Bẫy thu nhập trung bình đã là hiện thực
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
Mới đây giáo sư Kenichi Ohno, một chuyên gia của Nhật Bản đã cho rằng kinh tế Việt Nam có đủ các dấu hiệu cho thấy đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Mặc Lâm tìm hiều thêm qua ý kiến của các chuyên gia kinh tế sau đây.Hiện trạng Việt Nam
Giáo sư Kenichi Ohno đã đưa ra nhiều điểm chứng minh nhận xét của ông trong đó ba điểm nổi bật là tăng trưởng chậm lại và hoạt động sản xuất hết sức mờ nhạt, bên cạnh đó lương chi trả cho công nhân đã lớn hơn nhiều so với năng suất lao động, điều này làm cho chi phí trong sản xuất trở nên đắt đỏ hơn.
Vấn đề tăng trưởng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Theo nhận xét của GSTS Vũ Văn Hóa Trưởng khoa Kinh tế tài chánh ĐH Quản Lý Kinh Doanh thì đang cần phải xem xét lại:
-Vấn đề tăng trưởng của Việt Nam hiện nay nói chung nó có mấy vấn đề cần phải xem lại. Thứ nhất là cơ cấu lại giữa nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam thế nào. Giữa hai cái đó các ông ở chính phủ cũng chưa rõ, mỗi thứ đầu tư một tí nhưng nó không có mục đích cuối cùng thành ra cản trở tốc độ tăng trưởng rất nhiều.
Tôi lấy ví dụ vấn đề công nghiệp là đang chế biến hộ cho thiên hạ, công nghiệp phụ trợ của mình không có thành thử giá trị gia tăng để tăng thu nhập cho nền kinh tế gần như ở mức thấp nhất, dệt may chẳng hạn, tăng trưởng của nó theo thông báo thì tương đối lớn trong xuất khẩu thế nhưng từ nguyên liệu là vải đến tất cả các việc tạo ra một cái áo, ngay cả mẩu mã cũng phải nhập ở nước ngoài. Như vậy Việt Nam chỉ có mỗi cái chi phí nhân công là chính mà chi phí nhân công của Việt Nam lại quá rẻ.
Thế còn nông nghiệp bây giờ trồng cái gì, canh tác ra làm sao và vấn đề đảm bảo cho sự phát triển thì không có. Tôi lấy ví dụ như chăn nuôi. Bây giờ phần lớn chăn nuôi của Việt Nam là nhập nguyên liệu về làm thức ăn cho gia súc mà chi phí rất lớn, như vậy làm sao có lãi được? Cho nên muốn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là phải cơ cấu lại nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp như thế nào và vấn đề đặt ra là phải có một định hướng rõ ràng thì mới có thể giải quyết vần đề đó.
Bẫy thu nhập trung bình đối với nước đang phát triển khi xuất hiện bốn yếu tố cấu thành như: tỉ lệ đầu tư sau một thời gian trở nên khó khăn và thấp hơn trước đó, ngành chế tạo trong nước phát triển chậm hay không khởi sắc, các ngành công nghiệp không tìm được lối ra, đơn điệu và không theo kịp thế giới và cuối cùng là thị trường lao động kém sôi động thiếu hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Những yếu tố này xuất hiện từ nhiều năm trước khi kinh tế Việt Nam vẫn định hướng và dẫn dắt bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các đơn vị quốc doanh này làm ra những sản phẩm để rồi không bán được hay bán với mức lãi không phù hợp với đồng vốn bỏ ra. Nhiều năm liền như thế khiến nền kinh tế vĩ mô bị tổn thương nhưng việc tái cơ cấu vẫn chỉ là giả định và trên lý thuyết. Kinh tế cả nước từ đó buộc phải chạy theo con tàu khập khiểng này do vậy đã làm thui chột mọi nổ lực của các thành phần kinh tế khác.
Vì đâu rơi vào bẫy sập?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết nhận xét của bà:
-Nhà nước là nơi mà có thể đầu tư mạnh nhất trong các ngành công nghiệp thì lại quá tập trung vào các ngành công nghiệp nặng sau khi đầu tư phát triển ngành này ngành khác không tính tới yếu tố Việt Nam có thể cạnh tranh với bên ngoài được hay không cho nên các ngành công nghiệp nặng của Việt Nam có đầu tư đi chăng nữa thì cũng không thể cạnh tranh được. Ở đây có thể điển hình những ngành như xi măng, sắt thép hay một số ngành khác mà Việt Nam đã bỏ tiền đầu tư rất nhiều.
Sự phá sản của hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân, và thu nhập từ các con số lớn lao của xuất khẩu khi tính ra mới thấy đó chỉ là xuất khẩu nhân công không hơn không kém. Đây cũng là mặt trái của thành quả mà người dân thường thấy trên các bản tin kinh tế. Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét:
-Tôi nghĩ các ngành công nghiệp thì rõ ràng hiện nay các doanh nghiệp tư nhân không có điều kiện để mà khai thác các thị trường mặc dù họ vẫn có thể có cơ hội ở đâu đó thị trường trong nước, thị trường bên ngoài hoặc tạo thành các doanh nghiệp mang tính chất cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài để tham gia vào các liên kết. Cũng có thể là ban đầu ở vị trí thấp hoặc cung cấp một số sản phẩm thôi về sau nâng cấp dần để có thể tham gia sâu hơn vào những giá trị trong khu vực và toàn cầu.
Nhưng thực tế về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian vừa qua và nhất là việc thực hiện các chính sách để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp không tốt cho nên không cho phép doanh nghiệp làm được điều đó, thậm chí có nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động như trong thời gian vừa qua đã thấy.
GSTS Vũ Văn Hóa nói về công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may tuy nhà nước có bàn đến nhưng chưa có hành động gì cụ thể, ông nói:
-Nhà nước cũng nêu ra rồi nhưng chưa có biện pháp. Tôi lấy thí dụ như công nghiệp phụ trợ chẳng hạn, nêu ra rồi nhưng anh chưa có biện pháp gì quyết liệt thực hiện biện pháp đó cả thì làm sao có thể làm cho tốc độ tăng trưởng lên cao được bởi vì thu nhập quốc dân như thế thì chả đáng bao nhiêu, trên dưới 100 tỷ đô la thu nhập thì so với Hoa kỳ chỉ như muối bỏ biển.
Vần đề đầu tư tại Việt Nam tuy vẫn nằm ở các con số đáng lạc quan nhưng phía sau những con số ấy là những tiềm ẩn cho con đường phát triển hơn là bảo đảm một tương lai chắc chắn đối với kinh tế Việt Nam, bà Phạm Chi Lan phân tích:
-Tỷ lệ đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam vẫn khá cao, tôi cho là Việt Nam vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài so với một số nước chung quanh nhưng có điều cần phải xem xét là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì phần nhiều các dự án chỉ nhằm vào khai thác thị trường nội địa hoặc là khai thác lao động giá rẻ của Việt Nam để cuất khẩu ra bên ngoài.
Giai đoạn đầu của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có rất nhiều dự án hướng tới các ngành thay thế nhập khẩu tức là để khai thác thị trường nội địa của Việt Nam thôi và sau đó họ chuyển dần sang khai thác ngành xuất khẩu. Khai thác xuất khẩu lại chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ và những ưu đãi mà nhà nước dành cho họ hơn là phát triển các ngành dịch vụ hoặc là tạo thành liên kết mạnh giữa Việt Nam với các khâu bên ngoài. Đấy là vấn đề của đầu tư nước ngoài nên tôi vẫn nói là không nên cứ thấy đầu tư nước ngoài nhiều mà đã vội vui mừng bởi vì phải xem chất lượng đầu tư như thế nào. Nếu so sánh với các nước chung quanh như Thái Lan chẳng hạn thì có thể thấy chất lượng đầu tư ở Thái Lan tốt hơn Việt Nam rất nhiều.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình là mọi thu nhập từ nguồn tài nguyên của đất nước đã bị khai thác cạn kiệt thì nền kinh tế sẽ phải trả giá.
Bẫy thu nhập trung bình là dấu hiệu trì trệ của một nền kinh tế. Nó là lực cản kinh tế của một nước khi không tự vượt được chính mình và hệ lụy mà nó mang đến là người dân phải nằm im với con số thu nhập kém cỏi mỗi năm trong vài chục năm liên tiếp.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-trap-incom-avera-03272014075643.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét