Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

“Thành ngữ sành điệu”: Thu hồi, càng lan nhanh

Báo điện tử của đảng cũng lên tiếng, có vẻ như ngầm 
ủng hộ, chỉ phê phán cách quản lý văn hóa hiện nay:

“Thành ngữ sành điệu”: Thu hồi, càng lan nhanh



Một câu "thành ngữ" và hình ảnh minh hoạ trong cuốn sách.
NDĐT – Cả tuần nay, đi đâu làm gì gặp ai, nhất là những người trẻ, hễ cứ mở miệng là ra “thành ngữ”: chảnh như con cá cảnh, bực như con mực, buồn như con chuồn chuồn, già như quả cà,  dốt như con tốt,  tào lao bí đao, lạnh lùng như thạch sùng...
Ngày 24-10, Cục phó Cục Xuất bản Nguyễn Ngọc Bảo ký công văn yêu cầu NXB Mỹ thuật có văn bản yêu cầu đối tác liên kết (công ty Nhã Nam) tạm ngừng phát hành cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ “để thẩm định nội dung”. Một ngày sau, chiều 25-10, NXB Mỹ thuật đã đưa ra văn bản yêu cầu đối tác thu hồi đủ 5000 cuốn sách đã in và phát hành.
Dường như sau lệnh cấm, cuốn sách càng trở nên “sốt sình sịch” và tốc độ lan truyền của những “thành ngữ sành điệu”- nội dung chính của cuốn sách càng nhanh chóng.
Khắp các mạng xã hội như facebook, yahoo... tràn ngập những câu đối thoại, những lối viết kiểu... “đúc kết” như vậy: ăn trong nồi, ngồi trong xó; trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng; xấu nhưng biết phấn đấu; thất bại vì ngại thành công; nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên; một con ngựa đau, cả tàu ăn thêm cỏ; chết vì tình là cái chết bất thình lình...
Những “thành ngữ” kiểu này, vốn không phải bây giờ mới được nghe thấy. Thỉnh thoảng lâu rồi, nghe đâu đó vài ba câu như vậy, nhưng có lẽ chưa bao giờ được dùng nhiều như những ngày này.
Quyết định thu hồi khiến cho công chúng càng tò mò và quyết tâm đi mua bằng được. Một số người khi có cuốn sách trong tay thì kêu lên bức xúc, cho rằng những “thành ngữ” thật là “khủng khiếp” và sẽ là “nguy hại” được tập hợp in thành sách, lan truyền và ảnh hưởng trong xã hội. Một số khác lại thấy rằng, đây chỉ là một ấn phẩm hài hước thú vị, không có gì phải làm ầm ĩ. Trong khi đó, cũng có người nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn: hãy lắng nghe giới trẻ thay vì vội vàng phê phán và cấm đoán.

Nhiều người cho rằng, việc xuất bản cuốn sách chỉ là sự tập hợp những câu nói thuận miệng vui tai, nếu không có ích thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại cả. Những “gán ghép chữ nghĩa” có méo mó, có thể là khiên cưỡng cả về mặt ngữ nghĩa trên văn bản nhưng trong những văn cảnh khác nhau lại hàm chứa những ý nghĩa khác nhau. Chưa kể, nhiều câu nói được gọi là “thành ngữ sành điệu” của giới trẻ ấy, khiến người lớn phải ngẫm nghĩ. Không hiếm những câu thoạt nghe có vẻ tào lao nhưng thể hiện sự thông minh và hài hước, hồn nhiên nhưng cũng “thâm thuý”... bất ngờ của người trẻ. Biết đâu một thời gian nữa, những câu nói bị cho là “nhảm nhí” này sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học?
Chưa bàn đến nội dung cuốn sách và những ý kiến trái chiều, tranh cãi chung quanh nó, qua việc xử lý của các đơn vị xuất bản cũng đủ cho thấy rằng: cơ chế quản lý xuất bản hiện nay quá lỏng lẻo và khi có “sự cố" thì xử lý hết sức lúng túng. Ban đầu, đơn vị liên kết xin giấy phép xuất bản cuốn sách dưới cái tên “Thành ngữ sành điệu”, nhưng khi ra sách lại thàn “Sát thủ đầu mưng mủ- thành ngữ sành điệu bằng tranh”. Số trang sách cũng đội lên rất nhiều so với trong giấy phép. Sách in ra rồi chưa nộp lưu chiểu mà cứ thế phát hành ra thị trường. Khi có một số phản ứng của dư luận thì vội vàng đưa ra quyết định thu hồi...
Nếu các nhà quản lý văn hóa và xuất bản cho rằng, đây là một cuốn sách làm ảnh hưởng đến lời ăn tiếng nói của một bộ phận xã hội, thì lệnh thu hồi dường như càng làm nó trở nên “nổi tiếng” và “ảnh hưởng sâu rộng” hơn. Chưa kể, trong khi sách thật bị thu hồi thì sách giả, sách lậu lại được in bán tràn lan và “cháy hàng”.

Một số hình ảnh minh hoạ "thành ngữ sành điệu" trong cuốn sách:
gian
muc
nhansac
ngu

cacanh
kho
ho


MINH NHẬT


Xuất bản Sát thủ đầu mưng mủ: Phớt lờ cơ quan quản lý

Thứ Tư, 26/10/2011 21:19

Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, khẳng định Nhà Xuất bản Mỹ thuật không hề nộp lưu chiểu cuốn Sát thủ đầu mưng mủ theo luật định

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ đã sớm được thu hồi sau khi có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất của ngành xuất bản. Sai phạm của Nhà Xuất bản (NXB) Mỹ thuật và đối tác liên kết là Công ty Nhã Nam khi xuất bản cuốn sách này đã quá rõ ràng. Nhưng điều đáng nói, sai phạm này không phải hiếm gặp mà là chuyện rất phổ biến trong hoạt động xuất bản hiện nay.
Không thèm nộp lưu chiểu
Bà Đặng Thị Bích Ngân, Phó Giám đốc NXB Mỹ thuật, cho biết ngay trong ngày 24-10, sau khi nhận được công văn của Cục Xuất bản, NXB này gửi công văn yêu cầu đơn vị liên kết xuất bản - Công ty Truyền thông Nhã Nam - thu hồi 5.000 cuốn Sát thủ đầu mưng mủ mà công ty này đã ấn hành. Bà Ngân cho biết, NXB cấp phép xuất bản với tên sách là Thành ngữ sành điệu nhưng phía đối tác in thành Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh. Khi quyết định cấp phép, NXB thẩm định nội dung, quyết định số trang và tên sách. Nhưng khi sách in xong, không chỉ tên sách không đúng mà số trang in lên đến 120 trang.
Bìa của cuốn sách vừa có quyết định thu hồi
 
Điều đáng nói là khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ phát hành rộng rãi, nhiều tờ báo đã lên tiếng phê phán về nội dung cuốn sách, Cục Xuất bản có công văn yêu cầu thu hồi thì NXB Mỹ thuật mới có động thái nói trên.
Trước áp lực của dư luận, ngày 24-10, Cục Xuất bản đã có Công văn số 3184 gửi NXB Mỹ thuật yêu cầu kiểm tra thông tin và có văn bản yêu cầu đối tác ngừng phát hành cuốn sách này để thẩm định nội dung. Đồng thời yêu cầu NXB này nộp ngay lưu chiểu cuốn sách trên theo quy định của Luật Xuất bản. Ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, khẳng định NXB Mỹ thuật không hề nộp lưu chiểu cuốn này theo luật định.
Tự tung tự tác
Ông Nguyễn Kiểm thừa nhận nhiều NXB thường xuyên làm theo cách phát hành xong mới nộp lưu chiểu, đến khi bị nhắc nhở mới hoàn tất các thủ tục theo quy định. Theo người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về xuất bản, muốn biết cụ thể có bao nhiêu cuốn sách xuất bản đã nộp lưu chiểu chắc phải làm cuộc tổng điều tra thị trường. “Số liệu đầu sách thường căn cứ vào kế hoạch đăng ký nhưng cũng có đơn vị chỉ thực hiện 30% - 40% kế hoạch, cho nên khó đối chiếu cụ thể” - ông Kiểm cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin - Truyền thông, sau 6 năm thi hành Luật Xuất bản, vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là tình trạng nhiều NXB yếu năng lực dẫn tới việc buông lỏng quản lý, không tuân thủ đúng quy trình biên tập và đọc, duyệt bản thảo, duyệt phát hành; không thể giám sát đối tác liên kết, thậm chí phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác quyết định. Đã xuất hiện trường hợp NXB có tới 9/10 xuất bản phẩm được thực hiện theo hình thức này và sai phạm xảy ra thường do liên kết. Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc NXB Quân đội Nhân dân, cho biết thực tế đã có trường hợp NXB “bán” giấy phép cho đối tượng liên kết chỉ với giá “bèo” 300.000 đồng. Cũng chính vì sự “tự hạ thấp” của một số NXB đã khiến đối tác liên kết lạm quyền, tự tung tự tác, không nghiêm túc thực hiện cam kết trong hợp đồng như tự tăng số lượng in, thay đổi tên và nội dung bản thảo, không nộp lưu chiểu…
Lỗ hổng quản lý quá lớn

Vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước
Ông Nguyễn Kiểm cho rằng Cục Xuất bản không phải là con đê để ngăn mọi dòng nước bẩn. Luật Xuất bản đã quy định rõ giám đốc NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất bản phẩm của mình chứ không phải Cục Xuất bản. Ông Kiểm bức xúc: “Mọi người trước nay vẫn nhầm lẫn về chức năng, thẩm quyền. Nhiều người chất vấn tôi, tại sao Cục Xuất bản lại cấp phép cho cuốn sách này, cuốn sách kia, nhưng thực chất thì cục không có chức năng cấp phép, cũng không có chức năng ngăn chặn từ khâu bản thảo, đến khi họ nộp lưu chiểu thì mới đến trách nhiệm của Cục Xuất bản. Nếu phát hiện có sai phạm, Cục Xuất bản sẽ xử lý theo luật”.
Trách nhiệm của giám đốc các NXB rất lớn, tuy nhiên trên thực tế, sai phạm trong xuất bản thì nhiều nhưng hiếm khi lãnh đạo các NXB bị kỷ luật. Trả lời câu hỏi chế tài dành cho lãnh đạo các NXB đã đủ nặng hay chưa, ông Kiểm cho rằng quy định hiện nay rất chồng chéo nên việc xử lý không dễ dàng. Theo quy định, sau 3 lần nhắc nhở, lãnh đạo NXB sẽ bị kỷ luật nhưng cơ quan chủ quản của NXB có thực hiện việc kỷ luật cán bộ của mình hay không lại là việc khác. “Theo cơ chế của ta hiện nay, cơ quan chủ quản là người bổ nhiệm thì cũng là người kỷ luật cán bộ, trong khi đó việc tiến hành xử phạt vi phạm lại là thanh tra chứ không phải Cục Xuất bản. Pháp luật của chúng ta có 3 – 4 quy định chồng chéo, giằng co lẫn nhau, người muốn xử, người không muốn xử, thành ra không ai có thẩm quyền duy nhất và chịu trách nhiệm duy nhất” - ông Kiểm cho biết.
Cần quy định xử phạt đối tác liên kết
Liên quan tới trách nhiệm của đối tác liên kết, một số chuyên gia xuất bản cũng cho rằng nếu trong Luật Xuất bản hiện hành chỉ quy định ở mức độ liên đới mà chưa có quy định cụ thể, chi tiết nên khó phân xử khi có sai phạm xảy ra. Thời gian tới, khi nghiên cứu, sửa đổi Luật Xuất bản, cần phải hướng tới việc quy định rõ trách nhiệm đối tượng liên kết xuất bản cũng ngang bằng với NXB khi có xuất bản phẩm vi phạm thì mới có tính răn đe.
Hoàng Lan Anh
  • Ga ba phi
    26/10/2011 21:59
    Sách vở là văn hóa, là hơi thở cuộc sống mà đọc tựa đề cuốn sách đã nghe vô văn hóa rồi. Ông nào là tác giả thì nên xem lại tư cách nghề nghiệp... Thứ văn hóa nhảm nhí giật gân nên loại ra ngay khỏi cuộc sống. Ngày nay sao lắm người cố kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp sĩ diện!
  • Ông chín Paris
    27/10/2011 04:56
    Văn hóa ở Iran ko có khắc nghiệt bằng ở Việt Nam!Thương thay cho những tài năng trẻ vừa mới vươn lên đã bị dư luận đạp xuống...
  • Pé cún
    27/10/2011 07:27
    Những tài năng đầu mưng mủ kiểu này đạp xuống là vừa cho khỏi ngóc lên lun!
  • Châu chấu
    27/10/2011 08:13
    Để tên NXB Mỹ Thuật ngoài bìa thấy mắc cỡ!
  • Hoàng Tân
    27/10/2011 08:31
    Tôi vốn dĩ không có thói quen viết ý kiến như thế này nhưng vì quá bức xúc nên xin được phép viết vài lời. Qua cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" tôi biết có nhiều chuyện buồn khi nhìn ở một số góc độ từ người họa sĩ trẻ Thành Phong, từ nhà xuất bản Mỹ Thuật, mỗi người ở một vị trí và một tầm nhìn khác nhau nhưng rõ ràng là ý thức về "phong cách Việt", về tương lai cộng đồng những người giới trẻ quá nhiều khiếm khuyết, động cơ chính của việc họ làm là gì? ...!!!. Trên tất cả, nguyên nhân sâu sa nhất theo tôi chính là Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho "nó" được xuất bản, họ nên xem lại họ, họ đã không những không làm hết trách nhiệm của họ mà mang đến cho cộng đồng trẻ những mầm mống tai hại, sự lệch lạc tư tưởng không thuần túy như một vết thương sẽ lành mà tác hại còn lớn hơn nhiều sau đó. Họ- những quan chức có thẩm quyền nên mạnh dạn thể hiện một động thái tích cực trước công luận, từ chức hay một lời xin lỗi nghiêm túc.
  • Phan Hoai Bao
    27/10/2011 09:01
    Tất cả là do sự quản lý yếu kém của cục thôi. Thử hỏi lập ra Cục xuất bản làm gì mà chính những việc anh cần làm anh lại làm không xong? NXB nào làm sai, không tuân thủ qui định thì phạt thật nặng, rút giấy phép luôn, coi ai dám làm bậy. Nhìn cách quản lý của mấy anh mà người dân phát nản.
  • BẢY BÙ LON
    27/10/2011 09:06
    ... ĐẦU MƯNG MỦ LÀ CÁI GÌ... CHƯA CHẮC TÁC GIẢ ĐÃ HIỂU. CHẲNG QUA THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG CỦA CÔNG TY NHÃ NAM. XIN CHIA BUỒN VỚI HỌA SĨ...
  • Minh Khang
    27/10/2011 09:37
    Tại sao không chấp nhận cái mới? Cuốn sách này xả stress cũng được mà. Trong số các độc giả bình luận thì có ai đọc hết cuốn này chưa? Đừng giống như chuyện thầy bói xem voi, chỉ mới đọc có vài câu mà phán ngang hoặc hùa theo ý kiến người khác. Đề nghị quý báo đăng tải hết các luồng ý kiến phản biện, không thể chỉ cho đăng tải những ý kiến chê bai.
  • Hung
    27/10/2011 10:51
    Những tác phẩm nghệ thuật đó đang cổ vũ cho bạo lực xã hội. Hình tượng cái xấu, cái ác lại được đem ca tụng, truyền bá thì hỏi sao xã hội không tràn ngập bạo lực, chém giết như thú vật? Đề nghị nhà nước dẹp ngay...
  • Tuan
    27/10/2011 11:19
    Nếu chỉ nghe các câu "thành ngữ" mà không xem tranh mà nhận xét thì quá hời hợt. Cuốn sách này hay đấy, nó châm biếm đã phá thói hư, tật xấu của con người: tham ô, hối lộ (một con ngựa đau..., láo như con cáo); say xỉn, an toàn điện, các hành động gây ô nhiễm môi trường... Rất đáng để đọc-nhớ phải xem hình minh hoạ thì mới hiểu hết ý của tác giả.
  • Bom
    27/10/2011 11:21
    Thật tiếc cho số phận chết yểu của một tác phẩm đương đại chính gốc made in vn!
  • Phong Lưu
    27/10/2011 11:49
    Đừng ngụy biện dài dòng, cái gì không bình thường là tức tự thân nó có vấn đề rồi đấy. Bạn nào ủng hộ cho tư tưởng đổi mới gì đó, thì cứ đi ra mua cho con mình cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" để lũ trẻ đọc cho nó tiến bộ hơn người!
  • Yen
    27/10/2011 13:20
    Chúng ta chỉ biết chê bai cái người khác tạo ra, nhưng nhìn lại chúng ta chẳng tạo ra được gì. Chỉ có những người tiên phong dám nghĩ dám làm thì xã hội mới phát triển. Còn ngồi chờ sung rụng thì ngàn đời cũng rách rưới. Tôi nghĩ chúng ta nên góp ý có tình có lý, nhẹ nhàng để tác phẩm được tốt hơn. Phải đọc hết tác phẩm rồi hãy góp ý. Nếu nói nó làm mất sự trong sáng của TV thì không đúng, các bạn thử tìm trong các "thành ngữ" đó xem, có từ nào không phải là tiếng Việt.
  • Gửi bạn Yen
    27/10/2011 14:37
    Vì có những người sợ rách (rưới) nên mới cố "sáng tạo" bằng mọi cách!
  • tiến
    27/10/2011 22:50
    Có thể so sánh "sát thủ đầu mưng mủ" với "ô long viện".
  • duong viet anh
    28/10/2011 14:02
    Còn hay hơn mấy cuốn sách thơ văn sáo rỗng. Văn thơ truyền miệng của ông bà ta ngày xưa cũng tục đấy, sao vẫn truyền miệng nhau kể...
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét