Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Phỏng Vấn TS Alan Phan về thực trạng vốn FDI

Phỏng Vấn TS Alan Phan về thực trạng vốn FDI
Theo Tâm An – Báo Đất Việt – 27/3/2014

"Đừng khuyến mãi quá đáng như trường hợp cho không 3.000 hectares đất ven biển cho Formosa (Hà Tĩnh); miễn thuế 15 năm, v.v…Quá trình thương lượng để cấp phép cho FDI phải dựa trên căn bản “give-and-take” (cho và nhận); không chỉ lo nhận phong bì rồi cho nhà đầu tư hết mọi thứ họ đòi".
PV: Báo cáo đưa ra tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI vừa qua cho thấy, có đến 54% doanh nghiệp nước ngoài (FDI) trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia (7,7%) và Lào (4,13%) – đất nước trước đây chưa từng được coi là “đối thủ” cạnh tranh về vốn đầu tư FDI đối với Việt Nam. Theo ông, thực tế trên cho thấy điều gì?

Alan Phan: Thực ra, khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định về một dự án FDI, họ đã phân tích và cân nhắc đến rất nhiều yếu tố. Tôi đã từng làm cho một tập đoàn đa quốc và họ có hơn 62 tiêu chí để tính điểm. Ngoài kinh tế vĩ mô và cơ sở hạ tầng của quốc gia, họ còn lưu tâm đến chính sách thuế, giá nhân công, thị trường nội địa, giá điện nước, giá đất, giá điều hành…đến phí bôi trơn, hiệu năng của quản lý, ngôn ngữ, địa chính trị, luật môi trường, hệ thống tiếp liệu phụ trợ v.v… 


Nói tóm lại là họ sẽ đầu tư nào mà khả năng thâu lợi cao nhất, rủi ro ít nhất, tùy vào nhu cầu của họ. Do đó, chúng ta không nghĩ đến “đối thủ” mà phải hoạch định một chính sách FDI hợp lý, khả thi, có lợi thế cạnh tranh, sáng tạo…đem lại cho mình những quyền lợi phù hợp với lợi ích quốc gia và một nền kinh tế “sạch, và bền”

PV: Các nhà đầu tư nước ngoài cũng xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn 2 nước này. Phải chăng, chính điều này là nguyên nhân khiến doanh nghiệp FDI cân nhắc đầu tư vào Campuchia và Lào thay vì Việt Nam? Ngoài ra, theo ông có thể có những nguyên nhân nào khác?

Alan Phan: Campuchia và Lào đang cải thiện nền kinh tế rất nhanh so với Việt Nam, nhờ những giúp đỡ tốt từ Tây Phương và sự chú tâm của Trung Quốc về địa chính trị. Tôi nghĩ nếu Việt Nam không thay đổi mạnh mẽ về hệ thống cơ chế cho phù hợp với thị trường toàn cầu, thu nhập mỗi đầu người từ Campuchia và Lào sẽ cao hơn Việt Nam sau 15 năm nữa.

PV: Mới đây, Tata (Ấn Độ) đã rút khỏi dự án thép ở Hà Tĩnh, Hyundai (Hàn Quốc) cũng tuyên bố ngưng chuyển giao công nghệ cho Ôtô Trường Hải.
Giám đốc Tata cho biết, do môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức nên Tata quyết định rút khỏi hoàn toàn dự án tại Việt Nam sau 5 năm chờ đợi. Còn lý do của Hyundai là do những vướng mắc liên quan đến điều kiện áp dụng tiêu chuẩn khí thải cho việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô xe máy, việc chuyển giao công nghệ của Huyndai đã bị triển khai chậm trễ.

Sự ra đi của 2 “ông lớn” này có phải là tín hiệu không lạc quan cho việc thu hút FDI năm nay và ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế? Theo ông, để khắc phục tình trạng này, Việt Nam cần làm những gì?

Alan Phan: Mình không thể biết trong nội bộ của các công ty FDI có những thay đổi gì khiến họ bỏ cuộc. Đôi khi, nó không liên quan đến Việt Nam mà do nội bộ hay tính toán toàn cầu hay họ có một “offer” tốt hơn. Không nên suy đoán; mà chỉ nên xét lại coi chính sách FDI của mình có thể hiện nhu cầu quốc gia và địa phương. Bất cứ dự án FDI nào, lớn hay nhỏ, phải tuân thủ luật pháp về môi trường, thuế vụ, bảo hiểm… cũng như đóng góp được cho nền kinh tế trong việc sử dụng lao động, chuyển giao chất xám, kim ngạch xuất khẩu…

PV: Thực tế cho thấy, vẫn có doanh nghiệp FDI đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam tuy nhiên, mới chỉ giải quyết được vấn đề việc làm cho công nhân, chưa có sự chuyển giao công nghệ và việc đóng thuế cũng ít do đang hưởng mức ưu đãi lớn.

Việc trải thảm cho các doanh nghiệp FDI rồi sau đó, các doanh nghiệp này lại rút vốn khỏi Việt Nam, có thể khiến nền kinh tế bị thiệt hại như thế nào, thưa ông?

Alan Phan: Chuyện FDI cũng như chuyện vợ chồng. Đôi khi hợp nhau thì bền lâu; đôi khi đổ vỡ vì những xung đột lợi ích. Quan trọng là một quan hệ bình đẳng, minh bạch và 2 bên hiểu rõ lợi ích của nhau. Đừng khuyến mãi quá đáng như trường hợp cho không 3.000 hectares đất ven biển cho Formosa (Hà Tĩnh); miễn thuế 15 năm, v.v…Quá trình thương lượng để cấp phép cho FDI phải dựa trên căn bản “give-and-take” (cho và nhận); không chỉ lo nhận phong bì rồi cho nhà đầu tư hết mọi thứ họ đòi.

PV: Chuyên gia từng thẳng thắn chỉ ra, có tình trạng “tô hồng” con số vốn đầu tư nước ngoài từ trước đến nay của Việt Nam, chỉ tính số vốn nước ngoài khi đăng ký và không trừ vốn khi các doanh nghiệp rút lui khỏi Việt Nam. Theo ông, với việc không thống kê đúng số liệu thực của dòng vốn FDI sẽ dẫn đến hậu quả gì?
Alan Phan: Tô hồng, thống kê ảo, bệnh thành tích… là “chuyện hàng ngày ở huyện”, chúng bao trùm mọi lãnh vực, không riêng FDI. Mọi người đều biết căn bệnh và cách điều trị…nhưng không ai làm gì cả.

Xin cám ơn Tiến Sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét