Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Việt Nam bác bỏ đề nghị của Mỹ về doanh nghiệp nhà nước trong Hiệp định xuyên Thái Bình Dương

Việt Nam bác bỏ đề nghị của Mỹ về doanh nghiệp
nhà nước trong Hiệp định xuyên Thái Bình Dương

 Lãnh đạo các nước trong Hiệp định TPP gặp nhau bên lề Diễn đàn APEC 15/11/2010 (AFP)

Lãnh đạo các nước trong Hiệp định TPP gặp nhau bên lề Diễn đàn APEC 15/11/2010 (AFP)

Trọng Nghĩa: Quyết định này đã được đại diện Việt Nam đưa ra hôm qua (28/10/2011), trong khuôn khổ vòng đàm phán của 9 nước ven bờ Thái Bình Dương nhằm thành lập vùng tự do mậu dịch Trans-Pacific Partnership, tên tắt là TPP. Tham gia vòng đàm phán TPP có các nước Chi Lê, Peru, Hoa Kỳ ở châu Mỹ, Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam ở châu Á, và Úc, New Zeland ở châu Đại Dương.

Các cuộc thương thuyết đã được mở ra từ đầu tuần tại Lima, thủ đô Peru, nhằm hoàn chỉnh đề án thành lập khu vực tự do thương mại này, để trình lên lãnh đạo các nước nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Hawaii vào trung tuần tháng 11. Tại Lima, phái đoàn Mỹ đã cho lưu hành các đề nghị của họ, trong đó có yêu cầu thiết lập các quy tắc mới đối với các công ty xí nghiệp quốc doanh. 
Theo Washington, loại doanh nghiệp này thường hay được nhà nước sở tại bảo hộ và trợ cấp, gây nên tình trạng thiếu công bằng trong cạnh tranh. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, dụng tâm chính của Mỹ là quy định trước một khung luật lệ chặt chẽ đối với các công ty quốc doanh ở bên trong khối TPP, dự phòng trường hợp Trung Quốc cũng muốn gia nhập khối này trong tương lai. Đây là vấn đề cần phải lưu ý vì lẽ Trung Quốc có đến 20.000 doanh nghiệp nhà nước rất to lớn, có khả năng đè bẹp các đối thủ cạnh tranh khác trong khối. 

Theo hãng tin Anh Reuters, một công trình khảo sát do công ty tư vấn Capital Trade Inc tại Washington thực hiện theo đơn đặt hàng của Ủy Ban Thẩm định Kinh Tế và An Ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc (U.S.-China Economic and Security Review Commission), đã xác định rằng dưới nhiều hình thức khác nhau, các doanh nghiệp nhà nước kiểm soát đến 50% nền kinh tế Trung Quốc, qua đó có tác động mạnh trên chính sách kinh tế và thương mại của chính quyền Bắc Kinh. 
Cho dù vậy, Việt Nam vẫn kiên quyết bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ về một số quy tắc mới cho các công ty quốc doanh trong khối TPP. Phát biểu với báo chí, ông Trần Quốc Khánh, thuộc phái đoàn thương thuyết của Việt Nam giải thích là các điều khoản đặc biệt đối với doanh nghiệp nhà nước không cần thiết. Đối với ông Khánh, các công ty nhà nước của Việt Nam đều đã tuân theo các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới, do đó đề nghi của Mỹ không cần thiết. 

 
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ Việt Nam.

Theo ghi nhận của Reuters, trái với quan điểm dứt khoát của Việt Nam, một quốc gia khác tham gia đàm phán TPP cũng có nhiều công ty nhà nước là Malaysia, thì chừng mực hơn, cho biết là sẽ nghiên cứu đề nghị của Mỹ một cách kỹ lưỡng hơn trước khi cho ý kiến. 
Tổng Thống Mỹ Obama và lãnh đạo 8 nước còn lại đang thương thuyết hiệp định TPP, dự trù sẽ loan báo tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC quyết tâm hoàn tất đàm phán để có được khuôn khổ chính của thỏa thuận TPP.
Xin nhắc lại là tất cả các nước tham gia cuộc đàm phán để thành lâp khối tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP đều là thành viên của APEC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét