Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Vì sao nôn nóng làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

Vụ JTC: Vì sao nôn nóng làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam?
Phạm Thịnh - VOVÔng Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói nghi án một nhà thầu tư vấn Nhật Bản đã đưa hối lộ cho cán bộ đường sắt Việt Nam khoảng 16 tỷ đồng để được nhận thầu. Theo ĐBQH Lê Như Tiến, thái độ nôn nóng của ngành đường sắt khi đề xuất xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã khiến ông nghi ngờ.

ĐBQH Lê Như Tiến
Ông Tiến nói: Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (2007-2011), ngành đường sắt rất “hăng hái”, "nhiệt tình", rất nôn nóng mong muốn Quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Tôi được biết ngành đường sắt cũng tổ chức cho một số người ra nước ngoài tham quan, học hỏi trong đó, có đi Trung Quốc, Nhật Bản.

Khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi đã phân tích rằng với điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn mà bỏ ra nhiều vốn như thế là chưa phù hợp vào thời điểm đó.

Vì vậy, tôi có phân tích là cần phải có thêm thời gian để kinh tế phục hồi nhưng ngành đường sắt vẫn rất “nôn nóng, hăng hái”.

Tôi đã ngờ ngợ là có vấn đề gì đó. Sau đó họ vẫn quyết tâm làm. Họ không làm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nữa mà chia ra thành từng đoạn nhỏ để làm.

Tôi tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngành đường sắt phải nôn nóng và sốt ruột đến thế?”. Rõ ràng, đằng sau việc này phải có vấn đề gì đó.

Khi đó, do chưa có những bằng chứng đầy đủ nên đại biểu Quốc hội chỉ phân tích đưa ra vấn đề. Bây giờ đã có nhiều thông tin về việc nhận hối lộ mà báo chí Nhật Bản cũng đã đưa.

- Phải chăng lần này cũng tương tự trường hợp dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP.HCM liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ vào năm 2008?

Đúng vậy. Đây không phải là lần đầu tiên có những thông tin việc nhận hối lộ để cho trúng thầu. Trước đó đã từng có trường hợp nhận hối lộ tương tự như thế đã bị phanh phui.

Khi đó, cơ quan điều tra Việt Nam đã khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM về tội nhận hối lộ của một nhà thầu tư vấn Nhật.

Rõ ràng đã có những bài học như thế rồi. Đã có trường hợp nhà thầu Nhật Bản hối lộ cho phía Việt Nam như trường hợp dự án đại lộ Đông Tây.

- Ông có cảm thấy bất ngờ khi biết thông tin?
Sự việc này, tôi không quá bất ngờ. Việc họ đi đêm với nhau là có thể có. Trong quá khứ cũng đã nhiều trường hợp xảy ra tương tự như vụ mua ụ nổi Vinalines. Trong trường hợp này giá thực tế không phải như thế nhưng họ đã nói khống lên nhiều lần.

Trong sự việc này, tôi bất ngờ nhất bởi số tiền bên phía công ty Nhật khai đã đưa hối lộ là quá lớn. Số tiền lên tới hơn 16 tỷ đồng Việt Nam.

Là một đại biểu quốc hội, theo dõi và lên án nhiều về tham nhũng, tôi thấy rằng tính chất vụ việc này rất nghiêm trọng bởi vì đây là công trình quốc gia, liên quan đến nền móng hạ tầng giao thông của đất nước. Nếu việc này được xác định là có thì các cá nhân đã bỏ túi riêng.

- Việc nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng (nếu có) sẽ dẫn tới những hậu quả nào, thưa ông?

Nếu họ làm việc đàng hoàng thì việc gì phải hối lộ nhiều đến thế với số tiền lên tới 80 triệu yên Nhật (hơn 16 tỷ đồng). Đổi lại bắt buộc phải có một điều kiện nào đó. Ví dụ như phía Việt Nam sẽ cho họ vào để thắng thầu mặc dù có thể họ không phải là đơn vị tốt nhất, ưu thế nhất.

Như vậy, rõ ràng anh (phía Việt Nam) đã trở thành nô lệ và phải tuân theo các điều kiện mà họ (đơn vị phía Nhật Bản) đưa ra. Vì vậy, chất lượng của các công trình giao thông sẽ bị ảnh hưởng bởi vì họ đã chi phí một khoản khổng lồ cho anh rồi.

Sau này, họ có thi công các công trình này chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo thì anh cũng không dám nói gì vì đã “há miệng mắc quai”. Nếu có việc sử dụng vốn ODA như lời khai từ phía Nhật Bản thì rõ ràng anh đã bán đứng chất lượng hạ tầng giao thông, bán đứng quốc gia, bán đứng đất nước.

Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan điều tra, ngành tư pháp cần phải vào cuộc sớm điều tra làm rõ xem sự việc có hay không. Nếu có việc nhận hối lộ thì là bao nhiêu, đưa như thế nào?

- Trong phần giải trình của mình, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền hối lộ nào từ JTC, ông suy nghĩ gì về điều đó?

Bây giờ không có chứng cứ nên ông Nguyễn Văn Hiếu không nhận điều gì. Vì vậy, các cơ quan điều tra cần phải vào cuộc.

Nếu cơ quan điều tra đã vào cuộc và chứng minh được có việc nhận hối lộ với đầy đủ các bằng chứng, vật chứng thì lúc đó không thể cãi được nữa. Thậm chí, nếu lúc đó mà cãi thì tội càng nặng.

Nếu ông Hiếu không nhận thật thì phải có trách nhiệm chứng minh và giải thích trước các cơ quan điều tra. Ông Hiếu phải giải trình trước các cơ quan công quyền để chứng minh bản thân là người hoàn toàn trong sạch.

Trong trường hợp này, ông Hiếu phải cung cấp các thông tin để chứng minh rằng thông tin đó không nhằm vào ông hoặc không là ai cả.

Tôi cho rằng, đến thời điểm này, việc xác minh sự việc là trách nhiệm của cơ quan điều tra chứ không thể nói vo với nhau theo kiểu đấu khẩu được. Trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ ông Hiếu có nhận hối lộ hay không. Nếu người ta không nhận hối lộ, cơ quan điều tra cũng cần chứng minh người ta trong sạch.

- Ông đánh giá như thế nào về động thái của Bộ GTVT sau khi tiếp nhận sự việc từ báo chí Nhật Bản và trong nước?

Tôi cho động thái của Bộ GTVT kịp thời và nhanh. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã công bố sẽ kiên quyết xử lý sự việc dù đó bất kể là ai. Đồng thời, Bộ trưởng Thăng đã cử một Thứ trưởng làm việc với phía Nhật Bản để làm rõ các thông tin nêu ra.

Việc Bộ GTVT đề xuất Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương cùng vào cuộc làm rõ sự việc là động thái vừa nhanh và rất có trách nhiệm.

- Việc làm rõ thông tin mà báo chí Nhật Bản nêu ra để xử lý nghiêm (nếu có) liệu có làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay?

Tôi cho sự việc xảy ra là đáng tiếc nhưng không ảnh hưởng tới quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Nhật Bản. Sự việc này không nên xảy ra là tốt nhất nhưng đã xảy ra rồi nếu chúng ta không có động thái giải quyết thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ của hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra chúng ta đã có động thái làm rõ những khoản hối lộ (nếu có) và những người vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị.

Tôi cho rằng không chỉ dư luận Việt Nam, dư luận Nhật Bản cũng rất hoan nghênh. Bởi vì chúng ta đã làm đến nơi đến chốn.

Đây là vấn đề của các doanh nghiệp với nhau và khi xảy ra sự cố thì cơ quan chức năng của cả hai bên phải cùng vào cuộc làm cho rõ. Việc làm này sẽ làm cho phía đối tác Nhật Bản tin tưởng vào chúng ta hơn.

Bất kỳ một việc nhận hối lộ nào đó đều sẽ được Việt Nam và Nhật hợp tác làm rõ trắng đen.

1 nhận xét:

  1. Không riêng gì ngành đường sắt, tôi nhớ lúc đó cả nội các chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng (hăng hái nhất là ông Nguyễn Sinh Hùng) đều có thái độ nôn nóng muốn làm ngay đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng trước đó đã trực tiếp sang Nhật tham khảo mô hình được sắt cao tốc của Nhật. Nhưng cũng may Quốc hội khi đó tỉnh táo không bị mắc bẫy nhóm lợi ích trong chính phủ. Bây giờ mới vỡ ra: Người Nhật cũng có ý đồ trục lợi khi viện trợ ODA cho Việt Nam, đó là muốn Việt Nam lại "mua kèm theo" công nghệ làm đường sắt cao tốc và lại muốn nèo thêm có được công việc tiêu tiền hộ. Đúng là công đôi việc. Còn chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng thấy có lợi cho nhóm lợi ích của mình. Đó là nếu họ cho vay ưu đãi thì cứ nhận. Vốn ODA là loại vốn vay ưu đãi chưa phải trả ngay nên không cần lo. Vay được bao nhiêu cứ vay. Có gì đời sau con cháu gánh nợ trả dần đó là việc của thế hệ tương lai. Còn những người đi vay hiện nay thì rất "sướng". Sướng vì có tiền để có thể vẽ ra nhiều việc. Càng nhiều việc thì càng có lộc. Họ cứ vay dài nhưng chưa phải trả ngay nên không lo (bởi đến khi trả nợ thì phần lớn các ông đã hạ cánh án toàn hoặc nằm im trong Mai Dịch rồi) nhưng trước mắt số tiền % hoa hồng môi giới cho Nhật chắc không ít. Ngành đường sắt cũng thấy có lợi. Do doanh thu hàng năm eo hẹp nên các sep chẳng được xơ múi mấy. Giờ có hàng tỉ đô la rót vào thì ăn đồ rơi của đống tiền đó cũng khối ra. Nhưng họ không chỉ muốn thế. Do nắm được thóp của người Nhật khi có ý đồ xấu trong viện trợ ODA cho Việt Nam nên họ đã bắt các nhà thầu phải làm "luật". Đó là lí do tại sao có vụ án Đông -Tây và vụ án đường Cao tốc Ngọc hồi-Hà nội hiện nay

    Trả lờiXóa