Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Tản mạn người xa quê hương...



Hà Linh (Nhật Bản). Nguồn:tác giả.

Bài của Hà Linh (Nhật Bản). HM Blog. Bạn Hà Linh vừa gửi cho HM blog bài viết này để chia sẻ với bạn đọc. Cảm ơn Hà Linh.

Anh trở về thành phố quê hương với cuốn hộ chiếu của đất nước khác nhận anh là công dân, cưu mang anh, với những thủ tục pháp lý, những lời tuyên thệ. Anh trú trong khách sạn dành cho khách viếng thăm thành phố. Anh đi qua căn nhà xưa cũ như một trong muôn người vẫn lướt qua mỗi ngày.
Tất cả những gì đã có, gắn bó với anh, những thứ nhìn thấy được, chạm vào được, gọi tên ra được chỉ còn là hoài niệm trong ký ức, tâm khảm chỉ để “ feel – cảm nhận” chứ không thể “ see – thấy”- untouchable (không đụng vào được).

Thành phố vừa lạ vừa quen. Lạ bởi những đổi thay không ngờ, những căn nhà mới, những con đường mang tên mới, những thứ mới không thể liệt kê, những thứ xưa cũ đã mất hay chỉ còn vết tích mờ nhạt. Quen bởi vì, dẫu cho đổi thay vẫn là nơi mẹ cha đã tượng hình nên anh, nơi anh đã cất tiếng khóc chào cuộc đời, nơi in dấu những bước chân chập chững đầu tiên của anh.
Những đổi thay bạo liệt xảy ra vẫn không thể xóa sạch mảnh đất nơi có con phố của anh, những địa danh, những đồ vật gợi nhớ,, những thứ đã hằn sâu vào trong tâm khảm, khắc ghi lên từng tế bào…bởi đó là nơi ta gọi 2 tiếng “ quê hương”- nơi ta sinh ra và đương nhiên là của ta..với tổ tiên bao đời, làn không khí đầu tiên ta hít thở, giọt nước đầu tiên ta uống, hạt gạo đầu tiên ta ăn, giọng nói, tiếng cười, cử chỉ…Tất cả thành những thứ đặc định không thể lẫn..
Thành phố đã là của anh, nhưng giờ đây hình như nó chẳng còn là của anh nếu từ “của “ chỉ sự sở hữu, và đó là quyền sở hữu của mình trên giấy trắng mực đen. Nhưng anh cũng biết có một quyền sỡ hữu vô hình không thể mất với những ràng buộc quá khứ, những hoài niệm anh đã có nơi này.
Thành phố của anh- thành phố hoài niệm…Trong anh vừa có cảm giác trở về nơi chốn cũ, về mái nhà xưa, vừa có cảm giác người lữ hành trong một cuộc hành trình mà thôi. Bởi anh đã là người khác, một người khác với ngày anh ra đi.
Khi ra đi, anh là người thanhniên trẻ, đứa con của thành phố một mình với đôi bàn tay  trắng, mái tóc xanh và những ước vọng. Ngày trở về anh đã là người đàn ông trưởng thành, tóc chớm sợi bạc, đã lao động thật nhiều, đã phấn đấu, đã trở thành một người khác: một người đàn ông trụ cột của gia đình, một người chồng, một người cha, một người có những danh vị nhất định trong sự nghiệp…anh có nhiều thứ.
Bởi quê hương chỉ còn là nơi anh thăm viếng chứ không phải là bến cuối trong cuộc hành trình của anh.
Anh đã có một quê hương khác – anh cư ngụ ở đó, tên anh có trong danh sách cư dân thành phố -anh góp phần kiến tạo nên nó, ở đây anh có tất cả những gì tạo nên anh, của anh, anh sống vì những thứ đó, anh yêu những thứ đó: gia đình, ngôi nhà, công việc, bầu trời thành phố, những gì xung quanh.
Và quê hương nguyên quán đầu tiên và duy nhất đó lùi về một góc trong sâu thẳm tâm hồn mình. Anh âm thầm dõi theo quê hương với những buồn vui, ước vọng, bởi nếu ví một con người như một cây xanh thì quê hương đó là mảnh đất nuôi giữ gốc rễ vĩnh cửu và vô hình của anh. Tâm tư dành cho quê hương dai dẳng ẩn hiện, sống động như bầu trời mưa nắng, vừa nhẹ nhàng, vương vít như sợi tơ mong manh, le lói âm ỉ như ngọn hải đăng ở những hải cảng xa, dù có vẻ yếu ớt nhưng không bao giờ tắt.


Con đường thân quen. Ảnh: Ngọc Dung

Quê hương đó với những điều  nhói  lòng nhưng vẫn là” nguyên quán” của anh, là thứ không thể thay thế hay chối bỏ..Những bất trắc khôn lường của lịch sử, cuộc chiến tương tàn phi lý, hòa bình với những thứ dường như còn phi lý hơn nữa.. Quê hương trở thành nỗi niềm nào đó như một định mệnh lẩn quất theo suốt cuộc đời. Anh ở ngoài quê hương về địa lý, nhưng dường như quê hương ở trong anh, bởi anh không ngừng dõi theo mỗi ngày, mỗi tin tức buồn hay vui của con người quê hương, những gì xảy tới với quê hương.
Là con người trần thế, anh ước mong có nhiều thứ cho anh, cho những người thân thuộc gần gũi bên anh, nhưng trong góc xa nhất vẫn muốn một thứ, một thứ về tinh thần không thể mua, không dễ chạm tới nhưng cần có để làm nên cuộc đời  anh thật sự trọn vẹn: đó là những gì tốt đẹp nhất cho quê hương của mình.
Anh bước đi chênh vênh như đi trong hoài niệm, cố nắm bắt điều gì đó trong vô vọng. Những nỗi niềm tưởng như với tới được mà càng gắng vươn cao thì lại càng xa. Một nỗi buồn lặng dâng dâng.
Thành phố rộng lớn như trở thành chiếc hộp nhỏ đựng những kỷ niệm, cảm giác mới, những buồn vui, hy vọng, chia thành files, thành folders, anh mang trọn nó bên mình và nhỏ lên nắp chiếc hộp những giọt nước mắt không thể chảy mà ngược vào tim vương vấn mãi không nguôi.
Anh vẫn là một đứa con của thành phố, anh dù xa, nhưng tình yêu thành phố, tâm tư anh về đất mẹ vẫn bám chắc nơi này mãi mãi.
Hà Linh – Tokyo 8-2012


 Lai Tran Mai says:
    • Mới nghỉ hè về thăm VN, trở lại đây, đọc bài này của chị HL sao mà nhớ nhà, nhớ VN thế. Những dòng thơ của chị phản ánh đúng những tâm trạng vui buồn của của tôi và chắc cũng của mọi người Việt xa xứ. Ở nước ngoài, mỗi khi ra phố, tình cờ nghe được một câu tiếng Việt đâu đó là tự nhiên ta hoạt bát hẳn lên, chú ý tìm xem câu đó phát ra từ đâu và tính cách để làm quen, để cùng được nói vài lời tiếng Việt, dù là sau đó mỗi người lại một ngả, hiếm khi có cơ hội gặp nhau trở lại… Người đàn ông của chị trở về khi tóc mới chấm bạc mà đã cảm nhận quê hương với những nỗi nhớ nhung, những niềm nuối tiếc về một thời thơ ấu ở quê nhà, và buồn vì quê nhà đã gần xóa sạch những gì đã là “của anh” thời thơ ấu, mà chắc gì những cái mới thay thế chúng đã tốt hơn… thì đối với những người tóc đã bạc gần hết như tôi, có lẽ những hoài niệm về thời xa xưa của quê nhà còn da diết hơn rất nhiều. Nhìn quê hương thay đổi từng ngày, tốt có, xấu có, nhưng sao tôi thấy tiếc cái cũ quá. Đất nước mình còn bao nhiêu vùng núi trống đồi trọc chưa khai phá, sao ta lại cứ phá đi hết những kỷ niệm cũ, thậm chí những kỷ niệm có giá trị lịch sử rất cao như quảng trường Ba Đình hồi cụ Hồ đọc tuyên ngôn độc lập (phá đi để xây lăng của cụ, trong khi cụ muốn hỏa táng…). Sao ta không xây thành phố mới trên những vùng núi trống đồi trọc để vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống của các phố cổ khi xưa, vừa giữ được đất nông nghiệp vô cùng cần thiết chô cuộc sống của nhiều thế hệ tương lai trong khi vẫn có một thành phố mới hiện đại (như New Delhi và Old Delhi…). Đó là chưa kể tới những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội, nhất là trong giáo dục và trong mối quan hệ người – người của dân ta, mà ở đó, bao nhiêu cái tốt đẹp bị phá đi, cái xấu được xây lên mà tưởng đó là cần thiết trong kinh tế thị trường. Gặp nhau, trò chuyện, rồi thường đi đến nhớ quê hương và tiếc những gì đã quá, thậm chí còn mong muốn được trở lại cuộc sống cũ, nghèo nhưng sao mà bình yên thế; dù bom mỹ rơi trên đầu, dù cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng con người không cảm thấy căng thẳng bức bối như bây giờ, vẫn vui cười, lạc quan vì còn có niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng. Về quê hương bây giờ, nhìn tất cả tất bật, hối hả, ai nấy đều chỉ lo vun vén cho gia đình mình (dĩ nhiên không phải lỗi ở họ mà do cơ chế nó bắt con người phải như thế), thấy rất buồn. Có lẽ chẳng ai còn hy vọng ở tương lai nên cuộc sống mất phương hướng, sống qua ngày, chẳng vui cũng chẳng buồn, có chăng chỉ còn hy vọng vào các con, thậm chí còn hy vọng chỉ đến đời các cháu chắt may ra thì tốt hơn chăng. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi vẫn cố gắng vào công viên tập thể dục để được ngắm các ông bà, chú bác vẫn đều đều tập để giữ niềm tin: “ừ, dù cuộc sống có đầy thứ phi lý nhưng đến người già mà cũng vẫn cố gắng rèn luyện để sống lâu, để hy vọng vẫn còn sống đến lúc quê hương, đất nước tiến kịp thế giới, thì ta cũng nên học tập, và hy vọng như các cụ”.
      Cám ơn chị HL đã diễn đạt hộ cảm nhận quê hương, tâm trạng hoài niệm quá khứ của tôi bằng một bài viết thật tuyệt vời .

      6
      0

      Đánh giá comment
      • Hà Linh says:
        Nói cảm ơn thì lại có thể thành khách sáo nhưng HL rất cảm động khi được nghe những chia sẻ chân thành của anh về những trăn trở, nỗi lòng với quê hương. Thường khi máy bay cất cánh để trở lại nơi cư ngụ mới, HL có chút buồn, cảm giác sẽ chia tay vài ba thứ mà lần sau về sẽ không còn được nhận thấy nữa. Tất nhiên cũng như mọi miền đất khác, quê hương mình cũng phải thay đổi, và chịu nhiều tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa, của đời sống hiện đại..nhưng có những thứ thì cũng như anh, HL nghĩ” mới chắc gì đã tốt hơn”…
        Ta không có quyền đòi hỏi quê hương phải mãi mãi nguyên trạng như ngày ta ra đi, cũng không thể đòi hỏi phải như ta muốn..nhưng dù sao thì cũng chỉ mơ những gì tốt nhất, hay nhất cho mảnh đất nơi ta đã sinh ra, ta lớn lên với những giá trị gắn bó ngàn đời…
        Càng nghĩ HL càng khâm phục đồng bào mình ở nơi quê hương ngày đêm kiên cường vượt qua những khó khăn, những điều kiện không thuận lợi mà sống, mà trao cho nhau niềm tin để sống và vẫn lưu giữ những điều tốt đẹp: những đùm bọc, tương trợ nhau khi khốn khó, cho những người kém may mắn hơn…cố gắng sống tử tế như có thể…
        Chính niềm tin nhỏ bé, hành động giản dị của anh ở cuối của comment cũng là một thông điệp tốt lành, gửi gắm những niềm tin vẫn lấp lánh trong tâm trí đó!

        2
        0

        Đánh giá comment

        HL rất cảm động với những chia sẻ về những tâm tư chân thành, nồng ấm của anh với quê hương.
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét