Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Sự im lặng khó hiểu của Vietnam Airline

Nghi án tiếp viên buôn lậu: Sự im lặng khó hiểu của Vietnam Airline
Hoàng Lực giáo dục.net.vnSự im lặng của Vietnam Airline trong vụ tiếp viên buôn lậu đang dấy lên nghi ngờ bao che, giấu diếm của hãng hàng không này trước những sai phạm của nhân viên.
Ảnh minh họa
Việc phi công, tiếp viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ do nghi ngờ tham gia buôn lậu hàng hóa bị đánh cắp đang trở thành tâm điểm của dư luận trong nước và ngành hàng không.

Cho đến thời điểm này, ngoài trường hợp của nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 1988), hiện cảnh sát Nhật Bản đã triệu tập thêm 1 phi công và 4 tiếp viên khác của Vietnam Airline để thẩm vấn. Được biết, cảnh sát Tokyo nghi ngờ có khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines cũng tham gia vào đường dây buôn lậu này.

Liên quan đến vụ việc tiếp viên hàng không của Vietnam Airline bị tạm giữ do nghi ngờ buôn lậu, không ít độc giả lên tiếng cho rằng tiếp viên Vietnam Airline, mà rộng hơn là hãng hàng không này, đang làm mất đi uy tín, hình ảnh đẹp về đất nước con người Việt Nam

Bên cạnh đó, dư luận xã hội đang đặt ra dấu hỏi lớn về sự im lặng đến khó hiểu của lãnh đạo Vietnam Airline trong vụ việc nhân viên cấp dưới dính nghi án buôn lậu hàng ăn trộm khi đến thời điểm này, Vietnam Airline vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào gửi cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam? Không những thế, nhiều cơ quan truyền thông cũng phải "bó tay" khi muốn liên hệ với Vietnam Ailine để xác minh vụ việc.

Những nghi vấn về sự bao che cái xấu theo kiểu “để lâu hóa bùn” của lãnh đạo Vietnam Airline được đặt ra hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn lại những tai tiếng quá khứ của tiếp viên, phi công Vietnam Airline.

Còn nhớ năm 2002, trên chuyến bat ký hiệu VN 534 của Vietnam Airline từ Dubai về Nội Bài, lực lượng chức năng phát hiện 397 chiếc điện thoại di động và gần 7kg vàng trang sức các loại được giấu khéo léo trong các xe chứa thức ăn thừa. Ngay lập tức, hàng loạt tiếp viên dính líu đến vụ việc bị bắt giam, trong đó có cả tiếp viên trưởng lẫn tiếp viên phó. Được biết tiền công mà tiếp viên nhận được khi tham gia là 10 USD/chiếc.

Cũng trong năm này, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã xử phạt tiếp viên Trần Hữu Quốc vì mang 6 điện thoại di động hiệu Nokia, 6 bộ sạc pin không khai báo hải quan, trên chuyến bay từ Đài Loan đến TP.HCM.

Một năm sau (năm 2003), hai tiếp viên Phạm Thị V. và Nguyễn Thị Kim C. của Vietnam Airline bị trạm thuế sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vận chuyển một lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ gồm 51 điện thoại di động các loại, hơn 700 đồng hồ đeo tay, một số phụ kiện của điện thoại di động gồm 16 cục pin, gần 70 dây sạc, hơn 35 đế sạc pin và 50 dây đeo tai nghe. Tổng trị giá hàng hóa hơn 300 triệu đồng.

Gần đây nhất trong 4 năm 2009, 2010, 2011 và 2013, liên tiếp những tai tiếng liên quan đến việc lợi dụng vị trí nhiệm vụ để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa của tiếp viên Vietnam Airline bị phát giác. Năm 2009, cảnh sát Nhật Bản đã triệt phá một đường dây tiêu thụ hàng phi pháp, sau đó có yêu cầu thẩm vấn một vài nhân viên phi hành đoàn của Vietnam Airline bị tình nghi liên quan.

Ông Đặng Xuân Hợp, cơ phó Boeing 777, đã bị tạm giữ ngay khi vừa đáp xuống sân bay Narita. Tuy nhiên sau thời gian xét xử, ông Hợp được đặc cách điều tra và trả tự do. Một năm sau, ông được bay trở lại và không loại trừ nhận công tác trên các đường bay đến Nhật Bản.

Giữa năm 2010, cảnh sát Australia cũng bắt giữ 7 tiếp viên (cả nam và nữ) của Vietnam Airline để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad từ nước này về Việt Nam.

Tiếp đến năm 2011, cơ quan chức năm đã phát hiện lô hàng gồm 980 thiết bị điện tử trị giá 6,3 tỉ đồng và 34,6 ngàn USD được buôn lậu từ Australia về sân bay Tấn Sơn Nhất (TP.HCM). Cơ quan điều tra đã xác định hơn 30 tiếp viên hàng không đã tham gia các phi vụ vận chuyển trên do Đỗ Thanh Lâm cầm đầu. Người mẫu Vĩnh Thụy cũng bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu này.

Đến tháng 9/2013, trên chuyến bay VN106, một tiếp viên phó của Vietnam Airline bị lực lượng an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang trái phép 50 chiếc iPhone 5S còn nguyên đai nguyên kiện, khi bay từ Paris (Pháp) về sân bay quốc tế Nội Bài. Người vi phạm là Bùi Ngọc Tuấn (sinh năm 1977), được tuyển dụng vào đoàn tiếp viên Vietnam Airline từ năm 2005, ngay sau đó anh này bị đình chỉ bay. Vụ việc đã được chuyển sang Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ để điều tra và xử lý.

Những vụ việc sai phạm liên tiếp với cùng kịch bản buôn lậu, lợi dụng vị trí làm việc để vận chuyển hàng hóa trái phép… nhưng khó hiểu là tại sao lãnh đạo Vietnam Airline không xử lý mạnh tay, không quyết liệt dẫn đến tình trạng xấu này tiếp diễn trong một thời gian dài?

Xâu chuỗi các sự việc, hầu hết những sai phạm của tiếp viên Vietnam Airline đều do cơ quan công an, hải quan, thuế... phát hiện. Vấn đề kiểm sát, thanh tra của Vietnam Airline ở đâu?

Trở lại câu chuyện sai phạm của nhân viên Vietnam Airline, bản thân lãnh đạo Vietnam Airline không đồng tình với hành vi buôn lậu nhưng việc quản lý thiếu chuyên nghiệp, thiếu chiều sâu vô hình chung tạo thành tiền lệ xấu cho cấp dưới.

Ở khía cạnh khác, một chuyên gia Marketing thương hiệu cho rằng việc nhân viên Vietnam Airline bị tạm giữ do nghi ngờ buôn lậu đang là sự cố, gây khủng hoảng thông tin. Lúc này đáng nhẽ Vietnam Airline cần lên tiếng khẳng định quan điểm của mình về vụ việc, nhìn nhận lại vấn đề xử lý vấn đề thay vì im lặng.

Theo vị chuyên gia này, cách im lặng của Vietnam Airline giống như cách Malaysia đối phó với thông tin máy bay mất tích, đó là cách xử lý khủng hoảng thông tin chậm, thiếu nhạy bén, né tránh sự thật.

1 nhận xét:

  1. Im lặng là đúng mấy bác ơi. Bây giờ lãnh đạo nặng tay thì họ khai tùm lùm không chừng dính liếu đến bà con đồng chí X thì mang nhục cã Đãng và nhà nước.

    Trả lờiXóa