Kéo dài “tuổi thọ khẩu trang” đúng cách
Lê Minh 19/02/2020 • Vào những ngày cuối cùng của năm 2019, dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ (COVID-19) bùng phát ở Trung Quốc và sau đó lan ra các quốc gia khác. Cùng với tình hình dịch bệnh tăng nhiệt, khẩu trang tại không ít khu vực cũng bị thiếu hụt. Thực ra, đeo hoặc tháo khẩu trang không đúng cách, không chỉ kém hiệu quả, mà còn tăng nguy cơ truyền nhiễm vi khuẩn. Vậy nên, chúng ta nên chú ý tới vài sai lầm thường gặp khi dùng khẩu trang, đồng thời khi khẩu trang thiếu hụt, hãy học cách kéo dài “tuổi thọ sử dụng” của khẩu trang một cách đúng đắn.1. Đeo khẩu trang ngược: Khi đeo khẩu trang chúng ta thường đeo nhầm phía có màu nhạt ra ngoài. Thông thường, đối với khẩu trang ngoại khoa, màu đậm là mặt ngoài, màu đậm hướng ra phía ngoài mới đúng.
2. Liên tục chạm vào mặt ngoài của khẩu trang: Không ít người không quen đeo khẩu trang và thường dùng tay chạm vào mặt ngoài của khẩu trang, kéo lên kéo xuống. Như vậy rất dễ tăng nguy cơ chạm vào vi khuẩn. Nếu cần chỉnh lại khẩu trang, có thể dùng giấy vệ sinh đệm vào phía trên khẩu trang, sau đó dùng tay chỉnh lại, hoặc dùng tay chỉnh trực tiếp và rửa tay ngay.
3. Kéo khẩu trang xuống khi nói chuyện: Khi đeo khẩu trang nói chuyện thường khó nghe, nên có người sẽ kéo khẩu trang xuống hoặc để hở mũi khi nói chuyện, hoặc kéo khẩu trang xuống khi hắt hơi. Như vậy ngược lại sẽ khiến vi khuẩn truyền nhiễm nhanh hơn.
4. Không chỉnh độ kín của khẩu trang: Thông thường phần sống mũi của khẩu trang ngoại khoa hoặc khẩu trang N95 đều có thanh kim loại, nhằm tăng cường độ kín. Sau khi đeo, phải chỉnh cho thanh kim loại áp sát vào sống mũi, khi thở sẽ không bị hơi thở làm mờ mắt kính, hoặc bị thoát một lượng hơi thở lớn ra bên ngoài.
5. Không rửa tay sạch trước khi đeo khẩu trang và sau khi tháo khẩu trang: Trước khi đeo khẩu trang phải chú ý rửa tay sạch sẽ, nhằm tránh tiếp xúc qua tay khiến vi khuẩn phát tán. Nếu không tiện rửa tay, có thể mang theo gel rửa tay khô, vệ sinh sạch sẽ hai bàn tay.
6. Tháo khẩu trang sai cách: Khi tháo khẩu trang, một số người trực tiếp nắm vào mặt ngoài của khẩu trang, như vậy rất dễ chạm phải vi khuẩn trên khẩu trang. Do vậy khi tháo khẩu trang, có thể dùng ngón tay móc dây chun đeo tai xuống. Sau khi tháo khẩu trang ra, bỏ luôn vào thùng rác hoặc cho vào túi nilon, nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc với nguy cơ nhiễm khuẩn.
7. Vứt khẩu trang bừa bãi: Khẩu trang đã qua sử dụng có thể dính đầy vi khuẩn. Nếu tùy tiện vứt bỏ sẽ tăng thêm nguy cơ lây nhiễm. Khi vứt bỏ khẩu trang đã bị nhiễm khuẩn, cần lộn trái mặt bị nhiễm khuẩn vào trong, cho vào túi nilon, buộc kín rồi mới bỏ đi.
Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ của khẩu trang
Có không ít người nghi hoặc, khi tháo khẩu trang nên bỏ đi như thế nào hay thiếu khẩu trang, thì làm thế nào mới có thể kéo dài thời gian sử dụng?
1. Cách tiếp tục sử dụng khẩu trang sau khi tháo xuống trong thời gian ngắn
Trần Chí Kim, bác sĩ chủ trị Khoa Chăm sóc Đặc biệt Bệnh viện Kỳ Mỹ Đài Loan chia sẻ trên facebook rằng, tỷ lệ những người khỏe mạnh tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm khá thấp, đeo khẩu trang là một trong những cách phòng ngừa. Ví như sau khi tháo khẩu trang để ăn cơm, phải đảm bảo nguyên tắc “không đụng vào mặt bị nhiễm bẩn” mới có thể tái sử dụng.
Cách làm là lót một tờ giấy vệ sinh xuống dưới, rồi mới tháo khẩu trang để lên trên, không được đặt khẩu trang tiếp xúc trực tiếp với mặt bàn, nhằm tránh khẩu trang bị nhiễm khuẩn. Khi dùng lại, hãy dùng một tờ giấy vệ sinh khác ép thanh kim loại xuống, sau khi vứt bỏ hai tờ giấy vệ sinh, cũng cần chú ý rửa tay sạch sẽ. Nhưng nếu khi đeo khẩu trang bạn từng tiếp xúc với người có vấn đề về đường hô hấp hoặc bản thân bạn bị ho, bác sĩ lại kiến nghị nên vứt bỏ một cách thỏa đáng, không nên dùng tiếp.
2. Phương pháp hữu hiệu giữ gìn khẩu trang khi tháo trong thời gian dài
Lý tưởng nhất là khẩu trang nên sử dụng một lần. Sau khi tháo khẩu trang ra, cách một khoảng thời gian dài mà bạn vẫn muốn tiếp tục sử dụng, trước tiên cần gấp mặt vấy bẩn của khẩu trang vào trong, đặt vào vật chứa sạch sẽ, thoáng khí (ví như túi giấy). Sau đó mới đặt khẩu trang vào nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng gió, khiến khí ẩm trên khẩu trang khô lại. Thậm chí có thể diệt khuẩn bằng tia cực tím. Vật chứa khẩu trang sau khi dùng xong cũng nên vứt bỏ hoặc giặt rửa định kỳ.
3. Đeo khẩu trang hai lớp
Chuyên gia kiến nghị tốt nhất không nên đeo khẩu trang hai lớp. Nhưng trong tình trạng thiếu khẩu trang, bất đắc dĩ phải dùng tới, bạn cần tuân theo nguyên tắc “Mặt kín ở trong, mặt kém hơn ở ngoài”. Nếu lớp ngoài bị nhiễm bẩn thì có thể bỏ lớp ngoài đi. Theo kiến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, trong trường hợp không ảnh hưởng tới độ kín bên ngoài khẩu trang N95, bạn có thể đeo thêm một lớp khẩu trang ngoại khoa. Khi lớp ngoài nhiễm bẩn có thể thay khẩu trang bên ngoài, như vậy sẽ giảm lượng sử dụng khẩu trang N95, nhưng với tiền đề là không ảnh hưởng tới độ kín của khẩu trang.
Bác sĩ Thi Cảnh Trung người Đài Loan cũng chia sẻ cách kéo dài thời gian sử dụng khẩu trang ngoại khoa như sau: Trước tiên đeo một khẩu trang mỏng một chút có thể giặt, rồi đeo khẩu trang ngoại khoa thông thường, nhằm giảm thiểu mùi hôi từ nước bọt lưu lại trong khẩu trang ngoại khoa. Như vậy cũng có thể kéo dài thời gian sử dụng khẩu trang ngoại khoa.
Điều cần chú ý là, khi tháo khẩu trang, cần nhớ không được trực tiếp chạm tay vào mặt ngoài của khẩu trang, nhằm tránh vi khuẩn lây nhiễm bám vào tay, sau đó phát tán ra bên ngoài. Đồng thời cần rửa tay sau khi tháo khẩu trang.
Liệu có thể khử trùng khẩu trang?
Trong tình trạng thiếu khẩu trang, đành phải sử dụng trong thời gian dài, cư dân mạng đã phát minh ra không ít biện pháp khử trùng độc đáo, như dùng lồng hấp để hấp khẩu trang, xịt cồn hoặc giặt khẩu trang. Nhưng nhiệt độ cao, cồn và nước khử trùng có thể khiến chất liệu sợi thông thường của khẩu trang biến dạng, và khả năng lọc khuẩn của khẩu trang giảm xuống.
Nếu thực sự có thể tiếp tục sử dụng loại khẩu trang này, các chuyên gia phòng ngừa SARS năm đó đã kiến nghị áp dụng cách bảo quản như phơi nắng hoặc hong khô tự nhiên. Cần chú ý nguyên tắc không được chạm vào mặt nhiễm khuẩn, nếu khẩu trang có khả năng bị nhiễm bẩn, bị hỏng, biến dạng, có mùi lạ hoặc khó thở thì không nên tái sử dụng.
Theo kiến nghị, khẩu trang phòng ngừa COVID-19 hữu hiệu là loại khẩu trang ngoại khoa thông thường, hoặc khẩu trang N95 sẽ hữu hiệu hơn. Nhưng trong tình huống hai loại khẩu trang trên đều không còn, nếu phải tới nơi công cộng, bạn có thể đeo những loại khẩu trang khác để che miệng, che mũi, ngăn bọt nước, và giữ khoảng cách 1 m trở lên với những người có triệu trứng về đường hô hấp.
Đeo khẩu trang là một bước trong quy trình phòng dịch, nhưng cũng không nên coi nhẹ tầm quan trọng của việc rửa tay và giảm thiểu tiếp xúc với mắt, mũi, miệng. Bình thường nên tránh những nơi công cộng đông người hoặc khép kín. Đồng thời chú ý những động thái mới của dịch bệnh, chớ nhẹ dạ cả tin, cần có tư duy biện chứng khi tiếp thụ các nguồn tin.
Lê Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét