Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Viettel tại Đồng Tâm: quốc phòng hay kinh doanh?

Dự án Viettel tại Đồng Tâm: mục đích quốc phòng hay kinh doanh?
Ngòi nổ ở Đồng Tâm xảy ra khi chính quyền huyện Mỹ Đức dùng lực lượng công an, quân đội địa phương đối đầu với dân, để thu hồi đất giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel thực hiện dự án dưới danh nghĩa phục vụ mục đích quốc phòng. Nhưng đến thời điểm này thì dư luận trong cả nước vẫn tù mù thông tin, họ đang rất muốn biết dự án mà Viettel triển khai phục vụ mục đích quốc phòng hay sản xuất kinh doanh?
Theo như thông tin lan truyền trên mạng xã hội, Viettel sẽ triển khai 2 dự án tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức. 
Dư luận nghi ngại rằng, liệu Viettel đang mượn danh là thi công dự án quốc phòng để làm bức bình phong, che đậy cho việc lấy đất dân để triển khai dự án công cộng mà không đền bù tiền giải phóng mặt bằng?

Thứ nhất dự án quốc phòng A1 vào tháng 03/2015 Bộ Quốc phòng đã có quyết định số 551/QĐ-TM ngày 27/03/2015 thu hồi 50.03 ha đất trong diện tích 208 ha, do Quân chủng Phòng không Không quân đang quản lý, để giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tiếp nhận, sử dụng vào công trình quốc phòng A1. Theo báo cáo nhanh của Bộ quốc phòng về vụ Đồng Tâm đang lan truyền trên mạng, đây là một phần quan trọng của Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng.

Cũng theo báo cáo này, 50.03ha phục vụ dự án A1 hoàn toàn nằm trong 208ha diện tích đất quốc phòng mà Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã giao cho Bộ Quốc phòng từ năm 1980 theo quyết định 113/QĐ – TTg, đây cũng là nơi có 14 hộ dân xã Đồng Tâm sản xuất theo hợp đồng với Lữ đoàn 28.

Thứ hai là dự án hợp tác giữa TP.Hà Nội và Viettel mục đích đẩy mạnh phát triển viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020, được ông Nguyễn Đức Chung Chủ tịch UBND TP ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel vào ngày 04/06/2016. Số tiền đầu tư lên đến 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỉ USD). Buổi ký kết có sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và một số nhà đầu tư là Tập đoàn VNPT, MobiFone, EVN Hà Nội.

Trong biên bản hợp tác nêu rõ, UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm: Hỗ trợ các thủ tục hành chính để Tập đoàn Viettel đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước mắt, tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng tại huyện Mỹ Đức để xây dựng nhà máy sản xuất, các thủ tục cấp giấy phép xây dựng trạm BTS trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo chi tiết trong biên bản hợp đồng thì phía Viettel đang vướng vấp phải việc giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đức.

Vậy tại xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức Viettel đang triển khai dự án 1, hay dự án 2? Đất mà Viettel lấy thi công dự án là đất quốc phòng hay đất nông nghiệp của người dân? Ở đây sẽ có 2 trường hợp.

Theo chi tiết trong biên bản hợp đồng thì phía Viettel đang vướng vấp phải việc giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đức.

Trường hợp 1: Viettel đang thực hiện dự án 1, tức dự án quốc phòng, thì chính quyền xã Đồng Tâm sẽ có trách nhiệm giao lại đất quốc phòng cho Viettel triển khai dự án. Viettel không lấy đất nông nghiệp của người dân.

Trường hợp 2: Viettel thực hiện dự án 2, trên đất quốc phòng thì xin hỏi Viettel có quyền gì lấy đất quốc phòng để triển khai dự án công cộng? Ai đã phê duyệt cho Viettel sử dụng đất quốc phòng vào mục đích không phải là bảo vệ đất nước?

Còn nếu Viettel thực hiện dự án 2 trên đất nông nghiệp của người dân, tại sao Viettel không đền bù tiền giải phóng mặt bằng, mà lại núp bóng chính quyền huyện mượn tay họ để cưỡng chế đất dân? Như thế chính quyền Mỹ Đức có đang đi ngược với định hướng xây dựng nhà nước kiến tạo của Thủ tướng?


Trở lại vụ tranh chấp đất tại xã Đồng Tâm, sau khi có quyết định thực hiện dự án quốc phòng, thì hợp đồng giữa Lữ đoàn 28 và 14 hộ dân sản xuất trên diện tích đất quốc phòng chấm dứt. Từ đó đất bỏ hoang khoảng 3 – 4 năm nay, cỏ mọc um tùm. Người dân cũng chấp nhận trả lại đất, vì họ biết là không phải đất của họ.


Khu đất đang xảy ra tranh chấp. Ảnh: NN-VL

Cụ Lê Đình Kình người đại diện cho xã Đồng Tâm cũng trình bày trong video lan truyền trên mạng những ngày qua: “nếu UBND xã Đồng Tâm lấy đất mà 14 hộ dân này sản xuất theo hợp đồng (trên phần đất quốc phòng), thì người dân sẵn sàng bàn giao, giữa quân và dân vui như ngày tết không có chuyện gì xảy ra”.

Tuy nhiên, ngày 14/11/2016, UBND huyện huy động lực lượng đến khu đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm để tiến hành đo đạc, cưỡng chế giải tỏa, cắm biển báo “Khu vực quân sự” để bàn giao cho Viettel, mà theo lời cụ Kình nói: “Đây là hành động treo đầu dê bán thịt chó”.

Đến 15/2/2017, Viettel cho máy móc thi công san lấp mặt bằng để triển khai dự án tại thôn Đồng Sềnh, thì bị người dân ngăn cản và xảy ra vụ tranh chấp như hiện nay. Tại sao người dân lại ngăn cản và phản đối khi Viettel triển khai dự án? Phải chăng vì lợi ích của doanh nghiệp đặt trên lợi ích của người dân nên mới xảy ra xung đột như thế?

Dư luận nghi ngại rằng, liệu Viettel đang mượn danh là thi công dự án quốc phòng để làm bức bình phong, che đậy cho việc lấy đất dân để triển khai dự án công cộng mà không đền bù tiền giải phóng mặt bằng? Phải chăng vì những mối quan hệ đi đêm tiền tỷ mà UBND huyện, xã tiếp tay cho Viettel lấy đất dân thực hiện dự án, phục vụ cho nhóm lợi ích? Chính phủ nên vào cuộc thanh tra làm rõ, để trả lại công bằng cho người dân, và xử lý những lãnh đạo huyện Mỹ Đức, doanh nghiệp đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng.

Nguồn: Nhóm bàn luận vụ Đồng Tâm
(Blue)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét