54% dân tin xin việc phải hối lộ: Có khi nhiều hơn
Một bộ phận người Việt đang coi việc đưa phong bì, hối lộ cấp trên là thú văn hóa quà cáp, ăn sâu vào thói quen, trong cách nghĩ, cách làm. Cấm nhận quà xe sang, 54% dân đưa hối lộ / 54% dân tin xin việc phải hối lộ: Chuyện công chức giàu
ĐBQH Hoàng Văn Cường
Hệ lụy từ tư duy bao cấpCon số 54% số người dân được hỏi cho rằng, cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (Cecodes) công bố hôm 4/4 đang khiến dư luận xôn xao. Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐBQH Hà Nội khẳng định bản thân không hề bất ngờ trước công bố trên.
Theo ông Cường, hiện nay để tìm kiếm một công việc tại các cơ quan nhà nước, người dân đang chịu nhiều sức ép. Những năm gần đây, nhà nước đang khống chế để không tăng thêm biên chế, thậm chí tìm cách tinh giản cán bộ thiếu năng lực để làm gọn bộ máy công quyền.
“Chỉ tiêu biên chế vào khu vực nhà nước ngày càng ít đi. Trong khi nhiều người lại mong muốn có được một vị trí tại khu vực công. Người ta quan niệm, làm việc trong cơ quan nhà nước thì tính ổn định và hệ số an toàn cao hơn. Thậm chí nhiều người còn tin tưởng, tương lai trong cơ quan nhà nước sẽ tốt hơn nhiều so với khu vực tư.
Đặc biệt lĩnh vực cải cách hành chính của Việt Nam hiện nay chưa được triệt để, các quy trình, quy định có nhưng không rõ ràng, chặt chẽ. Do đó chuyện tiêu cực, đưa quà cáp, hối lộ để xin việc trong cơ quan nhà nước dễ xảy ra”, ông Cường nhấn mạnh.
Vị ĐBQH Hà Nội khẳng định, con số 54% thừa nhận có hành động hối lộ để đổi lấy việc làm trong cơ quan nhà nước không phải quá cao. Thực tế con số trên có thể nhiều hơn nhưng vì lý do này, lý do khác mà người được hỏi không muốn tiết lộ.
Lấy dẫn chứng trực tiếp từ bản thân, ông Nguyễn Bá Sơn, ĐBQH Đà Nẵng khẳng định, việc chạy chức, chạy quyền mà dư luận đề cập đến đang ngày càng bị biến tướng.
Theo ông Sơn, cần phải nhìn rộng ra với con số 54 % người dân phải đưa hối lộ để xin được việc tại khu vực nhà nước.
“Phải tìm hiểu xem cán bộ viên chức đòi hỏi phong bì hay chính những người được khảo sát đưa tiền ra và tìm mọi cách để người thực thi công vụ phải cầm.
Tôi đã gặp những trường hơp như vậy. Tôi đã nói thẳng với những người đến nhờ giúp đỡ là không có chỗ để họ chen chân vào nhà nước. Tôi khuyên họ đừng hi vọng, hãy đi tìm kiếm công việc phù hợp. Thậm chí tôi còn cảnh báo, ai hứa giúp họ chuyện đó là nói tào lao và tiền mất tật mang.
Tuy nhiên người ta vẫn cố gắng năn nỉ và đề nghị giúp đỡ. Từ trực tiếp đến gián tiếp, sau cùng tìm cả đến nhà làm sao để đưa được phong bì”, ông Sơn chia sẻ.
Đút rút nhiều trường hợp từ thực tế, vị ĐBQH Đà Nẵng thừa nhận, một bộ phận không nhỏ người Việt đang coi việc đưa phong bì, hối lộ cấp trên là thú văn hóa quà cáp. Nó ăn sâu vào thói quen, tập quán, trong cách nghĩ, cách làm của người dân.
Bởi lẽ, Việt Nam sống trong một thời kỳ dài bao cấp. Đến thời điểm hiện nay, dù xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng những tư duy lạc hậu vẫn còn rơi rớt lại và chưa thể cắt hết gốc rễ.
“Khi đưa được phong bì, người ta cảm thấy thoải mái và nghĩ rằng sẽ được một cái gì đó. Thực tế có nhiều việc bản chất không hề bị tác động bởi quà cáp hay phong bì nhưng do những hành động méo mó trên nên xã hội thường hiểu sai và nghĩ tiêu cực”, ông Sơn nhấn mạnh.
Công chức phải hối lộ khi xin việc
Phải sàng lọc chặt chẽ
Một vấn đề khác được PGS.TS Hoàng Văn Cường nhắc đến, đó là những người đứng đầu tại các địa phương đều khẳng định việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ đúng quy trình. Tuy nhiên khi báo chí phản ánh và cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra mới phát hiện ra quy trình tưởng như chặt chẽ đó đầy những thiếu sót và kẽ hở.
“Quy trình của chúng ta không thật sự khách quan, thiếu chặt chẽ nên người ta dễ lợi dụng để đưa con em, người thân vào làm việc. Những tồn tại trên trong quá trình quản lý của chúng ta đã kéo dài nhiều năm nay. Chính vì thế Thủ tướng đã phải tuyên bố xem lại quy trình bổ nhiệm trước đây đồng thời khẳng định tạo ra quy trình minh bạch, chọn người tài chứ không chọn người nhà”, ông Cường nói.
Để giải quyết tình trạng trên, vị ĐBQH Hà Nội cho rằng cần phải tiến hành song song 2 biện pháp tuyển chọn và sàng lọc nhân tài.
“Đầu tiên, chúng ta phải có quy trình công khai, chặt chẽ để mọi người dân được giám sát, kiểm tra thật sư. Quy trình phải minh bạch chứ không phải tạo ra để người quản lý vận dụng như thế nào cũng được.
Thứ hai, chúng ta phải tạo ra sự sàng lọc đối với cán bộ làm ở khu vực công. Những người không có năng lực, không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ phải loại bỏ ngay. Dù họ có lọt qua khe cửa tuyển dụng nhưng nếu không có tài năng thật sự cũng không thể tiếp tục tồn tại trong bộ máy được.
Chúng ta phải thực hiện song song 2 việc này để lựa chọn được người có tài, tránh tình trạng cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về và không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Cường nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị người dân thay đổi nhận thức, không nên có tư tưởng “bám” vào nhà nước để hưởng đặc quyền, đặc lợi.
“Bất cứ một ai khi ngồi trên ghế nhà trường cũng nên định hướng, hướng nghiệp một cách đúng đắn. Cần phải nhận thức rằng khi ra trường chúng ta sẽ chiến đấu với cuộc đời này, để chúng ta trưởng thành với cuộc đời chứ không phải dựa vào nhà nước. Sự đổ bể của công tác cán bộ thời gian qua ở nhiều địa phương chính là hệ quả của việc chúng ta chạy chức, chạy quyền”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàn
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/54-dan-tin-xin-viec-phai-hoi-lo-co-khi-nhieu-hon-3332742/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét