Du học - con vui, phụ huynh lo
28/7/2018 Cùng với điều kiện sống tăng trưởng, khái niệm du học đã không còn là chuyện của những gia đình có kinh tế cao như trước mà nay đã trở nên phổ biến, quen thuộc cả với những gia đình có điều kiện chỉ tương đối. Cùng với việc ngày càng có nhiều người đi du học và tuổi du học cũng càng ngày càng thấp, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh trong mối quan hệ gia đình, đặc biệt là những vấn đề về văn hóa.
Du học sinh tại Nhật Bản. Ảnh: XUÂN ĐỨC
Du học sướng lắm màVừa qua, một người Việt đang sống tại Nhật đã đưa lên mạng những hình ảnh gây sốc khi cô quay lại căn hộ trước đó cho một nữ du học sinh người Việt ở. Những hình ảnh cho thấy căn hộ nhỏ tràn ngập rác và rác, từ những gói rác chất đầy hành lang cho đến rác trong phòng, trên giường, trong nhà tắm…
Dĩ nhiên, nhìn vào hình ảnh này nhiều người đã phê phán ý thức của cô gái ở nhờ và thông qua câu chuyện này phê phán chung cả sự thiếu ý thức của một số du học sinh Việt tại Nhật.
Tuy nhiên, một số người Việt khác đang sinh sống tại Nhật thì cho rằng, bản chất vấn đề không chỉ nằm ở ý thức mà còn cả ở việc xung đột về văn hóa của những người mới.
Chỉ riêng vấn đề rác, tại Nhật có yêu cầu rất cao trong việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình, rác được chia làm 4 loại cơ bản là cháy được, không cháy được, ngoại cỡ và cuối cùng là các loại thủy tinh, vỏ lon… rồi còn nhiều loại quy định như rác nào phải vắt ráo nước, rác nào phải thu nhỏ lại, rác nào phải tháo mác, rác nào không được mang đi bỏ vào ngày trời mưa… bên cạnh đó, mỗi loại rác có một lịch đổ khác nhau mà bắt buộc người dân phải nhớ.
Trong các ấn phẩm chuyển tải kinh nghiệm về du học được xuất bản ở Việt Nam vừa qua, có một chi tiết được nhắc đến rất nhiều là việc tuyệt đối không nên ảo tưởng về nơi mình đi du học.
Một cô gái đi du học tại Nhật bởi vốn rất yêu thích hình ảnh đất nước, con người Nhật Bản. Thế nhưng, khi đi làm thêm tại Nhật, cô bị sốc vì sự lạnh lùng mà cô cho là đến tàn nhẫn và phản ứng bằng cách lên mạng xã hội kêu than.
Một người khác du học tại nước Anh thì lại bị sốc vì kiểu đùa của người Anh đi ngược lại quan niệm quen thuộc của người Việt về phẩm giá cá nhân…
Trên thực tế việc va vấp về văn hóa như vậy là hết sức bình thường. Tuy nhiên, với những người du học họ lại luôn bị một áp lực mang tên “du học sướng lắm mà” của bạn bè tại quê hương và với nhiều người, họ phải che giấu những vấn đề của cá nhân và rồi tập quen dần với lối sống mới mà không biết rằng lại đang đi vào một trở ngại khác, cũng lớn lao không kém.
Áp lực ngày về
Hiện nay, có rất nhiều đầu sách, tác phẩm viết về du học mà gần đây là dòng sách du học do chính các du học sinh viết. Các cuốn sách đó mang tính thực tế cao khi hướng dẫn những bạn trẻ đang có ý định hay sẵn sàng lên đường du học những bài học cực kỳ bổ ích, từ chuyện thuê nhà, ở chung đến làm thêm, bố trí giờ học, thậm chí cả những chuyện tế nhị như yêu đương…
Thế nhưng, có một điều khá khó hiểu là lại gần như không có cuốn sách nào viết về việc du học xong trở về sẽ như thế nào. Chỉ có vài tác phẩm mang tính văn chương của các du học sinh vốn là nhà văn có đề cập đến vấn đề này.
Thực tế, có rất du học sinh đã viết bài về những vướng mắc ngày về từ du học, trong đó điều đầu tiên được nhắc đến chính là khác biệt về văn hóa. Chị P.H., một cựu du học sinh Havard ngành MBA, đã không thể quên những vất vả trong công việc khi về lại Việt Nam sau 14 năm học tập.
Điều đáng nói là vấn đề chủ yếu đến từ sự khác biệt về văn hóa công sở, ở các nước châu Âu văn hóa công ty phân biệt rạch ròi giữa công việc và đời sống cá nhân. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhân viên chia sẻ với nhau mọi chuyện như người một nhà.
Mang quan niệm phương Tây vào đời sống văn phòng Việt, chị H. gần như bị tẩy chay, các nhân viên dưới quyền ngại tiếp xúc do nghĩ chị là kênh kiệu, xa cách mọi người.
Có một hội chứng mà người đi du học hay mắc phải được gọi là “sốc văn hóa” và đến khi quay trở về nhà, họ lại dễ mắc phải một hội chức khác là “sốc văn hóa ngược”.
Với rất nhiều người nhất là thế hệ 6x, 7x thì câu chuyện du học hiện nay chính là sự lặp lại của câu chuyện đại học (ĐH) thời trước. Khi đó, ĐH cũng là một cách cửa lớn, một khái niệm “cao cấp” và tấm bằng ĐH là bảo chứng cho sự thành công trong cuộc đời.
Đến khi ĐH trở nên quá quen thuộc, nó đã trở lại đúng với giá trị thật của mình khi chỉ là một bước đệm, dù quan trọng nhưng không phải là quyết định đến cuộc sống. Du học cũng đã trải qua một quãng thời gian giống như vậy nhưng cùng với quá trình mở cửa của đất nước, du học cũng ngày càng trở nên quen thuộc hơn, dễ tiếp cận hơn.
Và chính vì vậy, với vai trò là chỗ dựa của mỗi cá nhân, gia đình là nơi đầu tiên để những đứa con của mình vượt qua những áp lực, khó khăn của cú sốc ngược. Là chỗ dựa để giúp con em hòa nhập trở lại với thói quen giao tiếp và môi trường làm việc trong nước.
Có thể nói áp lực lớn nhất của các du học sinh đến từ kỳ vọng của gia đình. Ai cũng nghĩ, bỏ cả đống tiền đi học nơi trời xa thì dĩ nhiên phải có công việc cao cấp, thu nhập ngất ngưởng. Thế nhưng cuộc sống không dễ dàng như vậy. Kết quả, không ít du học sinh lâm vào cảnh thất nghiệp và khác với người thất nghiệp khác, họ khó nhận được sự chia sẻ, cả ở gia đình lẫn bạn bè bởi kỳ vọng cho họ ban đầu quá cao. Thực tế, đã có không ít trường hợp do áp lực từ gia đình khiến du học sinh lâm vào trạng thái trầm cảm hoặc thất vọng.
HOÀNG HƯƠNG
http://www.sggp.org.vn/du-hoc-con-vui-phu-huynh-lo-535519.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét