Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Anh Dũng Cảm và anh Hèn

Đọc lại truyện cũ cách đây 10 năm:

Truyện ngắn Thái Bá Tân

Anh Dũng Cảm và anh Hèn

Ông Sêkhốp có một truyện ngắn thôi nhưng khá độc đáo, là "Anh Béo và anh Gầy". Câu chuyện đang viết đây, vốn bị hoãn nhiều lần chỉ vì không tìm được một cái tên vừa ý, tôi bắt chước ông, tạm gọi là "Anh Dũng Cảm và anh Hèn".

Xin được bắt đầu bằng Dũng Cảm.

Ở huyện ngoại thành Hà Nội nọ có một người nổi tiếng dũng cảm, không phải chuyện chiến trường hoặc săn bắt cướp, dù cả hai việc này anh từng trải qua và chắc không là thằng hèn. Dũng cảm ở đây với nghĩa đấu tranh chống những điều chướng tai gai mắt, cái bây giờ được gọi là "hiện tượng tiêu cực", và rất tiếc đang đầy rẫy khắp nơi, đến mức nhiều người khác cũng dũng cảm như anh đâm nản mà thôi. Nhưng anh thì không, cương quyết không. Anh đã qua cái tuổi ba mươi lăm, to con, khỏe mạnh, từng là lính đặc công nên nghe đồn giỏi võ lắm. Tiếc là trong cuộc chiến này anh không được phép phát huy sở trường đó.

Hóa ra ở đời làm người tử tế và dũng cảm thật khó. Cái giá phải trả cho sự dũng cảm ấy cũng không nhỏ. Từ chiến trường trở về với đủ loại huân huy chương, giấy khen và bằng dũng sĩ, anh được người ta hồ hởi chào đón rồi bố trí một chân trong chính quyền địa phương, phù hợp với công trạng. Nhưng rồi dần dần, cũng chính "người ta" ấy đã khéo léo gạt anh ra ngoài, trù dập anh một cách tinh tế, khiến anh biết đấy mà không bắt bẻ vào đâu được. Cuối cùng anh chỉ còn là một tay lực điền cày sâu cuốc bẫm như bao người khác, để nuôi cô vợ hay đau ốm và ba đứa con còn nhỏ. Tất cả chỉ vì anh không giống các cán bộ khác - quá thẳng thắn, quá thật thà, quá yêu công lý và cũng vì quá dũng cảm.

Làm ruộng là một sở trường nữa của anh, vì anh vốn từ đồng ruộng mà lớn lên rồi ra trận. Anh tháo vát, biết lo toan, lại chịu khó nên nói chung cuộc sống không đến nỗi. Anh chẳng có gì để phàn nàn. Cái làm anh khó chịu là những chuyện bất công xung quanh, "những việc đâu đâu" như vợ anh nói. Mặc dù không phải lúc nào chúng cũng liên quan đến anh, nhưng hễ thấy là anh cứ lao vào "đấu tranh", theo kiểu "đâu có giặc là ta cứ đi" của ngày trước. Mà anh đấu tranh mạnh mẽ, trực diện, không chút khoan nhượng, đôi lúc thiếu mất sự tế nhị cần thiết. Nhiều khi anh làm quá, không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn bị hiểu lầm, bị coi là hâm gàn và không hiểu thời cuộc. Một kiểu Ðông Kisốt mà người ta thấy vừa đáng yêu vừa tội nghiệp.

Một hôm, vợ anh lên cơn hen nặng, phải đi bệnh viện cấp cứu. Việc này năm nào cũng xẩy ra, ít thì một, nhiều có khi ba bốn lần, nên anh có chút kinh nghiệm và biết phải làm gì.

Vị ngon của 40 món ăn Việt qua góc nhìn của CNN

Tin này đã lưu song chưa có đủ
danh sách 40 món, nay thì có đủ:

Vị ngon của 40 món ăn Việt qua góc nhìn của CNN

Phở, chả cá Hà Nội, bánh xèo, cao lầu... vừa được hãng thông tấn CNN giới thiệu trong 40 món ngon của Việt Nam. Đánh giá đây là nghệ thuật ẩm thực giản dị, không cầu kỳ nhưng hấp dẫn, CNN ưu ái giữ nguyên tên gọi Việt. 

Phở Việt, gỏi cuốn vào top 50 món ngon thế giới/

Ăn ngon với các loại gỏi cuốn 3 miền

12 món bánh dân dã hút khách chốn Sài thành

Theo CNN, ẩm thực Việt Nam chân chất giản dị, không cầu kỳ phức tạp, song cũng chính nhờ đặc điểm này mà được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Món Việt đa phần được chế biến từ nguyên liệu xanh, tươi sống, nêm nếm gia vị hài hòa. Và điều quan trọng là thực khách có thể dễ dàng tìm được các món này ở một nhà hàng sang trọng hay chỉ một quán cóc ven đường.
Sau đây là danh sách 40 món ngon Việt được CNN ưu ái bình phẩm và giữ nguyên tên tiếng Việt:
1. Phở 21. Cà tím kho tộ
2. Chả cá 22. Bột chiên
3. Bánh xèo 23. Bún đậu mắm tôm
4. Cao lầu 24. Bánh gối
5. Rau muống 25. Cơm sườn nướng
6. Nem rán (chả giò) 26. Cháo
7. Gỏi cuốn 27. Bò lúc lắc
8. Bún bò Huế 28. Hạt dẻ nóng
9. Bánh khọt 29. Bánh ướt thịt nướng
10. Gà tần 30. Bún chả
11. Nộm hoa chuối 31. Bánh mỳ
12. Bún bò Nam bộ 32. Lẩu
13. Hoa quả dầm 33. Bánh bao
14. Phở cuốn 34. Cơm rang (chiên)
15. Gà nướng 35. Bò bít tết
16. Phở xào 36. Cơm chay
17. Cà phê trứng 37. Chè
18. Bò lá lốt 38. Mỳ xào bò
19. Xôi 39. Đậu phụ xốt cà chua
20. Bánh cuốn 40. Canh bún
Thi Ngoan

Nhà nước có dám bỏ kinh doanh?

Lại thêm hai cụ lãnh đạo về hưu nói thật. Nhưng cũng thật buồn là khi bác Diễn chỉ thay đổi nhận thức từ năm ngoái sau chuyến đi Hàn Quốc 1 mình (vì hưu rồi), còn mọi chuyến đi trước đều chẳng có tác dụng gì, chứng tỏ bác bị đám quan chức tháp tùng che mắt. Còn bác Khoan thì nói mạnh: "Một khi tư duy không thay đổi, chúng ta sẽ chứng kiến kế hoạch mà Chính phủ đang trình, Quốc hội đang bàn sẽ không thể thay đổi được... Sẽ chẳng có tái cấu trúc đâu" và  "chúng ta có dám rũ bỏ chuyện nhà nước kinh doanh không?".

Nhà nước có dám bỏ kinh doanh?



Bàn về đổi mới tư duy để có thể tái cấu trúc nền kinh tế, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho hay, nhận thức của chính ông về kinh tế nhà nước đã khác so với hơn 1 năm trước.
"Nhận thức đã khác"
Ông cho hay, đầu năm 2010, thảo luận về vị trí của kinh tế Nhà nước, ông cho rằng, nói kinh tế nhà nước là chủ đạo vẫn đúng. Bởi lẽ chúng ta cần một lực lượng trong tay nhà nước, giúp nhà nước thực hiện các ý đồ, định hướng nền kinh tế, làm những việc mà các thành phần kinh tế khác không làm được.
Thế nhưng, qua những chuyến đi khảo sát ở các nước, "nhận thức của tôi  (Phan Diễn - pv) về vị trí của kinh tế Nhà nước đã khác".
"Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế rất quan trọng nhưng kinh tế Nhà nước thì chưa chắc", nguyên Thường trực Ban Bí thư nói.
Hàn Quốc là bài học thực tế tạo nên bước chuyển nhận thức ấy.
Đánh giá cao vài trò của Chính phủ trong việc định hướng phát triển kinh tế, đề ra nhiều chủ trương, chính sách, nhưng Hàn Quốc thực hiện được những ý định không phải dựa vào lực lượng kinh tế quốc doanh mà chính là vào lực lượng tư nhân.
Ngay cả tư nhân, nhà nước cũng không quá o bế đối với lĩnh vực cần ưu đãi, và cũng không nên nuông chiều, ưu đãi quá lâu. Hàn Quốc đã từng trả giá khi o bế các cheabol.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng "Gốc gác của vấn đề là nhiều tư duy không ổn mà ta ít nhắc tới.
Tư duy của vị trí nhà nước trong nền kinh tế thị trường của ta còn khác nhau và chưa rõ, kể cả nhà nước trung ương và nhà nước địa phương. Ở các nước, chính quyền chủ yếu lo quản lý hành chính nhà ước, không ai đi làm kinh tế cả.
Ông nêu vấn đề: Với các nước GDP là câu chuyện của DN, đâu phải là của nhà nước lo. Ở ta thì khác. Các địa phương được đánh giá qua thành tích tăng trưởng, qua các con số như GDP, và hệ quả tất yếu là họ chạy, xin đầu tư, là chạy theo tư duy nhiệm kì. Mỗi tỉnh là một pháo đài, một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh. Không gian kinh tế quốc gia vì thế bị chia cắt thành không gian kinh tế tỉnh, nền kinh tế bị xé lẻ.
Trách nhiệm lo phúc lợi xã hội của Nhà nước cũng thông qua DNNN, tức là vẫn là nhà nước làm kinh doanh, bởi tiền ngân sách rót qua DNNN tới dân.
Thực tế, nền kinh tế VN đang phải trả giá cho những bất cập trong phân vai giữa nhà nước và tư nhân trong kinh tế.

“Thành ngữ sành điệu”: Thu hồi, càng lan nhanh

Báo điện tử của đảng cũng lên tiếng, có vẻ như ngầm 
ủng hộ, chỉ phê phán cách quản lý văn hóa hiện nay:

“Thành ngữ sành điệu”: Thu hồi, càng lan nhanh



Một câu "thành ngữ" và hình ảnh minh hoạ trong cuốn sách.
NDĐT – Cả tuần nay, đi đâu làm gì gặp ai, nhất là những người trẻ, hễ cứ mở miệng là ra “thành ngữ”: chảnh như con cá cảnh, bực như con mực, buồn như con chuồn chuồn, già như quả cà,  dốt như con tốt,  tào lao bí đao, lạnh lùng như thạch sùng...
Ngày 24-10, Cục phó Cục Xuất bản Nguyễn Ngọc Bảo ký công văn yêu cầu NXB Mỹ thuật có văn bản yêu cầu đối tác liên kết (công ty Nhã Nam) tạm ngừng phát hành cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ “để thẩm định nội dung”. Một ngày sau, chiều 25-10, NXB Mỹ thuật đã đưa ra văn bản yêu cầu đối tác thu hồi đủ 5000 cuốn sách đã in và phát hành.
Dường như sau lệnh cấm, cuốn sách càng trở nên “sốt sình sịch” và tốc độ lan truyền của những “thành ngữ sành điệu”- nội dung chính của cuốn sách càng nhanh chóng.
Khắp các mạng xã hội như facebook, yahoo... tràn ngập những câu đối thoại, những lối viết kiểu... “đúc kết” như vậy: ăn trong nồi, ngồi trong xó; trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng; xấu nhưng biết phấn đấu; thất bại vì ngại thành công; nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên; một con ngựa đau, cả tàu ăn thêm cỏ; chết vì tình là cái chết bất thình lình...
Những “thành ngữ” kiểu này, vốn không phải bây giờ mới được nghe thấy. Thỉnh thoảng lâu rồi, nghe đâu đó vài ba câu như vậy, nhưng có lẽ chưa bao giờ được dùng nhiều như những ngày này.
Quyết định thu hồi khiến cho công chúng càng tò mò và quyết tâm đi mua bằng được. Một số người khi có cuốn sách trong tay thì kêu lên bức xúc, cho rằng những “thành ngữ” thật là “khủng khiếp” và sẽ là “nguy hại” được tập hợp in thành sách, lan truyền và ảnh hưởng trong xã hội. Một số khác lại thấy rằng, đây chỉ là một ấn phẩm hài hước thú vị, không có gì phải làm ầm ĩ. Trong khi đó, cũng có người nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn: hãy lắng nghe giới trẻ thay vì vội vàng phê phán và cấm đoán.

Các thị trường mới nổi phải làm gì để trở nên giàu có?

 Các thị trường mới nổi phải làm gì để trở nên giàu có?

Với mốt số quốc gia, nếu muốn tránh được cái bẫy thu nhập trung bình, cần phát triển thị trường nội địa.

Với vận tốc tối đa 430km/h, chiếc tàu đệm từ ở Thượng Hải là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của thành phố. Trên một trục đường bộ dài 30km từ Đường Longyang đến Sân bay quốc tế Phố Đông ở ngay bên cạnh, những chiếc xe hơi chạy hết tốc độ nhưng vẫn bị bỏ lại đằng sau, đã cho thấy con tàu hiện đại trên di chuyển nhanh đến mức nào. Đối với những hành khách thích cảm giác mạnh, một chiếc công-tơ-mét kỹ thuật số trong từng toa xe hiển thị tốc độ của tàu đến vận tốc tối đa trước khi lại giảm xuống khi đoàn tàu vào ga.

Tàu đệm từ ở Thượng Hải là một biểu tượng cho sự hiện đại của Trung Quốc - dù công nghệ này được phát triển từ những năm 1960 tại Anh và toàn bộ trang thiết bị do hãng Siemens, một công ty của Đức, sản xuất. Nhưng dự án này lại không sinh lời. Vào một buổi chiều giữa mùa hè, chuyến tàu trên trống gần như một nửa số ghế, và đa số hành khách là khách du lịch chỉ đi tàu "cho biết". Bởi vì ngoài tốc độ ấn tượng của nó, tuyến tàu đệm từ này không phải là trục đường chính đến và đi từ sân bay. Vé tàu cũng quá đắt đối với mọi người, trừ các doanh nhân giàu có và du khách nước ngoài, trong khi những vị khách này lại thấy đây là tuyến đường không phù hợp. Bởi sau khi dừng chân ở đường Longyang, họ còn cả một quãng đường dài nữa mới tới quận tài chính và những khách sạn tốt nhất.

Đối với những người hoài nghi về sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc, câu chuyện Thượng Hải trên là một ví dụ cho thấy các ngân hàng nhà nước đầu tư vốn không hiệu quả như thế nào. Trung Quốc đầu tư khoảng 50% GDP, nhiều hơn gấp đôi mức trung bình ở các nước giàu. Các dự án vốn lớn của các doanh nghiệp nhà nước, như đường sắt, dễ dàng được rót vốn, trong khi lãi suất huy động vốn của ngân hàng lại rất cao. Một hệ thống tạo điều kiện cho một số người đi vay bất chấp người gửi tiết kiệm thông thường hoặc các cổ đông bình thường của ngân hàng, sẽ dẫn đến những dự án tồi và làm gia tăng nợ xấu, gây đầu cơ sụt giá. Vụ va chạm giữa hai đoàn tàu cao tốc ở Trung Quốc hôm 23/7 vừa qua, làm 40 người thiệt mạng và 191 người bị thương, dường như đã khẳng định lại những nghi ngại này.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Bị dồn vào chân tường

Bị dồn vào chân tường

Brazil là một ví dụ điển hình cho thấy một quốc gia đang phát triển nhanh chóng bị đâm vào tường.
Kỳ 1: Các thị trường mới nổi phải làm gì để trở nên giàu có
Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng ở mức bình quân gần 7%/năm trong những năm 1945 -1980. GDP trên đầu người tăng từ mức bằng 12% của Mỹ lên mức 28%, theo thống kê của Maddison. Nhưng các thành quả này đã đi ngược lại. Nợ chồng chất phải trả cho máy móc nhập khẩu bắt đầu ảnh hưởng tới lãi suất. Các ngành công nghiệp phục vụ thị trường trong nước được bảo vệ bắt đầu tỏ ra không hiệu quả. Một đồng tiền yếu và lương hưu thấp dẫn tới lạm phát và sau đó là siêu lạm phát.
Một loạt cuộc cải cách tiền tệ và tài chính trong những năm 1990 đã giúp kiềm chế lạm phát và chặn đà suy giảm thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người ở Brazil hiện ở mức 20% so với ở Mỹ. Nhưng nền kinh tế này cũng phải chịu những bấp bênh như ở Trung Quốc. Đầu tư chiếm 19% GDP, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, và khá thấp so với mức chuẩn ở các nước giàu. Đây là lý do tại sao sản lượng thấp, bên cạnh đó là yếu kém trong hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng. Nền kinh tế này có xu hướng tăng trưởng khoảng 4%/năm, nhanh hơn các nước giàu nhất nhưng chậm hơn những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi tương tự như Brazil.
Đầu tư kém phản ánh tiết kiệm trong nước thấp. Brazil vẫn thường xuyên bị thâm hụt cán cân thanh toán. Sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài đã khiến nước này dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán định kỳ, dù họ có quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới 344 tỷ USD để tự lo liệu cho mình trong tương lai. Nợ nước ngoài ròng của Brazil (cả nợ công và nợ tư nhân) đạt 700 tỷ USD, so với tài sản ròng của Trung Quốc đạt 1.800 tỷ.
Cái được của tiết kiệm thấp ở Brazil là tiêu dùng mạnh, chiếm 61% GDP năm ngoái. Cho vay hộ gia đình đã bùng nổ. Một phần vì ngân hàng phát triển của nhà nước BNDES cung cấp các khoản vay được trợ cấp cho các công ty lớn của nhà nước và một số doanh nghiệp khác. Cơ hội hạn chế trong việc cho doanh nghiệp vay như vậy khiến các ngân hàng tư nhân phải tìm nguồn tiền ở chỗ khác.

Chúng ta có lý thì không sợ gì cả

Thứ Sáu, 28/10/2011
 
Thứ trưởng QP Nguyễn Chí Vịnh:
Chúng ta có lý thì không sợ gì cả

Chúng ta có lý thì không sợ gì cả

TT – Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ sáng 27-10, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: “Chúng ta quan hệ với mọi quốc gia, đặc biệt là các nước lớn – Việt Nam đang phát triển, có nhu cầu quan hệ với các nước lớn là tất yếu”. 
“Giữa nước ta với các nước khác không bỗng dưng có sự tin cậy mà phải làm việc rất nhiều để xây dựng nó, và khi đã có sự tin cậy rồi thì không có nghĩa là nó tồn tại mãi mà các bên phải luôn tăng cường lòng tin bằng những hành động thực tế”. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ sáng 27-10. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói:
- Với vị thế nước ta hiện nay, nhiều quốc gia khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có nhiều nước lớn muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam. Từ hợp tác ở một vài lĩnh vực cụ thể đi đến hợp tác toàn diện và từ hợp tác toàn diện phát triển thành hợp tác chiến lược. Bản thân nước ta cũng mong muốn hợp tác với các nước trên thế giới với tư tưởng lớn “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Chúng ta tăng cường quan hệ với các nước để xây dựng đất nước mình, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.

Thị trường bia Việt: 2,7 tỷ lít và sự kinh ngạc của ông chủ Heineken!

Đất nước gì mà tiêu thụ bia khiếp thế, nhất là bia cao cấp Heineken, trong khi tiền lương của người lao động chỉ đảm bảo được 60% mức sống tối thiểu.

Thị trường bia Việt: 2,7 tỷ lít và sự kinh ngạc của ông chủ Heineken!

Với mức tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia trong năm 2010, VN đã trở thành nước thứ 3 có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á. Đến 2015 VN sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới!
Với sức tiêu thụ hàng tỷ lít, cộng với mức tăng trưởng 15%/năm, thị trường bia Việt Nam được xếp thứ ba tại châu Á về sản lượng tiêu thụ. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, dù đã có nhiều thương hiệu thất bại, nhưng các hãng bia nước ngoài vẫn tiếp tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới của Heineken trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Sức tiêu thụ khổng lồ này khiến thị trường bia Việt Nam “tăng độ” với sự xuất hiện của hàng loạt nhãn hiệu bia mới.

Đơn vị tính bằng tỷ lít

Với mức tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia trong năm 2010 (khoảng 24 lít trên/đầu người/năm, bằng 1/10 so với châu Âu), Việt Nam đã trở thành nước thứ ba có sản lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc.

Dù đang ở mức cao nhưng sức tiêu thụ mặt hàng bia vẫn đang tăng lên mạnh mẽ bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.

Tự tin để vượt bão

Tự tin để vượt bão

Ts.Alan Phan
Ngày Doanh Nhân vừa qua (một ngày hội chỉ có ở Việt Nam nơi chúng ta thích vinh danh rất nhiểu thứ) tôi được mời nói chuyện về đề tài “Tự Tin Để Vượt Bão”. Tôi cười vì nghĩ đến những lẩn sống chung với bão trong quá khứ. Khi nợ đòi mỗi ngày, khi lương nhân viên không biết xoay đâu cho ra, khi điện nước ở nhà máy bị dọa cúp, khi khách hàng không đoái hoài đến lời chào mua, khi vợ con dọa dọn ra riêng…thú thực tôi không lấy gì làm tự tin lắm. Cái “tôi” hoành tráng, thông minh, trải nghiệm biến đi đâu mất, chỉ còn quanh đây một con khỉ mệt mỏi, sợ sệt và thụ động.
Dù có tự nhủ là phải bước tới, phải tích cực, phải vượt khó bằng mọi giá, phải biết tự tin; nhiều doanh nhân khi đối diện với hiểm họa của thất bại to lớn, thường co rúm vào như một con sâu chui trốn trong lỏng đất vì đây là một bản năng tự vệ cố hữu. Tôi cũng thường có phản ứng tương tự. Chữ “tự tin” mà mọi người động viên nghe giống như một khẩu hiệu rỗng tuếch, sau vài lần sử dụng, trở nên nhàm chán, lố bịch và thừa thãi.
Cho nên, đối với một người đang đứng bên vờ vực thẳm, tôi nghĩ lời khuyên hãy tự tin có thể đem lại một tác động trái ngược. Sau nhiều lần đứng dậy và đối mặt với thử thách, tôi chỉ biết chia sẻ với các bạn doanh nhân trẻ là hãy coi đây là một cơ hội tốt để “xét nghiệm lại” tất cả những gì mình đã làm, đã suy nghĩ, đã đối diện…để thay đổi. Bởi vì nếu mình cứ tiếp tục làm những gì mình đã làm, thì mình sẽ tiếp tục thu hoạch những kết quả gì đã xẩy đến.
Không phải tự tin, mà phải là thay đổi để vượt bão. Can đảm để tiếp tục chịu đựng có thể đồng nghĩa với ngu xuẩn, bởi vì cái can đảm thực sự cần thiết là can đảm để thay đổi.
Kinh tế vĩ mô toàn cầu sẽ suy thoái trong vài năm tới mặc cho những gói kích cầu của các chánh phủ. Căn bệnh chính của Âu Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia đang suy yếu là nợ công, nợ tư rồi in tiền. Kích cầu để thêm nợ, thêm cung tiền…cũng giống như đưa thêm rượu cho thằng say hay đưa thêm thuốc cho con nghiện. Nếu các nhà kinh tế này làm bác sĩ trị bệnh thì chúng ta phải lập bao nhiêu là bệnh viện để đáp ứng nhu cầu?

Người Trung Quốc tự vấn

VN đang theo đuổi mô hình phát triển của TQ:

Người Trung Quốc tự vấn

















Có thể đo lường tình trạng tinh thần của một xã hội qua phản ứng chung trước một thảm kịch. Đầu năm 2011, thế giới khâm phục thái độ người Nhật Bản sau một trận động đất và sóng thần. Năm 2008, thanh niên từ khắp nước Trung Hoa xúc động đến cứu giúp các nạn nhân động đất ở tỉnh Tứ Xuyên. Ở Việt Nam, những năm miền Trung bị bão lụt, như năm 1964, một phong trào của thanh niên, sinh viên toàn quốc nổi lên lo việc cứu trợ.
Một tai nạn mới xẩy ra đang làm rung động hàng chục triệu “công dân mạng” ở Trung Quốc trong mấy tuần lễ cuối tháng Mười năm 2011. Một bé gái bị xe cán chết mà nhiều người thờ ơ đi qua. Cô bé 2 tuổi tên là Vương Duyệt (Wang Yue), ở thành phố Phật San, tỉnh Quảng Đông. Cha mẹ thường gọi cháu là Duyệt Duyệt (Yue Yue), nói tiếng Việt sẽ gọi là “Vui Vui.” Cháu bị một chiếc xe tải cán trên một đường phố chật chội và đông đúc, vào lúc sau 5 giờ chiều, sắp tối.
Điều đáng kinh ngạc là hàng phố không thấy chạy ai ra cứu cháu bé mặc dù các cửa hàng còn mở, người qua lại đông đảo. Có 18 người đi xe gắn máy hoặc đi bộ băng qua, tránh cô bé đang bị thương nằm trên đường, mà không dừng lại. Một chiếc xe tải thứ hai đè qua cô bé lần nữa. Sau cùng một phụ nữ bước tới, cúi ôm nhắc cô bé lên, la lớn kêu mọi người, lúc đó cha mẹ mới biết chạy tới. Người cha đang mắc bận ở cửa hàng, người mẹ đang phơi quần áo, không để ý con chạy ra đường. Tám ngày sau, cháu bé Duyệt Duyệt chết trong bệnh viện.

Lạm phát: Cần tính đúng tính đủ

Vừa qua, Ủy ban Kinh tế của QH do nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn văn Giàu làm Chủ nhiệm đã đề nghị không đưa giá năng lượng và lương thực vào rổ hàng hóa tính CPI trong kế hoạch 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, xin tham khảo lại bài này để thấy tính đúng đắn của khuyến nghị trên.

Lạm phát: Cần tính đúng tính đủ

 
New Zealand, Thụy Điển, Mexico, Colombia đối phó với lạm phát bằng chính sách lạm phát mục tiêu, tức ngân hàng trung ương công bố mục tiêu định lượng cho tỉ lệ lạm phát trong một hay vài thời kỳ, nhằm ổn định giá cả.

Nên nhìn thẳng vào sự thật, tính đúng tính đủ về lạm phát để có thể đưa ra những quyết sách tốt nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Đối với các bà nội trợ, vấn đề kinh tế đáng quan tâm nhất là lạm phát. Theo cách nhìn nhận của họ, lạm phát đồng nghĩa với giá cả hàng hóa tăng cao. Họ không biết lạm phát thông thường hay lạm phát cơ bản khác nhau như thế nào, cũng không quan tâm đến cách giải thích của các chuyên gia về lạm phát.

Lạm phát thông thường, lạm phát cơ bản

Trong kinh tế học, thuật ngữ “lạm phát” được dùng để chỉ tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ một năm trước đó, với giả thiết chất lượng hàng hóa, dịch vụ không thay đổi. Đây là lạm phát thông thường. Về thực chất, lạm phát đồng nghĩa với đồng tiền xuống giá mà nguyên nhân là cung lệch cầu (tiền nhiều hơn hàng). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay được sử dụng để đo lạm phát, tức đo giá cả một số lượng lớn các loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau bao gồm thực phẩm, lương thực, dịch vụ y tế... Việt Nam hiện chỉ đo giá của khoảng 400 mặt hàng, nhưng Mỹ thì tới 80.000 loại hàng hóa, dịch vụ. Lạm phát cũng là sự giảm giá của một đồng tiền so với các loại tiền tệ khác như USD so với euro hoặc yen.
Gần đây có một số người đề nghị áp dụng cách tính lạm phát cơ bản, tức chỉ số đo mức lạm phát không bao gồm một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng.
Nếu tính như thế, lạm phát cơ bản của Việt Nam chỉ từ 13-14% và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức trên 14% đã có thể xem cao hơn mức lạm phát. Nếu ngân hàng áp dụng mức lãi suất này, người gửi tiết kiệm sẽ bị thiệt hại vì mức lạm phát thực tế họ phải gánh chịu cao hơn 14% rất nhiều, có thể đến trên 22% (tính theo năm).

Lương tối thiểu cần tăng thêm 50%

Đầu năm 80 của thế kỷ trước, tiền lương tháng được xác định chỉ đủ để người lao động sống được trong 10 ngày (33%), đến nay sau 30 năm phát triển rầm rộ, tiền lương đã đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của người lao động (không biết con số này có bị phóng đại theo chủ nghĩa thành tích không (?) chứ người lao động thấy tiền lương cần phải tăng lên gấp 3 mới đủ sống). Thật là một thành tích rất đáng tự hào. Cứ đà này thì đến năm 2050 người lao động sẽ có thu nhập để đủ sống ở mức tối thiểu. Tiếc là bài báo không phân tích công lao này chủ yếu do ai đóng góp.

Lương tối thiểu cần tăng thêm 50%



Do đa số không đủ tích luỹ nên có tới 39,6% số NLĐ không hài lòng với công việc hiện tại. Họ mong muốn có mức thu nhập lên 3 lần mới có điều kiện để tái sản xuất sức lao động.

Đó là quan điểm của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) sau khi nghiên cứu về lương cho công nhân. Mức lương hiện tại chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người lao động.
Lương tối thiểu phải 3 triệu đồng
Theo ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn: “Việc tính toán theo cách tính chung chung như hiện nay không phản ánh hết đời sống thực tế của người lao động”. Để xác định được mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, Viện Công nhân - Công đoàn đã đưa ra phương pháp tính theo kilo calo, điều tra giá lương thực, thực phẩm, chi phí sinh hoạt cá nhân có tính đến yếu tố nuôi con.
Theo khảo sát thực đơn bữa ăn của một công nhân tự nấu tại Hà Nội (vùng I) với khẩu phần ăn đủ 2.300 kilo calo/ngày tối thiểu cũng hơn 31.000 đồng. Tương đương với mức 942.000 đồng/tháng. Đối với các nhu cầu phi lương thực, thực phẩm với tính toán bằng 90% chi phí nhu cầu lương thực, thực phẩm, tức vào khoảng 730.000 đồng/tháng. Nhu cầu nuôi con bằng 70% chi phí lương thực và phi lương thực, tương đương 1.252.860 đồng/tháng.
Để người lao động có thể tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động (tại thời điểm 4.2011) thì mức lương ở vùng I phải là 3.042.660 đồng/tháng; vùng II là 2.861.780 đồng/tháng; vùng III là 2.664.750 đồng/tháng và vùng IV là 2.470.950 đồng/tháng. Như vậy, với tiền lương tối thiểu hiện nay vẫn còn một khoảng cách quá xa đối với mức sống tối thiểu.

Đại biểu Quốc hội nhận diện những “tội đồ” gây bất ổn kinh tế

Tưởng tội đồ là người, hóa ra là các ngành, lĩnh vực; và theo phân tích trong bài thì ĐBQH đánh giá ngành nào, lĩnh vực nào cũng là tội đồ cả. Đúng là đánh giá quả mít. Đến như ông Thanh giờ này thì chẳng còn gì để mất mà cũng chẳng dám chỉ tên kẻ tội đồ khi nói: “Tôi biết có ngân hàng khi thành lập có vốn khoảng một nghìn tỷ đồng, sau đó họ huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng nữa, rồi nhẹ nhàng rút tiền của mình ra, lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Khi giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước, từ đó đẩy lạm phát lên cao...”.
Chán.

Đại biểu Quốc hội nhận diện những “tội đồ” gây bất ổn kinh tế

“Sự tăng trưởng của nền KT Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành NH, nhưng sự bất ổn của nền KT nếu có xảy ra trong tương lai cũng sẽ bắt nguồn từ chính những NH yếu kém”.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Bí thư thành ủy Đà Nẵng) đưa ra quan điểm như trên khi nói về những bất cập của chính sách tài chính, tiền tệ, trong đó có việc “đẻ” quá nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua.

Ngân hàng cũng buôn đất

Nhìn nhận của đại biểu Thanh khá đồng nhất với đánh giá của nhiều đại biểu khác trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về thực hiện kinh tế - xã hội 2011, ngày 27/10 cũng như các buổi thảo luận tại tổ trước đó.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh, sau Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương... thì tình hình kinh tế có khá dần lên, song còn nhiều vấn đề vẫn đáng quan ngại; trong đó tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, đồng tiền mất giá, nhập siêu tăng... là những nỗi lo thường trực.
 
Nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo đại biểu, là nằm ở chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng trước đó và cơ cấu bản thân nền kinh tế còn nhiều bất hợp lý, phát hành, đưa nhiều tiền mặt vào lưu thông, trong khi hàng thì ít đã dẫn đến lạm phát cao.

Đặc biệt, cơ quan thẩm quyền mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước đã cho ra đời hàng loạt ngân hàng mới, nâng cấp hàng chục ngân hàng nông thôn, nâng tổng số lên gần một trăm ngân hàng, trong khi quản lý nhà nước lại tỏ ra yếu kém đã dẫn đến mất kiểm soát.

“Tôi biết có ngân hàng khi thành lập có vốn khoảng một nghìn tỷ đồng, sau đó họ huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng nữa, rồi nhẹ nhàng rút tiền của mình ra, lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản. Khi giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước, từ đó đẩy lạm phát lên cao...”, đại biểu Thanh cho hay.

Tái cấu trúc đầu tư: Liệu pháp ‘máy xén’ và tư duy nhiệm kỳ

Bài này lý giải một phần tại sao các Bộ không thể từ chối yêu cầu của của địa phương và DNNN

(VEF.VN) - Tái cấu trúc đầu tư có thể là cuộc tự sửa mình đau đớn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Cuộc cải cách này sẽ phải chấm dứt lối tư duy nhiệm kỳ, kiểu đầu tư “cố đấm ăn xôi và chạy đua thành tích” và hơn hết, phải tự làm mới chính cái đầu của mình.
Khi thông thoáng đồng nghĩa với buông lỏng
Hơn 200 doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan và Hàn Quốc bị phá sản. Có hơn 20 dự án trong đó đã ngừng hoạt động, các ông chủ biến mất để lại khoản nợ tới 79 triệu USD cho các ngân hàng của Việt Nam.
Câu chuyện xù nợ trên được báo chí xới xáo hồi cuối tháng 9 vừa qua là một vệt đen trong bức tranh thu hút FDI ở Việt Nam vốn bấy lâu được cho sáng sủa. Đó là quả đắng cho nhiều tỉnh thành ở Việt Nam về cái giá của bệnh chạy đua thành tích. Và đau xót hơn, đây là một minh chứng điển hình cho mặt trái của cơ chế phân cấp quản lý đầu tư hiện nay.
Bởi lẽ, đem câu chuyện này tới hỏi thăm Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết "vẫn chưa nhận được báo cáo từ các địa phương về vấn đề này".
Như ông giãi bày, Phòng quản lý về đầu tư nước ngoài của Cục chỉ có 7 cán bộ nhưng lại phải theo dõi tình hình cả 63 tỉnh thành. Ngày 20 hàng tháng, các tỉnh mới gửi báo cáo kết quả thu hút đầu tư FDI về, Cục chỉ tổng hợp tình hình. Do đó, có vấn đề gì phát sinh, đúng là chỉ khi địa phương báo cáo mới biết.
Đến khi đi giám sát, nếu phát hiện dự án có vấn đề, Cục chỉ có thể có "ý kiến với địa phương và kiến nghị lên Chính phủ, chứ không có quyền rút phép".
Câu chuyện này cũng tương tự như tình trạng khó kiểm soát đầu tư tràn lan ở ngành thép. Sau đợt rà soát hồi năm 2010, Bộ Công Thương phát hiện tới 32 dự án thép ngoài quy hoạch, nguồn cung gấp đôi nhu cầu dự kiến, nhưng đến nay, chưa có dự án nào bị rút phép.
Ông Vũ Văn Chuyện, Vụ Phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương khi đó đã chia sẻ rằng, Bộ chỉ có thể kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và sau đó, Thủ tướng sẽ có ý kiến với các địa phương. Nơi nào cấp phép dự án thì nơi đó mới có quyền rút phép dự án.
Trong cơ chế phân cấp thông thoáng này, ngoại trừ dự án nhóm A, các bộ ngành quản lý như bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương... chỉ còn giữ quyền giám sát và kiến nghị, quyền cấp phép và rút phép thuộc hoàn toàn về địa phương. Vì thế, các bộ rơi vào tình trạng hậu kiểm, phát hiện bội thực dự án, vỡ quy hoạch hoặc dự án có kém hiệu quả thì cũng "lực bất tòng tâm", không can thiệp sâu được.
Nhiều tỉnh đầu tư cảng biển tràn lan rồi đắp chiếu do năng suất thấp hoặc hạ tầng chưa đầy đủ.

Một thống kê khác từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cho thấy, giá đắt cho phân cấp thông thoáng đã phản tác dụng, vượt tầm kiểm soát của Trung ương, làm méo mó cơ cấu kinh tế của cả nước.

Bệnh đầu tư công: Khi người cho không "nỡ" chối từ

Tiêu đề bài viết rất hay nhưng nội dung quá dở; chắc người viết sợ đụng chạm. "Chuyên gia" Trương Đình Tuyển lại trách Bộ Kế hoạch và đầu tư thì thật là lạ vì ông hiểu quá rõ từ lâu Bộ này làm gì có đủ thẩm quyền để cho. Người cho phải ở cấp cao hơn và chính là người chỉ thích đẩy mạnh đầu tư để tăng trưởng lấy được và chỉ thích phân cấp cho các tỉnh vì không tin vào sự điều hành vĩ mô của các Bộ.

Bệnh đầu tư công: Khi người cho không "nỡ" chối từ

(VEF.VN) - Hiện nay tỉnh nào cũng "vẽ" sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị cao cấp, sân golf... nên Việt Nam sẽ phải bỏ ra gần 15 tỷ USD/năm để xây dựng hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, kẻ đi xin thì cứ việc xin, nhưng người cho có dám từ chối không?
Tại hội thảo về tái cơ cấu đầu tư do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch đầu tư tổ chức hôm 27/10, bức tranh đầu tư công ở Việt Nam trong 10 năm qua được các chuyên gia kinh tế dựng lên thật đa sắc màu.
Giá đắt cho tham vọng tăng trưởng nóng
Bình luận câu chuyện đầu tư công của Việt Nam, TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn: "Quy hoạch ở Việt Nam đúng là một bức tranh châm biếm. Mỗi địa phương như một vương quốc độc lập. Tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf, khu đô thị cao cấp... như một "đại công trường" nhưng dang dở".
 
 
Các chuyên gia tại buổi hội thảo


Năm 1998, Hà Giang có chủ trương tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên toàn tỉnh. Đến năm 2004, Hà Giang đã đầu tư thực hiện tới 1901 công trình xây dựng cơ bản, tổng vốn dự toán được duyệt lên tới 3.308 tỷ đồng và tất cả đều theo hình thức chỉ định thầu. Nhưng rồi, chỉ có một nửa số công trình đảm bảo được chất lượng, hàng trăm công trình dang dở. Sau 4 năm, Hà Giang nợ xây dựng cơ bản tới 1.800 tỷ đồng, trong khi đây là tỉnh vào bậc nghèo nhất nước, đầu tư dựa vào vốn Trung ương.

USD chính thức phá mốc 21.000 đồng

USD chính thức phá mốc 21.000 đồng

(VEF.VN) - Ngày 28/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 20.803 đồng/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua. Với mức giá này, tỷ giá thương mại của các ngân hàng đã chính thức vượt 21.000 đồng.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank (VCB), USD được giao dịch với giá 21.005 - 21.011 đồng/USD.
Như vậy, sau nhiều lần điều chỉnh liên tục, so với ngày 7/9, tỷ giá ngân hàng đã tăng 0,85% tương đương 175 đồng. so với mức cam kết tối đa 1% của Ngân hàng Nhà nước thì địa dư còn lại là rất nhỏ.
Trong 3 ngày gần đây, tỷ giá bình quân liên ngân hàng liên tục lập đỉnh mới, với tổng mức tăng là 55 đồng/USD. Đây cũng là lần tăng thứ 14 của tỷ giá liên ngân hàng trong tháng 10.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, USD chợ đen ở Hà Nội có giá ổn định khoảng 21.500 - 21.600 đồng/USD.
Giá vàng SJC sáng nay ở mức 45.15 - 45,45 triệu đồng/lượng, tăng so với chiều qua khoảng hơn 550 ngàn đồng nhưng lại giảm so với đỉnh cao nhất của ngày hôm qua khoảng 150 ngàn đồng.

Giá vàng Bảo Tín Minh Châu là 45,15 - 45,55 triệu đồng/lượng.