Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Nước Nga thoáng thấy, chợt nghe (kì 3)

Tô Hoàng
ĐỂ HAY BỎ:
HÃY XÉT TỪ CÁI GỐC VĂN HÓA

Vừa bước ra khỏi bàn thị thực nhập cảnh, tôi đưa mắt nghiêng ngó xem có đúng mình đã đặt chân tới sân bay Seremichievo không đây? Ôi, cái tên Seremichievo vào những năm cuối 1970, đầu 1980..
 Tôi nhớ như găm vào trong đầu từng tấm của kính vào, ra tự động;  từng hàng đá lát trên sàn phòng đợi; từng dẫy đèn mắt ếch trên trần…của sân bay này. Những năm tháng đó, người Việt nào sống ở Moskva chả tới sân bay Seremichievo mỗi năm cả chục lần. Không phải để bay đi bay về những Paris, London, Tokyo… Ra sân bay chỉ để đón khách từ trong nước sang nhận một chút “quà” của vợ con gửi bán đi làm dấn vốn sinh lờ lãi và gửi “ quà “ về Việt nam để vợ con cũng bán đi mà chống trọi với tình hình giá cả leo thang bên nhà. Hàng cấm nhập là: áo cá sấu Thái, bút kẻ mắt Thái, son môi Thái, nhãn mác Jeal, khuy cúc sắt rởm bán ở chợ Hàng Da, Hà nội…Hàng cấm xuất là: giây maiso đun nước, phim chụp ảnh hiệu Svetma, túi nilon đi chợ, bàn là, nồi áp xuất, đặc biệt là các loại thuốc tây..rặt hàng Nga thôi! Bây giờ điểm lại các mặt hàng cấm nhập xuất và kiểu buôn bán ấy phát phì cười. Nhưng thuở đó khi các nhân viên hải quan Nga mặt lạnh tanh, hung hăng bới lục, quăng vứt la liệt các mặt hàng kia ra nền đá lát , trước con mắt ngó nghiêng lạ lẫm của lữ khách từ Pháp, Anh, Mỹ, Canada..tới Moskva thì quả là “ những người anh hùng của thế kỷ 20 “chúng tôi đã sắm vai trong tấn bi hài đẫm nước mắt!

     @
Xe rời sân bay vài phút , tôi nhận ngay ra mấy chiếc hàng rào ngăn xe tăng Hít le sơn mầu đỏ, đài kỷ niệm những trận đánh bảo vệ Moskva vào mùa đông năm 1941. Nhận ra cả hai tòa nhà cao tầng xây làm khu cư xá cho công nhân đâu đó vào đầu năm 1980 tại vùng Pusino ven đô. Xe bám vào con đại lộ rất dài nối với trung tâm Moskva. Đại lộ này vẫn mang tên Lênin.Các chòi gỗ bán sách báo, bán thuốc lá , nước kvat rải hai bên đường nom ít hơn ngày xưa. Tôi nhận ra cả lối vào khu chung cư nơi ông già Platon-người chiến sỹ Hồng quân tham gia chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 207 nổi tiếng xưa kia; cả khu cư xá –nơi có căn hộ của bà giáo hướng dẫn khoa phim Tài liệu của chúng tôi, nữ đạo diễn gốc Grudia Ekaterina Vermiseva sinh sống.Mới 5g30 chiều. Nắng còn sáng rỡ như lúc 3,4 giờ ở Sài gòn. Dòng xe mỗi lúc một ken dày, Oleg Bavưkin chặc chặc lưỡi luôn sợ tắc xe vào giờ này. Còn anh bạn Tạ Duy Anh thì cứ suýt soa, nắc nỏm khen dòng xe lướt ngoài khung cửa toàn loại xe Mercedes, Honda, Chevrolet, Violvo, Chrysles.. rồi xướng vanh vách con này 7 tỷ, con kia 9 tỷ, con nọ 12 tỷ.Tuyệt nhiên không còn thấy bóng dáng những chiếc Pobeda, Lada, Dzuguli, Volga  sản phẩm Xô viết đâu ( mấy ngày sau chúng tôi nhìn thấy những chiếc xe như thể chảy về các tỉnh lẻ như Vaidai, Staraia-Rusi, Novgorod…). Vùn vụt lướt qua ngoài cửa xe còn là tên các cửa hàng quen thuộc xưa kia: salon ôtô, salon đồ gỗ, cửa hàng thuốc tây, cửa hàng thời trang…Tôi buột mồm hỏi Oleg:
-Cửa hiệu của tư nhân hay nhà nước đấy?
-Tư nhân hết! Mà trong toàn bày bán đồ ngoại thôi. Giá khá mắc! Người Nga mức sống trung bình như chúng tôi không dám bén mảng tới đâu!.
Nhìn lên nóc các tòa nhà, các cây cầu mới xây bắc ngang phố, các hàng cột điện cũng nhan nhản biểu quảng cáo hàng hóa nước ngoài; biển quảng cáo mời gọi chơi chứng khoán, mua xe ô tô đời mới; mua trả góp các khu nhà đang xây …Nhưng quy củ, trật tự, to nhỏ, thấp cao có chủ ý sắp xếp, chứ không phản cảm, xô bồ, mất trật tự như ở Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh.
 Nhiều bạn bè và người quen sang Nga vào những năm cuối thập kỷ trước hoặc đầu thập kỷ này thường dọa tôi, nếu sang Nga bây giờ tôi sẽ không nhận ra nổi một Moskva, một Saint-Petersburg cũ.
 Nào đâu đến mức như vậy!
Kia vẫn là Quảng trường Puskin, chỉ không thấy hoa tươi đặt dưới chân thi sỹ như thuở xưa. Khách sạn Metropol vẫn vậy. Và trên đại lộ mang tên nhà thơ Xô viết Maiacovski vẫn nhận ra nhà hát Dansenco..
 Saint Petersburg -thủ phủ của nước Nga xưa, là chiếc tủ kính trưng bày cho thế giới biết thế nào là văn hóa Nga, lại càng ít thay đổi hơn. Đại lộ Nhepski, Nhà thờ Cadan, Cung điện mùa Đông, Viện Bảo tàng Ermitagiơ, Nhà thờ Isacski.. Theo bờ kè đá chạy dọc sông Nheva dễ dàng tìm ra Tuần dương hạm Pachomkin. Trước lối vào Viện Ermitagiơ người rồng rắn xếp hàng. Và phía bên kia đường vẫn là nơi mua vé để lên con tầu cánh ngầm  sơn màu trắng lao đi vun vút ra thăm Cung điện Mùa hè…
Năm tháng đắng cay hơn,
năm tháng ngọt ngào hơn
em mới hiểu bây giờ anh có lý…     
 Ai vừa đọc câu thơ của nữ sỹ Olga Bergon bằng tiếng Việt? Hay tôi thóang nghe trong gió bắng trí nhớ già nua của mình? Chả lẽ nữ sỹ đang nói về những đổi thay ở thành phố quê hương bà, ở nước Nga sao đây? 
 Hai mươi nhăm năm trước, mùa hè nào mình chắng đáp tầu tới Leningrad tức Saint Petersburg bây giờ. Đến thành phố cực Bắc này như một nhu cầu, lại như một nỗi nhớ. Ở ga xe lửa đón những đoàn tầu từ Moskva tới, bức tượng bàn thân của Lenin đã được thay bằng bức tượng Piốt –Đại đế I. Phía bên này, phía bên kia Nhêva và nói chung là khắp Saint Petersburg không còn ngự trị mầu đỏ của băng rôn, áp phích, của cờ búa liềm. Vẫn là những mái vòm quen thuộc, những dòng kênh ngang dọc, những quán cà phê, quán rượu cửa vào thấp tè gần như thấp hơn cả vỉa hè. Ngày xưa, từ Moskva tới Leningrad, được khom người chui vào những quán cà phê bên kênh rạch, được nhìn thấy những tấm biển đồng khắc hình con gà trống, hình con gấu Nga hoen rỉ còn sót lại từ thời Nga Hoàng, được ngồi tầu cánh ngầm lướt trên vịnh Phần Lan, bọn sinh viên Nga, Việt chúng tôi vẫn thì thầm bên tai nhau, dường như đã ngửi thấy mùi gió từ Hensinski, Xtoskhom, từ thành Viên và xa nữa từ Paris thổi tới. Chỉ bực mình một nỗi, vào quán nào cũng một thứ cà phê giống nhau, rót từ bình pha trà vào cốc vại; có bước vào thăm cung vua, phủ chúa nào, trưa đói tìm ra quán vẫn rặt một loại bánh mì kẹp giò, mấy thỏi súc sích lạnh tanh, một cốc coca-cola…Có tiền cũng không bói ra đồ ăn thức uống gì khác lạ. Nay, tiền nào của nấy.Ăn gì, uống gì-muốn có là được!. Miễn là phải nằng nặng túi mới đủ can đảm bước vào quán xá…
 Trở lại với chủ đề về nền kinh tế tư nhân. Oleg Bavưkin nói với chúng tôi nước Nga đã hoàn thành công việc chuyển hóa các doanh nghiệp, công ty, cửa hàng, cửa hiệu thuộc sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân từ chục năm trước đây. Các bạn Nga bổ xung thêm: Mồ hôi, công sức của hàng chục vạn Tuần lễ lao động cộng sản, của các phong trào thi đua mang tên anh hùng Xtakhanovich; của cả xương máu và sinh mệnh hàng chục triệu người đã ngã xuống trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1941-1945, chỉ thoáng chốc với yêu cầu xã hội hóa-đã biến thành những chục tỷ dollar và gọn ghẽ, kín đáo nằm trong túi các nhà tài phiệt, các “Bố già Đỏ”. Người Nga chúng tôi đã mắc sai lầm khi đặt hy vọng vào việc tiêu diệt sở hữu tư nhân, quốc hữu hóa tất cả.Và lại một lần nữa, lầm lạc khi vội vã tư nhân hóa. Đau đớn, xót xa , ân hận, nuối tiếc-đủ cả! Nhưng biết làm sao được?Quay lại với thời hô hào, hò hét, với chủ nghĩa cào bằng là điều còn đáng ghê sợ , khủng khiếp hơn !
      @   
 Trên Quảng trường Đỏ, Lăng Lenin vẫn đó. Bảng đá ghi tên những tướng Xô viết tài danh thời kỳ Nội chiến và trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1041-1945 như Budionnưi, Vorosilop, Giukov, Vatutin, Socolovsky..vẫn gắn chắc chắn tại một bức tường điện Kremli. Ngọn lửa Bất tử vẫn bập bùng cháy với dòng người kéo đến đặt hoa và cúi đầu tưởng niệm.
 Tại Moskva vẫn sừng sững 7 tòa tháp chọc trời được coi như những công trình để đời của Stalin, trong số đó có tòa tháp của Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (MGU), tòa tháp của Bộ Ngoại giao Nga, khách sạn Ucraina… Vẫn còn nguyên đó Tòa nhà mô phỏng hình cuốn sách mở được xây cất vào cuối những năm 1970, xưa kia là Trụ sở Khối SEP ( Cơ quan hợp tác quốc tế về kinh tế của các nước trong phe XHCN )
 Đồi Lênin-một vị trí đẹp và thuận tiện nhất ở Moskva, dù nay trở thành Đồi Chim sẻ và dành nhiều dinh thự sang trọng cho các quan chức cao cấp của Chính phủ Nga, nhưng cơ sở làm phim lớn nhất nước Nga- hãng Mosfilm vẫn ung dung tự tại nơi ở cũ. Và  Trường Đại học Tổng hợp mang tên nhà bác học Nga Lomonosov, một cơ sở đã tạo nên biết bao thiên tài cho ngành khoa học tự nhiên và xã hội nước Nga cùng các nước Cộng hòa trong Liên bang Xô viết trước kia vẫn ngự trị trọn vẹn cả trăm hecta đất như xưa. Trên đỉnh cao chót vót tòa tháp chính của trường này ngôi sao đỏ phản chiếu ánh nắng sớm mai long lanh, lấp lánh như một lời vẫy gọi. Thấp hơn một chút là hình những lá cờ cuốn quanh quốc huy Liên Xô, thấp hơn chút nữa rành rõ hàng chữ nổi CCCP ( Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết). Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì những gì được chứng kiến, một ông già tóc bạc trắng, cặp kính cận trễ xuống sống mũi, ăn vận chải chuốt- vừa có thể nghĩ đó là một vị giáo sư đã nghỉ hưu, vừa có thể là một bác chăm cây, tưới vườn có thâm niên- đang ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá trước cổng trường, bỗng lên tiếng :
-Có bạn nào trong số các bạn biết tiếng Nga không? Anh à? Thế thì ổn rồi!  Tôi biết các bạn đang thắc thỏm điều gì? Các bạn biết không, hơn hai chục năm chính biến, loạn lạc xẩy ra với nước Nga chúng tôi, tuyệt nhiên không ai dám lên tiếng cạo bỏ hình Quốc Huy Liên Xô và mấy chữ CCCP trên cao kia đâu! Liên bang Xô viết, CCCP à? Ngọn tháp kia mang dấu ấn của thời Stalin? Thì đã sao? Ngay những năm sau chiến tranh, giữa lúc nhân dân Nga, nhân dân các nước Cộng hòa còn chưa đủ no, đủ ấm, cha chú chúng tôi đã cắn răng, siết chặt giây lưng quanh cái bụng lép lại để xây dựng ngôi trường này cho con em họ. Gạt bỏ khía cạnh chính trị đi, thì ngôi trường này là niềm tự hào của người Nga, của nền học vấn Nga chứ? Nhiều công trình khác ở Moskva cũng thế! Đừng coi các công trình ấy là của Stalin, Bunganin, Malenkov  hay Khrusov! Hãy coi chúng là thành tựu của tình yêu và sức lao động cần cù, bền bỉ của người Nga mà gìn giữ, bảo vệ.Các bạn biết câu nói nổi tiếng của Ram xun Gamzatov chứ: “ Ai bắn vào quá khứ bằng phát súng lục ..”. Biết cả rồi à? Tuyệt !
Trên tivi Nga hàng đêm vẫn chiếu những kiệt tác của Điện ảnh Xô viết: “Anh lái xe Rumensev”, “Mùa xuân trên đường phố Zaret”, “Đàn sếu bay”, “Bài ca người lính”…Trên mặt báo hàng ngày đều đặn đưa tin các Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ Công huân Xô viết X, Y vừa nhập viện, hay vừa xuất viện….
Bản quốc ca Liên bang Nga hiện nay vẫn là bản quốc ca Liên Xô xưa kia, chỉ cải biên phần lời. Cách đây không lâu, Moskva đã buồn thương chia tay nhà thơ Sergei Mikhankov, tác giả phần lời bài Quốc ca Xô viết năm xưa.
Tới thăm Khu Nghĩa tranh Danh nhân, nhận ra ngay ngôi mộ Yellsin nhưng cũng dễ dàng tìm ra ngôi mộ nữ anh hùng Liên Xô Dôia; mộ của các nhà văn Xô viết như Furmanov, Glakov, Fedin, Fadeev..Hoa hồng tươi rói vẫn được đặt cạnh chiếc mũ kỵ binh Budionnưi và thành kiếm dài trên mộ N.Ostrovsky, tác giả cuốn sách nổi tiếng với bạn trẻ nhiều châu lục “ Thép đã tôi thế đấy”.
Không thể không kể ra đây, trên trục lộ nối liền Moskva với Saint Petersburg Oleg Bavưkin có thể thả cho con xe của anh phóng tới trên 180 cây số/giờ. Nhưng khi xe rẽ vào tỉnh lẻ , đường bỗng lở lói, nham nhở ổ gà. Cũng trên trục đường này Oleg lưu ý chúng tôi những ngôi nhà gỗ (izba ) thuần chất Nga sẹo sọ, tường rào sụp đổ và vắng hoe không bóng người. Oleg bảo, xưa kia, nơi ấy là nông trang, nông trường nay đã giải thể hết, chính phủ không cung cấp máy kéo, xăng dầu, lúa giống nên đồng ruộng bỏ hoang, thanh niên trai tráng kéo lên thánh phố tìm việc làm; còn ông già bà lão thì rủ nhau ra nghĩa địa, gắng tìm tới những giấc ngủ không giật mình, không gào thét trong cơn mộng mị…
         @ 
  
Tôi đinh ninh tin rằng, bất cứ người Việt Nam nào ở tuổi tôi, hoặc trẻ hơn, trẻ hơn nữa sang Nga ( hoặc đi bất cứ nơi nào trên hành tinh này chắc cũng vậy?) lòng dạ hẳn không hoàn toàn được thơ thới, được thanh thản để thưởng ngoạn, để dành trọn vẹn cho những suýt soa, trầm trồ. Tới bất cứ nơi đâu, nhìn ngắm bất cứ điều gì, việc gì, chúng tôi cũng trĩu nặng nỗi buồn khi nghĩ tới những điều đổi thay đang diễn ra ở quê hương mình và tương lai mai sau...
Một cảm nhận chung dần dần hình thành: Người Nga dù có dứt khoát, triệt để đoạn tuyệt cái cũ; dù mạnh mẽ, không chần chừ đặt chân bước lên đoạn đường mới, họ vẫn luôn biết lấy cội nguồn tinh thần Nga, văn hóa Nga làm kim chỉ nam, làm giây chằng neo buộc con tầu tương lai không mất hút giữa giông gió thời cuộc. Người Nga đập bỏ cái cũ, gột dựng cái mới  vẫn theo cách cảm, cách nghĩ của một đại cường. Tuyệt nhiên không phải theo cách manh mún, chắp vá, chăng chớ kiểu tiểu nông…Còn điều này: Cái thời hỗn mang của họ diễn ra nhanh thôi. Dấu vết của một cây gậy chỉ huy, của “trên bảo dưới nghe “là khá rành rõ!
Bỗng nhớ lời một nhà văn đã cứng tuổi nói với chúng tôi trong buổi gặp gỡ ấp áp, thân tình tại Chi hội văn học ở thành phố Novgorod:
-Chúng tôi xây dựng xã hội chủ nghĩa hàng chục năm, chưa thấy có gì khá gỉa, sung túc hơn. Lúc ấy chuyên gia tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô Xuxlov liền an ủi: Liên xô đâu còn ở chủ nghĩa xã hội nữa, Liên xô đã bước qua giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa Cộng sản. Rồi Cải tổ, rồi chính biến, Gorbachov, Yellsin nói: Chuyện hão huyền, lơ tơ mơ cả! Nước Nga hãy quay về chủ nghĩa tư bản để tìm ra no ấm, phồn vinh trong sự phát triển tự nhiên. Đã hơn chục năm trôi qua, cũng chưa thấy phồn vinh, sung túc đâu? Bây giờ chúng tôi không hiểu mình đang sống ở chế độ chính trị nào nữa ? Có điều cốt tử này chúng tôi luôn nhắc nhau: Chúng ta là người Nga, chúng ta đang và mãi mãi sống trên mảnh đất Nga. Chúng ta phải gột dựng tương lai theo kiểu Nga, chứ không thể bắt chước. rập khuôn bất cứ mô hình nào khác được! 

Ghi chú ảnh:
Kỷ vật quá khứ trong nhà kho của một gia đình. Trên tấm bảng ghi: “Chủ nhật ngày 15 tháng 6 năm 1975: Ngày Bầu cử các Xô viết. Tất cả hãy đến nơi bỏ phiếu”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét