỗng lớn ra như thể có ai bơm hơi vào cho đầy. Ngày qua ngày, nó phát triển như một người đàn bà có mang 5,7 tháng vậy. Tôi chẳng ăn uống gì được, lúc nào cũng thấy nhưng hơi, thậm chí không thể hít thuốc lào được nữa.

Một người bạn thấy tôi vác cái bụng đi lặc lè, anh khôi hài nói rằng chắc là hồi trước tôi có biểu diễn trống trong các ban nhạc! Tôi lo và buồn lắm, không biết khi nào mình sẽ đi ngủ với giun dế đây ! (Có trải qua cảnh lớn bụng rồi, tôi có thể tự hào là người rất hiểu và thông cảm một cách sâu sắc nỗi vất vả, khó xoay trở, đi đứng đối với chuyện phải mang trống của các bà, các cô). Cũng nhờ bị lớn bụng một cách bất ngờ và bệnh trĩ khá nặng nên tôi được “biên chế” về tổ canh tác trồng rau cho trại khỏi phải leo dốc lên núi phá rừng trồng bắp như thời gian trước nữa.

Thuyên chuyển về đơn vị mới chuyên nghề đi hót cứt để trồng rau xanh này, tôi được nằm gần một anh bạn mà tôi đặt cho anh ta cái biệt danh là một chuyên viên gối đầu. So với anh em trong tổ, anh cao lớn đồ sộ hơn nhiều. Tiêu chuẩn phần ăn hàng ngày của mỗi người tù chỉ có vài trăm hạt đại mễ thì làm sao đủ cung ứng cho cái thân thể to xác như anh. Do đó, tôi tin rằng sự đau khổ vì đói của anh dữ dội, kinh khủng hơn bọn tôi gắp bội. Và chính điều ấy khiến anh có những hành động không giống như những anh em khác và rất tức cười đôi khi còn gây bực mình chung cho cả tổ. Mỗi chiều, anh nào tới phiên phải đi lấy phần ăn cho tổ thì lên nhà bếp mang về chia cho anh em. Lần nào cũng vậy, tôi nhận thấy anh bạn to con lớn xác ấy luôn luôn để dành ra một chén bắp. Anh lấy mảnh vải bao chén bắp ấy lại, để trên đầu nằm của anh. Phần ăn của anh chiều hôm ấy là chén bắp cũ để lại từ ngày hôm qua. Cái điệp khúc ấy diễn ra đều đặn ngày này sang ngày khác. Có lần tôi hỏi anh :

– Anh để dành làm chi vậy ? Tội gì cứ phải ăn bắp cũ hoài thế !

Trong câu trả lời của anh, lần đầu tiên tôi nghe hai chữ gối đầu :

– Tôi gối đầu mà.

– Anh gối đầu để làm cái gì, chả lẽ ngày mai trại không phát phần ăn nữa sao

Anh nói rất thành thực :

– Tôi biết như vậy nhưng không hiểu sao tôi không thể không làm như thế và tôi cảm thấy như có cái gì đó bất an anh ạ. Tôi gối đầu một chén bắp là để mang cái cảm giác rằng lúc nào trong cuộc sống đói khổ này tôi luôn luôn có một chén bắp dự trữ !

Hàng ngày đi lao động xúc phân, tưới rau cùng anh, tôi thấy anh lúc nào cũng bận tâm, khổ sở, suy nghĩ, tính toán kiếm cách có thêm được trái cà, trái đu đủ sống hoặc mớ rau tàu bay để cho cái bụng được vững vàng hơn thường lệ. Thỉnh thoảng, tổ canh tác chúng tôi cũng được tăng phái cho tổ trồng bắp trên núi. Công việc đầu tiên của anh khi lên núi là anh hạ ngay mấy cây chuối rừng, chặt đầu chặt gốc, lột thân chuối ra lấy cái lõi chuối ở giữa (bọn tôi gọi là đèn néon) nhai ngon lành hết hai cây néon, uống nửa lon gô nước rồi mới đi chặt cây. Loại đèn néon này trại quy định mỗi người khi đi lao động trở về phải nạp cho nhà bếp hai cái đèn néon. Nhà bếp sẽ cho xắt mỏng ra nấu với tí mắm ruốc phát cho anh em gọi là tăng cường thêm khẩu phần hàng ngày.

Tuy nhiên, chén bắp gối đầu hàng ngày của anh không phải lúc nào cũng được ở cùng anh, thuộc về anh, ngự trị trong tim óc anh rằng anh luôn có một phần ăn dự trữ trong đời. Cứ vài ba tháng, các cán ngố trại chờ khi phe ta lao động ở hiện trường bèn đi kiểm soát tịch thu các vật dụng của tù xem có ai dự trữ muối (để trốn trại) hoặc dấu các thứ cấm kỵ như thuốc men, dao, kéo vv? Thế là chén cơm bắp gối đầu của bạn ta đành trở về với nhà bếp. Lao động trở về, chén bắp không còn nữa, bạn ta buồn và tiu nghỉu hết mấy phút rồi chiều hôm ấy sẵn sàng nhịn đói một hôm, lại để dành gối đầu một chén bắp khác như một cái vòng lẩn quẩn bao quanh người anh. Cũng trong tổ canh tác của tôi còn có một chuyên viên gối đầu nữa nhưng cái sự gối đầu của anh này dễ sợ hơn anh to xác kia. Chén bắp anh gối đầu thường là anh để phải vài ba ngày có mùi chua rồi anh mới ăn, chẳng thấy anh đau bụng đau bão gì hết trơn. Thế mới là tài các cụ ạ. Hình như cái bao tử của anh được Thượng Đế chế tạo bằng một loại kim khí đặc biệt có thể hóa giải được mọi loại vi khuẩn, vi trùng!

Anh chuyên viên gối đầu to xác ấy là nguyên cớ khiến cho 12 người trong tổ canh tác của tôi hàng đêm phải mất thì giờ làm kiểm điểm, rút kinh nghiệm học tập để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa tiến bộ hơn. Lý do phải kiểm điểm anh là vì hầu như ngày nào cũng vậy, anh luôn luôn bị các tên bộ đội bắt gặp anh đang cải thiện (tức là hái trái cà, trái bí, ngắt đọt rau lang, rau tàu bay trái với quy định của trại). Mỗi lần tổ làm kiểm điểm anh thì tôi được chỉ định làm thư ký ghi biên bản. Anh em nản lắm vì lao động cả ngày mệt nhọc, trong khi các tổ khác có thể ngủ để lấy sức còn bọn tôi cứ phải ngồi đồng hàng đêm, nhai đi nhai lại những câu nói vô nghĩa thì ai mà không chán, lắm lúc nổi giận nữa là khác. Tôi còn nhớ có một đêm, tổ đang ngồi kiểm điểm cái tội anh bị bộ đội bắt gặp hái cà lúc ban trưa, trong lúc mỗi người góp một câu để xây dựng anh đừng cải thiện linh tinh nữa thì anh đưa tay xin phát biểu ý kiến. Anh nói :

– Tôi nhận lỗi là hồi trưa tôi có hái 3 trái cà trong vườn. Làm như thế là tôi phạm nội quy của trại. Tôi hứa sẽ khắc phục và học tập tốt để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa.

Nói xong câu nói đó, anh xin đi ra ngoài đi tiểu. Tên bộ đội giám sát buổi kiểm điểm đồng ý cho anh ra ngoài. Còn lại 11 người trong tổ vẫn tiếp tục sinh hoạt, đại khái mỗi người nói một câu gì đó để chờ anh. Anh em chờ đến gần nửa giờ vẫn chưa thấy bóng dáng anh đâu hết. Chập sau, mọi người thấy hai tên bộ đội dẫn anh vào. Hai tên bộ đội cho biết là bắt gặp anh đang hái trộm bắp của trại và yêu cầu phải kiểm điểm gắt gao anh ! Thêm cái tội hái trộm bắp của anh nữa thì tổ của tôi hứa hẹn đêm mai lại tiếp tục ngồi đồng kiểm điểm anh ta. Đối với anh em trong tổ, trường hợp này có thể xem như là gối đầu kiểm điểm đấy chứ. Chư vị thấy có vui và tức cười không ?

Tôi có thể nói niềm hạnh phúc lớn lao nhất của phe ta trong tù là lúc cái bao tử được no. Có cách nào được no đây ? Phải nói là sự sáng tạo của phe ta để được no cũng rất trí tuệ. Chẳng biết ai là người đầu tiên sáng chế ra cách chơi hụi này. Cái màn chơi hụi chỉ xảy ra trong thời điểm trại cho tù ăn bột mì. Nhà bếp nhồi bột mì rồi ép lại làm thành từng cái bánh, bề ngang khoảng 8 cm, chiều dài 10cm, dày cỡ 1cm rồi cho vào chảo luộc sau đó phát cho tù. Trại quy định mỗi bàn (mâm) ăn là 6 người. 6 trại viên này sẽ lần luợt thay phiên nhau đến nhà bếp lãnh về chia cho anh em trong bàn mình. Mỗi người được phát cho hai cái rưỡi bánh mỗi ngày. Tức là tiêu chuẩn sáng nửa cái, trưa một cái, chiều một cái. Khi cả 6 người trong cùng mâm đồng ý chơi hụi rồi thì có cái màn bắt thăm xem ai là người hốt hụi trước tiên. 5 người kia mỗi người cắt ra nửa cái bánh góp cho người được hốt hụi. Anh chủ hụi trong ngày hôm ấy sẽ có thêm được hai cái bánh rưỡi do 5 anh kia góp. Như thế, trong ngày hốt hụi bữa đó, anh có một lúc tới những 5 cái bánh ! Cho ngần ấy số lượng bột mì vào bao tử cùng với nửa lon gô nước, so với những ngày đói thắt ruột vừa qua thì quả là anh có được một ngày no nê, đêm ngủ thẳng cẳng. Và đó chính là niềm hạnh phúc vô biên. Dĩ nhiên, hôm sau anh ta phải góp lại nửa cái bánh đóng hụi chết cho anh khác hưởng! Những lúc chỉ còn có hai cái bánh mỗi ngày, để cảm thấy số lượng bột mì cho vào bao tử được nhiều hơn, anh lấy ra một cái bánh xắt thành những miếng vuông vuông như quân cờ bỏ vào trong lon gô, thêm một tí muối rồi đổ nước sôi vào ngâm độ nửa giờ, bột mì nở ra, thể tích có thể tăng gắp đôi ! Anh chỉ cho tôi nên làm cách ấy thì cái bao tử sẽ no hơn. Tôi cười bảo anh :

– Thì anh ăn nó rồi uống nước vô nó có khác cái gì đâu.

Anh chống chế lấy lệ :

– Đói thì phải sáng tạo chứ lị!

Trên đây là chuyện gối đầu hay chơi hụi của phe ta dưới sự cai quản của bộ đội Việt Cộng trong thời gian đi tù ở Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1977, được chuyển qua tay quản lý của đám công an áo vàng ở trại Vĩnh Quang, Vĩnh Phú thì bọn tôi phải đối đầu với cái đói còn dã man và thê thảm hơn. Thời vàng son đã qua, hết cải thiện linh tinh, không còn cách nào vồ tạt được nữa. Nghĩa là no way chơi hụi, hết phương gối đầu! Ở trại này anh nào muốn cái bao tử của mình no để tối ngủ ngon thì rán chịu nhịn phần ăn buổi trưa để đến chiều ăn cả hai phần một lúc. Còn những người được thân nhân ra thăm nuôi hoặc nhận quà gửi qua bưu điện thì không nói làm gì, đời sống của họ khả quan hơn. 

Tôi còn nhớ anh bạn nằm cách tôi hai người đã tranh đấu mãnh liệt với cái đói để không ăn phần ăn trưa chỉ với mục đích chờ ăn phần ăn chiều luôn một lúc. Anh lãnh phần bột mì phát cho anh, mọi người ra ngồi ở bàn nhai bánh mì với muối, sau đó vào ngủ trưa chờ buổi lao động chiều. Riêng anh thì anh đem cất phần ăn của anh vào trong cái lon gô đem để trên xích đông chỗ đựng quần áo rồi nằm nhìn lên cái lon gô. Tôi quan sát thấy hầu như anh không thể ngủ được. Nằm được mươi mười lăm phút gì đó, anh nhỏm dậy, lấy cái lon gô đựng bột mì xuống, mở nắp ra nhìn một lúc, anh lại đậy nắp đem đặt lon gô ở chỗ cũ rồi lại nằm xuống nhìn lên. Suốt hơn một tiếng đồng hồ nghỉ trưa, cái động tác nhỏm dậy lấy lon gô mở nắp nhìn, đậy nắp lại, để lại ở chỗ cũ rồi lại nằm xuống nhìn lên đó của anh diễn đi diễn lại cũng vài ba lần. Tôi hiểu rằng anh đã phải cố gắng lắm mới vuợt qua được cơn đói cồn cào đang hành hạ anh. Thật tình, lúc ấy tôi rất khâm phục sức chịu đựng của anh. Khi tiếng kẻng báo tập họp buổi lao động chiều vang lên, anh thở phào nhẹ nhỏm, đứng dậy mặc quần áo chuẩn bị đi lao động. Anh đã vượt qua, đã chiến thắng được cái đói của mình. Anh uống nửa lon gô nước và ra sân tập họp. Anh chịu đựng cơn đói thêm 4 tiếng đồng hồ nữa để biết rằng buổi chiều, khi lao động trở về, anh có thêm một phần ăn bột mì nữa và điều đó sẽ dẫn đến giấc ngủ đêm nay của anh dễ chịu hơn.

Như đã nói, đời sống của phe ta khi vào tay bọn công an quản lý rồi thì thê thảm vô cùng. Bọn áo vàng kiểm soát rất chặt chẽ, ra lao động ở hiện trường lúc nào cũng có chúng theo canh giữ, vì thế khó có anh nào kiếm thêm được củ khoai, trái bắp. Đã thế, chế độ nuôi tù của bộ nội vụ Việt Cộng rất độc ác. Thời gian đầu, chúng phân chia làm 3 hạng : hạng A, 18 kí (thực phẩm) một tháng; hạng B, 15 kí một tháng và hạng C, 13 kí rưỡi một tháng. Anh tù nào lao động giỏi, tích cực thì được cho ăn hạng A, lao động trung bình thì ăn hạng B còn già yếu bết bát thì ăn hạng C. Được ăn A, B hay C là do đội họp lại bình bầu đánh giá từng anh một theo sự nhận xét của anh đội trưởng và các tổ trưởng trong thời gian lao động đã qua chứ không phải khơi khơi mà được đâu. Triết học Mác Lê gọi đó là hưởng theo năng lực lao động. Chính vì cái vụ cho ăn A, B, C ấy đã tạo ra sự thi đua, tích cực lao động của phe ta dẫn đến việc một số bạn ta đem hết sức mình ra lao động để cuối cùng kiệt lực, đau ốm không thuốc men chữa trị, đành nhắm mắt từ giã cõi đời đói khổ, đầy dẫy hận thù này?

Khi tạo ra 3 hạng ăn A, B và C như thế, Việt Cộng nhắm vào mục đích thúc đẩy và bóc lột sức lao động của tù nhân đồng thời gây ra sự mâu thuẫn, đố kỵ, ganh ghét trong hàng ngũ phe ta. Cái thâm độc của Việt Cộng là ở chỗ đó. Khi phe ta đã gần như kiệt sức rồi thì tất cả đều ăn đồng loạt 11 kí rưỡi thực phẩm một tháng, không còn A, B, C gì nữa. Việt Cộng bố trí kế hoạch để cho tù ăn từ 18, 15 kí xuống còn 11 kí mà không tạo ra sự chống đối hay nổi loạn trong trại rất tinh vi. Tôi nhớ khoảng năm 1980, một buổi trưa lúc đội đi lao động trở về được anh trực buồng cho biết là cả trại hôm đó phải ăn cháo. Chia ra mỗi người được một chén cháo bo bo. Nhà bếp cho hay là trại đã hết lương thực, trại viên cần phải phấn đấu khắc phục. Anh em trong trại xôn xao và tỏ ra lo lắng lắm. Ăn chỉ một chén cháo mà đi lao động thì có nước chết sớm. Chế độ ăn cháo kéo dài được 2 ngày, nhiều người đi không vững, các đội trưởng phe ta họp nhau làm kiến nghị gửi lên trại trưởng giải quyết. Trại trưởng họp tất cả trại lại thông báo rằng tình hình lương thực chung của cả nước đang gặp khó khăn.Tuy nhiên trại thông cảm với đời sống của anh em nên đã trình bày với Trên (ý nói Bộ Nội Vụ) xin cho anh em được ăn mỗi người một tháng 11 kí rưỡi thực phẩm. Kể từ ngày mai các anh khỏi phải ăn cháo nữa ! Phải nói rằng trong cảnh nước sông cơm tù như thế mà phe ta còn sống sót được phần lớn là nhờ sự tiếp tế thăm nuôi từ bên ngoài của gia đình.

Tôi vừa chia xẻ cùng bạn chuyện gối đầu của chúng ta trong những năm tháng đói khổ cùng cực ở các nhà tù Cộng Sản. Có thể bạn sẽ nói với tôi: Thôi, chuyện cũ rồi nhắc lại làm chi. Xin bạn thông cảm và hiểu cho tôi. Khổ lắm bạn ạ, lắm lúc tôi cũng muốn quên phứt đi cho rồi nhưng càng muốn quên thì lại càng nhớ rõ hơn. Đành phải viết ra cho đời thêm vui. Điều sau cùng tôi muốn nói với bạn là dạo này chúng ta đã gần 6 bó cả rồi, có thể lẩm cẩm, mắt mũi kèm nhèm trông gà hoá cuốc lắm đấy. Tôi nói như vậy để nhắc bạn rằng tôi nói chuyện GỐI ĐẦU chứ không phải ĐẦU GỐI đâu nhé. Còn nói chuyện với cái đầu gối thì tôi tin rằng, tôi và bạn, kể từ ngày nhờ chương trình H.O sang định cư trên xứ Mỹ kỳ cục, xô bồ và lạ lùng này thường gặp chuyện ruồi bu và bực mình nên cũng đã nhiều phen độc thoại với nó rồi. Có phải vậy không bạn?

Huỳnh Văn Phú
Nguồn: http://tqlcvn.org/dsst2011/dsst2011-chuyen-goidau.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét