Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Ô tô Việt thôi mơ: Cái giá của phụ thuộc

Ô tô Việt thôi mơ: Cái giá của phụ thuộc
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, khi doanh nghiệp ô tô Việt Nam chưa có ý thức tự lực cánh sinh thì giấc mơ ô tô made in Vietnam khó thành. Đến giờ, Việt Nam vẫn mới chỉ làm được những phụ tùng đơn giản như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Với một cái ghế ngồi trên ô tô, những người làm salon có thể gia công được, không cần đào tạo, bồi dưỡng gì... Tư tưởng ăn sẵn rất tệ hại trong ngành công nghiệp nặng. 

Thiếu nguồn cung linh kiện, nhiều
 nhà máy ô tô ở Việt Nam lao đao
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ sau Tết Nguyên đán tới nay, không ít doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam gặp khó khăn do nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều nhà sản xuất linh kiện tại Trung Quốc chưa sản xuất trở lại. Thậm chí, lãnh đạo một số doanh nghiệp ô tô lo lắng, nếu nguồn cung không được khôi phục thì nhà máy phải tạm dừng hoạt động.

Một thống kê được đưa ra trên tờ VietNamNet: Có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tải tại Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc. Chi phí hợp lý, nguồn cung dồi dào giúp xe tải sản xuất lắp ráp có giá cạnh tranh hơn hẳn so với linh kiện có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản và được khách hàng chấp nhận. Chính vì vậy, khi nguồn cung tại Trung Quốc gặp vấn đề thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải gánh chịu rủi ro.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam không tỏ ra ngạc nhiên trước thực trang này bởi những nguy cơ từ việc phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng đã được cảnh báo từ 20 năm trước nhưng ở thời điểm đó, những lời cảnh báo đó chưa được lắng nghe.

Nhắc lại chuyện cũ, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh kể, khi còn tham gia Hiệp hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, ông đã đưa sinh viên lên tham quan Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, ở đó có rất nhiều thiết bị cán thép. Khi ấy, ông đã trao đổi với cán bộ nhà máy: chúng ta thu mua phần lớn thép phế liệu về rồi cán ra, chất lượng không tốt, chỉ làm thép xây dựng. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều mỏ sắt, tại sao không khai thác quặng ở đó, tự luyện lấy thép và tạo ra những loại thép với những chỉ số kỹ thuật khác nhau để chủ động vật liệu? Nhưng ý kiến đó của ông lúc ấy cũng không được ghi nhận.

Theo ông Ninh, quặng sắt của Việt Nam được khai thác chủ yếu bán sang Trung Quốc, họ luyện rồi bán lại nguyên liệu cho Việt Nam. Trong khi đó, lẽ ra khi đã xác định công nghiệp là cơ bản thì Việt Nam phải đầu tư cơ bản, tự tạo ra nguyên vật liệu.

"Những thứ trang trí, hoa mỹ khác có thể chúng ta làm chưa tới nhưng tất cả những chi tiết cơ bản, là xương sống chúng ta phải tự làm được.

Trước đây, Việt Nam có nhiều cơ sở như: Nhà máy cơ khí gò đầm Bắc Thái chuyên sản xuất phụ tùng ô tô và máy kéo, nhà máy GK20 ở Hà Nội cũng sản xuất máy công nghiệp... nhưng đáng tiếc không duy trì được và sau này các doanh nghiệp chuyển sang nhập linh kiện của Trung Quốc, vừa rẻ vừa không phải đầu tư cơ bản", ông Ninh cho biết.


Khi ông làm trưởng bộ môn Công nghệ ô tô ở Đại học Bách khoa Hà Nội, các giảng viên trong khoa đều nhất trí với nhau phải dạy để sinh viên tự làm được ô tô, nhưng khi ra ngoài thực tế, sinh viên bị hụt hẫng vì thực tế không giống như trong trường nói.

Khẳng định trong công nghiệp nặng phải tự lực cánh sinh, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh phân tích: "Nói công nghiệp hỗ trợ là sai. Tại sao lại hỗ trợ? Hỗ trợ cái gì? Tất cả những phụ tùng làm ra đều phục vụ cho sản phẩm chính là ô tô, nên phải gọi là công nghiệp phụ tùng và các tổng thành.

Một chiếc xe ô tô thì khung xe, nhíp, lò xo, các bánh răng cơ bản, hộp số, biến tốc... tất cả phải tự làm được để khi không có ai giúp, chúng ta vẫn vẫn sản xuất và tự lắp ráp được ô tô. Có thể năng suất còn thấp, chất lượng chưa bằng các nước vì chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng tự thân chúng ta có thể làm được ô tô.

Nhưng đến giờ, Việt Nam vẫn mới chỉ làm được những phụ tùng đơn giản như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Với một cái ghế ngồi trên ô tô, những người làm salon có thể gia công được, không cần đào tạo, bồi dưỡng gì...

Tư tưởng ăn sẵn rất tệ hại trong ngành công nghiệp nặng. Thực tế mấy chục năm qua ở Việt Nam là: không hợp tác được là chúng ta thua, nguồn cung bị đứt là chúng ta không làm được.

Ngành công nghiệp nặng của một xã hội phải nhắm tới tự lực cánh sinh, còn hợp tác không sai, giá thành rẻ hơn, nhanh hơn, có thể sớm đưa sản phẩm ra thị trường... Doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam mua linh kiện, thiết bị của các nước, đó có thể đều là những thứ tiên tiến nhất, mang về lắp ráp rồi dán mác Việt Nam, có được một chiếc ô tô không thua một ai. Vấn đề đặt ra là: khi hợp tác với nước ngoài, họ gây áp lực cho mình, hợp đồng bị cắt, khi đó doanh nghiệp Việt làm thế nào? Hay khi đối tác gặp tình huống bất khả kháng, như Trung Quốc gặp dịch bệnh Covid-19, không thể cung cấp linh kiện, doanh nghiệp Việt làm thế nào?

Cho nên, chúng ta phải có khả năng tự lực cánh sinh, hợp tác sẽ được hoan nghênh nếu kỹ thuật của đối tác tốt hơn, giá thành chấp nhận được, hai bên hỗ trợ nhau, thị trường hài lòng, ngược lại nếu đối tác muốn ép thì ta tự làm".

Kể câu chuyện của chính mình, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho biết, trước đây, khi ông nghiên cứu thiết kế và chế tạo các loại xe chữa cháy, ông thường tạo khung thích hợp với chiếc xe ông thiết kế chứ không mua của Trung Quốc hay quốc gia nào khác.

Ở giai đoạn Mỹ cấm vận, Nga cắt viện trợ, Việt Nam rất thiếu xe chữa cháy. Ông được giao làm nhiệm vụ thiết kế, chế tạo xe chữa cháy và sau đó, ông đã cho ra đời chiếc xe chữa cháy đầu tiên với tính năng vượt trội hơn hẳn xe Liên Xô và Đức.

"Tôi lấy xe tải Kama của Liên Xô cải tạo thành xe chữa cháy. Xe của Liên Xô chỉ chở được 3 người, tôi cải tạo thành chở được 8 người. Để đội chữa cháy đi theo thì cabin đơn được cải tạo thành cabin đôi. Xe chữa cháy của Liên Xô chỉ chở được 2,1m3 nước, của Đức chở 2,4m3 nước, của Nhật chở 2,5m3 nước, sau tôi cải tạo xe chở được 10m3 nước.

Phải cải tạo như vậy vì mạng nước ở TP.HCM do chính quyền cũ để lại không phủ khắp được thành phố, xe 2m3 nước thì chỉ phun 1 phút là hết nước, chưa chữa cháy xong xe đã hết nước. Do đó, phải cải tiến để chở được 10m3 là vì vậy", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhớ lại.

Trở lại câu chuyện của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, nếu chỉ thấy cái lợi trước mắt, thích ăn xổi, mãi dựa đi mua cho khỏe, để khỏi đầu tư cơ bản, khỏi phải đào tạo... thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mãi không lớn lên được, giấc mơ ô tô made in Vietnam mãi xa vời.

"Đã gọi là kinh doanh, làm ăn thì phải có lời, nhưng kinh doanh thế nào, kinh doanh cái gì... cũng phải đặt lợi ích đất nước lên trên hết, phải nắm được thực tiễn đất nước tùy từng giai đoạn mà phát triển cái gì.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam không rạch ròi nên bị động. Nếu một con người biết được mình đi đến đâu, theo con đường nào thì cứ nhằm hướng đó mà đi, tìm mọi cách khắc phục khó khăn sẽ đi đến đích. Đằng này, phương hướng không rõ ràng thì đích vẫn còn xa ngái", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh kết luận.

Thành Luân

https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/o-to-viet-thoi-mo-cai-gia-cua-phu-thuoc-3397136/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét