Trung Quốc lấn từ từ ở Biển Đông
BẮC KINH 28-3 (NV) - Chính sách thôn tính toàn thể Biển Đông của Bắc Kinh hiện nay là lấn từ từ từng bước một, phối hợp chặt chẽ tất cả các mặt từ chính trị, quân sự và cả tuyên truyền dọa nạt.
Bản đồ Biển Đông với hai vùng tranh chấp nổi bật là
quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. (Hình: Wikipedia)
Ngày 21/3/2014 vừa qua, Jane's Defense, tạp chí thông tin quốc phòng an ninh nổi tiếng thế giới, cho hay Bắc Kinh vừa chuyển giao một khu trục hạm tối tân nhất vừa mới đóng mang tên Kunming (Côn Minh) danh số 172 cho hạm đội Nam Hải. Một chiếc cùng lớp, tên Trường Sa, danh số 173, đang được chạy thử, và cũng sẽ chuyển giao cho lực lượng này.Khu trục hạm Côn Minh trọng tải 7,500 tấn, tầm hoạt động 4,500 hải lý, trang bị các loại hỏa tiễn chống tàu, chống ngầm, chống máy bay và cả tấn công trên đất liền, ngoài các ống phóng thủy lôi. Báo chí Trung quốc khoe rằng chiến hạm vừa nói trở thành khu trục hạm trang bị hỏa tiễn và các hệ thống tác chiến điện tử “Aegis Trung Hoa” thứ ba của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc. Theo báo chí Bắc Kinh, trong vài năm tới, Hải quân Trung Quốc sẽ trang bị ít nhất 10 tàu khu trục Type 052D, tức lớp tàu như Côn Minh, Trường Sa.
Hiện Nay, hạm đội Nam Hải của Trung quốc có tới 11 khu trục hạm, 18 hộ tống hạm, 8 tàu ngầm, 3 tàu đổ bộ cỡ lớn nhất của họ và nhiều tàu tiếp liệu, chở quân, tàu bệnh viện. Các căn cứ không quân trên đảo Hải Nam. Đó là không kể đến các lực lượng không quân, đội tàu hải giám đông đảo, lớn mạnh ăn trùm các nước nhỏ phía nam.
Đầu Tháng Ba 2014, Trung quốc loan báo ngân sách quốc phòng của họ tăng hơn 12% năm nay, tương đương tới gần $132 tỉ USD. Hành động này làm các nước trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh, từ Nhật Bản phía trên đến Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonesia, Malaysia phía nam đều không dấu nỗi quan ngại.
“Sự gia tăng nhanh chóng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh những năm gần đây cho thấy mục tiêu của Trung quốc là muốn trở thành nước có sự hiện diện quân sự trội vượt trên Thái Bình Dương, mà hải quân của họ dự trù vươn trùm ra cả vùng”. Tạp chí Jane's nhận định như vậy dựa theo ý kiến của các phân tích gia chiến lược. Họ còn cho rằng chi tiêu quốc phòng thật sự của Bắc Kinh còn lớn hơn rất nhiều so với các con số được công bố.
Ngày Thứ Năm 27/3/2014, hãng thông tấn Reuters cho hay chính phủ Phi dự tính kiện Trung quốc ra tòa án quốc tế The Hague sau khi đã đưa Trung quốc ra cơ quan Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hành động này được hiểu là Manila hình dung thấy cơ quan UNCLOS không có khả năng ép buộc nước bị kiện thi hành phán quyết, nên cần một biện pháp có tác dụng chính trị hữu ích hơn.
Ngày 9/3/2014 vừa qua, tàu hải giám của Trung quốc đã ngăn cản tàu tiếp tế nước uống và thực phẩm cho đơn vị lính Phi Luật Tân đang đồn trú trên một cái tàu tại khu bãi đá ngầm họ họi là Second Thomas Shoal. Chính phủ Phi buộc lòng phải tiếp tế bằng trực thăng.
Mới đây, báo điện tử Want China Times đưa tin quân đội Trung quốc lập một đơn vị đặc nhiệm phản ứng nhanh sử dụng các loại tàu đổ bộ trên biển. Mục đích là hành động trước khi các nước khác có thể phản ứng. Lực lượng đặc nhiệm nhắm vào quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Nhật nhưng cũng không loại trừ khả năng nhắm vào những đảo mà họ muốn cướp trên Biển Đông.
Khi Nga cướp vùng Crimea của Ukraine, nhiều nhà phân tích liền nghĩ ngay tới sự liều lĩnh của Bắc Kinh có thể bắt chước đối với các đảo và vùng biển đang tranh chấp với các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân. Trung quốc đã cướp một số bãi cạn của Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa hồi năm 1988 cũng như đã cướp quần đảo Hoàng Sa hồi đầu năm 1994.
Tháng 6/2012, sau khi Việt Nam ra Luật Biển xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Bắc Kinh liền thành lập “thành phố Tam Sa cấp huyện” bao gồm cả hai quần đảo tranh chấp với Việt Nam và một vùng tranh chấp với Phi. Đảo Phú Lâm của Hoàng Sa được Bắc Kinh gấp rút đầu tư biến thành một trung tâm chỉ huy quân sự lớn cho cả hải quân và không quân để kềm chế cả khu vực Biển Đông.
Các cuộc tập trận hải quân qui mô bắn đạn thật, gồm cả đổ bộ chiếm đảo, được Bắc Kinh cho hạm đội Nam Hải thực hiện trên Biển Đông nhiều lần mỗi năm không ngoài mục đích đe dọa Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Tháng Giêng vừa qua, Bắc Kinh cho nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam loan báo sẽ buộc “tàu cá nước ngoài” phải xin phép nếu muốn đánh cá ở các vùng biển mà Bắc Kinh ngang ngược tự nhận chủ quyền. Một số tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt động gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu tuần Trung quốc, cướp phá, đánh đập, khi thì bắn cháy.
Tuy cũng tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung quốc, Việt Nam chỉ đưa ra các phản ứng chừng mực có tính cách ngoại giao và tuyên truyền. Chính phủ Phi nhiều lần lên liếng kêu gọi Việt Nam cùng tích cực tham gia kiện Trung quốc, nhưng đảng CSVN lại sợ mất cái thế dựa vào Bắc Kinh để tồn tại. Bởi vậy, người ta chỉ thấy Hà Nội ủng hộ ngầm các hành động pháp lý của Manila chứ không dám ra mặt, theo một số viên chức chính phủ Phi tiết lộ trên mặt báo.
Một mặt bất chấp luật lệ pháp lý quốc tế, một mặt từ từ thay đổi hiện trạng kiểm soát thực tế ở khu vực bằng cách lấn dần dần, leo thang dần dần bằng sức mạnh quân sự và bằng những biện pháp hành chính, Bắc Kinh đang thi hành sách lược “tằm ăn dâu” với chủ đích buộc các nước khác chấp nhận thực thể khó có khả năng đảo ngược.
Theo tác giả Gregory Poling viết trên tạp chí chính trị East Asia Forum hôm Thứ Sáu 28/3/2014, “Chừng nào Bắc Kinh vẫn tránh né và phớt lờ các vụ trọng tài quốc tế, các tòa án quốc tế, và không xâm lăng cấp tốc, Bắc Kinh cho rằng về lâu về dài họ sẽ đạt được mục đích.” (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét