Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Vỡ tín dụng đen: Chung quy tại lòng tham

Bổ sung cho bài: Không chỉ vì lòng tham

Vỡ tín dụng đen: Chung quy tại lòng tham

Khi hàng loạt các vụ vỡ nợ xuất hiện, câu hỏi thường trực trong bất cứ ai biết được thông tin này đều là tại sao các vụ tín dụng đen lại xuất hiện nhiều đến thế với số lượng lớn và nguyên nhân vì sao? Liệu tất cả có phải vì lòng tham lãi suất?
Nhắm mắt đưa… tiền!
Điều ngờ nghệch nhất trong 4 vụ tín dụng đen vừa bung vỡ trên địa bàn Hà Nội là các nạn nhân thường trả lời một cách hồn nhiên theo kiểu: "Tôi đã cầm trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền thì không phải trả cùng một lúc, chắc chắn miếng đất cầm cố sẽ về tay tôi… Trong khi mỗi tháng vẫn đều đặn nhận được một khoản tiền lãi cao hơn so với lãi suất của ngân hàng, với điều kiện ấy, ai mà chẳng ham?". Chính bởi vì quá tin tưởng vào mác bên ngoài của kẻ đi vay tiền mà nhiều người cứ nhắm mắt đưa… tiền. Đáng nói là số tiền không hề nhỏ chút nào!
Chuyện vỡ tín dụng đen hàng trăm tỷ đồng ở thời hiện tại khiến nhiều người nhớ về câu chuyện quá khứ của những năm 80, khi không một người dân Việt Nam nào không bị hoảng hốt bởi kiểu gom tiền của ông chủ nhãn nước hoa Thanh Hương.
Những năm 80, Nguyễn Văn Mười Hai là "đại gia" giàu nhất nhì Sài Gòn. Cái thời mà người dân Sài Gòn còn đi những chiếc xe cup cọc cạch, các ngôi nhà cao mấy chục tầng vẫn chưa xuất hiện ở Sài Gòn, và Internet hãy còn là một khái niệm xa lạ, điện thoại bàn là của hiếm chứ đừng nói đến điện thoại di động, thì Nguyễn Văn Mười Hai đã đi xế hộp hạng sang, đã có cả một đoàn vệ sĩ mặc comple đen, đeo kính đen trong văn phòng công ty .
Chính bởi những màn thể hiện quá hoành tráng của Nguyễn Văn Mười Hai, nên khi Nguyễn Văn Mười Hai "huy động vốn" của nhân dân để mở rộng sản xuất, với lãi suất giật mình 15%/ tháng, nhiều bà con tiểu thương, nhiều gia đình có chút của ăn của để, thậm chí là cả những sinh viên có tiền dành dụm do bố mẹ gửi đã đổ xô đến gửi tiền tại Cơ sở nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai, ấp ủ mộng làm giàu.
Bài học năm xưa vẫn còn hiện hữu nhưng những vụ lừa đảo lớn vẫn xảy ra như cơm bữa, và những bản sao hay những kẻ lừa đảo vẫn xuất hiện ngày một nhiều, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, còn người dân dại dột thì vẫn bị lừa và vẫn mất trắng và rồi lại mếu máo vì chẳng biết kêu ai ngoài than với ông trời. Những kẻ lừa đảo vẫn còn, vẫn "sinh sôi nảy nở", vẫn "sống" được, có nghĩa là lòng tham mù quáng của chúng ta vẫn còn.

Tín dụng đen bùng phát vì kẽ hở… pháp luật!
Nhưng, ở góc độ pháp luật, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng chính bởi “kẽ hở” luật pháp khiến cho càng ngày càng xuất hiện nhiều cái tên lừa đảo tiền tỷ.
Theo phân tích của luật sư Triển, hình thức huy động tín dụng đen ở Hà Nội vừa qua rõ ràng phải mang tội danh lừa đảo và phải bị kết án tử hình để mang tính răn đe trước pháp luật. Tuy nhiên, vừa qua Quốc hội sửa đổi khung hình phạt cho tội danh này. Theo đó, khung hình phạt cao nhất cho tội danh lừa đảo chỉ là án chung thân. Chính vì vậy, các đối tượng có mưu đồ lừa đảo người khác tự lường trước không bị tử hình, nếu chẳng may bị bắt thì thà một phút huy hoàng rồi phụt tắt theo kiểu đã có một cuộc sống xa hoa, tranh thủ “tuồn” tài sản cho con cái, họ hàng… chỉ bị kết án tù chung thân nhưng nhờ các chính sách khoan hồng của pháp luật chỉ ngồi tù với mức thời gian nhất định là được tự do thì vẫn … sung sướng.
Bên cạnh đó, luật sư Triển cho rằng, đồng tiền mất giá, không ổn định cũng là cơ hội cho tín dụng đen có đất phát triển.
Theo phân tích của luật sư Triển, nếu người dân có tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, phần tiền lãi suất năm nay mua được xe máy, nhưng sang năm chỉ mua được xe đạp. Trong khi đó, tâm lý của người dân là muốn tìm cơ hội kinh doanh. Với lãi suất được chào mời quá lớn, việc người dân “móc hầu bao” cũng là điều dễ hiểu!
Một lý do khác về sự ra đời của tín dụng đen là ở chỗ thủ tục của ngân hàng cho nhân dân vay vốn còn khó khăn, khiến người đi vay nản và nghĩ cách xoay sở để có tiền làm ăn bằng cách giật nóng lẫn nhau và trả lãi suất cao.
“Nếu không giáo dục cho cộng đồng tốt về pháp luật và cải thiện việc vay mượn giữa tư nhân với các ngân hàng thì càng ngày sẽ càng có nhiều vụ tín dụng đen bị vỡ. Việc này khó ngăn chặn trong thực tế”, luật sư Triển nói.
Cũng theo luật sư Triển cần xác định rõ quan hệ giữa những người cho vay tài sản và người nhận tài sản là quan hệ dân sư hay quan hệ hình sự. Với các trường hợp tín dụng đen vừa vỡ, luật sư Triển khẳng định đây là quan hệ hình sự.
Ngay bản thân khi đi vay, các chủ nợ đã không có khả năng chi trả lãi suất 5%, 10%/tháng, vì không thể làm cái gì ra lãi suất 9-10% để trả. Như vậy rõ ràng là lừa đảo chứ không thể coi là quan hệ dân sự được.
“Nhưng, truy tố các đối tượng này với tội danh lừa đảo hoặc tùy theo tính chất mức độ, tính chất từng vụ việc mà kết tội là Lừa đảo hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, luật sư Triển nói.
Phân biệt giữa Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…"
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
Dấu hiệu để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139) và tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140) chính là hành vi khách quan của tội phạm:
Cả 2 tội trên người phạm tội đều có thủ đoạn "gian dối" và hành vi "tự ngiuyện giao tài sản" (dựa trên sự tín nhiệm) của nạn nhân. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện thủ đoạn gian dối là khác nhau:
- Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139): Thủ đoạn gian dối xuất hiện ngay từ đầu, người phạm tội cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản. (Xuất hiện trước hành vi chiếm đoạt).
- Đối với tội lạm dụng tín nhiệm (Điều 140): Việc giao và nhận hoàn toàn ngay thẳng dựa trên hợp đồng (vay, mượn, thuê..) và sự tín nhiệm (người quen biết..). Sau khi có được tài sản mới xuất hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc đánh tráo, hoặc gian dối là bị mất…Không trả lại tài sản do không có khả năng hoàn trả vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, cầm đồ…
Lam Nguyên
vnmedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét