Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Khi Trung Quốc "lâm bệnh"

Khi Trung Quốc "lâm bệnh"
09/02/2020 TGVN. Theo trang mạng Atimes.com, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) bùng phát ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà phân tích đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trên diện rộng, nhấn mạnh vai trò chi phối của nước này trong nền kinh tế toàn cầu. Virus corona đã lan sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù 97% trong số hơn 37.000 trường hợp mắc bệnh là ở Trung Quốc, nhưng những "gợn sóng" đang được cảm nhận ngay cả ở các quốc gia xa xôi. Pictet đã cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc từ 5,9% xuống 5,6%, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 2,8% xuống 2,5%.

Thêm một tuần nữa ngừng sản xuất ở các tỉnh chiếm hơn 2/3 GDP của Trung Quốc làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. (Nguồn: Getty Images)

Cơn chấn động với kinh tế thế giới

Bên cạnh việc hơn 20 hãng hàng không đã đình chỉ hoặc giảm các chuyến bay đến Trung Quốc, việc phong tỏa thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc và thêm một tuần nữa ngừng sản xuất ở các tỉnh chiếm hơn 2/3 GDP của Trung Quốc đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong một nghiên cứu, các nhà phân tích của Standard Chartered cho biết, việc bùng phát dịch virus corona là sự kiện “thiên nga đen”, ảnh hưởng đến dự đoán về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2020 từ 6,1% xuống 5,8%.

Ngay cả trước khi xảy ra dịch bệnh, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng được cho là sẽ chậm lại do cuộc chiến thương mại với Mỹ cản trở hoạt động xuất khẩu và làm giảm tốc hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, với các thành phố bị phong tỏa và hạn chế đi lại, đã gây ra sự chấn động trên toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, các nhà kinh tế tại Công ty quản lý tài sản Pictet dự kiến mức tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc sẽ giảm từ 6,1% năm 2019 xuống 5,9% vào năm 2020 do căng thẳng thương mại liên tục và tác động kéo dài của chiến dịch giảm nợ của chính quyền.

Sau những gián đoạn đối với hoạt động kinh tế do hậu quả của các biện pháp ngăn chặn lây lan của virus, Pictet đã cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc từ 5,9% xuống 5,6%.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng lĩnh vực dịch vụ, chiếm khoảng 60% tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất - đặc biệt là du lịch, nhà hàng và khách sạn, giải trí, bán lẻ, hậu cần... Sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bị kéo dài và những gián đoạn trong các chuỗi cung ứng.

Chuỗi cung ứng bị phá vỡ

Trung Quốc là một trong những nước chi phối chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và sự ảnh hưởng sẽ được cảm nhận trên khắp các thị trường và các nền kinh tế. Các nhà kinh tế của Standard Chartered cho biết, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc) có thể trải nghiệm hiệu ứng dây chuyền lớn nhất từ Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế ước tính rằng Trung Quốc đại lục chiếm 30-40% xuất khẩu các sản phẩm dệt may và giày dép toàn cầu, và 20% xuất khẩu máy móc và thiết bị điện thế giới.

“Vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng điện tử đặc biệt quan trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, gần một nửa số cơ sở sản xuất toàn cầu của Apple Apple 800 được đặt tại Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế học Mã Thiết Ứng của DBS cho biết.


Trung Quốc ho, cả hành tinh lo

Trong khi đó, khoảng 30 công ty Trung Quốc đại lục hiện đang nằm trong danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, bao gồm những nhà sản xuất loa, màn hình, pin, tấm phẳng và tham gia vào việc đóng gói/kiểm tra mạch tích hợp. Apple dựa vào Trung Quốc vừa là thị trường tiêu dùng vừa là cơ sở sản xuất các sản phẩm được bán trên toàn thế giới.

Ông Mã Thiết Ứng cho biết chuỗi cung ứng khu vực cho thấy Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) và điểm đến hàng đầu của các sản phẩm trung gian là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam.

Theo chuyên gia này, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dưới hình thức trì hoãn sản xuất hạ nguồn hoặc thiếu nguồn cung nguyên liệu thô ở thượng nguồn.

“Hiện tại, sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ chủ yếu được cảm nhận ở các nước châu Á mới nổi với rất ít tác động đến các thị trường phát triển nơi giá trị đầu vào của ngành sản xuất từ Trung Quốc chưa đến 1%”, nhà kinh tế toàn cầu của Capital econom, Simon MacAdam nhận định. Ngoài ra, còn có một số vấn đề liên quan là sự phụ thuộc rộng rãi của các nhà sản xuất điện tử.


Trung Quốc là một trong những nước chi phối chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. (Nguồn: Quartz)

“Ngành ô tô ở Bắc Mỹ cũng có liên kết chuỗi cung ứng tương đối lớn với Trung Quốc, phù hợp với các báo cáo gần đây rằng các nhà sản xuất ô tô Mỹ chỉ cách các nhà máy đang đóng cửa vài tuần do nguồn cung phụ tùng giảm dần”, ông nói. Điều này đe dọa sự gián đoạn trong tương lai khi các nút thắt trong sản xuất một thành phần có giá trị thấp, nhưng rất quan trọng, có thể khiến sản xuất hạ nguồn, có giá trị cao hơn bị đình trệ.

"Và điều này diễn ra vào thời điểm khi mà Trung Quốc xuất phát từ một người chơi nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu vào đầu những năm 2000 cho đến một cường quốc kinh tế ngày nay", ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế học của Moody nhận định, trong khi nhấn mạnh rằng thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng từ 4% tại thời điểm dịch SARS toàn cầu cuối cùng lên 16%.

Theo chuyên gia Zandi, đại dịch 2019-nCoV đột nhiên trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế như Trung Quốc, Mỹ và toàn cầu. Điều này nghiêm trọng đến mức khó có thể đánh giá được những ẩn số lớn về mức độ lây lan và độc lực của virus, và dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 2,8% xuống 2,5%.

https://baoquocte.vn/khi-trung-quoc-lam-benh-109205.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét