Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

MỘT LẦN ĐẾN VÂN ĐỒN

MỘT LẦN ĐẾN VÂN ĐỒN
Nghia Xuan Nguyen - Vân Đồn là một quần đảo phía Đông và Đông Bắc vịnh Bái Tử Long, là một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh. Nó gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ. Trong tổng số 600 hòn đảo thuộc huyện thì có hơn 20 đảo có người ở. Vân Đồn gồm 12 đơn vị hành chính, với khoảng 43.000 dân.  Đảo lớn nhất trong quần đảo Vân Đồn là Cái Bầu, rộng 17.212 ha, trước có tên là Kế Bào, ở phía Tây Bắc huyện nằm kề cận đất liền, cách đất liền bởi lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn. 

Nghe gọi là quần đảo, tưởng xa xôi lắm, nhưng thực tế từ đất liền, (tại thị trấn Cửa Ông Quảng Ninh ) ra hòn đảo gần nhất là Cái Bầu chỉ vài nghìn mét. Từ nay có thể sang đảo Cái Bầu bằng đường bộ qua 3 cây cầu Vân Đồn I, Vân Đồn 2 và Vân Đồn 3, chiều dài của mỗi cây cầu cũng chỉ hơn trăm mét. Chúng nối đất liền và 3 hòn đảo gần nhau liên tiếp và cũng gần đất liền nhất. Giao thông giữa các đảo còn lại ở phía ngoài vẫn tạm bằng thuyền...



Có lẽ, chục năm trước chỉ người Quảng Ninh và người ven biển Hải Phòng biết đến huyện đảo Vân Đồn. Còn bây giờ, năm 2018, người dân cả nước biết, người dân cả thế giới biết khi nó là 1 trong 3 dự án trở thành đơn vị hành chính và kinh tế đặc biệt (Đặc khu) mà quốc hội VN đang xem xét và cũng vì nó mà có các cuộc biểu tình phản đối luật đặc khu hàng vạn người dân trên khắp cả nước tham gia và hàng trăm người bị bắt, bị đánh đập, bị cướp tài sản và bị kết án tù.


Chúng tôi đã đến đây vào ngày chủ nhật 5/8/2018.

Từ Hải Phòng hai lão già 70 tuổi chúng tôi ra đi bằng xe gắn máy. Chúng tôi chọn đường 10 cũ để đi. Đi theo đường này ngắn hơn phải vòng lên đường 10 (mới) qua cầu Đá bạc, cầu Đụn chéo lên thị Trấn Đông Triều rồi mới xuống được Uông Bí. Dùng đường này chúng tôi mất khoảng 30 phút chết khi qua phà Rừng. Nhưng bù lại con đường ngắn được khoảng 25 Km; thêm nữa còn được thấy con đường uốn lượn quanh co đèò dốc nhỏ với các đồi thông và làng mạc còn đậm nét cổ điển và thơ mộng hai bên.
Chúng tôi vượt qua cầu dây văng Bãi Cháy vào lúc 11h, ăn trưa trong một quán bình dân ở thị xã Cẩm Phả. Cơm khá ngon và rẻ. Cơm, canh, cá biển, tôm biển... Có khoảng 7 món được bày ra bàn. Khách dùng dĩa tự lấy thức ăn mình muốn đặt vào khay cá nhân. Lấy bao nhiêu cô chủ quan sát và lẩm nhẩm vài chục giây nói ra số tiền khách phải trả.

Vào khoảng 13 giờ, chúng tôi có mặt ở cây cầu Vân Đồn 1, địa giới giữa đất liền và hải đảo.
Vào giờ trưa người xe đi lại thưa thớt. Xe máy đưa chúng tôi lên đỉnh cầu. Hai bên cầu là vịnh biển. Chúng tôi thấy một người đàn ông đang đứng giữa cầu thả mồi xuống biển câu cá. Táp xe vô, chúng tôi chụp ảnh cho nhau rồi nhờ anh chụp cho một kiểu ảnh có đủ hai người. Anh sẵn sàng nhưng lúng túng cầm điện thoại, hỏi đi hỏi lại 3 lần rằng chạm ngón tay vào chỗ nào trong mặt cái máy điện thoại thông minh là chụp ảnh. Anh nói anh chưa dùng cái này bao giờ với nụ cười rất thật. Tôi nói: Sau tháng 10 tới, Quốc hội thông qua luật đặc khu là vợ anh ở nhà có Ipon nối mạng biết anh ngoài này đã câu được bảo nhiêu cá. 

-Không đến lượt cháu.!
-Sao vậy. Cái điện thoại nối được mạng cũng rẻ thôi.
-Cháu mua cái cục gạch còn khó. Người đi lưới có thuyền. Người đi câu chỉ có cái cần câu.
-Thế còn đất đai? Bán đi một ít sắm tàu. Đang sốt đất. Sắp lên đặc khu.
-Đất nhà cháu chỉ đủ ở. Còn đất chung của dân chúng nó bán hết rồi!
-Ai bán? Bán cho ai?
-Nói ra chúng nó bảo phản động, cho đi tù!

Ngư phủ quay lại với cái cần câu của mình. Biết không hỏi được gì thêm chúng tôi lên xe đi tiếp.
Đảo Cái Bầu là “thủ phủ” của huyện đào Vân Đồn. Đường quanh co, lúc lên lúc xuống vì đèo dốc nhưng độ chênh chỉ đủ tạo ra cho người ngồi trên ô tô, xe máy cảm giác vi vu. Những tấm panel rộng dăm bảy m2 mô tả bằng hình ảnh đồ họa, ảnh quảng cáo cho các dự án khách sạn, khu vui chơi giải trí... dựng thành hàng rào bên phải đường. Sân bay tầm cỡ quốc tế mang tên ‘Sân bay quốc tế Vân Đồn” tọa lạc ở đây, do tập đoàn Vingruop xây cất. Các hạng mục cơ bản đã hoàn thành. Trước hôm chúng tôi đến một ngày máy bay đã thử cất và hạ cánh. Các bãi biển rộng và đẹp. Đây đó trên các bãi biển trũng hoặc đầm lầy đọng nước những khối đất đá núi màu gạch nằm ngổn ngang. Một người dân đi qua cho chúng tôi biết những đống đất đá kia người ta chở đến để san lấp lấy mặt bằng cho các dự án, nhưng việc san lấp đã dừng lại chờ luật đặc khu, ngoại trừ mặt bằng của tập đoàn Vingroup. Tập đoàn này đang xây một khách sạn 60 tầng và hình như không quan tâm đến luật đặc khu có hay không được thông qua. Tôi hỏi:

-Người Trung Quốc, các tập đoàn kinh tế Trung Quốc thì sao?
Cháu không biết khu đất nào, vịnh biển nào của ai. Sau dăm bảy tháng sôi như mỡ, vài tháng nay đã chững lại. Cháu cũng không thấy người Trung Quốc qua lại đảo này. Nếu có thì trong Bắc Vân Phong hay Phú Quốc. 

Chúng tôi lại đi. Khát. Ghé vào một quán nước mía ép, chúng tôi gọi đồ uống. Tôi để ý đến một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng , cửa đóng im ỉm. Bên trên có biển hiệu “Môi giới nhà đất’. Xem cung cách của cơ sở "Môi giới nhà đất" này đủ biết nó không chuyên nghiệp. Nó mọc lên theo ‘phong trào”. Tôi chỉ tay vào căn nhà, hỏi cậu chủ quán:

- Hôm nay chủ nhật. Cơ sở môi giới nhà đất không làm việc?
- Bỏ rồi! Ông chủ lại đi biển như trước
-Sao vậy?
- Có ai bán, ai mua đâu hai bác. Hai bác ở đâu đến?
-- Hải Phòng.

-Hai bác muốn mua đất ở hay đất... đầu tư?
-Chúng tôi mua đất ở. Chúng tôi muốn mua một mảnh đất rộng khoảng hai ba trăm mét vuông bên cạnh đất của bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Chú có biết mấy lô đất của bà Ngân nằm ở đâu không?
Không biết rằng tôi hỏi cho vui, cậu chủ quán suy nghĩ rồi đáp.:
- Không nghe ai là người ở đây nói bà Ngân mua đất trên đảo này. Chỉ nghe trên mạng xã hội.
- Còn người Trung quốc?
- Dân Quảng Ninh cương quyết không "chơi" với tàu!
-Chắc không? Luật đặc khu thông qua thì sớm muộn cũng phải "chơi" với Tàu đó chú.
- Không mà! Lãnh đạo Quảng Ninh cũng nói với dân như thế mà!

Tôi nghĩ không nên tranh luận tiếp với cậu. Cậu không thể biết trong luật Đặc khu có nhắc đến/ nhằm vào một đối tượng được nói tránh bằng cụm từ: "Có chung đường biên giới với tỉnh Quảng Ninh" và ông bí thư đảng Quảng Ninh nhất nhất đòi quốc hội thông qua luật Đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt. Cậu đang bày tỏ suy nghĩ của cậu, của người dân trên đảo Vân Đồn. Cậu đâu biết còn có một suy nghĩ khác đối lập để những ai bày tỏ suy nghĩ của mình sẽ bị coi là "phản động", bị đi tù như ngư phủ chúng tôi gặp trên cầu Vân Đồn 1 thật thà cho biết.
Đã hơn 3 giờ chiều, chúng tôi phải ra về. Dù chuyến đi ngắn ngủi như người cưỡi ngựa xem hoa chúng tôi cũng hiểu ra rằng đất và biển Vân Đồn rất đẹp, rất nhiều tiềm năng. Nhưng không thể ví nó như một thiếu nữ đang ngủ, bộ phận nào trên cơ thể thiếu nữ cũng đẹp, xẻ ra là bán được tiền. 

Đáng tiếc, một phát ngôn dung tục như trên lại từ miệng của một cán bộ cấp cao của đảng. Chúng tôi nghĩ nếu người dân Vân Đồn được làm chủ Vân Đồn nó phải như một chàng trai vạm vỡ đủ sức nâng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh và vùng lân cận lên xứng tầm , dù có hay không có Đặc khu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét