Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Giới hạn của hợp tác - Việt Nam có hiểu ?

Giới hạn của hợp tác 
Lê Phan: Cuộc chạy đua tìm chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã được ca tụng là một sự hợp tác quốc tế không ngờ giữa 26 quốc gia, nhiều quốc gia là đối thủ. Họ đã mở hải phận, không phận và đóng góp những kỹ thuật và dữ kiện tình báo bình thường bảo mật tối đa trong cuộc tìm kiếm vốn hấp dẫn toàn thế giới.
Việt Nam quá hăng hái trong vụ máy bay MH370 mất tích ?
Nhưng mặc dù nhờ sự hợp tác đó mà công cuộc tìm kiếm nay có thể tập trung vào một vùng biển ở Nam Ấn Ðộ Dương, xét kỹ lại cho thấy sự giới hạn của hợp tác quốc tế giữa các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Ấn Ðộ, Thái Lan và Hoa Kỳ. Họ đều đặt quyền lợi riêng, nhiều khi đối nghịch lên trên cuộc tìm kiếm.

Lý do là vì như nhật báo The New York Times chỉ ra, những dụng cụ cần thiết cho việc tìm kiếm, hệ thống radar tối tân và dàn vệ tinh, nhiều toán các nhà phân tích tình báo, phi cơ thám thính và tàu dọ thám, đều cũng là những dụng cụ của ngành tình báo. Và khi họ phải tiếp cận nhau, điều quan trọng cho mọi phe phái tham dự là phải che dấu khả năng kỹ thuật và những nhược điểm của mình, là điều không thể nào tránh khỏi. Và đôi lúc, theo các nhà phân tích quân sự, đã làm trở ngại cho cuộc tìm kiếm.

Như bình luận gia về tình hình an ninh vùng Á Châu Thái Bình Dương Jon Grevatt của IHS Jane's, công ty tư vấn nổi tiếng về quân sự, giải thích “Ở Ðông Nam Á và ở toàn vùng rộng lớn hơn, không có một diễn đàn quân sự nào để có thể chia sẻ những thông tin và khả năng ở một mức độ rộng lớn như thế này. Những quốc gia này trước đây đã cố tìm cách đến được một tình trạng mà họ có thể chia sẻ kỹ thuật quốc phòng ở một mức cao hơn hiện nay. Họ cố gắng nhưng việc đó chưa xảy ra. Nó là bằng cớ hơn nữa cho sự tiếp tục thiếu niềm tin hay không tin tưởng vào nhau.”

Chẳng hạn như, các viên chức Ấn Ðộ đã ngần ngại nói đến những dữ kiện radar trong Vịnh Bengal, dọc theo một trong hai con đường mà phi cơ có thể đi qua. Sau cùng người ta mới khám phá ra là vì thực sự không có mấy dữ kiện để cung cấp. Khu vực này là một trong những nhược điểm trong hệ thống phòng thủ radar của Ấn. Trong một cuộc phỏng vấn, một sĩ quan cao cấp của quân đội Ấn nói là Ấn đã không có khả năng “theo dõi sâu đậm” ở đó bởi đó không phải là một khu vực căng thẳng, khác với vùng biên giới phía bắc sát với Pakistan hay là với Trung Quốc. Ông thêm, rất có thể là nếu phi cơ đến vào ban đêm thì có thể dễ dàng không thấy nó bay qua.

Căng thẳng gay go nhất là giữa Trung Quốc và Malaysia.
Các viên chức Trung Quốc đã ồn ào lên án Malaysia là họ đã ngần ngại chia sẻ thông tin về cuộc tìm kiếm. Bắc Kinh cho là mình có quyền vì đa số trong số 239 hành khách trên phi cơ là người Hoa.

Nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng ngần ngại cho các quốc gia khác biết những dữ kiện radar quân sự thô, chưa được phân tích, ngay cả khi một số nhà điều tra muốn thấy để xác định xem là liệu phi cơ có bay về phía Bắc hướng về Trung Á hay không. Thay vì vậy, Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác, chỉ bảo với các viên chức Malaysia là radar của họ không thấy phi cơ.

Một viên chức Tây phương tham gia cuộc tìm kiếm này giải thích “Họ không chịu chia sẻ dữ kiện radar. Họ bảo với chúng tôi và với tất cả mọi người 'chúng tôi không thấy gì cả. Chấm dứt câu chuyện.' Họ không chịu chia sẻ những điều họ thu thập được.” Một số các nhà bình luận chỉ ra một giải thích có thể là vì Trung Quốc muốn che giấu không phải khả năng kỹ thuật của họ, nhưng còn quan trọng hơn, giới hạn của khả năng kỹ thuật của mình, trong khi họ ngày càng mạnh bạo trong việc khẳng định mình là một cường quốc quân sự.

Một số viên chức Trung Quốc tuy công nhận có căng thẳng trong cuộc tìm kiếm nhưng đổ cho là tại các phe phái khác mặc dù công nhận không có niềm tin.

Hình ảnh vệ tinh là một trong những thông tin được bảo vệ nhất. Một cựu sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ đã chỉ ra cho tờ New York Times là những hình ảnh được nói là mảnh của phi cơ mà chính phủ Trung Quốc phổ biến lúc đầu, mà sau đó được tìm thấy là một tảng rác không liên hệ gì đến phi cơ ở miền Ðông Malaysia, đã bị “làm cho nó mờ đi” để che dấu khả năng thực sự của hệ thống vệ tinh của họ. Một cựu phi công hiện nay làm ăn ở Á Châu cũng đồng ý nhận xét “Tôi tin chắc là những hình vệ tinh của Trung Quốc lúc đầu đã bị cố tình làm cho mờ đi để cho không tiết lộ mức chính xác của chúng.”

Chính vì vậy mà hôm Thứ Ba 25 tháng 3 vừa qua, bộ trưởng quốc phòng kiêm quyền bộ trưởng giao thông của Malaysia Hishammuddin Hussein đã bực mình bảo với các nhà báo Trung Quốc khi họ cứ vặn ông về sự trễ nải trong cuộc điều tra. Ông nói “Tôi xin nhắc nhở quý vị là chúng tôi nhận được những thông tin từ vệ tinh của Trung Quốc, về việc tìm thấy vật ở biển Hoa Nam (Biển Ðông), vốn đã làm chúng tôi bị phân tâm trong việc tìm kiếm và đã phải đi tìm ở một nơi đã được tìm kiếm rồi?”

Cựu sĩ quan của Hoa Kỳ, người đã bảo là chắc chắn Trung Quốc không chia sẻ những hình ảnh vệ tinh với độ chính xác cao với bất cứ một ai, chứ đừng nói Hoa Kỳ hay Malaysia, ngay cả trong một cuộc điều tra toàn cầu như thế này, cũng nhắc nhở chúng ta là Hoa kỳ, vốn có hệ thống vệ tinh tình báo lớn nhất thế giới, cũng không chia sẻ điều đó với Malaysia.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Ðài, Ðề Ðốc John Kirby, trong một cuộc họp báo, đã giải thích một cách khéo léo là tuy ngần ngại nói về khả năng vệ tinh của Hoa Kỳ, “chúng tôi đã, ở mức độ mà chúng tôi có thể, chia sẻ các hình vệ tinh với chính phủ Malaysia để giúp trong việc tìm kiếm.”

Riêng về dữ kiện radar, không phải chỉ có Trung Quốc hay Ấn độ không muốn chia sẻ.

Một trong những câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất về cuộc tìm kiếm này là tại sao Malaysia phải mất một tuần sau khi phi cơ mất tích mới cho biết là radar quân sự của họ đã thấy phi cơ bay về hướng Tây, ra khỏi vùng biển Ðông nơi mà cố gắng tìm kiếm quốc tế đã tập trung.

Cựu phi công Hoa Kỳ ở trên thì nói là các viên chức Malaysia nói chung muốn che dấu khả năng của hệ thống radar ở Butterworth, ở bờ biển phía Tây. Nhưng một số nhà phân tích lại chỉ ra là các lãnh tụ Malaysia có thể sợ loan báo này cho thấy sự thiếu khả năng và chểnh mảng của quân đội họ, bởi có vẻ như là các nhân viên theo dõi radar đã không thấy phi cơ. Chính phủ Malaysia đã phải nói trớ ra là quân đội không báo động về chiếc phi cơ không nhận diện được trên màn radar vì nó không phải là một đe dọa.

Một trường hợp khác là Thái Lan. Họ đã chờ đến 10 ngày, giai đoạn quan trọng nhất của cuộc tìm kiếm, để cho Malaysia biết là hệ thống radar quân sự của họ đã thấy chiếc phản lực cơ hướng về phía Tây về hướng Eo biển Malacca sáng ngày 8 tháng 3. Cũng như nước láng giềng Asean, một phát ngôn nhân cho không quân hoàng gia Thái nói là các nhân viên của họ “chỉ tại chú tôi không để ý đến nó.”

Cuộc tìm kiếm nhiều khi còn đụng đến vấn đề quan ngại lãnh thổ nữa.

Hải quân Ấn Ðộ đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc cho phép bốn chiến hạm của họ đi vào hải phận của Ấn Ðộ trong Vịnh Bengal để giúp tìm phi cơ, theo tin của Press Trust of India, thông tấn xã đáng tín nhiệm nhất của Ấn Ðộ. Tin này cho biết là các viên chức Ấn đã bác bỏ yêu cầu với luận điệu là quân đội Ấn Ðộ có nhiều khả năng trong khu vực này, mà mục đích chính là “để canh phòng Trung Quốc,” và những khả năng đó sẽ bị lộ diện nếu chiến hạm Trung Quốc được cho phép vào hải cảng. Họ đã trả lời Trung Quốc là hải quân và không quân Ấn độ đã lục tìm trong khu vực này và không cần giúp đỡ từ ai khác. Một phát ngôn nhân của hải quân Ấn diễn tả như sau, “Ðây là sân sau của chúng tôi, tại sao chúng tôi muốn ai khác làm việc của mình. Chúng tôi có khả năng và làm tất cả những gì có thể làm được.”

Chả trách phải nhờ đến một công ty ở Anh, xuất thân là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, mới là kẻ tìm ra sự thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét