Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Mỹ tuyệt vọng tìm cách cô lập Nga


(VnMedia) - Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang tìm cách “cô lập” Nga trên mọi mặt trận có thể, và kết quả của nỗ lực này đến nay cũng chẳng được là bao. Đây là nhận định vừa được một số nhà phân tích đưa ra.
Nhóm nước G7 quyết định tẩy chay Nga
Các nhà phân tích đã chỉ ra một số lý do tại sao Mỹ sẽ không thể cô lập được Nga và một số lý do tại sao Liên minh Châu Âu không đủ sức cô lập Nga. Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn không dừng bước, chắc chắn sẽ tiếp tục tấn công Nga trên ba mặt trận - G20, Iran vàSyria.

Đầu tiên là trên mặt trận G20. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop mới đây đã ám chỉ rằng Nga và Tổng thống Vladimir Putin có thể bị cấm không được tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane vào tháng 11 tới.

Ngay lập tức, 4 quốc gia thành viên khác của Nhóm Các nền kinh tế đang nổi (BRICS) đã có phản ứng. “Việc bảo vệ nhóm G20 thuộc trách nhiệm của tất cả các nước thành viên như nhau và không có nước nào có quyền đơn phương quyết định bản chất và đặc điểm của tổ chức này”, BRICS tuyên bố.

Và Australia đã phải im lặng trước lý lẽ trên.

BRICS là một liên minh các nước đang phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ G20. Nhóm G20 đang thực sự tham gia thảo luận và giải quyết các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, G7 thực ra chỉ là một diễn đàn tự cho mình là quan trọng. G7 trước đó đã tuyên bố loại bỏ Nga ra khỏi tổ chức này đồng thời chuyển cuộc họp thượng đỉnh sắp tới từ Sochi sang Brussel.

Hành động trên của G7 chẳng khiến Nga nao núng. Moscow tuyên bố, họ chẳng mặn mà với nhóm G8 bởi những vấn đề quan trọng của quốc tế đều đã được bàn thảo trong khuôn khổ G20. Lâu nay, người ta cũng đã hoài nghi về hiệu quả và tính cần thiết của sự tồn tại của một G8 trong khi đã có G20.

Phản ứng trước lời đe dọa của Australia về việc không mời Nga đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở nước này, Moscow cũng tuyên bố cứng rắn rằng, G20 được thiết lập lên bởi tất cả các nước chứ không phải riêng của ai và vì thế, Australia cũng chẳng có quyền đe dọa loại bỏ Nga.

Trên mặt trận Iran, Thứ trưởng Nga Sergey Ryabkov đã thẳng thắn nói rõ rằng, nếu Mỹ và các nước Châu Âu áp đặt biện pháp trừng phạt lên Nga vì vấn đề Crimea thì “chúng tôi sẵn sàng tung ra các biện pháp trả đũa”. Và ông Ryabkov đã ám chỉ đến đòn trả đũa có liên quan đến các cuộc đàm phán P5+1 về chương trình hạt nhân Iran.

Sau đây là phác họa chính xác quan điểm của giới chức Mỹ về vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran. Sự thực là tiết lộ năm 2009 về một cơ sở làm giàu uranium bí mật dưới lòng đất của Iran đã khiến Moscow không hài lòng và họ đã đáp trả bằng cách hủy bỏ hợp đồng bán các hệ thống phòng không tối tân S-300 cho Tehran. Tuy nhiên, quan trọng hơn là thực tế, Moscow muốn đưa chương trình hạt nhân của Iran vào sự kiểm soát dưới cái ô của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là nơi Nga có quyền phủ quyết và bất kỳ giải pháp nào cũng phải được các bên chấp nhận.

Những phe phái chính trị ở Iran có thể nghi ngờ về cam kết của Moscow đối với một giải pháp bởi họ cho rằng Moscow không đủ nỗ lực để giúp họ giảm nhẹ gói biện pháp trừng phạt. Hơn nữa, cả Nga và Iran đang cạnh tranh với nhau trên thị trường xuất khẩu năng lượng. Các biện pháp đó gây ảnh hưởng cho Iran và đem lại lợi ích cho Nga. Từ năm 2011, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm khoảng 50%.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng gây ảnh hưởng đến Nga thì Moscowcó thể đáp trả bằng biện pháp thực hiện một cuộc trao đổi theo kiểu Iran cung cấp 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày để đổi lấy việc Nga xây thêm một nhà máy hạt nhân mới cho Iran. Những bước đi thêm nữa của Nga sẽ đập vỡ bức tường trừng phạt của phương Tây và thậm chí Moscow có thể quyết định không chỉ bán S-300 mà có thể là S-400 hay hệ thống cực tối tân S-500 cho Tehran.

Cuối cùng là trong vấn đề Syria. Một lần nữa, nhóm BRICS lại đứng ở “tiền tuyến” trong vấn đề này. Đại sứ lưu động của Nga - ông Vadim Lukov phát biểu: “Nói thẳng ra là, nếu không có lập trường của BRICS, Syria đã biến thành Libya từ lâu rồi”.

Nhóm nước BRICS đã rút ra được bài học cho Syria khi họ để lá phiếu trắng của mình trong cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc mở đường cho chiến dịch đánh bom của NATO vào Libya, biến nước này thành một quốc gia thất bại. Sau này, chính sách ngoại giao của Nga đã cứu chính quyền Mỹ khỏi một chiến dịch đánh bom trên cái cớ “lằn ranh đỏ” vô nghĩa.

Tin đồn rộ lên về việc chính quyền Obama đang chuẩn bị “cô lập Nga” bằng cách vươn cánh tay đến các nước thành viên khác của BRICS để thuyết phục họ trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, điều này xem ra không phải dễ trong bối cảnh các nước BRICS vốn là các quốc gia độc lập, ít khi bị ảnh hưởng bởi sức ép của Mỹ.

Mới đây, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc - ông Vitaly Churkin cũng tuyên bố, Mỹ và EU chẳng thể cô lập Nga trong vấn đề Crimea và điều đó được thể hiện qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 27/3. Nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea hôm 16/3 vô giá trị đã được thông qua với 100 nước bỏ phiếu ủng hộ, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Bất chấp áp lực mạnh mẽ của Mỹ và các nước ủng hộ cho nghị quyết trên, kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy Nga không bị cô lập trong lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Tôi xem những gì đã xảy ra là một diễn biến tích cực. Thậm chí mặc dù số phiếu ủng hộ nghị quyết mà Nga chống lại đạt được mức đa số nhỉnh hơn, tôi vẫn thích xu hướng mà tôi đang chứng kiến. Rõ ràng, không có sự cô lập. Chúng tôi không được đa số ủng hộ ngày hôm nay nhưng một xu hướng tích cực đang hiện ra ngày một rõ ràng hơn”, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc tuyên bố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét