Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Có hai kẻ bại trận!

Có hai kẻ bại trận!
Lữ Giang
Ngày 24.3.2014 đài RFI của Pháp đã phổ biến một bài dưới đầu đề “Putin hạ Merkel và Obama 1-0” với đoạn mở đầu như sau:
 “Phương Tây thất bại và bị chiếu bí. Siêu nhân Putin đăng quang. Đôi tay giơ cao, nụ cười hài lòng, hôm thứ Ba 18.3.2014, ông ta loan báo trước Quốc hội việc sáp nhập Crimée vào Nga. Putin đã phục hận. Trả thù một Ukraina nay đã bị mất đi một phần lãnh thổ, vì đã cả gan muốn ký kết một hiệp định thương mại với Liên hiệp châu Âu. Phục thù phương Tây gồm cả Hoa Kỳ và châu Âu, vì đã dám ủng hộ tân chính quyền Ukraina.”
CÓ HAI KẺ BẠI TRẬN!
Đài RFI đã đăng lại đầu đề bài của Alain Frachon, một ký giả nổi danh của Pháp, trên nhật báo Le Monde ngày 20.3.2014 với đầu đê “Poutine: 1, Merkel et Obama: 0” và phần mở đầu: “Echec et mat à l’Occident. Super Poutine triomphe. Bras levés, sourire satisfait…” Nội dung bài báo được RFI tóm lược như sau:
“Một chiến dịch diễn ra nhanh gọn, hầu như không tốn một phát súng. Cuối tháng Hai, lực lượng Nga nắm quyền kiểm soát Crimée; giữa tháng Ba, trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga; hoàn tất vào tuần này tại Quốc hội Nga. Trong lúc đó Mỹ và châu Âu tiến hành trừng phạt, nhưng chẳng có tác động gì đối với Tổng thống Nga. Thị trường chứng khoán Matxcơva có bị rối loạn đôi chút, đồng rúp bị mất giá, nhưng nền kinh tế đất nước không bị sụp đổ.
“Ngay tại Nga, uy tín của Putin lên đến đỉnh điểm – trên 70% ủng hộ. Một số nhà đối lập trước đây lại còn hoan nghênh về vụ Crimée. Thế vận hội Sotchi thành công. Bị nhào nặn bởi một nền báo chí định hướng, dư luận tỏ ra dân tộc chủ nghĩa hơn bao giờ hết. Vladimir Putin có lý do để nở nụ cười.
Có hai kẻ bại trận: Barack Obama và Angela Merkel. Không phải vì các lợi ích chiến lược hay kinh tế của Hoa Kỳ hoặc Đức bị ảnh hưởng. Nhưng hai nhà lãnh đạo quan trọng nhất của phương Tây đã lầm lẫn nặng nề. Họ đã làm mọi cách để “xoa dịu” một nước Nga mà người ta nói là “bị nhục nhã” khi đế quốc của mình biến mất. Họ đã nhượng bộ nhiều đòi hỏi của Matxcơva. Đã dịu dàng vuốt ve con gấu, mà không hề nhận lại được gì.”
Đa số người Việt hải ngoại không thích bài bình luận này. Một số “bình luận gia” của người Việt còn “mách nước” cho Tổng Thống Obama cách thức trừng phạt Putin nặng nề hơn! Trong khi đó nhiều câu hỏi đã được các nhà phân tích và bình luận chính trị quốc tế đặt ra, chẳng hạn như:
Putin sẽ không dừng ở Crimea?
Putin khai mở một thời kỳ đối đầu mới giữa Nga và phương Tây?
Trừng phạt Nga có thể bị phản ứng ngược?
Liệu các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu vì những hoàn cảnh và quyền lợi riêng, có đứng chung một chiến tuyến hay không?
Khủng hoảng Ukraina làm thay đổi cục diện thế giới?
Trật tự thế giới đơn cực sau “chiến tranh lạnh” không còn lý do để tồn tại?
Tương lai của châu Á: đơn cực hay đa cực?
Thời kỳ chiến tranh lạnh bắt đầu trở lại?, v.v.
Trước khi xác định Nga muốn gì và các nước Tây phương sẽ phản ứng như thế nào, cần phải nghe những gì ông Putin đã nói.
TIẾNG NÓI CỦA PUTIN
Ngày 18.3.2014, Tổng thống Putin đã đọc một bài diễn văn quan trọng trước các các ủy viên Hội Đồng Liên Bang (Thượng viện), các dân biểu của Hạ viện (Duma) và các đại biểu của Nước cộng hòa Crimea và Sevastopol. Bà Maria Danilova, phóng viên hãng thông tấn AP ở Ukraina đã loan tin này với nhận xét: “Một bài diễn văn lịch sử. Thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Toàn văn bài diễn văn bằng tiếng Anh đã được hãng thông tấn Reuter phổ biến rộng rãi.
Bài diễn văn khá dài (khoảng 8 trang đánh máy), được soạn rất kỹ về cả hình thức lẫn nội dung. Đúng như ký giả Alain Frachon đã nói, Tây phương đã bị trúng kế. Tổng Thống Obama nổi điên. Các nhà phân tích đã trích dẫn 10 đoạn chính của bài diễn văn. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ ghi lại một số đoạn quan trọng dưới đây:
1.- Chuyện vi phạm luật quốc tế
Ông Putin nói:
“Họ nói chúng ta vi phạm luật pháp quốc tế. Tốt họ nhớ luật quốc tế còn tồn tại. Muộn còn hơn là không " (They say we violate international law. Good they remember internationnal law exists. Better late than ever).
Ở một đoạn khác ông nói tiếp:
"Các đối tác Tây phương, dẫn đầu là Hoa Kỳ, không thích tuân theo luật pháp quốc tế... nhưng theo quyền lực của súng đạn." (Western partners, led by US., prefer no to follow international law… but the rule of gun).
Họ đi đến chỗ tin rằng họ đặc biệt và có đặc quyền, rằng họ có thể quyết định vận mệnh thế giới, rằng chỉ họ mới luôn luôn đúng. Họ làm bất cứ thứ gì họ thích: chỗ này, chỗ kia. Họ sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia có chủ quyền, xây dựng các liên minh dựa trên nguyên tắc “Nếu anh không theo tôi nghĩa là anh chống lại tôi”. Để cho sự xâm lược này có vẻ hợp pháp, họ ép buộc các tổ chức quốc tế phải đưa ra các nghị quyết. Và nếu vì một vài lý do nào đó mà cách này không hiệu quả, thì họ phớt lờ luôn cả Liên Hợp Quốc lẫn Hội đồng Bảo an.”
Về trường hợp Crimea tách rời ra khỏi Ukraina và sáp nhập vào Liên Bang Nga, ông Putin đưa án lệ của Tòa Án Quốc Tế La Haye tuyên bố việc Kosovo tách là rời ra khỏi Serbia như một tiền lệ để biện minh. Ông nói:
“Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc đã đồng ý với cách tiếp cận này và đã đề những ghi chú (mà tôi trích dẫn lại sau đây) trong phán quyết ngày 22.7.2010: “Không có sự cấm đoán tổng quát nào có thể được suy ra từ thông lệ của Hội đồng Bảo an liên quan đến việc tuyên bố độc lập” vàLuật pháp quốc tế tổng quát không bao hàm quy định cấm tuyên bố độc lập”. (“No general prohibition may be inferred from the practice of the Security Council with regard to declarations of independence,” and “General international law contains no prohibition on declarations of independence.”) Hoàn toàn dễ hiểu.
2.- Về các biện pháp trừng phạt
Đối với các biện pháp chế tài mà Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương tuyên bố áp dụng, ông Putin nói:
Ngày hôm nay, chúng ta đang bị đe dọa với những biện pháp trừng phạt, nhưng chúng ta đã từng đối mặt với nhiều sự bao vây đáng kể cho nền kinh tế và đất nước của chúng ta.
“Ví dụ, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và các quốc gia khác đã giới hạn một danh sách dài những công nghệ và thiết bị được nhập từ Liên Xô, tạo ra Ủy ban Hợp tác về Kiểm soát Xuất khẩu Đa phương. Hôm nay, danh sách này đã được loại bỏ, nhưng chỉ là hình thức, và trên thực tế, nhiều sự hạn chế vẫn còn có hiệu lực.
“Nước Nga nhận thấy mình đang ở vị thế không thể rút lui. Nếu ai đó tìm mọi cách để nén chiếc lò xo đến giới hạn của nó, chiếc lò xo sẽ lập tức bật mạnh trở lại. Mọi người phải luôn ghi nhớ điều này.”
3.- Vấn đề bao vây nước Nga
Ông Putin cương quyết chống lại việc khối NATO biến các nước quanh Liên Bang Nga, trong đó có Ukraina, thành vòng đai bao vây Nga. Ông nói:
“Hãy cho tôi lưu ý rằng chúng ta đã nghe các tuyên bố từ Kiev về việc Ukraine sẽ sớm gia nhập NATO. Điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với Crimea và Sevastopol trong tương lai? Nó có nghĩa là hải quân của NATO sẽ có mặt tại thành phố vẻ vang quân sự của Nga, và điều này sẽ không chỉ tạo ra một mối đe dọa ảo tưởng mà là mối đe dọa thực sự đối với toàn bộ miền Nam nước Nga. Những điều này có thể đã trở thành hiện thực nếu người dân Crimea không lựa chọn như hiện nay, và tôi muốn nói lời cảm ơn với họ vì điều này.
“Hãy để tôi cho các bạn biết, chúng tôi không phản đối việc hợp tác với NATO, chắc chắn không phải trường hợp này. Về tất cả các quy trình nội bộ trong tổ chức, NATO là một liên minh quân sự, và chúng tôi phản đối việc để cho một liên minh quân sự tự hình thành ngay trong sân sau của chúng tôi hay trong lãnh thổ lịch sử của chúng tôi. Tôi chỉ đơn giản không tưởng tượng được việc chúng ta đến Sevastopol để gặp thủy quân của NATO. Tất nhiên, hầu hết bọn họ là những người tuyệt vời, nhưng tốt hơn là hãy để họ đến thăm chúng ta, trở thành khách của chúng ta hơn là theo chiều ngược lại.”
MỘT VÀI HỆ LUẬN
Khi Liên Sô sụp đổ, Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành nước đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian cầm quyền, vì nhằm củng cố quyền lợi của giới đại tư bản Mỹ, Tổng Thống Bush đã làm suy yếu Hoa Kỳ cả về phương diện kinh tế, chính trị lẫn quân sự khiến Mỹ mất dần địa vị siêu cường của thế giới. Trong khi đó, Nga phục hồi lại địa vị cường quốc của mình và nhiều cường quốc mới xuất hiện như Trung Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Nhật Bản và Ấn Độ. Nhưng Nga được coi là một đối thủ đáng sợ nhất. Do đó, Hoa Kỳ và các cường quốc Âu Châu đã có chủ trương quy nạp các nước trong Liên Sô cũ vào NATO để bao vây Nga về quân sự, và vào Liên Hiệp Âu Châu để bao vây Nga về kinh tế.
Dĩ nhiên, Nga phải có biện pháp để chống lại. Về phương diện kinh tế, Nga và Trung Quốc hình thành Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation) bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Mới đây, Nga ký các hiệp định thuế quan với Belarus, Kazakhstan và Armenia, và đến năm 2015 sẽ chuyển thành Liên Minh Kinh Tế Âu Á.Về phương diện an ninh, Hiệp Ước Tổ Chức An Ninh Tập Thề (Collective Security Treaty Organization) cũng đã được thành lập gồm có Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Năm 2008, Nga đã ngăn chận Gruzia gia nhập NATO bằng cách tách hai vùng của nước này thành những khu tự trị. Nay đến lượt Crimea.
Với Liên Hiệp Âu Châu (EU), một số nhà phân tích cho rằng những lợi ích về kinh tế sẽ làm cho các nước trong EU khó tách rời khỏi Nga. Kim ngạch thương mại giữa hai đối tác này tăng từ 129 tỷ Eu năm 2004 lên hơn 410 tỷ Eu năm 2012 và trên 520 tỷ trong năm vừa quaTổng số nhiên liệu Nga xuất khẩu sang EU chiếm 20% số dầu mỏ và 44% số lượng khí đốt mà châu lục này nhập khẩu. Một số nước châu Âu nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ Nga như Phần Lan và Bungari.Riêng Ba Lan 60%, Đức 39%, Ý 30% và Pháp 26%. Một điều quan trọng khác là khế ước thương mại giữa 27 nước thuộc EU và Nga là khế ước song phương chứ không phải khế ước đa phương, nên mỗi nước vì quyền lợi riêng, có thể không tuân theo các áp đặt mà Hoa Kỳ và EU đưa ra.
Bài diễn văn của ông Putin cho thấy Nga đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những đòn Mỹ và Tây phương đưa ra khi sáp nhập Crimea vào Nga. Ký giả John Simpson của BBC cho rằng việc sát nhập Crimea là cuộc xâm lược êm thấm nhất của thời hiện đại.
Rồi đây Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế sau khi đẩy Nga về phía đối kháng, trong khi đó Ukraina không phải là "lợi ích cốt lõi" của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng sẽ lợi dụng sự đối đầu này để thực hiện tham rộng của mình. Đó là những rắc rối mà Hoa Kỳ sẽ phải đối phó trong thời gian sắp đến.
Ngày 27.3.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét