Bài học trong câu chuyện cháu bé rơi từ chung cư cao tầng
FB Nguyên Phong • Khi một người làm việc thiện, là bởi vì bản chất của anh ta là thiện, anh ta nhất định sẽ làm điều đó mà không cần nghĩ đến những hậu quả cho bản thân, anh ta nghĩ đến cho người khác trước khi nghĩ cho mình. Và khi anh ta làm việc thiện không phải để cầu báo đáp hay để biểu diễn, cái thiện tâm ấy mới chấn động lòng người.“Cái thiện chân chính là cái thiện không suy tính”
Từ những hành động nghĩa hiệp...Câu chuyện về cháu bé rơi từ tầng 13 của một chung cư đã thoát nạn một cách kỳ diệu đang là đề tài rất "nóng" trong dư luận. Cũng như mọi khán giả khác, người viết đã nín thở khi xem cảnh quay rợn người, trong đó bé gái chui ra ngoài ban công trên cao và rơi xuống từ tầng thứ 13 chung cư trong tiếng la hét hoảng hốt của người quay phim bất đắc dĩ. Và người viết cũng thở phào khi biết rằng cháu bé đã được cứu sống và đang dần phục hồi.
Cảm xúc sau đó của bản thân là sự vui mừng và ấm áp vì được chứng kiến những việc làm tử tế, biết đến những con người tốt trong xã hội. Từ chị Hiền, người tình cờ nhìn thấy hoàn cảnh nguy hiểm của cháu bé từ phía chung cư cao tầng đối diện, đã hô hoán báo động, nhờ đó, đã gây được sự chú ý của anh Mạnh... đến hành động dũng cảm quên mình của anh Mạnh và sau đó là sự tán thưởng của những người hâm mộ vô danh bằng lời nói hoặc những khoản tiền động viên ấm áp và vô tư gửi cho anh Mạnh, dù anh không nhận. Và sự khen thưởng của các cấp chính quyền cũng kịp thời.
Nhân vật chính của chúng ta - shipper Nguyễn Ngọc Mạnh, đã có một hành động đầy thiện tâm và can đảm một cách vô tư, theo kiểu “kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã”, có nghĩa là “thấy việc nghĩa mà không làm là không có dũng”. Làm xong, anh ra đi không cầu báo đáp, nhất định không nhận tiền ủng hộ và không muốn được gọi là anh hùng. Những người sống quanh anh còn cho biết thêm rằng trong cuộc sống, anh luôn là người như thế.
Có những người hâm mộ thầm lặng đã gửi tiền đến cho anh Mạnh, hẳn cũng vì xúc động trước một tấm lòng nghĩa hiệp. Phải chăng họ muốn cảm ơn Mạnh vì hai điều: thứ nhất, anh đã cứu sống một cháu nhỏ, như bất cứ cháu nhỏ nào là con cháu chúng ta; thứ hai, anh Mạnh đã tiếp thêm cho họ niềm tin về điều tốt đẹp vẫn đang tồn tại trong xã hội chúng ta đang sống.
Như thường lệ, hẳn là có nhiều người đang hết sức tự hào.
Nhưng trước khi nói đến lòng tự hào, người viết có một vài suy tư.
Hành động cứu cháu bé của anh Mạnh là rất đáng khâm phục và đáng được biết ơn nhưng không nên quên tác dụng cảnh báo của nó cho người trong và ngoài cuộc, để việc không lặp lại.
Trong Hán Thư có Hoắc Quang truyện, kể về sự việc nhà nọ bị cháy vì không nghe theo lời khuyên của khách đến chơi, đến khi hỏa hoạn xảy ra y như rằng, thì hàng xóm phải sang chữa cháy. Sau mở tiệc cảm tạ, chủ nhà chỉ mời những người hàng xóm, mà quên không mời người khách đã cảnh báo kia. Chuyện xưa đã cho thấy, việc cảnh báo luôn bị xem nhẹ hơn việc cứu chữa.
Chưa hết, câu chuyện giống như một tấm gương để người viết bài này soi vào và đối chiếu với bản thân mình.
… Đến việc “tự xét mình”
Đức Khổng Tử từng viết: “Kiến hiền, tư tề yên; kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã”, tạm dịch là: “Thấy người hiền thì mong làm sao bằng người; thấy người bất hiền thì phải tự xét mình (có mắc tật của người đó không).”
“Thấy người hiền thì mong làm sao bằng người”, lời ấy khiến người viết bài này tự đặt mình vào hoàn cảnh của Mạnh. Liệu trong lúc “sinh tử quan đầu” đó, bản thân mình có thể ngay lập tức hành động như anh mà không có những suy nghĩ sau đây:
“Chả phải việc của mình, dính vào cho rắc rối”.
“Chắc sẽ có người khác cứu”.
“Chắc sẽ không kịp”.
“Cháu bé rơi xuống từ độ cao ấy, mình mà đỡ sẽ gãy tay, chấn thương mất”.
“Nhiều khi làm phúc phải tội, thôi đừng làm cho lành”.
“Thôi sống chết có số”.
v.v.
Nếu nghĩ thế, có lẽ cháu bé đã không toàn mạng.
Mạnh nói rằng, anh không kịp nghĩ gì cả, chỉ biết lao ra cứu người thôi. Qua đó, người viết đã học được một điều: “Cái thiện chân chính là cái thiện không suy tính”.
Khi một người làm việc thiện, là bởi vì bản chất của anh ta là thiện, anh ta nhất định sẽ làm điều đó mà không cần nghĩ đến những hậu quả cho bản thân, anh ta nghĩ đến cho người khác trước khi nghĩ cho mình. Và khi anh ta làm việc thiện không phải để cầu báo đáp hay để biểu diễn, cái thiện tâm ấy mới chấn động lòng người.
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Thục chủ Lưu Bị trước khi mất đã trăng trối trong di chúc gửi các con rằng: “Chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm! Có hiền có đức, mới phục được lòng người…” Lời người xưa quả là chí tình, chí lý.
Cuộc sống xã hội hiện đại càng phát triển, lòng người càng phức tạp. Việc nhân danh sinh tồn và những ngụy lý để bao biện cho những hành vi lợi mình, hại người không phải là ít. Còn khi làm việc thiện, không ít người ra điều kiện, hoặc làm được một thì quảng cáo thành mười, thành trăm để ai cũng biết. Hoặc có những người khác tranh thủ đánh đu theo sự kiện người tốt việc tốt để được “thơm lây”.
“Thấy người bất hiền thì phải tự xét mình”. Trong câu chuyện này, vì không thấy có “người bất hiền” nên xin thay bằng “việc không lành”. Đó là sự sơ suất của cha mẹ, và những điều nên cân nhắc lại trong vấn đề xây dựng và quản lý nhà chung cư.
Nhìn thấy sơ suất của người lớn, người viết cũng nhìn lại bản thân mình có khi nào đã lơ là với sự an toàn của con trẻ? Ban công hay cửa sổ tầng cao nhà mình đã đủ an toàn hay chưa? Nếu chưa thì phải ngay lập tức sửa chữa hay gia cố. Cần rà soát lại tất cả những yếu tố gây mất an toàn trong ngôi nhà mình đang sống.
Và còn bao nhiêu hiểm nguy khác về tinh thần và tâm lý mà lũ trẻ phải đối mặt trong đời sống phức tạp của ngày hôm nay, mình đã giúp chúng được đến đâu? Hay là phó thác cho xã hội?
Những người trong cuộc cũng đã nhanh chóng làm cái việc “tự xét mình”.
Chẳng nói đâu xa, chính anh Mạnh đã nói đại ý rằng: Nhìn cháu bé, anh nghĩ đến con mình. Anh cũng có hai bé gái ở độ tuổi ấy. Sau sự việc, khi trở về nhà anh Mạnh đã ôm hai con vào lòng trong khi “vẫn còn run”. Một người cha như anh có lẽ sẽ rút ra kinh nghiệm, không để con mình rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Còn anh H, bố cháu bé đã phát biểu rằng: "Nếu không có sự dũng cảm của anh Mạnh thì không biết chúng tôi sẽ sống như thế nào. Gia đình cũng cảm ơn mọi người đã quan tâm đến cháu bé, chân thành xin lỗi vì sự việc xảy ra là do sơ suất của gia đình mà khiến mọi người lo lắng. Gia đình sẽ cố gắng nuôi dạy con, rút kinh nghiệm quý báu.
Từ sự việc, tôi cũng mong các phụ huynh để ý hơn đến con em mình nhằm tránh những sự việc như thế này xảy ra". (Theo báo tuoitre.vn)
Nếu sau mỗi sự việc không hay, chúng ta có thể làm cái việc tự xét mình ấy để học theo điều thiện, tránh điều bất thiện, thì chẳng phải việc trong nhà sẽ ấm mà việc bên ngoài cũng sẽ yên?
Và còn bao nhiêu hiểm nguy khác về tinh thần và tâm lý mà lũ trẻ phải đối mặt trong đời sống phức tạp của ngày hôm nay, mình đã giúp chúng được đến đâu? (Ảnh: Shutterstock)
Khi nào chúng ta có thể tự hào?
Chúng ta cuối cùng đã có thể thở phào trước kết thúc có hậu của câu chuyện. Chúng ta vui lây với niềm vui của gia đình bé gái. Chúng ta cũng thấy lòng mình ấm áp vì câu chuyện đầy tình người. Nhưng có lẽ như một quy luật khó tránh khỏi, sự việc sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi những sự việc khác “nóng” hơn, hay những mối quan tâm khác, những mối an nguy khác trong cuộc sống. Nhưng lẽ nào chúng ta để cho sự việc qua đi một cách vô ích mà quên đi phần “tự xét mình”? Vẫn có quá nhiều việc phải làm trước khi chúng ta có thể nói rằng: “tự hào quá…” như một thói quen khiến chúng ta cảm thấy an lòng. Và khi nào cái phương châm: "Thấy người hiền thì mong làm sao bằng người; thấy người bất hiền thì phải tự xét mình”... trở thành văn hóa chủ đạo của xã hội, thì lúc đó chúng ta mới tràn đầy hy vọng và cả sự tự hào.
tác giả Nguyên Phong
Chúng ta cuối cùng đã có thể thở phào trước kết thúc có hậu của câu chuyện. Chúng ta vui lây với niềm vui của gia đình bé gái. Chúng ta cũng thấy lòng mình ấm áp vì câu chuyện đầy tình người. Nhưng có lẽ như một quy luật khó tránh khỏi, sự việc sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi những sự việc khác “nóng” hơn, hay những mối quan tâm khác, những mối an nguy khác trong cuộc sống. Nhưng lẽ nào chúng ta để cho sự việc qua đi một cách vô ích mà quên đi phần “tự xét mình”? Vẫn có quá nhiều việc phải làm trước khi chúng ta có thể nói rằng: “tự hào quá…” như một thói quen khiến chúng ta cảm thấy an lòng. Và khi nào cái phương châm: "Thấy người hiền thì mong làm sao bằng người; thấy người bất hiền thì phải tự xét mình”... trở thành văn hóa chủ đạo của xã hội, thì lúc đó chúng ta mới tràn đầy hy vọng và cả sự tự hào.
tác giả Nguyên Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét