Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Vì sao người dân không thiện cảm với công an?

Vì sao người dân không thiện cảm với công an?
Tại Việt Nam, trong mắt của người dân hiện nay, hình ảnh công an nhân dân là những người hách dịch, tham nhũng, quan liêu, vô văn hóa, vô đạo đức, ưa gây khó khăn phiền hà, làm cho đất nước không phát triển. Sự thật ra sao?
Công an ngăn chặn người dân biểu tình chống 
Trung Quốc tại Hà Nội hôm 22/7/2012. AFP PHOTO
Người dân có cái nhìn tiêu cực?
Chức năng của Công an nhân dân là đại diện cho người dân để bảo vệ an ninh – trị an, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời giúp dân khi cần đến họ. Tại Việt Nam có hai loại công an mà người dân phải thường xuyên gặp hằng ngày đó là công an khu vực và công an giao thông. Người dân nói rằng chạy xe ra đường gặp công an giao thông, về nhà thì gặp công an khu vực, với những phiền hà mà công an nói chung gây ra.

Tuy nhiên, hầu như đa số công an luôn cho mình là đúng khi làm bất cứ việc gì với người dân, mặc dù trong lúc tiếp dân họ không thèm quan tâm đến người dân đang cần gì? Thái độ của những người công an như ban phát, xem dân là những người phải cần đến họ chứ không phải đó là công việc và trách nhiệm phải phục vụ nhân dân của họ, dù rằng người dân phải đóng thuế để trả lương cho những người mặc áo ngành này.

Khi được hỏi tại sao người dân có cái nhìn không thiện cảm với công an nhân dân, hầu như những người đang làm công an đều trả lời rằng người dân có cái nhìn tiêu cực về họ, không nói đúng và khách quan. Họ làm việc vất vả lắm, chứ có phải chơi đâu. Anh công an tên Kha đang công tác tại quận 5, Sài Gòn nói rằng:

“Ở đâu cũng thế thôi, theo tôi thấy có một số điều tiêu cực và tích cực, giống như đi họp Anh thấy rồi đó, ở đâu cũng có khuyết điểm, ưu điểm. Họ (công an) đảm bảo an ninh trật tự rất là tốt, bên đó có nhiều khi đòi hỏi cũng chưa thật tốt. Nhưng nếu mà so ra giữa công việc của họ, công việc của mình là hai cái khác. Ví dụ trong thời gian này, Anh đi chơi, đi nhậu, ăn uống thoải mái, thì họ phải trực chờ, phải đi vòng vòng, xem coi có ai giựt đồ, hay làm hại an ninh không, hay làm gì đó? Thì họ làm việc xử lý là công việc họ vậy.” 

Nhân viên hành chánh hay công an nhân dân đều nhận lương từ tiền thuế của người dân thì phải hoàn thành làm tròn trách nhiệm của mình,
Anh Quân Anh - một viên chức nhà nước -  đang công tác tại Hà Nội cho biết cái nhìn của anh về công an mà anh cho là bao biện:

“Về quan điểm cá nhân thì mình không ủng hộ cách nghĩ như thế, họ phải là người có trách nhiệm làm nhiệm vụ, phải hoàn thành nhiệm vụ mình và phải có văn hóa phải hoàn thành công việc, không phải có lý do A,B,C để biện minh cho những hành động của mình được, đấy là những lý do bao biện thôi, đấy là một lý do không chính đáng.”

Một người dân cư ngụ tại Quận Tân Bình, chủ một doanh nghiệp nhỏ ngành vận chuyển tên Hùng cũng không đồng ý với những gì anh công an tên Kha nói:

000_Hkg8090526-250.jpg
Công an ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 09/12/2012. AFP photo
Nó như vậy là nó sai rồi. Bởi vì đơn giản thôi, mấy ông đi làm, cái công việc của mấy ông là gì? Công việc chính của mấy ông là giao thông đi, các anh là lo là điều tiết giao thông, cái thứ hai - cái quan trọng nhất của mấy anh là giảm tai nạn, cái thứ ba của anh nữa là phòng ngừa tai nạn, chứ không phải... còn nó nói kiểu đó thì nó coi người dân là cái thứ gì, người dân chỉ được làm những gì nó muốn hay sao ?”

Anh Hùng cho biết tiếp, chính bản thân anh rất bức xúc, mỗi lần nói đến công an là chỉ muốn chửi thề, đặc biệt là công an giao thông:

Mấy cái thằng giao thông đó mà, cái việc của nó là nó lượm tiền mình mà. Nói chung, là đi ngoài đường, cái vấn đề ở chỗ đây là nói thiệt chứ con nhỏ bây giờ mình chở một đứa - hai đứa, nó có vấn đề gì đâu, nhưng mà cái tụi giao thông, thực tế của nó là giống như là cái kiểu được có cái luật pháp ủng hộ để mà phạt người dân thôi, còn giấy tờ giao thông ra ngoài đường thì nó; cái vấn đề bây giờ - cái chính - cái mấu chốt vấn đề là cái tai nạn giao thông. Cho nên cái vấn đề ở đây rất bức xúc cái chuyện đó, nhưng mà cái vấn đề này theo tôi biết cũng chả có giải quyết được đâu, bởi vì ngay cái vấn đề - cái quan điềm nó đã được hậu thuẫn từ pháp luật rồi.

Những người không thiện chí?

Hầu như người dân Việt Nam đều ngán ngẫm mỗi lần đến công an để xác nhận bất cứ loại giấy tờ nào. Họ phải thật kiên nhẫn mới không thể nóng giận tại nơi làm việc công quyền bởi hầu như tất cả mọi người đều bị công an nhìn với ánh mắt khinh miệt vì cho rằng họ đang xin xỏ. Anh Hùng chia sẻ những lần đi làm giấy tờ tại trụ sở công an:

Người ta coi giống như là mình tới người ta đang xin xỏ vậy đó; chẳng hạn như mình đang nói chuyện với người ta, họ có thể nó bỏ đi bất cứ lúc nào, giống như là nó không coi lời nói của người dân là cái thứ gì hết đó, nó không coi người dân là cái người mà nó phải phục vụ mà nó coi người dân như là tới đó để xin xỏ nó. Chẳng hạn như là, nhiều lần mình đi mình gọi là khai báo luật gọi là tạm trú tạm vắng đi, đang trình bày với nó, nó đứng lên nó đi à, còn không nó mở ra nó nói "ừ, cái này không được, này nọ nọ kia, làm sai rồi - phải làm này làm kia", trong khi đó nói thiệt nha, mình đi tới đây mình là trình độ đại học hết nha, chưa chắc gì mấy cái người gọi là kêu mình sai này sai kia là được trình độ như mình. Cái vấn đề ở đây là để cho một cái thằng dốt, cái tầng lớp dốt mà nó đi quản lý cái tầng lớp trên trình độ hơn, thì đương nhiên là nó rất là nhiều cái gọi là không có tôn trọng người dân.”

Viên công an tên Kha cho biết ngành công an rất quan tâm đến người dân, chăm lo cho đời sống người dân, tôn trọng người dân, chỉ khó khăn đối với những người thiếu thiện chí với chính quyền Việt Nam:

“Khó với dạng những người không có thiện chí, còn đối với dân, những người xung quanh họ hàng đó, những người bà con thân thuộc trong lối xóm, thậm chí những người xa lạ ở trong Việt Nam có thiện chí chúng tôi vẫn phải đi coi, đối với những người không có thiện cảm và những ý đồ mà chiếm lợi dụng lấy tư lợi riêng cho mình đó thì những người đó tôi không có thiện cảm.”

Lực lượng phục vụ nhân dân của chính quyền không riêng ngành công an mà các ngành phục vụ xã hội khác đều chưa được chuyên nghiệp trong cách hành xử đối với người dân. Do không có văn hóa, đạo đức nghề nghiệp họ vẫn coi họ là người có quyền ban phát mà không nghĩ đó là nghĩa vụ phục vụ người dân. Đây là những bất cập mà hệ thống chính quyền Việt Nam hiện nay không thể khắc phục trong một sớm một chiều khi cả hệ thống đã quen sinh hoạt như vậy từ nhiều chục năm về trước.
 
An Nhiên, thông tín viên RFA 
2014-03-30 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét