Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Trương Tửu - một nhà văn tài năng và nhân cách

Trương Tửu (1913 - 1999) là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Các bút danh khác: Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên, T.T... Ông được phong chức danh Giáo sư năm 1957, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường… Cùng thời, nhà thơ Nguyễn Vỹ, bạn thân thiết của Trương Tửu, nhận xét: "Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều. Có lẽ một phần nhờ trường Bách Nghệ huấn luyện, lại sẵn thiên tài Văn nghệ nên lý luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh như búa, như kềm. Lời nói anh vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nẩy lửa, nghe lâu chát cả tai...". Đoàn Minh Tân, một cựu học trò của cố Giáo sư Trương Tửu, tâm sự: "Tôi học thầy Trương Tửu niên khoá 1954-1957. Với tôi, thầy Tửu là người mà cả lớp đều phải kính phục về tính thông minh. Tôi chưa thấy ai giảng hay như thầy, kể cả đọc cũng rất hấp dẫn. Tôi còn nhớ, khi nghe thầy đọc bài "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi, đến nửa lớp chúng tôi đứng dậy để nghe. Điểm đặc biệt nữa ở thầy là luôn tạo cho học sinh phương pháp tư duy. Tôi rất kỳ lạ bởi thầy học môn xã hội mà lại có phương pháp tư duy khoa học như thế. Thầy còn rất quý học sinh, giữa chúng tôi và thầy không hề có khoảng cách. Thầy coi chúng tôi như con và chúng tôi cũng coi thầy như cha". Tuy nhiên, đầu năm 1958, GS bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm. Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y. Trong chiến dịch Nhân văn giai phẩm, Giáo sư Nguyễn Lân viết: Sở dĩ có những lệch lạc ở một số sinh viên khoa Văn và khoa Sử là vì họ đã chịu cái ảnh hưởng tàn khốc của Trương Tửu và Trần Đức Thảo... Nhà trường đòi hỏi các cán bộ giảng dạy trước khi lên lớp phải soạn giáo trình và giáo án; nhưng Tửu và Thảo thì không chịu viết giáo trình, lấy cớ là môn mình phụ trách khó quá chưa thể cho in thành tài liệu được. Sự thực là họ sợ mực đen giấy trắng dễ biểu lộ những tư tưởng phản động của họ. Họ thường tay không lên lớp rồi nói lung tung, không theo một phương pháp sư phạm nào. Vì không có giáo án nên đã có lần Trương Tửu không chuẩn bị, phải nhai lại một bài đã giảng kỳ trước, làm cho sinh viên hết sức công phẫn...Nhưng Trương Tửu và Trần Đức Thảo thì ngược lại, chỉ âm mưu dùng cái diễn đàn của trường đại học để đả kích chế độ, đả kích Đảng và xuyên tạc chân lý. Thí dụ: Tửu đã say sưa giảng về Vũ Trọng Phụng để chứng minh rằng Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng."'. Đáng mừng là sau đổi mới, cách đối xử của chính quyền với ông đã thay đổi. Năm 2007, đã cho phép tổ chức buổi "Gặp mặt để tưởng nhớ Nhà văn - Giáo sư Trương Tửu".
Trương Tửu - một nhà văn tài năng và có nhân cách
FB Quang Minh Hà - Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa) là một nhà phê bình Văn học lớn, một tài năng xuất chúng. Ông đã tự mình xây dựng nên cả một hệ thống lý thuyết về phê bình Văn học có những tiêu chí rõ ràng. Đó là sự suy nghĩ tìm tòi độc đáo, không lệ thuộc vào bất kỳ thứ tư tưởng áp đặt đè nén, tước hết tự do nào và độc đáo trong thể hiện. Trương Tửu là một nhà văn có nhân cách.
Có thể là hình ảnh về 1 người
Trong hoạt động văn học của mình,dù là thời kỳ Hàn Thuyên, thời nhân văn giai phẩm (NVGP), hay suốt 40 năm bị chà đạp, đàn áp cuối đời,ông luôn giữ cho mình tính độc lập, độc đáo, không lệ thuộc, không xu nịnh, cúi đầu trước bất cứ ai, bất cứ điều gì, dù có lợi đến đâu. Cái duy nhất ông trân trọng là Sự Thật.

Khoảng năm 1951-1952 Trương Tửu cho ra đời cuốn VĂN NGHỆ BÌNH DÂN tại vùng kháng chiến liên khu 4. Cùng là khảo cứu về ca dao tục ngữ dân gian,nhưng khác với Vũ Ngọc Phan,chỉ nặng về ca tụng những nét đẹp,những câu ca dao đẹp; Trương Tửu đưa vào Văn Nghệ Bình Dân cả những cái xù xì có thực trong đời sống,trong tình yêu đôi lứa:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra

Hoặc:
Hỡi thằng cu lớn
Hỡi thằng cu bé
Cu tí, cu tị, cu tì ơi
Từ nay con ăn con ở với bà
Để mẹ đi kiếm một và em thêm
Cha con chết đi,trong dạ mẹ vẫn còn thèm...

Có thể là hình ảnh đen trắng về 4 người và mọi người đang đứng

Thời NVGP ông đã lên án tệ sùng bái cá nhân (giống như Khơ rút sốp phê bình tệ sùng bái cá nhân của Stalin tại ĐH lần thứ 22 ĐCSLX. Từ đó thế giới mới biết rõ những tội ác diệt chủng man rợ của tên độc tài khát máu này. Trong thời guan cầm quyền tối cao ĐCS và nhà nước Liên Xô, y đã giết các đồng chí bất đồng chính kiên của đảng mình, của tổ quốc mình là Liên bang Xô Viết, tổng cộng trên 12 triệu người). 

Trương Tửu viết: (bọn sùng bái cá nhân):"Miệng thì luôn ca ngợi đảng không sai lầm bao giờ.Họ sùng bái 1 người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ họ. Nhờ phương pháp ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban kia, leo dần lên thang danh lợi,oai quyền hống hách, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên cấp trên thì xuyên tạc sự thật có dụng ý. Lãnh đại anh em thì mệnh lệnh,độc tài. Họ sùng bái cá nhân để trục lợi..".

Thực tế đã minh chứng những nhận định điêm rất trúng huyệt những kẻ cơ hội. Năm 1956 Đảng LĐVN chính thức thừa nhận sai lầm trong CCRĐ,chủ tịch HCM phải gạt nước mắt khóc trước quốc hội, TBT Trường Chinh bị kỷ luật mất chức. Những kẻ xu nịnh trong giới lãnh đạo văn nghệ như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải.. thì sám hối. Trong tập thơ CHÂN DUNG NHÀ THƠ NHÀ VĂN, nhà thơ Xuân Sách đã mô tả nhà phê bình Văn học Hoài Thanh, người từng phê phán Trương Tửu và các bạn văn tham gia NVGP như sau:

"Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời còn lại vị người ngồi trên
Văn chương còn một chút duyên
Cũng vò cho nát cũng lèn cho đau

Bình văn đến bạc mái đầu
Mà không thể tất nổi câu nhân tình
Canh khuya mình lại giật mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan".

Với Trương Tửu thì khác. Trong bộ sách Sơ Khảo Văn học-Sg-1968, GS Lê Văn Trung cho rằng: "Nguyễn Bách Khoa là người đầu tiên và duy nhất đã đưa ra một quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống với một lối văn độc đáo....viết thành một chủ thuyết hiếm hoi. Cho đến nay Nguyễn Bách Khoa thành công hơn cả" .

Nhà phê bình Văn học Việt kiều có tiếng Thụy Khuê thì viết:"Trương Tửu bị kết án im lặng trong 40 năm. Đó là sự trừng phạt quá đau đối với một nhà tư tưởng, một nhà văn không thể, không thể viết được những điều trái với sự thật". 

Thế nên cũng chẳng có gì là lạ, khi, vào năm 1987 cố nhà văn Nguyễn Minh Châu đã dũng cảm viết "LỜI AI ĐIẾU CHO MỘT THỜI VĂN HỌC MINH HỌA"

-------------------

TRƯƠNG TỬU

Đối với số đông sinh viên, trí thức hiện nay, hỏi Trương Tửu là ai? Ông đã làm những gì cho nền phê bình văn học của nước nhà? Có lẽ nhiều người không biết. Nhân bài viết “Người Vợ Nhân Văn”, tôi xin trích vài đoạn trong loạt bài khảo cứu về Trương Tửu của nhà phê bình văn học Thụy Khuê, để phần nào mọi người có chút thông tin về vị thầy thuốc đông y bất đắc dĩ này.

=== ***===

Là một trong những nhà lý luận phê bình tài ba nhất của thế hệ tiền chiến, một trong những nhà phê bình tiên phong đã đưa phê bình Việt Nam vào thời hiện đại, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa mất tại Hà Nội một ngày cuối đông (1999) trong sự lãng quên của mọi người.

Trương Tửu viết trước Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan, nhưng nếu cách viết của Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan còn nằm trong đường lối phê bình của thế kỷ XIX, thì Trương Tửu đã vận dụng phương pháp phê bình thế kỷ XX. Và đó là một bước tiến quan trọng trong phê bình văn học.

Trương Tửu gắn bó với hai hệ lụy: ông thuộc nhóm trí thức Hàn Thuyên được coi là Trốt kít và ông đã tích cực tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Hai cái án ấy đã chấm dứt sự nghiệp của nhà phê bình Trương Tửu và sự nghiệp giảng dậy của giáo sư Trương Tửu ở Đại học Văn Khoa Hà Nội, từ năm 1959. Trong 40 năm còn lại của đời ông, từ 1959 đến 1999, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã sống một cuộc đời gần như ẩn dật, làm nghể đông y, không liên hệ gì đến sinh hoạt văn học nữa.

Để tìm lại tầm quan trọng của hoạt động Trương Tửu trong thời kỳ này, không gì rõ hơn là đọc lại những bài đánh Trương Tửu, của những nhà văn lãnh đạo thời ấy. Qua những bài viết đó, người ta thấy Trương Tửu được xem như là một trong những nhà tư tưởng «đầu sỏ» cùng với Trần Đức Thảo, đã cầm đầu phong trào đấu tranh ở đại học, đã khuyến khích và nâng đỡ tinh thần cho sinh viên. Qua những lời buộc tội Trương Tửu của Tố Hữu, Hoài Thanh, Hồng Cương, Như Phong, Bùi Huy Phồn v.v... chúng ta có thể biết được đường hướng hoạt động của Trương Tửu trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm.

Tố Hữu viết: "Chúng - tức là Trương Tửu và Trần Đức Thảo- muốn biến đại học thành một "pháo đài" phản cách mạng như bọn chúng thú nhận, và thật sự từ vị trí ấy, chúng đã tung ra trong giới văn nghệ sĩ trí thức những sách báo phản động nhất, những tác phẩm của Trốt- Ky phương Tây, cùng những tài liệu của bọn phản cách mạng, bọn xét lại quốc tế". "Trong những tập giai phẩm mùa thu, mùa đông, Trương Tửu đưa ra luận điệu "văn nghệ sĩ chân chính xưa nay đều chống lại chính trị của giai cấp cầm quyền" (trích Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận, trang 161).

Hoài Thanh viết: "Trương Tửu nhắc đi nhắc lại lời Gide khuyên các nhà văn nhà nghệ sĩ hãy gieo rắc vào tâm trí mọi người chất men bất phục tùng và phản kháng (...) Trương Tửu chủ trương thành lập một đoàn Tân văn nghệ, không chịu sự lãnh đạo của một đảng nào hết, mà chỉ có thể hợp tác với đảng chính trị một cách hãn hữu" (sđd, trang 65).

Vẫn lời của Hoài Thanh trong bài «Thực chất của Trương Tửu», viết: "Trong ba tập Giai Phẩm liên tiếp, nó đả kích thậm tệ vào toàn bộ cán bộ Đảng phụ trách công tác văn nghệ, phủ nhận tính chất mác xít, tính chất vô sản của đảng. Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt sự việc để vu khống... một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ" (sđd, trang 66).

Qua thứ ngôn ngữ trên đây của Tố Hữu và Hoài Thanh, chúng ta biết được tầm quan trọng của Trương Tửu lúc bấy giờ. Không những ông đứng ra trông nom bài vở cho các tờ Giai Phẩm mùa thu và mùa đông, mà ngòi bút của ông còn là trục chính. Ông đã phê phán trực tiếp tư cách của những văn nghệ sĩ lãnh đạo từ Lưu Trọng Lư đến Tố Hữu.

Trong bài “Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ” đăng trên Giai Phẩm mùa thu tập II, ra ngày 30/9/56, Trương Tửu viết: "Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những người của Đảng phụ trách lãnh đạo văn nghệ, trong kháng chiến cũng như sau khi hoà bình lập lại, đều có thứ tâm lý nói trên. Ở cửa miệng họ, bao giờ ta cũng bắt gặp cái điệp khúc bất di bất dịch này: Đảng không bao giờ sai lầm. Rồi từ chỗ nói: Đảng không bao giờ sai lầm, họ tiến đến chỗ nói: các cá nhân lãnh đạo Đảng không bao giờ sai lầm" [...]

Họ sùng bái một người (cấp trên) để vạn người (cấp dưới) sợ cá nhân họ. Nhờ phương châm ấy, họ bám vào gót giầy cấp ủy ban này, cấp ủy ban kia, leo dần lên thang danh lợi, oai quyền hống hách, đàn áp cấp dưới, khinh miệt quần chúng, báo cáo lên trên thì xuyên tạc sự thực có dụng ý, lãnh đạo anh em thì mệnh lệnh độc tài. Họ sùng bái cá nhân là để trục lợi. Họ chỉ có thể tiến thân bằng đường lối ấy.

Cho nên, khi vị lãnh tụ văn nghệ Tố Hữu chỉ thị bỏ những tranh tĩnh vật trong một cuộc triển lãm hội hoạ (1955) thì họ bỏ hết những tranh tĩnh vật ; khi ông Tố Hữu tấm tắc khen bức tượng “Hướng điền” của Song Văn thì họ xô nhau vào tấm tắc khen theo; khi ông Tố Hữu chê hai bức sơn mài “Trăng lên” và “Niềm vui” của Nguyễn Sáng trong kỳ triển lãm năm ngoái thì họ ùa vào chê theo mặc dầu họ đã khen Nguyễn Sáng lúc ông Tố Hữu chưa có ý kiến […]

Bài viết của Trương Tửu tố cáo toàn diện bộ mặt lãnh đạo văn nghệ. Nhưng qua đó ông phê phán bộ mặt lãnh đạo nói chung.

Trên Giai phẩm mùa thu tập III, ra ngày 30/10/56, trong bài “Văn nghệ và chính trị”, ngòi bút của Trương Tửu hướng về điều kiện sáng tạo: "Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì, bảo vệ, phát triển tính độc đáo ấy không để sức mạnh bên ngoài nào xâm phạm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật - để có thể phán ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do đây có nghiã là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, yêu những cái mà mình ghét, ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo. Giả tạo là kẻ thù của nghệ thuật. Giả tạo là tiêu diệt nghệ thuật. Một tác phẩm văn nghệ không tiết ra từ những cảm nghĩ thành thực và sâu sắc của chính tâm hồn tác giả sẽ là một phản ảnh nhạt nhẽo của thực tại. Nó khô khẳng vì thiếu chất sống. Nó bất thành nghệ thuật, và do đó, chẳng xúc động được ai cả".

Ở miềm Bắc sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, tên tuổi và tác phẩm của Trương Tửu bị loại trừ, thì ở miền Nam, ảnh hưởng Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa trong đại học rất lớn. Nguyễn Văn Trung trong bộ Lược Khảo Văn Học, Tập ba viết: "Nguyễn Bách Khoa là người đầu tiên và độc nhất đã đưa ra một quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống, với một lối văn lôi cuốn. Chưa xét quan niệm phê bình mác- xít đúng hay không đúng. Chỉ xét về phương diện chủ thuyết và viết thành hệ thống hẳn hòi thì phải nhận là Nguyễn Bách Khoa thành công hơn tất cả những nhà phê bình trước ông và hiện nay (tức là năm 1968) cũng khó tìm ra một Nguyễn Bách Khoa khác. Do đó ảnh hưởng của Nguyễn Bách Khoa vẫn còn rất mạnh ở miền Nam hiện nay như Thanh Lãng đã nhận định: "Mấy cuốn phê bình của Nguyễn Bách Khoa, nhất là từ sau 47 trở đi, đã hầu như biến thành sách gối đầu giường cho thế hệ trẻ. Ở nhà trường, từ giáo sư cho đến học sinh, tất cả đều phê bình theo Nguyễn Bách Khoa. Một phong trào rộng lớn lan tràn" (trích Lược Khảo Văn Học, trang 192). Những lời trên đây của giáo sư Nguyễn Văn Trung cho thấy địa vị của Trương Tửu trong giới đại học miền Nam.

Trương Tửu đã bị kết án im lặng trong 40 năm. Có lẽ đó là sự trừng phạt đau đớn nhất cho một giáo sư, một nhà phê bình, một nhà tư tưởng. Nhưng sự im lặng ấy, cũng là thái độ đẹp nhất của một nhà văn: không viết vì không thể viết những điều trái với sự thật.

(Thuỵ Khuê _ RFI 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét