Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Chạy đua với thời gian ngăn nCoV lây lan toàn cầu

Chạy đua với thời gian ngăn nCoV lây lan toàn cầu
Chạy đua với thời gian ngăn nCoV thành đại dịch. Cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc đã cho thế giới có thêm thời gian để chuẩn bị, nhưng có thể vẫn không ngăn nổi nCoV lây lan toàn cầu. "Thời gian còn quý hơn vàng trong cuộc chiến với dịch bệnh này. Với Covid-19, mỗi ngày trôi qua đều có thể tạo ra sự khác biệt", tiến sĩ Aylward cho hay. Nancy Foster, phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, cho rằng nếu dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, mọi người đều có khả năng lây nhiễm nó. 

Dòng người đeo khẩu trang đi trên phố ở quận
 Chuo, Tokyo, Nhật Bản sáng 20/2. Ảnh: AP.
Kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đầu tháng 12/2019, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch: hạn chế đi lại, thiết lập những khu cách ly lớn và phong tỏa hoàn toàn nhiều thành phố. Không chỉ giúp giảm tốc độ lây lan của dịch ở Trung Quốc, những biện pháp này còn giúp thế giới có thêm khoảng thời gian quý giá để chuẩn bị cho đợt bùng phát có thể xảy ra trên toàn cầu.

Nhưng hiện tại, khi dịch đã xuất hiện ở Hàn Quốc, Trung Đông, thậm chí vươn tới châu Âu và giới chức y tế Mỹ cũng vừa cảnh báo đợt bùng phát trên diện rộng khó tránh khỏi ở quốc gia này, câu hỏi đặt ra là: Thế giới đã sử dụng khoảng thời gian quý giá đó như thế nào và đã sẵn sàng ứng phó với đại dịch có thể xảy ra hay chưa?

"Câu hỏi hiện giờ không phải là đại dịch có thể xảy ra hay không mà là nó sẽ xảy ra khi nào. Và có bao nhiêu người ở Mỹ sẽ nhiễm bệnh?", tiến sĩ Nancy Messonnier thuộc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết.

Một số quốc gia đã quy định mức giá trần đối với khẩu trang để chống lại tình trạng đội giá do khan hàng, trong khi nước khác sử dụng xe tải gắn loa để thông tin về dịch Covid-19 cho người dân. Tại Mỹ và nhiều nước khác, giới chức y tế bắt đầu tham khảo những hướng dẫn phòng chống đại dịch cúm và thảo luận khả năng đóng cửa trường học, hủy các sự kiện đông người và tăng cường làm việc từ xa thay vì đến cơ quan.

Các quốc gia có thể làm hơn thế, chẳng hạn như đào tạo hàng trăm nhân viên để theo dõi sự lây lan của virus từ người sang người hoặc lên kế hoạch trưng dụng toàn bộ khu cách ly của bệnh viện, thậm chí là toàn bộ bệnh viện, tiến sĩ Bruce Aylward, trưởng nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc nói trong cuộc họp báo hôm qua.

"Thời gian còn quý hơn vàng trong cuộc chiến với dịch bệnh này. Với Covid-19, mỗi ngày trôi qua đều có thể tạo ra sự khác biệt", tiến sĩ Aylward cho hay.

Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu cơ quan phụ trách về bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), cho biết thế giới đang "tiến rất gần" tới một đại dịch. Ông tin rằng cuộc chiến kiểm soát nCoV của Trung Quốc đã cho các quốc gia có "thời gian thở" để chuẩn bị ứng phó.

Các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc khiến khoảng 780 triệu người phải chịu các hạn chế đi lại nhất định, nhưng đã giúp giảm số người phải kiểm tra sức khỏe hoặc cách ly bên ngoài quốc gia châu Á này.

"Nó giúp chúng tôi có thời gian để chuẩn bị chu toàn cho đại dịch và sẵn sàng cho những việc phải làm. Chúng tôi đã có được thành công nhất định khi có thể xác định, cách ly kịp thời những ca lây nhiễm liên quan tới du lịch và theo dõi những người từng tiếp xúc với họ", Fauci nói.

Vào thời điểm chưa có vaccine và thuốc điều trị nCoV như hiện nay, việc chuẩn bị đối phó với dịch chủ yếu tập trung vào "giữ khoảng cách xã hội", nghĩa là hạn chế cơ hội mọi người tụ tập và lây nhiễm virus.

Italy đã áp dụng biện pháp đó trong tuần này. Khi số ca lây nhiễm liên tục tăng, chính quyền Italy đã hủy lễ hội Carnival nổi tiếng ở thành phố Venice và đóng cửa nhà hát opera La Scala ở Milan. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi các công ty cho phép nhân viên làm việc ở nhà, trong khi giải Marathon ở Tokyo hạn chế số vận động tham dự và nhiều sự kiện khác bị hủy bỏ.


Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại một bệnh viện ở Zagreb, Croatia hôm 25/2. Ảnh: AP.

Nhưng các nước châu Phi dường như chưa có sự sẵn sàng như vậy, khi 3/4 số quốc gia ở châu lục này đã có kế hoạch ứng phó với đại dịch cúm, nhưng tất cả đều đã lỗi thời, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet tuần trước.

Điều đáng mừng là các quốc gia châu Phi thường có chuyến bay qua lại với Trung Quốc như Ai Cập, Algeria và Nam Phi đều là những nước có hệ thống y tế được chuẩn bị tốt nhất tại lục địa này.

Thái Lan cho biết đã thiết lập những phòng khám đặc biệt để tiếp nhận người có triệu chứng giống cúm nhằm sớm phát hiện ca nhiễm nCoV. Sri Lanka và Lào quy định mức giá trần cho khẩu trang, trong khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân.

Bộ Y tế Ấn Độ cũng đã thiết lập khung hướng dẫn từng bước để ngăn chặn lây nhiễm dịch và gửi tới 250.000 ủy ban xã, đơn vị quản lý cấp thấp nhất trong bộ máy hành chính của quốc đông dân này.

Việt Nam sử dụng những video âm nhạc trên mạng xã hội để nâng cao ý thức chống dịch cho cộng đồng, trong khi Malaysia sử dụng xe tải gắn loa để tuyên truyền trên khắp các con phố.

Tại châu Âu, những khu cách ly di động được dựng lên trong các bệnh viện ở Anh để dùng làm nơi tiếp nhận ca nghi nhiễm và ngăn lây nhiễm cho cộng đồng. Pháp phát triển bộ xét nghiệm nhanh nCoV và chia sẻ cho những quốc gia nghèo hơn. Giới chức Đức khuyến nghị mọi người nên "che miệng khi hắt hơi" và Nga tiến hành kiểm tra sức khỏe cho hành khách tại các sân bay, nhà ga, cũng như trên các phương tiện công cộng.

Tại Mỹ, các đội ứng phó khẩn cấp và đội ngũ y bác sĩ nhiều năm nay thường xuyên luyện tập cách đối phó với dịch cúm chết người và lây lan nhanh. Những cuộc diễn tập đã giúp các bệnh viện điều trị cho những bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên ở Mỹ.

Những bệnh viện khác cũng nâng cao cảnh giác với dịch. CDC làm việc với Hiệp hội Bệnh viện Mỹ để truyền tải những tin tức hàng ngày về virus corona tới 5.000 bệnh viện thành viên. Bệnh viện ở khắp nước Mỹ cũng đánh giá lại các biện pháp kiểm soát truyền nhiễm, cân nhắc sử dụng hình thức khám bệnh từ xa để tránh những bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm không phải mất công tới bệnh viện và đảm bảo nguồn cung khẩu trang và găng tay y tế.

CDC cũng phát đi 17 thông điệp phòng chống dịch tới hơn 11.000 công ty và tổ chức ở Mỹ. Giới chức y tế Mỹ làm việc với từng thành phố, quận và các cơ quan y tế bang về việc sẵn sàng hủy các sự kiện đông người, đóng cửa trường hoặc và nhiều biện pháp khác.

Tiến sĩ Messonnier hôm qua cho biết bà đã liên hệ tới quản lý trường học của con để hỏi về kế hoạch sử dụng chương trình đào tạo trực tuyến trong tình huống các trường học phải tạm thời đóng cửa, giống như khi dịch cúm H1N1 bùng phát năm 2009. Bà khuyến khích phụ huynh Mỹ làm điều tương tự và hỏi người quản lý công ty có cho phép họ làm việc tại nhà hay không.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người dân Mỹ đều chuẩn bị sẵn sàng", bà Messonnier nói.


Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc hôm 25/2. Ảnh: AP.

Tiến sĩ Jennifer Lighter, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trung tâm NYU Langone ở New York, cho rằng các bệnh viện ở Mỹ có thể xử lý tốt 1-2 ca bệnh, nhưng tình hình sẽ đáng lo ngại hơn nhiều nếu số ca lây nhiễm ở các địa phương tăng lên nhanh chóng.

Tại Mỹ, loại vaccine mới được điều chế đang tiến gần đến giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm trên người lần đầu tiên, khi công ty Moderna đã giao sản phẩm thử nghiệm cho NIH. Vài công ty khác cho biết một số loại vaccine cũng sẽ sớm được thử nghiệm trong vài tháng tới. Nhưng ngay cả khi nghiên cứu an toàn đầu tiên có kết quả tốt, các chuyên gia vẫn tin rằng cần ít nhất một năm trước khi loại vaccine đó được sử dụng rộng rãi. Quá trình này lâu hơn so với dịch cúm H1N1 năm 2009, bởi lúc đó các nhà khoa học chỉ điều chỉnh lại loại vaccine trị cúm thông thường thay vì phải nghiên cứu loại vaccine hoàn toàn mới.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc phát hiện tỷ lệ tử vong do nCoV ở tâm dịch Vũ Hán là 2-4%, trong khi ở những nơi khác là 0,7%.

"Thế giới chưa thực sự sẵn sàng. Sự sẵn sàng đó có thể đạt được rất nhanh, nhưng điều quan trọng nhất là phải đạt được sự thay đổi trong suy nghĩ", tiến sĩ Aylward cho hay. Ông khuyên những quốc gia khác nên "thực hành" ngay từ bây giờ để sẵn sàng đối phó với Covid-19.

Các quốc gia phải cải thiện năng lực xét nghiệm và có thêm hướng dẫn để nhân viên y tế biết cần phải xét nghiệm hành khách nào khi số lượng quốc gia bị ảnh hưởng gia tăng, theo Lauren Sauer, chuyên gia phản ứng khẩn cấp tại Đại học Johns Hopskins. Cô chỉ ra cách Canada phát hiện du khách đầu tiên từ Iran nhiễm nCoV, thậm chí trước khi các quốc gia khác xem xét thêm Iran vào danh sách nguy hiểm.

Nancy Foster, phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, cho rằng nếu dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, mọi người đều có khả năng lây nhiễm nó. Thậm chí những người không ốm cũng có thể đã phải giúp bạn bè hoặc người thân họ cách ly hoặc bỏ lỡ các buổi hẹn khám sức khỏe.

"Sẽ có rất nhiều người bị ảnh hưởng ngay cả khi bản thân họ chưa từng bị ốm", cô nói.

Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, khiến ít nhất hơn 80.000 nhiễm bệnh và 2.764 ca tử vong. 49 ca tử vong do nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục được ghi nhận ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hong Kong, Iran và Italy. Iran là nước ghi nhận ca tử vong vì nCoV nhiều thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc đại lục, với 16 trường hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét