Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Sức khỏe dân và lãnh đạo trong tay Thị Kim Tiến!

Đoạn này thể hiện đúng nhận thức của tôi: Việc điều bà Tiến phụ trách vấn đề chăm sóc sức khỏe của Trung ương Đảng cũng chỉ là hình thức. “Có lẽ ít người biết Ủy ban chăm sóc sức khỏe trung ương ngày xưa gọi là Ủy ban chăm sóc lãnh tụ thì nó có từ lâu đời, từ năm 1954 những người cộng sản bắt đầu thành lập ủy ban đấy để chăm sóc những người lãnh đạo. Như trong gia đình tôi cũng đã có bác sĩ từng công tác trong đó đều biết rằng thật ra tất cả chăm sóc và thuốc men của các vị lãnh đạo Hà Nội đều từ Trung Nam Hải. Thuốc men từ Bắc Kinh, ý kiến bác sĩ từ Trung Quốc nên việc bà Kim Tiến sang làm Trưởng ban thực ra chỉ là chức vụ, bà ấy chẳng có chuyên môn hoặc ý kiến quyết định trong việc chăm sóc sức khỏe lãnh tụ.”.
Sức khỏe toàn dân và lãnh đạo trong tay Bà bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến!
Người đứng đầu ngành y tế Việt Nam, bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, lâu nay bị chỉ trích nhiều vì tình trạng tồi tệ/quá tải của các bệnh viện, vì y đức kém của đội ngũ nhân viên ngành y, vì những vụ nạn nhân chết vô lý… Tuy nhiên, bà vừa được bổ nhiệm làm trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.
Ông Phạm Minh Chính trao quyết định cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trách nhiệm Bộ trưởng và bất cập ngành Y
Trong vài năm trở lại đây, báo chí trong nước liên tục loan tải những thông tin sai phạm của Bộ Y tế như việc tiêm vắc xin khiến nhiều trẻ sơ sinh tử vong, hay chuyện bác sĩ tắc trách khiến nhiều bệnh nhân chết oan, hoặc việc hàng ngàn viên thuốc đặc trị ung thư bị hết hạn trong khi nhiều người bệnh lại không có thuốc, vụ nhập thuốc điều trị ung thư giả của công ty VN Pharma, hay những sai phạm bổ nhiệm viên chức lãnh đạo, quản lý Bộ Y tế mà Bộ Nội vụ công bố kết luận thanh tra vào tháng 12/2018.

Mới đây nhất, vào ngày 22/6 vừa qua, Thanh tra chính phủ cũng đã công bố kết luận những sai phạm của Bộ Y tế trong việc thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, khi Bộ này đã không thực hiện đúng các quy định của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời thiếu kiểm tra, giám sát trước khi cổ phần.

Tuy nhiên, dù gặp phải nhiều phản đối từ phía người dân sau nhiều sai phạm nghiêm trọng trong ngành như vừa nêu nhưng bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn không hề hấn gì, vẫn ‘bình chân như vại’.

Với việc bổ nhiệm làm trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, Bộ trưởng Kim Tiến hiện cùng lúc kiêm hai nhiệm vụ bộ trưởng và trưởng ban.

Nhận xét về người đứng đầu Bộ Y tế hiện nay, chị Kim, một cán bộ ngành y tại Sài Gòn cho biết:

“Xét như chuyện thuốc giả đi mà vẫn còn ung dung lên báo nói chuyện, tập thể dục dưỡng sinh… nếu bây giờ không dùng từ mặt dày thì chắc dùng từ không có liêm sỉ, với không có tự trọng. Một người tự trọng thì người ta không như vậy, mà lại là lãnh đạo một trong những Bộ quan trọng nhất nữa. Hay tối ngày chỉ đọc báo đảng riết rồi tự sướng với nhau nên không biết thế giới bên ngoài, hay nghĩ dân mình sợ chính trị, sợ nói đến những vấn đề này nên cứ ung dung như vậy?”

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ Tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tuy có những sai phạm trong ngành như báo chí thường đưa tin, nhưng trong thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, bà Tiến vẫn chưa hề bị kỷ luật hay mắc lỗi gì.

“Những cái lỗi của bà Tiến sẽ có Ủy ban kiểm tra trung ương sẽ công bố, đến giờ này thì tôi chưa thấy có những sai phạm mà tôi chưa được thông tin.”

Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng việc bổ nhiệm bà Kim Tiến làm trưởng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương là chuyện bình thường, vì theo thứ tự, khi ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế về hưu, không đảm trách chức vụ trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương nữa, thì người có quyền lực kế tiếp của Bộ Y tế là bà Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ lên thay.

Báo trong nước loan tin tại buổi trao quyết định, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban tổ chức Trung ương mong bà trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ trung ương mới Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ làm gương cho các Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tuyến dưới, trở thành chỗ dựa tin cậy của cán bộ lãnh đạo các cấp, đặt biệt là các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong việc chăm sóc sức khỏe.
  
Trong khi đó nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng, việc điều bà Tiến phụ trách vấn đề chăm sóc sức khỏe của Trung ương Đảng cũng chỉ là hình thức:

“Có lẽ ít người biết Ủy ban chăm sóc sức khỏe trung ương ngày xưa gọi là Ủy ban chăm sóc lãnh tụ thì nó có từ lâu đời, từ năm 1954 những người cộng sản bắt đầu thành lập ủy ban đấy để chăm sóc những người lãnh đạo. Như trong gia đình tôi cũng đã có bác sĩ từng công tác trong đó đều biết rằng thật ra tất cả chăm sóc và thuốc men của các vị lãnh đạo Hà Nội đều từ Trung Nam Hải. Thuốc men từ Bắc Kinh, ý kiến bác sĩ từ Trung Quốc nên việc bà Kim Tiến sang làm Trưởng ban thực ra chỉ là chức vụ, bà ấy chẳng có chuyên môn hoặc ý kiến quyết định trong việc chăm sóc sức khỏe lãnh tụ.”

Phe cánh lãnh đạo

Nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng Bộ Y tế chưa bao giờ có nhiều bất cập bị phanh phui nhiều như dưới thời bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng. Do đó việc bà Kim Tiến vẫn đứng đầu Bộ này cho đến giờ vẫn là điều khó chấp nhận và việc bổ nhiệm ngày 5/7 lại làm dấy lên thông tin phe cánh trong giới lãnh đạo.

Đồng ý với nội dung này, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho biết tình trạng phe nhóm trong đảng cộng sản là chuyện trước giờ vẫn có:

“Khi mũi dùi của Bộ Y tế nhắm vào bà Kim Tiến thì phe nhóm của bà đưa bà ra chỗ khác để tránh chuyện đó.”

Từ việc bà Kim Tiến được đề cử làm trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, nhiều người bày tỏ việc bổ nhiệm người tài tham gia vào bộ máy lãnh đạo trong cơ chế hiện nay là điều rất khó.

Như nhận định củ nhà báo Ngô Nhật Đăng:

“Những người tài năng, muốn cống hiến không thể nào có môi trường hoạt động trong chế độ toàn trị.

Vì cơ chế của chế độ toàn trị vận hành thế này thì những người tài sẽ không có cơ hội để phát triển tài năng, và thể chế này cũng không thể chấp nhận những người tài có cá tính đứng trong hệ thống. Một là họ muốn thay đổi, hai là muốn cưỡng lại. Với cỗ máy hệ thống này không thể chấp nhận chuyến đó bởi vì chấp nhận chuyện đó thì lập tức có trục trặc và cỗ máy vận hành sai lạc, từ sai lạc đó sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh hệ thống.”

Còn theo chị Kim, riêng trong ngành Y, việc người tài làm lãnh đạo chắc còn xa vời:

“Người ta chắc cũng chẳng có động lực, hoặc có tài chăng nữa mà sống trong môi trường này chắc cũng nhơ nhớp lây, không sớm thị muộn cũng nhúng chàm.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nếu muốn thì vẫn có những quy trình tìm được người tài, nhưng vấn đề hoàn toàn do cơ chế của bản thân việc chọn người thế nào và thực thi ra sao.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, trong cơ chế hiện tại, bất kỳ ai lên làm Bộ trưởng cũng đều bị mang tiếng:

“Tôi nghĩ với chức Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giáo dục, thì không có Bộ trưởng nào có thể không bị tai tiếng vì những chuyện của hệ thống này. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, có thể đến nhiệm kỳ mới chẳng hạn, có thể bà ấy thôi chức Bộ trưởng.”

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là cháu ngoại của ông Hà Huy Tập, tổng bí thư thứ ba của đảng cộng sản Việt Nam. Chồng của bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Quốc Hòa. Ông này nguyên là Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, sau đó có thời gian là giám đốc Bệnh Viện Quốc tế Vinmec Central Park ở thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
 
(RFA)
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-of-health-appointed-head-of-health-protection-and-care-for-central-cadres-feature-07052019145724.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét