Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

KHÔNG ĐỒNG Ý BẢN ÁN DÀNH CHO HÀ VĂN NAM

TÔI KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI BẢN ÁN DÀNH CHO HÀ VĂN NAM
Sơn Bùi - Hôm nay TAND huyện Quế Võ đã áp dụng điểm c: Gây cản trở giao thông nghiêm trọng và điểm d: Xúi giục người khác gây rối quy định trong khoản 2 điều 318 BLHS với bị cáo Hà Văn Nam và tuyên án anh Nam 30 tháng tù giam sau khi đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Cá nhân tôi không đồng ý với bản án này ở những điểm sau:
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng, bầu trời, cây, thực vật, đám đông và ngoài trời
1- Không đủ cơ sở để áp dụng điểm c, khoản 2 điều 318 BLHS. Lý do anh bị cáo Hà Văn Nam không phải là người điều khiển phương tiện giao thông khi xe dừng đỗ tại làn thu phí và thời điểm anh Nam rời xe để vào nhà điều hành là thời điểm hiện tượng tắc đường chưa xảy ra. Nguyên nhân gây tắc đường thì ngoài lý do một số xe khác cũng dừng ở trạm thu phí để thắc mắc kiến nghị miễn phí cho xe địa phương còn có lý do trạm không chịu mở barie kịp thời để các xe lưu thông chứ không phải do hành động hay ý muốn chủ quan của anh Nam dẫn tới tắc đường. Như vậy bị cáo Hà Văn Nam không thực hành hành vi gây cản trở giao thông.

2- Cần xem lại các bằng chứng chứng minh hành vi xúi giục người khác gây rối trật tự nơi công cộng theo điểm d, khoản 2 điều 318 BLHS. Hành vi xúi giục ở đây phải hiểu là xúi giục người khác để đạt được mục đích phạm tội. Việc anh Hà Văn Nam hướng dẫn một vài lái xe cách thức dừng xe để nêu yêu cầu được đối thoại với quản lý trạm BOT Phả Lại khác với hành vi xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng. Hai hành vi này khác nhau về mục đích và bản chất. Cơ quan tố tụng cũng không chứng minh được hậu quả tắc đường là mong muốn chủ quan (mục đích) của bị cáo Hà Văn Nam và 6 tài xế khác. Và như tôi có phân tích ở trên tắc đường nguyên nhân một phần do trạm thu phí không xả trạm kịp thời theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ- CP.

3- Cần xem xét trách nhiệm liên đới của trạm BOT Phả Lại khi không xả trạm kịp thời theo Nghị định 46/2016/ NĐ- CP dẫn tới tắc đường hơn 1h đồng hồ ngày 31/12/2018. Nếu trạm thu phí BOT Phả Lại xả trạm kịp thời thì hiện tượng tắc đường sẽ không xảy ra. Về thiệt hại kinh tế nếu có do phải xả trạm thì chủ đầu tư có thể củng cố bằng chứng thiệt hại để đòi bồi thường kinh tế trong một vụ án dân sự. Được biết thiệt hại của việc xả trạm ngày 31/12/2018 chỉ là 23.345.000 đồng.

4- Áp dụng đồng thời điểm c, d khoản 2 điều 318 BLHS đối với bị cáo Hà Văn Nam là sai. Bị cáo Hà Văn Nam bị truy tố về hành vi xúi giục người khác phạm tội (điểm d) nhưng bản thân bị cáo không thực hành hành vi phạm tội đó (điểm c) và khi hậu quả xảy ra thì bị cáo Hà Văn Nam nếu có tội thì chỉ có tội xúi giục. Trong trường hợp này không thể bắt bị cáo gánh thêm trách nhiệm hậu quả của hành vi xúi giục (nếu có) vì có hậu quả thì mới bị truy tố ở điểm d. Làm như vậy không khác gì đã bắt đền con gà mái rồi nhưng lại bắt đền cả đàn gà có thể được nở ra từ ổ trứng mà nó đang ấp.

5- Kiến nghị của bị cáo Hà Văn Nam cùng 6 lái xe khác là kiến nghị hợp lý, bằng chứng là sau sự việc ngày 31/12/2018 Bộ GTVT đã đồng ý miễn phí cho các hộ dân sinh sống xung quanh trạm. Kết quả đạt được là mong muốn chính đáng của các hộ dân nơi đây. Việc áp khung 30 tháng tù cho bị cáo Hà Văn Nam là không hợp tình hợp lý.

Tóm lại bị cáo Hà Văn Nam nếu phải chịu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra, cơ quan xét xử phải chứng minh được hành vi xúi giục theo nội dung ở điểm 2 của bài viết. Và nếu có chứng minh được hành vi xúi giục của bị cáo Hà Văn Nam thì khi áp dụng khung hình phạt (từ 2- 7 năm) phải xem xét ở mức nhẹ nhất có thể vì hậu quả gây ra nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Và hành động của bị cáo xuất phát từ động cơ tốt đẹp: Vì cộng đồng.

Bài viết này rất mong được các luật sư, các chuyên gia và cộng đồng mạng góp ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét