Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

2/3 người nhiễm đến từ TQ không được phát hiện

Tình hình vẫn hết sức lo ngại. Chủ quan để dịch bệnh bùng nổ thì cả cộng đồng sẽ phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp.
2/3 người nhiễm COVID-19 đến từ Trung Quốc không được các nước phát hiện
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia Anh Quốc công bố hôm thứ Sáu (21/2) ước tính rằng 2/3 ca nhiễm COVID-19 di chuyển ra thế giới từ Trung Quốc đại lục vẫn không được các nước phát hiện. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 21/2 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lây lan dịch COVID-19 tại các quốc gia bên ngoài Trung Quốc và giữa những người không có liên quan đến Trung Quốc hay Vũ Hán. Ông Tedros nói vẫn còn cơ hội để khống chế virus, tuy nhiên “cánh cửa cơ hội đang thu hẹp dần”, tình hình bùng phát dịch bệnh vẫn có thể đi theo bất kỳ hướng nào.
Báo cáo nghiên cứu dày 6 trang công bố hôm 21/2 của các chuyên gia tại Đại học Hoàng gia Anh Quốc – đơn vị hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mô hình hóa bệnh dịch, phân tích dữ liệu các chuyến bay từ tâm dịch Vũ Hán, phát hiện rằng “một số nước đã phát hiện số ca nhiễm COVID-19 ít hơn đáng kể so với ước tính dựa trên số lượng các chuyến bay chở hành khách đến từ Vũ Hán”.

Báo cáo nghiên cứu kết luận: “Chúng tôi phân tích các ca nhiễm COVID-19 đi từ Trung Quốc đại lục tới các nước và vùng lãnh thổ, so sánh tỷ lệ phát hiện và xác nhận nhiễm bệnh với số lượng chuyến bay ở một quốc gia nhất định để ước tính mức độ giám sát sàng lọc người nhiễm trong các nước khác nhau… Chúng tôi ước tính rằng khoảng 2/3 ca nhiễm COVID-19 đi ra từ Trung Quốc đại lục đã không được phát hiện trên khắp thế giới, nguy cơ dẫn đến nhiều chuỗi lây truyền từ người sang người chưa được phát hiện bên ngoài Trung Quốc đại lục”.

Qua phân tích các chuyến bay từ Trung Quốc và việc phát hiện ca nhiễm COVID-19, các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Anh Quốc cho rằng Singapore, cùng với các nước Phần Lan, Nepal, Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ, Sri Lanka, và Canada đã phát hiện được tương đối nhiều các ca nhiễm COVID-19 từ Trung Quốc. Từ đó, họ đã sử dụng các nước này làm mẫu tiêu chuẩn để đánh giá chung về mức độ các nước thực hiện giám sát sàng lọc người nghi nhiễm virus di chuyển từ Trung Quốc.

Theo báo cáo, khi sử dụng mẫu duy nhất là Singapore, các nhà nghiên cứu ước tính rằng toàn thế giới đã có thể phát hiện được 426 ca nhiễm COVID-19 đến từ Trung Quốc đại lục. Và khi sử dụng cả nhóm nước Singapore, Phần Lan, Nepal, Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ, Sri Lanka, và Canada, thì các nhà nghiên cứu ước tính rằng toàn thế giới đã có thể phát hiện được 576 ca nhiễm COVID-19 đến từ Trung Quốc đại lục.

Trên thực tế, tính cho đến trước khi báo cáo nghiên cứu này được công bố, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đến từ Trung Quốc đại lục là 156.

So sánh 156 ca đã được xác nhận với hai ước tính nêu trên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng “khoảng 2/3 số ca nhiễm COVID-19 đến từ Trung Quốc vẫn chưa được phát hiện trên toàn cầu”. (63% nếu lấy Singapore làm mẫu và 73% nếu lấy nhóm 8 nước nêu trên làm mẫu).

Phát biểu trong buổi họp báo công bố nghiên cứu hôm 21/2, đồng tác giả Natsuko Imai nói: “Chúng ta đang bắt đầu thấy thêm nhiều ca [nhiễm COVID-19] được xác nhận tại các nước và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc đại lục mà họ không có lịch sử di trú tới hoặc có kết nối với thành phố Vũ Hán. Phân tích của chúng tôi cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát và phát hiện các ca nhiễm bệnh nếu các nước muốn khống chế thành công bệnh dịch này”.

Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Vũ Hán từ ngày 23/1, thời điểm mà nhiều chuyên gia nhận định rằng đã quá muộn để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Trước ngày bị phong tỏa, 5 triệu cư dân Vũ Hán đã rời khỏi thành phố này. Họ là những người có nguy cơ mang virus tới nhiều thành phố khác tại Trung Quốc đại lục và trên toàn thế giới.

Tính cho tới sáng 22/2, Hàn Quốc đang là nước ngoài Trung Quốc có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất với 346 ca, tiếp sau là Nhật Bản 109 ca và Singapore 86 ca. Riêng tàu du lịch Diamond Princess neo đậu tại Nhật Bản đã có 634 ca nhiễm bệnh.

Ý (22 ca nhiễm) và Iran (18 ca nhiễm, 4 ca tử vong) là hai ổ dịch mới mà người nhiễm tập trung tại một khu vực và có dấu hiệu dịch tễ không rõ ràng, thậm chí không có kết nối trực tiếp với tâm dịch Vũ Hán.

Trong gần hai tháng qua, COVID-19 đã lây lan từ Trung Quốc ra tới 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng cộng hơn 1000 ca nhiễm và 15 ca tử vong.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 21/2 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự lây lan dịch COVID-19 tại các quốc gia bên ngoài Trung Quốc và giữa những người không có liên quan đến Trung Quốc hay Vũ Hán. Ông Tedros nói vẫn còn cơ hội để khống chế virus, tuy nhiên “cánh cửa cơ hội đang thu hẹp dần”, tình hình bùng phát dịch bệnh vẫn có thể đi theo bất kỳ hướng nào và các quốc gia cần chuẩn bị cho mọi tình huống.

Tại Việt Nam, chính quyền công bố hiện có 16 ca nhiễm COVID-19, trong đó 15 ca đã khỏi.

Ngày 21/2, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thông báo mới khuyến cáo công dân không nên đến vùng dịch hoặc có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Công dân Việt Nam đang có mặt tại Hàn Quốc cần thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

Như Ngọc
(Trí thức VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét