Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

“Cột mốc sống” cuối trời Tây Nam

“Cột mốc sống” cuối trời Tây Nam
Nghèo. Khó. 15 tuổi phải rời quê làm thuê kiếm sống. Cuộc đời vốn đầy ắp những nổi nênh của chị lại thêm cay nhức khi vừa sinh được 2 con thơ dại thì người chồng vĩnh viễn ra đi sau cơn bạo bệnh. Nhiều người nghĩ, chị sẽ chìm trong bóng đêm tăm tối của đói, nghèo…
Chị Thị Mỹ Loan và Bộ đội biên phòng Cửa khẩu Hà Tiên bên cột mốc 314.
Thế nhưng giữa những đêm trường bất hạnh ấy, chị vẫn có thể bật lên ánh sáng cho sự bình yên của đường biên, cột mốc. Suốt 25 năm qua, dù không ai giao nhiệm vụ, dù không nhận bất kỳ phụ cấp nào, chị vẫn cần mẫn góp phần cùng Bộ đội biên phòng Đồn cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tạo nên “vị ngọt” bình yên trên biên giới Tây Nam tổ quốc.

Người của tận cùng bất hạnh

Đẹp chẳng kém gì công viên ở thành phố”, tôi đã không kìm được cảm xúc khi chen chân giữa dòng người tấp nập tham quan cột mốc 314 (Hà Tiên - Kiên Giang), cột mốc cuối cùng trên biên giới đất liền giữa hai quốc gia Việt Nam - Campuchia.

Đại uý Danh Kim Huôl - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng quốc tế Hà Tiên - chia sẻ: “Không chỉ người dân 2 nước, mà nhiều khách quốc tế cũng khen đẹp, nhưng ít ai biết được, trước kia, toàn tuyến biên giới gần chục cây số này chỉ có duy nhất một căn nhà bên phía Việt Nam với một người nữ duy nhất sinh sống”. Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi nằng nặc xin phép gặp cho bằng được người phụ nữ kỳ lạ này.

Chị Thị Mỹ Loan, sinh năm 1974. Đôi bàn tay chị đã chai sần, nhăn nhúm như chứng thực một cuộc đời trải qua bao khó khăn, buồn tủi. Dẫu vậy, nơi chị vẫn ẩn chứa nét mềm mại của phụ nữ chân quê. “Hồi đó khu vực biên giới Hà Tiên còn hoang vu lắm, chỉ có mỗi cái chòi của tôi thôi. Không phải gan dạ chi đâu, bởi đó là nơi duy nhất mà người tha phương cầu thực như tôi có thể dựng chòi che mưa, tránh nắng...” - chị Loan chân chất mở đầu câu chuyện.

Xuất thân trong gia đình Khmer nghèo, đông con ở Minh Lương (Châu Thành - Kiên Giang), nguồn sống của 9 miệng ăn chỉ trông vào nghề làm thuê của người cha, chị Loan lớn lên trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Rồi cảnh cùng cực ấy tới đỉnh điểm khi người cha trụ cột gia đình vĩnh viễn ra đi. Thế là 15 tuổi đầu, thay vì cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, chị Loan đã phải vào đời, đi làm giúp mẹ nuôi đàn em.

Thương cô gái hiếu thảo, nhiều người hướng dẫn lên cửa khẩu Hà Tiên để dễ đường kiếm sống. Dựng tạm căn chòi trên nền đất hoang làm chỗ trú thân, Loan lao đi tìm việc. Ai thuê gì làm nấy, bất kể ngày hay đêm. Chị làm như “điên” để đủ nuôi thân và phụ mẹ nuôi em. Thấy chị giỏi giang, chí thú làm ăn, cha mẹ của Pách-Hét, một thanh niên Khmer ở Xà Xía hỏi cưới làm vợ. Năm ấy chị vừa tròn mười tám.

Tưởng đã mở ra bước ngoặt thoát cảnh bần cùng và có cuộc sống gia đình đầm ấm, nào ngờ chưa đầy 8 năm chung sống, có với nhau 2 mặt con, người chồng mất sau một thời gian lâm bạo bệnh.

Một nách 2 con ở tuổi lên năm lên ba và món nợ lớn từ tiền thuốc thang cho chồng, nhiều người nghĩ đời chị sẽ chìm trong tăm tối bất hạnh... “Bây giờ nghĩ lại, không biết mẹ con tôi sẽ ra sao nếu... không có sự động viên, giúp đỡ kịp thời của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên” - chị Loan bồi hồi nhớ lại.

“Biết tôi đơn chiếc, mấy chú biên phòng tranh thủ lúc nghỉ chân sau khi đi tuần “dòm chừng” 2 đứa nhỏ ở nhà để tôi vác hàng ra chợ bán, trước khi quay về chăm đàn heo”. Một mình vừa bươn bả chạy gạo vừa lo nuôi dạy con thơ, cơm nước, giặt giũ... Nhưng gian nan nhất là chuyện săn nước ngọt. Chị kể: “Hồi đó vào mùa nắng, xung quanh khu vực này không có nước, nên 3 giờ sáng phải cuốc bộ qua tận chân núi Sa Kỳ, cách đó hơn chục cây số để vét nước giếng mang về cho con ăn uống...”

Chị Thị Mỹ Loan. 

“Chị mì tôm” chăm nom cột mốc

“Hồi đó chị Loan nghèo khó lắm, nhiều ngày liền chỉ ăn mỗi món mì tôm nên chúng tôi gọi vui là “chị mì tôm”, nhưng chị lại rất giàu tình yêu với đường biên cột mốc” - đại uý Huôl mở đầu câu chuyện về Thị Mỹ Loan một cách tự hào. “Chúng tôi coi chị như “điểm tựa” trên đường biên vắng vẻ này”.

Theo lời đại uý Huôl, căn chòi nhỏ của chị lúc đó nhỏ lắm, đơn sơ lắm, nhưng là cả tấm lòng rộng mở của người dân, không chỉ là trạm dừng chân hiếu khách mỗi khi mưa, nắng bất thường mà còn là nơi tiếp thêm nguồn năng lượng, nguồn tin quan trọng cho các chiến sĩ tuần tra biên giới”.

Nghe xong, chị nhìn sang tôi với nụ cười chân tình: “Tại cán bộ Huôl quý rồi khen, chớ thú thật lúc đầu tôi làm chỉ vì trả ơn bộ đội biên phòng mà thôi”. Sau ngày chồng mất, chị gần như vắt kiệt sức để vượt qua gánh nặng cơm áo nuôi con. Nhiều hôm nhận chở hàng thuê vào sâu nội địa bên kia biên giới, lúc về đến nhà đã 2 giờ sáng, nhìn thấy 2 con đang ngủ ngon lành trong mùng được giăng mắc cẩn thận, chị giật bắn người.

Một đứa 5 tuổi, một đứa 3 tuổi thì làm sao tự giăng được mùng? Khi hỏi ra mới biết, buổi chiều đi tuần tra ngang qua thấy chị vắng nhà, mấy chú biên phòng đã giăng mùng giúp 2 cháu... Cảm kích với nghĩa cử này, chị tìm cách trả ơn bằng cách góp sức cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên cột mốc.

Về sau, được bộ đội biên phòng giải thích về tầm quan trọng của đường biên, chị càng hiểu mỗi người dân đều phải có trách nhiệm cùng bộ đội biên phòng gìn giữ cột mốc biên giới. Không chỉ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, chị còn nhiều lần trực tiếp bảo vệ cột mốc số “0” lúc bấy giờ, làm cơ sở để phân định cột mốc 314 sau này. Hồi đó, cột mốc biên giới là trụ bêtông nhỏ, thấp lè tè được dựng lên từ thời Pháp nằm lẩn khuất giữa rừng đước bạt ngàn nên rất “bấp bênh”.

Mùa khô chỉ cần 2 người là có thể di chuyển dễ dàng, còn lũ về là nằm sâu dưới biển nước. Thấy vậy, chị Loan nghĩ cách “đánh dấu”. Sau nhiều lần quan sát, thấy cạnh cột mốc có cây đước to nhất, từ xa có thể trông thấy được, thế là mỗi lần đi hái củi chị đều tranh thủ thực hiện “kế hoạch bảo vệ cột mốc” của mình.

Chị đắp đất vun gốc, nhờ vậy mà cây đước lớn nhanh, vươn cao hẳn, trở thành cột mốc xanh trên tuyến biên giới. Nhờ vậy mà đã không ít lần chị kịp thời cấp báo chính xác tình hình ở cột mốc.

Một lãnh đạo Đồn Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên nhớ lại: Có lần giữa trưa nắng, chị Loan hớt hải chạy vào đồn báo tin: “Có mấy người đang đốn đước biên giới...” Sau khi xử lý vụ việc, đội tuần tra mới tìm hiểu vì sao chị Loan có thể nắm thông tin nhanh đến vậy. Chị nói đơn giản: Nhìn vào “cây đước cột mốc” thì biết.

Sau đó “cây đước cột mốc” đã nhường chỗ cho công trình thi công xây cột mốc 314, nhưng tình cảm của chị Loan dành cho đường biên đất nước thì vẫn tươi nguyên và vững chãi như cây đước đã cắm rễ sâu vào lòng đất. “Tui đã hứa với lòng và đăng ký hẳn hoi với bộ đội biên phòng, sẽ tiếp tục chăm sóc cột mốc 314 và bảo vệ đường biên. Khi tôi cuối đời thì con gái tui Kim Xịt sẽ tiếp tục...” - chị Loan khẳng định chắc nịch.

Anh Huôl nói nhỏ vào tai tôi: “Tấm lòng của chị chính là “cột mốc sống” thiêng liêng trên biên giới, nó không chỉ vững chãi với mọi biến đổi thời tiết, bền vững với thời gian mà còn là nguồn động viên, khích lệ tinh thần cho bộ đội biên phòng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất biên cương nơi cuối trời Tây Nam tổ quốc”.

314 là cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia nằm giữa hai xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch, huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot. Ngày 24.6.2012, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Campuchia và “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia”, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hunsen, hai quốc gia đã tổ chức khánh thành cột mốc. Đây là công trình có thiết kế đẹp, được ốp bằng đá hoa cương, nằm trên bờ biển giữa hai quốc gia, nơi có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, gần khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Prếch Char, vì vậy ngay sau khi hoàn thành, cột mốc 314 đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với nhân dân của hai nước và bạn bè quốc tế, làm cho nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về tình đoàn kết, hữu nghị anh em của hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Lời bình:

Một người đàn bà, một túp lều, một cây đước, một cột mốc biên giới, một đồn biên phòng trên một đường biên xa xôi cuối Việt. Phóng sự “Cột mốc sống” cuối trời Tây Nam cứ như một phim tư liệu có thiên hướng nghệ thuật tối giản khi chạm đến một đề tài to lớn muôn trùng lịch sử: Tấm lòng người dân với sự nghiệp bảo vệ biên cương tổ quốc. Qua mẩu chuyện có thật nhặt dọc đường, Lâm Điền đã mang đến cho ta niềm tin cái đẹp cuộc sống vẫn mỗi ngày lên xanh đâu đó, ngay cả nơi nghèo khó hoang liêu “cuối trời” đất nước. Nhà văn - nhà báo Vĩnh Quyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét