Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Công an phải thế nào dân mới như vậy chứ!

Công an phải thế nào dân mới như vậy chứ!
Chẳng ai ngờ tấm ảnh chụp hai thành viên của lực lượng công an nhân dân, trong đó nữ trung sĩ đang xốc nách, đỡ một cụ bà đứng dậy, còn nam thiếu úy xuống tấn nâng chiếc xe đạp dường như mới đổ ra đường, lòng đường vương vãi vài trái cam… lại thành scandal – khắc họa hết sức sinh động về lòng dân đối với đội ngũ đảm nhân vai trò bảo vệ, thực thi pháp luật tại Việt Nam!

Hai tướng công an Bùi Văn Thành (trái) và 
Trần Việt Tân (phải) vừa bị hình thức kỷ luật của Đảng .
Hồi đầu tuần này tấm ảnh vừa kể được người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chuyền cho nhau kèm theo nhiều bình phẩm qua đó cho thấy, số đông không những không tin lực lượng công an nhân dân có khả năng làm điều thiện, việc nghĩa mà còn phẫn nộ vì lực lượng này cứ toan bịp họ! Rất nhiều facebooker thắc mắc kiểu bỡn cợt như Doan Khac Xuyen: Công an đâu sẵn mà quần áo, mũ nón chỉnh tề vậy bây? Thậm chí tới hai chứ không phải một đã vậy lại còn có nữ, có nam cho đủ cặp! Chẳng bù những lúc kẹt xe, tìm một ông cảnh sát giao thông khó như tìm chim… 

Theo xu hướng đó, Manh Duc Nguyen – một trong những thân hữu của ông Xuyen – giải thích nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của tấm ảnh vừa kể là từ chuyện cặp công an mải… tán nhau nên đâm phải cụ bà, do đó phải đỡ… cụ dậy! Pham Hung Nghi – một thân hữu khác của ông Xuyen – thì thản nhiên huỵch toẹt, đó là “đóng ‘phinh’ để… phỉnh”. Nguyễn Chương – một thân hữu khác nữa - thì than: Té ra còn có “cảnh sát diễn viên”, chắc phải có thêm danh hiệu… “Nghệ sĩ nhân dân vũ trang”!

Rất khó tìm thấy trên mạng xã hội những cá nhân tin tấm ảnh vừa kể ghi lại “nghĩa cử” của hai thành viên lực lượng công an nhân dân (giúp người già bị tai nạn) là… thật và tấm ảnh làm họ xúc động, thêm tin yêu lực lượng này. 

Tác dụng duy nhất của nó dường như chỉ là gợi thêm sự khinh miệt, chán ghét lực lượng công an đến mức nhân dân hết cả… tế nhị. Sau nhận định khôi hài của Nguyen Lan Thang: Độ này, dường như các cụ đi xe hơi ẩu! Dong Trong Long – ban Thang - tâm sự, xem xong ảnh, Long thấy xúc động như… “vừa có đứa vả mình nổ đom đóm mắt”. Cũng có những facebooker như Thuong NV trách cứ đầy phẫn nộ: Các cụ già rồi mà… ngu thật. Để bọn cảnh khuyển nó lợi dụng làm màu

Đó cũng là lý do để nhiều facebooker như Bao Trung Nguyen phỏng đoán nửa đùa, nửa thật: Công an giờ có thêm nhiệm vụ bắt cặp rồi đi tìm kiếm các cụ bà dùng xe đạp chở cam. Do gợi ý của Bao thiếu rõ ràng, có thể các thành viên của lực công an nhân dân hiểu không đến nơi, đến chốn, tổ chức tuyên truyền về hình ảnh công an nhân dân không đạt yêu cầu, Chí Thắng Trần – bạn Bao – chỉ dẫn thêm, cặn kẽ hơn: Phải bố trí một đồng chí rình để đạp các cụ té!

Tấm ảnh vừa kể cũng là tác nhân kích thích không ít facebooker bỏ công sức, thời gian tra cứu, giới thiệu lại những tấm ảnh vốn được dùng để quảng bá “nghĩa cử” của lực lượng công an nhưng… phản tác dụng vừa vì dàn dựng quá vụng về, vừa phi thực tế do khác xa cách hành xử của lực lượng công an nhân dân trên thực tế. Có những facebooker như Sangia Le, sau khi đăng lại tấm ảnh sĩ quan cảnh sát giao thông đang ân cần cho một cụ ông uống nước, từng khuấy động dư luận một thời vì khi phóng to, ai cũng thấy chai nước mà sĩ quan cảnh sát giao thông trong ảnh đưa đến tận miệng cụ ông chưa… mở nắp – bình luận thêm: Kiên quyết láo khoét đến tận cùng. Bố tiên sư lũ khốn! Dường như không thể nhẫn nại được nữa, 

Nguyen Qui Duc chất vấn: Sao lại bỏ tiền quảng cáo kiểu xạo, láo này? Sao không bỏ tiền huấn luyện lại anh chị em công an từ trên xuống dưới cách đối xử với nhân dân đàng hoàng đúng phép tắc? Tung Dang – ban Bao Trung Nguyen – không tin giới lãnh đạo lực lượng công an nhân dân có khả năng nhìn ra vấn đề bởi đó là “bò Đỏ”. Theo Tung Dang: Bò Đỏ biết sẽ bị dân chúng vạch mặt và chửi nhưng không thể bỏ thói tuyên truyền dối trá cố hữu. Điểm ngu xuẩn nhất của chế độ này là vẫn coi dân như lũ khờ .

***
Giới lãnh đạo lực lượng công an nhân dân từng tuyên bố hết sức tự hào rằng nhân dân luôn luôn đứng sát phía sau, hỗ trợ họ, nhờ có “tai, mắt nhân dân”, công an nhân dân dư khả năng để hoàn thành nhiệm vụ. Giờ, có rất nhiều bằng chứng cho thấy, “tai, mắt nhân dân” đã đổi hướng. Một trong những đối tượng mà “tai, mắt nhân dân” dõi theo chính là lực lượng công an nhân dân.

Nhân dân đã dùng “tai, mắt” của mình để tìm, nghe rồi bảo với nhau trên mạng xã hội rằng, tấm ảnh chụp hai thành viên của lực lượng công an nhân dân “giúp người già bị tai nạn” không chỉ là tấm ảnh tuyên truyền bình thường. Tác giả của tấm ảnh ấy (Phạm Ngọc Châu) là người duy nhất được trao giải A về nhiếp ảnh trong “Cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm chủ đề ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ đợt 1 ( 2016 - 2018)” do tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Theo Ban Tổ chức, sở dĩ tấm ảnh vừa kể và 21 tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh khác được chọn - trao các loại giải khác nhau vì “mỗi tác phẩm đều thể hiện tấm lòng, cảm xúc chân thực, sâu sắc của nghệ sĩ nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung dành cho Bác Hồ, cũng như biểu dương tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Nhân dân cũng đã dùng “tai, mắt” của mình để tìm, nghe rồi bảo với nhau trên mạng xã hội rằng, trước khi tấm ảnh đã kể được trao giải A trong cuộc thi vừa kể, hồi tháng 10 năm 2017, một tấm ảnh có bố cục, ý tưởng tương tự đã từng được báo Vĩnh Phúc sử dụng để minh họa cho bài “Đổi mới tác phong, lề lối, phương pháp làm việc của cán bộ, chiến sĩ CAND”. Hai tấm ảnh chỉ khác nhau về diện mạo của các nhân vật, cấp bậc, kiểu cảnh phục của các nhân vật là công an (một tấm sử dụng cảnh phục mùa Đông, một tấm sử dụng cảnh phục mùa Hè) và tác giả (tác giả ảnh đoạt giải A là Phạm Ngọc Châu, tác giả tấm ảnh đã đăng trên báo Vĩnh Phúc là An Nhi). Cũng vì vậy, scandal trở thành phức tạp hơn vì tạo thêm nhiều nghi vấn khác: Hoặc một trong hai tác giả đã ăn cắp từ bố cục đến ý tưởng của người khác. Hoặc bố cục và ý tưởng ấy là gợi ý từ một nguồn nào đó, chẳng hạn Tổng cục Chính trị của Bộ Công an. Chẳng lẽ ăn cắp hoặc dàn dựng bất chấp thực tế để đánh bóng hình ảnh, nâng cao uy tín của lực lượng công an nhân dân là một trong những nội dung của “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”?

Có một tình tiết hết sức thú vị là dường như nhột nhạt, chịu hết xiết trước những bình phẩm của công chúng, nên ông Nguyễn Hữu Nhân, Thư ký Tòa soạn báo Văn nghệ Đồng Tháp – địa phương tổ chức “Cuộc thi sáng tác quảng bá tác phẩm chủ đề ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ đợt 1 ( 2016 - 2018)”, đã “Cấp báo, khẩn cấp kính báo” trên trang facebook của ông rằng, có kẻ thuộc loại “thù địch, phản động”, đang “lợi dụng” tấm ảnh đã kể để “mạt sát, chửi rủa công an nói chung và công an Đồng Tháp nói riêng”. Ông Nhân kêu gọi mọi người bình tĩnh “đừng để bị rơi vào cái bẫy nguy hiểm khôn lường”.

Giống như nhiều viên chức khác trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, ông Nhân không dè, dân chúng chẳng những đã hết… “thuần” mà còn rất… dữ. “Cấp báo, khẩn cấp kính báo” của ông Nhân lập tức trở thành vạ cho chính ông, nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chẳng ngần ngại chút nào khi gọi ông là “thằng”, là “bất nhân”, là “thối tha”... Vài facebooker như Khai Nguyen Van chửi thề: M… Bay trơ trẽn quá thì dân chửi chứ phản động m… gì. Vài facebooker lịch thiệp hơn như Truong Châu Hữu Danh thì tỏ ra vừa ái ngại, vừa thương hại ông Nhân do quá dại dột: Lấy dầu chữa cháy! Chịu không nổi, ông Nhân vứt cả lập trường, lẫn sự tin yêu lực lượng công an nhân dân mà ông vừa đăng ký, tự ý đục bỏ “Cấp báo, khẩn cấp kính báo”. Kẹt cho ông Nhân là status “Cấp báo, khẩn cấp kính báo” đã bị chụp lại, bày ra ở nhiều nơi rồi.

Miểng từ sự bất bình, ác cảm của công chúng đối với lực lượng công an nhân dân không chỉ văng trúng một số cá nhân, chẳng hạn tác giả tấm ảnh đã kể trúng cả ngàn miểng theo kiểu mà nhiều facebooker như Nguyen Viet Hung thể hiện: Tiên sư thằng chụp ảnh bịp bợm. Tiên sư truyền thông bẩn dành hết phần lố bịch của người khác, rồi Nhà thơ – Nhà báo Nguyễn Hữu Nhân… mà còn xâm hại cả uy tín của các nghệ sĩ – nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Trên mạng xã hội, không ít người than như Kimdung Tong: Nghệ thuật “nhíp” ảnh của ta chỉ đến thế thôi! Hay nêu ra những thắc mắc đầy vẻ khinh bỉ như Gia Hưng: Nhà báo mà viết bậy bạ, nhẹ thì gọi là bồi bút, nặng thì gọi là đ… bút, còn nhiếp ảnh dàn dựng thì gọi là gì nhỉ?

Bởi trên góc trái của tấm ảnh đã kể có biểu tương của VAPA (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), cực chẳng đã, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch VAPA, phải phân bua với công chúng thông qua Infonet – cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin Truyền thông, rằng VAPA không liên quan gì đến chuyện tặng giải cho tấm ảnh đã kể, rằng đó là chuyện của tỉnh Đồng Tháp, rằng tấm ảnh “chưa được khách quan, chưa trung thực”.

Dường như muốn “chiêu hồi”, nhà thơ – Nhà báo Nguyễn Hữu Nhân, người từng “Cấp báo, khẩn cấp kính báo” về khả năng sẽ sụp bẫy “nguy hiểm khôn lường” nếu bình phẩm về tấm ảnh đã kể, vội vàng dẫn lại bài phỏng vấn ông Khánh của Infonet, kèm bình luận: “Vậy được rồi”…

***
Chẳng rõ phản ứng của công chúng quanh tác phẩm “Giúp người già” như đã kể có khiến lực lượng công an nhân dân soi vào nhân tâm để tự vấn về mình không? Liệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN, người từng hết sức tự hào khi ưỡn ngực bảo với cử tri: Mình phải thế nào thì người ta mới thế chứ - có chất vấn giới lãnh đạo lực lượng công an nhân dân: Các đồng chí phải thế nào thì dân mới như vậy chứ? – không?

Trân Văn
Thiên Hạ Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét