Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Hộ chiếu vắc-xin: Nên hay không nên ?

Đến thời điểm này, tôi chưa đồng tình với việc sử dụng hộ chiếu vaccine. Lợi ích duy nhất của hộ chiếu vaccine là giải quyết vấn đề đi lại và hỗ trợ phát triển du lịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phát triển du lịch và kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất, thậm chí không phải là mục tiêu quan trọng nhất. Quan trọng nhất là xây dựng, phát triển một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Con số thiệt hại 23 tỷ USD năm 2020 của ngành dự lịch nước ta được các cơ quan nhà nước đưa ra rất đáng ngờ; tôi tin là đã bị thổi phồng quá đáng để ca ngợi thành tích tăng trưởng của ông Phúc, đến mức được gọi là "ngoạn mục". Có thể kể ra một số bất lợi của hộ chiếu vaccine như: Một là chưa biết đại dịch Covid sẽ sớm chấm dứt hay còn kéo dài. Nếu vaccine hiện nay có hiệu quả, đại dịch sẽ sớm chấm dứt như nhiều đại dịch gần đây, khi đó việc phát hành hộ chiếu vaccine sẽ tác dụng ít, lãng phí nhiều. Ở các nước giầu, họ nhiều tiền thì họ làm thế nào cũng được, nhưng nước ta nghèo thì phải tính toán; tiền thuế của dân không phải là tiền chùa để các cơ quan nhà nước tranh thủ việc này kiếm tiền. Thứ hai, “hộ chiếu vắc-xin” sẽ gây ra tình trạng phân biệt đối xử giữa những người đã được tiêm chủng và người không được tiêm. Chúng ta đều biết lượng vaccine và Việt Nam rất nhỏ giọt, trong năm nay sẽ chỉ có một số đối tượng được tiêm, khi đó họ sẽ được tự do bay nhảy. Ngược lại, những người khác có tiền và muốn tiêm nhưng không phải đối tượng ưu tiên thì cũng đành đứng nhìn, hoặc phải đút lót, chạy chọt để được tiêm, phát sinh nhiều bất công và tiêu cực xã hội. Thứ ba, tiêm hay không tiêm là quyền dân sự của mỗi cá nhân, nhà nước không thể cưỡng bức họ tiêm được. Tuy nhiên, một khi ai đó từ chối tiêm vì lo ngại tiêm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe (do cơ địa không phù hợp...) hay không có tiền, thì người đã sẽ bị loại ra khỏi nhiều sinh hoạt cộng đồng, mà chỉ những người được tiêm mới được hưởng. Đây là vi phạm nhân quyền, nhất là quyền bình đẳng, quyền tự do đi lại, quyền được đến lớp học hành.... Thứ tư, kỳ thị trong xã hội ta vốn đã nặng, nay thêm “hộ chiếu vắc-xin” thì sẽ nặng hơn rất nhiều. Người có hộ chiếu tiêm vaccine sẽ khoe khoang, chỉ chơi với nhau và né tránh người chưa tiêm, mất đi sự đoàn kết dân tộc. Cuối cùng, “hộ chiếu vắc-xin” còn gây lo ngại về việc bảo vệ dữ liệu (thông tin) y tế của mỗi cá nhân như tuổi tác, dân tộc, giới tính, tiền sử bệnh... Chắc chắn không ai muốn vì có được tấm “hộ chiếu vắc-xin” để đi du lịch hay được tham gia một số hoạt động xã hội mà phải phơi bầy các vấn đề riêng tư và dữ liệu cá nhân của mình... Do đó, tôi cho rằng có thể đến lúc nào đó chúng ta sẽ cần đến “hộ chiếu vắc-xin”, nhưng chưa phải là thời điểm hiện nay.
Hộ chiếu vắc-xin
TS Trần Hữu Hiệp - 08-03-2021 - Dù còn tranh luận, lo ngại nhưng nhiều quốc gia đã, đang và chuẩn bị phát hành "hộ chiếu vắc-xin". Chính phủ các nước muốn áp dụng loại giấy thông hành này để phá băng ngành du lịch, mở cửa nền kinh tế. Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng cũng hy vọng thông qua tấm hộ chiếu này hỗ trợ đắc lực hơn việc kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Israel có tỉ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao nhất và là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng hộ chiếu vắc-xin. Ủy ban châu Âu đang gấp rút thông qua dự luật về "giấy thông hành xanh", kỳ vọng mở đường cho công dân trong khối đi lại an toàn. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu các cơ quan liên bang xem xét khả năng triển khai loại hộ chiếu này; Trung Quốc và Thái Lan cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu áp dụng...

Còn tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá đề xuất "Việt Nam không nên đợi hết dịch mới đón du khách quốc tế". Theo đó, nên mở cửa cho du khách có chứng chỉ tiêm vắc-xin Covid-19 để nâng cao vị thế du lịch. Trong cuộc điện đàm mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng đã thảo luận khả năng hai bên áp dụng hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến hôm 6-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hồ sơ tiêm chủng là visa vắc-xin Covid-19 liên thông quốc tế, được quản lý bằng QR code. Như vậy, xu hướng tích cực trên giới, các nỗ lực ngoại giao, các vấn đề pháp lý và công nghệ cho hộ chiếu vắc-xin đã được xem xét giải quyết để kỳ vọng sự phục hồi tăng trưởng của ngành du lịch.

Đại dịch Covid-19 đã và vẫn đang tác động tiêu cực sâu rộng, có lúc làm ngừng trệ hoạt động kinh tế - xã hội của thế giới. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chịu tác động trước tiên, nặng nề và khá dai dẳng. Năm 2020, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách nội địa giảm 50%, tổng thu du lịch cả nước thiệt hại tới 23 tỉ USD.

Việc các quốc gia nghiên cứu thành công, tiêm ngừa Covid-19 và áp dụng hộ chiếu vắc-xin được kỳ vọng trở thành giấy thông hành mở cánh cửa du lịch nước ta, vừa ứng phó, thích nghi vừa phục hồi tăng trưởng và tìm kiếm dư địa phát triển mới.

Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, việc mở cửa cho du khách có hộ chiếu vắc-xin là điều cần thiết để nâng cao vị thế du lịch nước ta. Công sức, chi phí cho những lô vắc-xin là rất lớn. Nó cần được bù đắp bởi những lợi ích từ vắc-xin. Hộ chiếu vắc-xin là cách để tối ưu hóa những lợi ích đó.

Việt Nam đã đạt được thành công đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nhưng "chiếc huy chương nào cũng có mặt trái". Việc áp dụng các biện pháp phòng dịch an toàn, đóng cửa du lịch quốc tế đã tạo ra những tác động đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, cần tìm kiếm giải pháp mới.

Tuy việc dùng hộ chiếu vắc-xin vẫn còn nhiều trở ngại nhưng đó không phải là điểm nghẽn. Còn nhớ, khi dịch Covid-19 mới xảy ra, nhiều chuyên gia y học hàng đầu thế giới, chính trị gia và người dân đã tranh cãi nên hay không bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa nghiêm ngặt...? Thực tiễn và hiệu quả đã là câu trả lời thuyết phục.

Do vậy, hộ chiếu vắc-xin cần được sử dụng như một trong những phương cách hữu hiệu hiện nay để mở cửa du lịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới khi virus gây bệnh Covid-19 chưa hoàn toàn biến mất. Vấn đề còn lại là hoàn thiện về pháp lý, tối ưu về công nghệ và lan tỏa về mặt xã hội. 

https://nld.com.vn/thoi-su/ho-chieu-vac-xin-20210307220848747.htm?utm_source=dapp&utm_campaign=share&fbclid=IwAR1KjtNth6R5fcE-Wt_ftCdMyXOEGb7GndWZ2f_xcu6gBCOIZrfl2k9bcjg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét