Người phụ nữ 42 năm làm nghề vá "kỷ niệm" giữa lòng Hà Thành
Nghề mạng - sang sợi của bà Nguyễn Thị Hồng những năm gần đây đắt khách. Giá mạng, sang sợi phổ biến từ 20 - 30 nghìn đồng/cm2. Có khi sửa một lỗ thủng trên vải, tiền công đến vài trăm nghìn đồng.Suốt 42 năm qua, bà Hồng vẫn ngồi đây để làm nghề
Nghề vá "kỷ niệm"Hình ảnh bà Nguyễn Thị Hồng, năm nay 70 tuổi ngồi mạng - sang sợi áo quần bên khung cửa hẹp trước cửa tiệm chỉ rộng chừng 30m vuông nằm trên con ngõ Thanh Miến (Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) đã quen thuộc với người dân ở đây hàng chục năm qua.
Chia sẻ của người phụ nữ làm nghề mạng - sang sợi quần áo.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: "Tôi được mẹ chồng truyền lại nghề này từ những năm 1979. Nghề tưởng chừng đơn giản nhưng đã giúp gia đình tôi sống được qua bao năm tháng khó khăn. Có ngày ít khách có ngày đông nhưng tôi chẳng bao giờ hết việc".
Theo lời kể của bà, từ những năm tháng bao cấp, kinh tế đất nước còn khó khăn, chỉ những gia đình giàu có thời ấy mới có tiền để mạng quần áo còn gia đình nghèo chỉ dùng cách tích kê.
"Tôi nhớ, hồi mới về làm dâu, khách hàng của mẹ tôi toàn những ông bà tây, rồi người giàu có trong vùng. Để giữ lại nếp nghề, và cửa hàng nhỏ này, cứ đến tối là mẹ lại dạy tôi làm nghề" - bà Nguyễn thị Hồng nói.
Hàng ngày bà Hồng vẫn miệt mài bên khung cửa hẹp mạng - sang sợi quần áo.
Cửa hàng nhỏ của bà tồn tại suốt mấy chục năm qua. Theo bà, khách bây giờ chủ yếu là sang - mạng hàng hiệu hoặc những món đồ kỷ niệm.
Chỉ vài bước chân ra đến chợ, cửa hàng là mua ngay được món đồ mới, thế nhưng nhiều người vẫn thích vá lại những chiếc áo bục chỉ, sờn vai. Với họ, đó là món đồ yêu thích, dùng còn tốt, hoặc gắn liền với kỷ niệm được người thân yêu tặng.
"Tôi có một vị khách hàng trung tuổi, 7 lần đến đây đều mang một chiếc áo bông tới sửa. Hỏi ra mới biết, chiếc áo là của bà xã của ông mua tặng từ hồi bà còn sống. Cứ chớm đông là thấy ông ấy tới. Hay có những người từng làm việc ở nước ngoài thường xuyên đến mạng lại những món đồ hàng hiệu mà khí trước mang về Việt Nam" - bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Nhiều người tìm đến bà Hồng để "vá lại những kỷ niệm".
Giá mạng - sang sợi phổ biến từ 20.000 - 30.000 đồng/cm2. Có khi sửa một lỗ thủng trên những bộ quần áo hàng hiệu tiền công đến vài trăm ngàn đồng. Mỗi ngày, bà có thể mạng - sang sợi khoảng 10 món đồ, thu nhập khoảng 200.000 - 300.000 đồng.
Nghề chọn người
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, nghề này thoạt nhìn trông rất đơn giản nhưng vào cuộc mới thấy ngược lại. Không ít lần, bà bị kim đâm vào tay, chảy máu. Nhiều lần bà gặp khách hàng khó tính họ yêu cầu phải vá sao cho đẹp. Đến khi nhận đồ, không ưng ý họ nói nặng lời. Khi đó, bà nhẹ nhàng giải thích không thể vá lành lặn như cũ vì lý do chất vải hoặc vết rách quá to.
"Không phải ai cũng có thể làm được nghề này. Phải là người thật tỉ mỉ, chịu khó hơn nữa là phải tinh mắt và khéo tay. Mỗi loại vải khác nhau, kiểu may khác nhau… đều phải lựa để làm sao miếng vá được đẹp nhất, ít "lộ" nhất" - bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Theo bà Hồng, nghề mạng - sang sợi cần người thợ có đôi bàn tay khéo léo.
Đồ nghề của bà cũng chỉ đơn giản là vài cây kim, cuộn chỉ, cái kéo đựng trong một cái tráp cũ và 1 cái bàn là. Khách đông là vậy, nhưng bà không muốn thuê người làm. Vì làm nghề này, cũng cần sự yêu nghề và cái tâm nên tìm người rất khó.
Cả ngày cặm cụi với cây kim, sợi chỉ, bà Hồng bộc bạch: "Nhiều lúc cũng mệt và mỏi mắt, nhưng đây là nghề rất dễ chịu và nhàn nhã". Cách vá phổ biến nhất bà hay áp dụng là lấy chính sợi chỉ thừa cùng màu của đồ cần sửa, ở mặt trái viền cổ áo, lai quần, cầu vai… rồi khéo léo lấy kim chỉ luồn kín chỗ thủng. Tất cả những loại vải bà đều có thể xử lý được.
Hơn 40 năm ngồi một chỗ, nhưng chưa bao giờ bà thấy chán nghề, mà ngày càng thêm gắn bó. Có đợt ốm phải đi viện mấy hôm, không được cầm cây kim, mảnh vải bà cảm thấy rất nhớ nghề.
Đồ nghề đơn giản của bà Nguyễn Thị Hồng với một vài cây kim, cuộn chỉ
"Mẹ chồng tôi gắn bó với nghề đến lúc không cầm nổi cây kim nữa. Tôi cũng sẽ làm nghề này đến khi không làm được nữa mới thôi. Mỗi khi làm xong cho khách, nhìn khách ưng ý tôi cũng vui theo. Với tôi đây không chỉ là nghề kiếm tiền mà còn là niềm vui và sự đam mê" - bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Sinh ra được một người con trai, đã lập gia đình. Cả con trai và con dâu đều có công việc riêng, trăn trở lớn nhất của bà Nguyễn Thị Hồng là chưa tìm được người nối nghiệp. Bà sợ cái nghề theo gia đình suốt những năm qua sẽ bị mai một khi mắt mờ tay run.
Là một khách hàng quen thuộc của cửa hàng mạng - sang sợi của bà Hồng, chị Nguyễn Thanh Lâm trú tại Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Qua người quen giới thiệu, tôi biết đến bà Hồng, nay cũng được 4 năm sau lần sang một lỗ thủng trên chiếc áo dài. Bà làm rất có tâm và có tay nghề, quần áo sau khi được sang lại rất khó có thể phát hiện được vết rách".
Từ ngày biết đến bà Hồng, mỗi khi Hà Nội chuyển mùa, chị Nguyễn Thanh Lâm lại tìm đến cửa hàng nhỏ trong ngõ Thanh Miến để sửa quần áo.
Không chỉ có chị Lâm, mà mỗi ngày, tại cửa hàng nhỏ của bà Nguyễn Thị Hồng, có hàng chục vị khách ra vào. Có những vị khách đã biết tới bà nhiều năm qua nhưng cũng có người lần đầu lui tới.
Không chỉ có chị Lâm, mà mỗi ngày, tại cửa hàng nhỏ của bà Nguyễn Thị Hồng, có hàng chục vị khách ra vào. Có những vị khách đã biết tới bà nhiều năm qua nhưng cũng có người lần đầu lui tới.
Tóc đã bạc, mắt cũng kém dần theo năm tháng nhưng bà Hồng sẽ làm đến khi không đủ sức mới thôi.
Công đoạn là quần áo để trả hàng cho khách.
Bất kể chất liệu vải gì, bà Hồng đều có thể xử lý được.
Những túi quần áo được khách hàng gửi gắm bà Hồng mạng - sang sợi.
Nhiều khách hàng nên bà Nguyễn Thị Hồng ghi tên, số điện thoại và ngày lấy hàng lên mảnh giấy rồi bỏ vào túi
Hơn 40 năm ngồi một chỗ, nhưng chưa bao giờ bà thấy chán nghề.
Sau hàng chục năm làm nghề, bà Nguyễn Thị Hồng chưa tìm được người nối nghiệp.
Phạm Công
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nguoi-phu-nu-42-nam-lam-nghe-va-ky-niem-giua-long-ha-thanh-20210306122915805.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét