“Mỹ nên chấm dứt đe dọa rỗng tuếch nhằm vào Nga”
Trong một bài phân tích đăng trên tờ New York Times ngày 27/3, chuyên gia nghiên cứu Ian Bremmer - Giám đốc Tập đoàn tư vấn "Eurasia Group", Giáo sư về nghiên cứu toàn cầu tại Đại học New York, cho rằng Mỹ nên chấm dứt những lời đe dọa mà ông cho là “rỗng tuếch” nhằm vào Nga khi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khen quân đội Nga
đã giúp tránh đổ máu ở Crimea (Nguồn: RIA)
Theo ông Bremmer, có ba nguyên nhân chính cho thấy những lời lẽ của Mỹ hiện nay là quá đà một cách khá nguy hiểm. Thứ nhất, Ukraine có tầm quan trọng với Nga nhiều hơn với Mỹ. Ukraine là vấn đề an ninh quốc gia lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Nga và quyết định có đưa quân vào đây hay không của Putin phụ thuộc vào các lợi ích an ninh quốc gia của Nga chứ không phải các vấn đề kinh tế ngắn hạn. Mỹ cần phải thừa nhận các lợi ích cốt lõi của Nga và nhìn nhận thấy những hạn chế của chính mình - và nên chấm dứt đưa ra những lời đe dọa rỗng tuếchThêm vào đó, kể từ 1991 tới nay, Nga đã trợ giá khí đốt cho Ukraine khoảng 200-300 tỷ USD. Nếu chính phủ mới tại Ukraine có thiên hướng chống Nga, Moskva sẽ ngừng trợ giá, làm gia tăng gánh nặng kinh tế khiến phương Tây và Ukraine khó có thể gánh vác được.
Thứ hai, nếu Nga tiến sâu hơn vào Ukraine thì nỗ lực phối hợp với các đồng minh của Mỹ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn chống Nga giống như chống Iran chắc chắn sẽ thất bại.
Trên thực tế, nếu ông Putin theo đuổi một chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn thì Mỹ và EU cũng khó có thể có phản ứng quân sự mạnh mẽ tương tự. Xuất khẩu năng lượng, sức mạnh thương mại và quy mô nền kinh tế của Nga khiến cái giá mà châu Âu phải trả nếu thờ ơ với Nga sẽ là rất lớn.
Mặc dù quyết định loại Nga khỏi G-8 song EU không hề muốn hành động một cách cực đoan. Đại sứ Ukraine tại EU ví von các lệnh trừng phạt hiện nay mặc dù chỉ như "muỗi cắn" nhưng nhiều cường quốc EU cảm thấy khó khăn khi thực thi.
Thứ ba, kể cả khi Mỹ muốn áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc đối với Nga thì các quốc gia khác sẽ vẫn làm ngơ và có thể sẽ bù đắp những thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra.
Trong trật tự thế giới mới hiện nay, sự trỗi dậy của khối BRICS, gồm các nước lớn đang phát triển Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã tạo cho ông Putin một đối trọng để vô hiệu hóa chiến thuật gây sức ép của phương Tây.
Mỹ mất sự tín nhiệm
Một thăm dò của hãng Pew hồi tháng 12/2013 đã cho thấy mức độ ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ trong dân chúng đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1964.
Trong cuộc khủng hoảng ở Syria, chính quyền Obama đã vạch ra "giới hạn đỏ" với sự đe dọa can thiệp quân sự, nhưng rồi áp lực trong nước đã khiến Mỹ phải chấp nhận đề xuất của Nga. Mỹ đã mất sự tín nhiệm trên trường quốc tế bởi không biến lời nói thành hành động.
Trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, chính quyền Obama lặp lại sai lầm này. Những lời lẽ đao to búa lớn của phương Tây có thể sẽ khiến ông Putin trở nên quyết đoán hơn vì ông không tin phương Tây lại đối xử với Nga như đối xử với Iran.
Chính sách cô lập Nga, giống như kiểu cô lập Iran và Triều Tiên, không phải là một mối đe dọa mà Mỹ có thể tạo ra và áp đặt một cách dễ dàng đối với Nga.
Một cách tiếp cận cứng rắn với Nga không phải là lời giải cho bài toán khủng hoảng hiện nay. Theo học giả Bremmer, Mỹ cần phải thừa nhận các lợi ích cốt lõi của Nga và nhìn nhận thấy những hạn chế của chính mình - và nên chấm dứt đưa ra những lời đe dọa rỗng tuếch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét