Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Tình hình trao giải thưởng văn học những năm gần đây (tiếp theo)

Tình hình trao giải thưởng văn học
những năm gần đây (tiếp theo)
  (Trích Báo cáo thường niên về Tình hình văn học năm 2010)
Chủ nhiệm: PGS. TS. Phan Trọng Thưởng. Thực hiện: Trần Thiện Khanh
Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng có giải thưởng thường niên riêng (từ 1997). Giải thưởng được trao cho tác phẩm xuất sắc của tác giả là người dân tộc thiểu số và tác giả người Kinh viết về đề tài dân tộc. Điểm đáng chú ý là vài năm trở lại đây trong số các tác giả đoạt giải thưởng này người Kinh chiếm số lượng đông hơn cả: chẳng hạn năm 2009 trong 11 tác giả đoạt giải văn chương thì có đến 7 tác giả là người đa số (Kinh). Mặc dù Hội VHNT các dân tộc thiểu số có giải thưởng riêng cho mình nhưng đến nay Hội đồng chấm giải thưởng của Hội đã “không quán triệt thành phần dân tộc”, không quan tâm đề cao tính đặc thù của một Hội văn học nghệ thuật: thay vì đề cao các tác phẩm viết bằng chính tiếng mẹ đẻ, những tác phẩm “thuộc dòng dõi dân tộc thiểu số” người ta chỉ xét trao giải cho tác phẩm (của người dân tộc thiểu số) được viết bằng tiếng phổ thông. Giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số cần được dành để tôn vinh các tác giả người dân tộc thiểu số – viết bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ, đề cao những tác phẩm thể hiện được bản sắc văn hóa, tư duy của người dân tộc thiểu số. Đối với các tác giả người đa số chỉ nên có hình thức khuyến khích, ghi nhận nào đó. Nếu cứ xét giải theo tiêu chí hiện nay, giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số chẳng những thiếu công bằng, thiếu một quan điểm đúng đắn về vai trò của yếu tố địa văn hóa trong sáng tác văn học mà về lâu dài còn thủ tiêu cả bản sắc, ngôn ngữ của một mảng sáng tác văn học vốn có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền văn học Việt Nam. Không thể “giải dân tộc” , “giải địa phương hóa” trong sáng tác văn học của người dân tộc thiểu số để đưa nó vào cái gọi là trung tâm văn học của quốc gia, của khu vực và quỹ đạo thế giới, và càng không thể cổ xúy cho một kiểu hậu hiện đại hóa văn học các dân tộc thiểu số dù bằng cách này hay cách khác. Những mưu toan kiểu đó của một nhóm người, trên thực tế, chỉ cho thấy những biểu hiện ngược nghịch của một mặc cảm về vị trí bên lề, nhỏ bé của họ; những cách làm đó cho thấy sự thiếu lòng tự tôn dân tộc. Nhà văn người dân tộc thiểu số, thuộc về người dân tộc thiểu số, trước hết phải là “người tự đục đá kê cao quê hương” (Y Phương) của họ.

Giải thưởng của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam cũng được tổ chức hàng năm. Giải thường này đến nay vẫn dừng ở mức động viên, khích lệ. Kết quả giải thưởng không chỉ nhằm vào chất lượng tác phẩm dự giải, mà lưu ý phân bố đều cơ cấu giải thưởng, đặc biệt ưu tiên tác giả cao tuổi và các tác giả, công trình “vùng sâu vùng xa”. Điều đáng nói nữa ở giải thưởng này, là có tình trạng vi phạm quy chế, và nhầm lẫn trong phân định thể loại. Hiện tượng này xảy ra trong nhiều năm, mặc dù Ban tổ chức giải thưởng đã chấn chỉnh trong nhiều mùa giải. Chẳng hạn năm 2002, có ít nhất 4 công trình nghiên cứu dự giải mà thực chất đó là những chứng từ cho thấy sự đạo văn, cóp nhặt từ các công trình khác; một “vài công trình biên soạn trong đó tác giả chỉnh lí, cắt xén tư liệu sưu tầm được rồi mô tả theo ý mình”, một số công trình dịch tác phẩm tiếng dân tộc thiểu số hoặc sách cổ không có sự trung thành cần thiết với nguyên tắc, như trường hợp dịch sử thi Tây Nguyên sang thể thơ lục bát, song thất lục bát; một số tác giả chưa phân biệt được sự khác nhau giữa một công trình nghiên cứu với kiểu bài bình giảng, giảng văn (đánh giá của GS. TS. Tô Ngọc Thanh); năm 2003 có 14 công trình phạm quy…..
Theo quy chế giải thưởng, các tác phẩm thuộc diện xét giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội được xuất bản trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm sau (có thời gian Hội quy định xét tác phẩm xuất bản từ tháng 6 năm trước đến tháng 5 năm sau). Các tác phẩm này đều được sàng lọc thông qua sự giới thiệu của hội viên, của các ủy viên hội đồng chuyên ngành, thông tin của báo chí và dư luận người đọc. Như vậy, nếu tính theo thời gian hành chính, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội trên thực tế là “hai năm” trao thưởng một lần, tác phẩm của năm trước gối liền tác phẩm của năm hiện tại dự xét giải. Do chọn xét và trao thưởng theo thời gian như thế, nên giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội thường đi trước một bước so với Hội Nhà văn Việt Nam. Cụ thể là có tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội sau đó lại được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam như: Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Cuộc đời của Pi do Trịnh Lữ dịch… Ưu thế ấy góp phần quan trọng vào việc tạo ra uy tín cho giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.
So với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, các tác phẩm được đề cử vào chung khảo của giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội thường ít hơn về số lượng và quan trọng hơn là đa số những cuốn được đề cử thuộc loại khá, tác giả của nó cũng đều là những tác giả có danh tiếng trong văn giới. Sự thuận lợi này giúp cho Hội đồng chung khảo xử lí các văn bản dự giải tập trung hơn và có điều kiện thời gian nâng cao chất lượng thẩm định văn bản. Vả lại, sự chọn lọc ấy cũng cho thấy, Hội đồng sơ khảo Hội Nhà văn Hà Nội đã có những nỗ lực góp phần đáng kể vào việc vinh danh những tác phẩm văn học đích thực. Thành phần Hội đồng chung khảo xét giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội năm nào cũng bao gồm Chủ tịch Hội đồng của 4 chuyên ngành: Văn xuôi, Thơ, Lí luận – phê bình, Văn học dịch, và các thành viên BCH Hội (Chủ tịch Hội, Phó Chủ tịch, Ủy viên). Trong số đó có 2/3 thành viên “đặc trưng” của Hội (nhưng uy tín thẩm định không đồng đều, một vài trong số này có những ý kiến trái ngược về giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, nghĩa là phần nào đó có xung đột về quan điểm đánh giá, về nhãn quan giá trị giữa hai hệ thống giải thưởng) và 1/3 thành viên trùng với thành viên Hội đồng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Tương tự như Hội đồng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam: có năm thành viên này hay thành viên khác trong cơ cấu cố định của Hội đồng giải thưởng đi công tác xa (gửi lại phiếu bầu); nhìn chung trong cách thức và cơ cấu chấm giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội vẫn có tính chất hành chính, tính nhiệm kì và không tránh khỏi màu sắc chính trị.
Đối tượng xét giải của Hội có thay đổi, từ “chỉ xét với những tác giả Hà Nội” đến xét giải đối với sách văn học của các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và tác phẩm viết về Hà Nội của các tác giả viết tiếng Việt ở mọi miền. Tiêu chí xét giải của Hội Nhà văn Hà Nội có điểm trùng với Hội Nhà văn Việt Nam, như dựa vào “dư luận” (tác phẩm có dư luận). Đây là một tiêu chí có thể đem lại sự thiếu khách quan và thiếu công bằng trong xét chọn và trao giải thưởng vì thực ra các Hội đồng không có một điều tra nào về “dư luận”, cũng không có con số thống kê chính xác của một tổ chức độc lập nào điều tra về dư luận tác phẩm, càng chưa có cơ sở xã hội học nào để coi những cái gì là dư luận và cái gì thì không phải dư luận, bao nhiêu người và những người như thế nào thì được gọi là dư luận, có dư luận; căn cứ vào dư luận là một tiêu chí rất mơ hồ và bất ổn.
Cơ cấu giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội gồm: giải thưởng thường niên, giải thưởng Thành tựu, và giải thưởng các cuộc thi do Hội tổ chức….
Điểm nổi bật thứ nhất trong giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004 – 2005 là trao tặng cho tác giả trẻ, dịch giả trẻ. Điểm nổi bật thứ hai, mà các hệ thống giải thưởng khác ở ta chưa có được, đó là trao giải Thành tựu trọn đời cho một tác giả có nhiều đóng góp đối với hoạt động giới thiệu văn chương nước ngoài ở Việt Nam. Như vậy, trong khi chọn trao giải thưởng, Hội Nhà văn Hà Nội đã đáp ứng được tính thời sự, trao tặng cho một tác phẩm xuất sắc của năm và đồng thời quan tâm đến tính quá trình, đến những đóng góp của một sự nghiệp sáng tác. Trong khi nhiều giải thưởng, cuộc thi ở ta đang bị lão hóa thì sự xuất hiện của một giải thưởng trẻ hóa, cổ vũ cho những nhân tố mới như giải của Hội Nhà văn Hà Nội hiển nhiên đã tạo được sự chú ý đặc biệt. Thành công đáng kể của giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội được thể hiện qua những nhận xét cụ thể, rõ ràng về giá trị tác phẩm. Đây là một lí do khiến cho giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội ngày càng vượt về uy tín, có dư luận tích cực nhiều hơn so với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, hạng mục giải Thành tựu (Thành tựu trọn đời, Thành tựu về thơ…) vốn không có trong Điều lệ giải thưởng của Hội. Sự xuất hiện của giải thưởng này được Ban chấp hành Hội nhiệm kì mới coi là một sự mở rộng cơ cấu giải thưởng theo đòi hỏi của thực tiễn. Nhưng thực tế, sự ra đời của giải thưởng này trước tiên là “cách xử lí linh hoạt”của Hội đồng chung khảo giải thưởng trước tác phẩm của ông Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội: theo “quy định” tác phẩm của các thành viên trong Hội đồng chung khảo không được xét trao giải thưởng hàng năm, nên Hội đồng chung khảo đã theo “sáng kiến” của một ủy viên BCH là lập nên giải Thành tựu (trọn đời). Thành lập giải Thành tựu là cần thiết bởi vì điều đó phù hợp với xu hướng cần đa dạng hóa giải thưởng, cần tôn vinh những đóng góp của tác giả đối với thể loại nói riêng, nền văn học dân tộc nói chung. Thế nhưng điều đáng nói là đến nay việc xét và trao giải thưởng này vẫn chưa có quy định chặt chẽ (có thể coi trường hợp này một ví dụ đáng lưu ý về tình trạng tùy tiện trong xét giải thưởng ở Việt Nam): tên gọi của giải chưa thống nhất, chưa cố định, chưa có trong điều lệ giải; thể thức trao giải, đối tượng xét giải chưa được cụ thể hóa; giải Thành tựu trọn đời khác giải Thành tựu về thơ… ra sao, tiêu chí của các giải thường đó như thế nào. Trước những bất cập đó, Hội Nhà văn Hà Nội tỏ ra lúng túng: thay vì bàn thảo chất lượng của đối tượng xét giải (xem nó có xứng đáng không,…) lại có ý kiến trong Hội đồng cho rằng không nên trao giải thưởng này nữa… Rõ ràng giải Thành tựu của Hội Nhà văn Hà Nội đang có nhiều bất ổn: Hội vừa thẩm định xét trao giải vừa tìm lí do hợp thức hóa quyết định ấy.
Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội nằm trong khuôn khổ chính thống, do đó – như bao giải thưởng khác ở ta – nó không thể nào thoát khỏi những ảnh hưởng về chính trị. Dù rằng có những năm giải thưởng này có trao giải cho các tác giả có “lý lịch đặc biệt”, nhưng nó vẫn đang đi trong rợp bóng của những phong trào. Điểm gây chú ý của giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (trong lúc các giải thưởng khác mất đi thanh thế lẫy lừng, độc tôn của mình) trước hết ở tính khiêu khích của nó, thứ nữa mới là cơ cấu và chất lượng của giải thưởng. Cũng không thể phủ nhận thực tế rằng: uy tín và vị thế của giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội được nâng lên, gây được một niềm phấn khích cho độc giả chính nhờ bởi một số tác giả đoạt giải của nó đã có chỗ đứng nhất định trong nền văn học rồi. Cho đến giờ, thoạt tiên chúng ta tưởng Hội Nhà văn Hà Nội có xu hướng tiên phong trong việc vinh danh các tác giả trẻ hoặc thành tựu của giải thưởng này nằm ở đấy, song rốt cuộc thì chính những tác giả thành danh, những tác giả có thâm niên trong nghề mới là những người tạo ra sự kiện và “bảo lãnh” thanh thế cho giải thưởng này.
Giải thưởng văn học thường niên; giải thưởng ghi nhận một giai đoạn phát triển của văn học; hoặc giải thưởng được tổ chức định kì 2 năm, 5 năm một lần; các giải thưởng vận động sáng tác ở các tỉnh thành trong cả nước có tác dụng tạo dựng không khí, khuấy động phong trào, nhất là định hướng tư tưởng cho văn nghệ sĩ và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đó là những giải thưởng chính sách, giải thưởng phong trào đoàn thể, ít nhiều chịu sự chỉ đạo của công tác tuyên giáo.
Theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: một số giải thưởng văn học ở địa phương có những biểu hiện xa lạ, lệch lạc về định hướng, gây bất bình, hoang mang, phản ứng trong dư luận. “Khuynh hướng của các giải thưởng đó là đề cao chủ nghĩa hình thức, tiếp thu vội vã lí luận ở nước ngoài, cường điệu những mặt đen tối, tiêu cực, mất mát, đắng cay; nhân danh đổi mới áp đặt những thiên kiến, ẩn ức cá nhân, thoát li hiện thực, thoát khỏi bối cảnh lịch sử cụ thể, sa vào gán ghép tùy tiện, thực chất là phủ nhận quá khứ” (Bản tin Lý luận phê bình văn học nghệ thuật số 13 tháng 6/2010).  Như thế, giải thưởng văn học ở địa phương không phải là những giải thưởng độc lập, mà là những giải thưởng nằm trong khuôn khổ chính trị, nhằm vào cụ thể hóa, thực thi đường lối, chính sách văn nghệ của Đảng và Nhà nước. Tính định hướng và phong trào trong quá trình xem xét, quyết định trao giải thưởng ở địa phương biểu hiện rất rõ, đây là nguyên nhân khiến những tìm tòi về hình thức, và sự tiếp nhận hệ thống lí luận văn học phi chính thống bị phê phán. Những phát ngôn như “chủ nghĩa hình thức”, “bệnh hình thức”… vẫn có sức nặng trong việc phân loại tác giả và định đoạt giá trị của các tác phẩm văn chương.
Ba sự kiện gây được chú ý nhiều nhất đối với công chúng (năm 2010) là Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Giải thưởng thơ Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2009, Giải thưởng văn học nghệ thuật Đất Quảng lần 1 năm 2010.
Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2009 được trao cho 3 tác phẩm: Bút pháp ham muốn (phê bình) của Đỗ Lai Thúy, Họ vẫn chưa về (tiểu thuyết) của Nguyễn Thế Hùng, Trà nguội (thơ) của Đặng Thị Thanh Hương. Hội Liên hiệp trao giải thưởng cho các tác phẩm lần này được giải thích là nhằm tôn vinh các tác giả và tác phẩm có chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển, cách tân thể loại và thúc đẩy phong trào sáng tác ở Thủ đô, tạo thêm những dấu ấn mạnh mẽ cho Cuộc vận động sáng tác về đề tài 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sự bất bình thường thứ nhất trong giải thưởng năm 2009 này so với các năm trước là Ban tổ chức không họp báo, không thông báo gì trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng lẽ công tác truyền thông giải thưởng cần được đẩy mạnh hơn để cho thấy sự công bằng minh bạch thì ở đây việc trao giải lại thiếu sự công khai, minh bạch, và như thế cũng là thiếu khách quan. Sự im lặng của Ban tổ chức cho thấy có điểm gì đó chưa ổn khiến họ ngại va chạm với dư luận. Ông Chủ tịch Hội Liên hiệp cho biết Ban Tổ chức lo ngại “có thể sẽ gây ra những phức tạp ồn ào trong lễ trao giải”, nên “không thử thách tác phẩm trước dư luận”, họ chọn cách im lặng như một “thử nghiệm” (có thể coi đây là một thí dụ thích đáng về sự diễn ngôn của các vị cầm cân nảy mực). Sự bất bình thưởng thứ hai là vấn đề thẩm định tác phẩm dự giải. Cũng theo ông Chủ tịch Hội Liên hiệp cuốn sách của Đỗ Lai Thúy gay cấn vì “dùng bút pháp phân tâm học ở nước ta chưa ai dùng”. Thực ra thì từ trước năm 1945 phương pháp phê bình này đã du nhập vào Việt Nam, các tác giả như Nguyễn Văn Hanh, Trương Tửu, Đàm Quang Thiện đã để lại dấu ấn nhất định. Cũng phương pháp phê bình này, trước 1975 ở miền Nam đã thu được một số thành tựu đáng kể cả về mặt lí thuyết (Freud, Jung, Fromm, Lacan, Barchelard…) lẫn thực hành (Nguyễn Văn Trung, Tam Ích, Thanh Lãng, Uyên Thao, Đỗ Long Vân, Huỳnh Phan Anh, Chơn Hạnh, Đặng Tiến, Trần Nhựt Tân..). Gần hơn nữa từ sau 1986, nhất là từ năm 2000 trở đi, có rất nhiều công trình trực dịch phân tâm học được giới thiệu ở ta, ngay cả việc ứng dụng lí thuyết này vào khảo sát văn học cũng không phải chỉ có Đỗ Lai Thúy (Phạm Văn Sĩ, Trần Thị Mai Nhi, Nguyễn Thị Bình…), thế nhưng ông Chủ tịch Hội Liên hiệp vẫn cho rằng “chưa ai dùng” phương pháp phân tâm học. Sự bất bình thường thứ ba trong giải thưởng Thủ đô là chủ trương “phân chia đều niềm vui” cho người viết (http://vanhocquenha.vn/).
Sự kiện thứ hai là giải thưởng cuộc thi thơ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 4 năm 2009 do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuât Cần Thơ đăng cai tổ chức. Cuộc thi quy định đề tài “Viết về vùng đất và con người ĐBSCL, Cần Thơ hình thành và phát triển qua các thời kỳ: mở đất phương Nam, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập”. Từ kết quả cuộc thi này dư luận chỉ ra có một quy luật trao giải  bất thường đang vận hành các cuộc thi thơ ĐBSCL: cuộc thi lần 2 do Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre tổ chức, giải Nhất được trao cho tác giả người Bến Tre; cuộc thi lần 3 do Hội VHNT Long An tổ chức, giải Nhất thuộc về tác giả tỉnh Long An; và cuộc thi lần 4 do Liên hiệp các Hội VHNT Cần Thơ tổ chức lại đến lượt nhà thơ ở Cần Thơ (Hoàng Tường Phong) đoạt giải Nhất. Đáng chú ý hơn nữa là trường hợp tác phẩm – tác giả đoạt giải Nhì (Sương Hồ của Lê Thanh My) trong cuộc thi lần 4 này: 1/Lê Thanh My là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Thất Sơn của An Giang, tác phẩm đoạt giải của Lê Thanh My là một bài thơ tình (theo quy chế đề tài thì Sương Hồ đáng lẽ phải bị loại ngay từ sơ khảo);  2/ông Trịnh Bửu Hoài Chủ tịch Hội VHNT An Giang lại chính là Trưởng ban sơ khảo, đồng thời là ủy viên Ban chung khảo cuộc thi…. tất cả điều ấy khiến công chúng nghĩ đến có sự sắp xếp, cơ cấu trong giải thưởng. Nghi án có sự thiếu công bằng, khách quan trong xét trao giải thưởng không những không được làm sáng tỏ, thuyết phục đông đảo công chúng mà còn được bổ sung bằng một loạt ý kiến cho rằng bài thơ đoạt giải Nhất cuộc thi “có vấn đề”, rằng nó (Trăng nghẹn) thể hiện cái nhìn u tối, sai lệch về mảnh đất và con người ĐBSCL nghĩa là nó có những biểu hiện chệch hướng về mặt tư tưởng chính trị, nó phạm vào nhiệm vụ tuyên truyền cổ động. “Một số cơ quan có thẩm quyền ở thành phố Cần Thơ đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất thay cho bài thơ này vì nó u ám quá. “Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được”. Tuy nhiên, Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại, cuối cùng họ quay sang tác giả….Chủ tịch Hội Văn nghệ Cần Thơ yêu cầu tác giả làm đơn từ chối giải thưởng” (http://www.tienphong.vn/), còn tác giả thì khẳng định sẽ không rút khỏi giải dù bị sức ép. Từ chuyện bất thường trong kết quả cuộc thi thơ ĐBSCL lần 4 như thế nhiều sự bất thường khác cũng triệu vời ra trước công luận. Sau cùng: bài thơ Trăng nghẹn bị rút khỏi giải thưởng. Cuộc thi thơ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 4 đặt ra nhiều vấn đề của giải thưởng văn học hiện nay, trong đó có  quan hệ giữa văn học và chính trị, văn học và hiện thực….
Sự kiện thứ ba là Giải thưởng văn học nghệ thuật Đất Quảng lần 1 năm 2010 của Quảng Nam tôn vinh các tác giả, tác phẩm trong 10 năm (1998 – 2008). Kết quả 49 tác giả và nhóm tác giả thuộc 5 chuyên ngành (âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học, sân khấu – điện ảnh) được trao giải thưởng. Sự bất bình thường trong giải thưởng này thể hiện trước hết ở sự thẩm định và quyết định trao giải: có tập truyện ngắn được Ban tổ chức đánh giá là “bố cục đơn giản, một số nhân vật chỉ ở dạng phác thảo” nhưng lại được trao giải C. Sự bất thường khác là sự “chia phần thưởng” thiếu công bằng: các thành viên chủ chốt của Ban Chấp hành Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Phó TBT tạp chí…) vừa chấm giải vừa gửi tác phẩm dự giải, cuối cùng mỗi người nhận ít nhất từ một giải thưởng trở lên với số tiền từ 10 đến 15 triệu đồng; và đa số tác giả đoạt giải cao đều nắm những cương vị chủ yếu của Hội văn học nghệ thuật.
Sự kiện đáng chú ý thứ nhất trong hệ thống giải thưởng của các cơ quan báo chí… năm 2010 là việc công bố trao giải thưởng cuộc thi thơ (và truyện ngắn) năm 2008-  2009 của tạp chí Văn nghệ quân đội. Cuộc thi này không hạn chế đề tài, nhưng có ưu tiên những tác phẩm viết trực diện về chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và người chiến sĩ, đặc biệt là trong thời bình ở nơi khó khăn, hiểm nguy, biên giới, hải đảo. Nghĩa là ở cuộc thi này cũng có sự đề cao và định hướng về mặt tư tưởng, chính trị. Kết quả, giải A thuộc về Nguyễn Linh Khiếu (Hoa mộc miên biên giới, Mua rơi dọc Cam Ranh, Những thiếu nữ đứng khóc ở Mỹ Sơn) và Nguyễn Thanh Mừng (Hào phóng thềm lục địa); giải B được trao cho Hoàng Chiến Thắng (Bà tôi), Đoàn Mạnh Phương (Những người lính thời bình, Người không có trong tấm ảnh, Đổi thay), Nguyễn Việt Chiến (Thời đất nước gian lao)…
Sau khi Văn nghệ quân đội công bố kết quả giải thưởng, một số nhà phê bình văn học lên án, chỉ trích chất lượng thẩm định của cuộc thi, hơn nữa lại có ý kiến cho rằng bài thơ Thời đất nước gian lao “có vấn đề”. Trước “diễn biến phức tạp” đó, tác giả Nguyễn Việt Chiến đã phải làm đơn gửi Hội đồng chung khảo và ban biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội “tự nguyện xin rút tên khỏi danh sách giải thưởng cuộc thi vì sau khi giải thưởng được công bố, tôi thấy có nhiều ý kiến khác nhau”. Đằng sau sự kiện “tự nguyện xin rút khỏi danh sách giải thưởng” của Nguyễn Việt Chiến, nhiều độc giả diễn giải thiên về sức ép chính trị đối với tác phẩm đoạt giải, rằng ở đấy có một sự áp đặt chính trị vào nghệ thuật, vào sự trao giải thưởng. Ở ta điều này quả thật không phải hiếm. Trong Báo cáo về tình hình trao giải thưởng văn học nghệ thuật gần đây, tại Kì họp thứ IX Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, nhà thơ Hữu Thỉnh chỉ rõ: hiện nay có những biểu hiện lệch lạc về định hướng trong một số giải thưởng, “nhiều trường hợp cấp trên bị đặt vào tình trạng đã rồi, phát hiện thấy sai sót thì giải thưởng đã công bố” và nhiều trường hợp “phát hiện sớm, trao đổi với tác giả để họ tự nguyện xin rút”. Việc Nguyễn Việt Chiến tự nguyên xin rút khỏi giải Nhì của cuộc thi đã được giải thích rõ trước công chúng, song nó vẫn không khỏi khiến độc giả nghĩ đến những nguyên nhân không dễ tường minh như chúng tôi vừa trình bày. Cùng với việc tác giả Nguyễn Việt Chiến tự nguyên xin rút khỏi giải thưởng, có khá nhiều ý kiến đánh giá cao bài Thời đất nước gian lao, thậm chí còn cho rằng nó xứng đáng nhận giải A hơn các tác phẩm khác, và việc những tác phẩm thơ của Nguyễn Linh Khiếu và Nguyễn Thanh Mừng được trao giải A cho thấy cuộc thi thơ của Văn nghệ quân đội đang tôn vinh “thơ dở”: những bài thơ đoạt giải A không xứng đáng gọi là thơ, mà chỉ là những câu nói tầm thường, bình thường. Cuộc tranh luận về việc tôn vinh “thơ dở” được mở ra từ bài viết “Khi thơ dở lên ngôi, báo động về một cuộc thi giết thơ” của Trần Mạnh Hảo, đăng trên nhiều trang mạng internet. Ý kiến của Trần Mạnh Hảo có đôi chỗ cần cân nhắc lại, nhưng tinh thần chung là chỉ ra được bản chất vấn đề. Công bằng mà nói, chất lượng của cuộc thi thơ 2008- 2009 của tạp chí Văn nghệ quân đội không cao. Điều ấy thể hiện ngay từ việc xếp loại Thời đất nước gian lao đến việc trao giải A cho hai trường hợp nêu trên.
Sự kiện đáng chú ý thứ hai là giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 4 (2009- 2010), một cuộc thi chủ yếu thuộc về các tác giả trẻ phía Nam. Điểm mới trong lần trao thưởng này (như báo chí ca ngợi) là: lần đầu tiên một tác giả nam đoạt giải cao nhất Văn học tuổi 20 (Trương Anh Quốc) trước đó là các nữ tác giả Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh. Điểm lại các ý kiến bàn về cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 2 chúng tôi thấy những ý kiến ngợi khen các tác phẩm, tác giả đoạt giải hoặc là của ban giám khảo hoặc do những phóng viên, biên tập viên phụ trách đưa tin về cuộc thi này thuật lại những đánh giá của người chấm giải mà thôi.  Còn những trang phê bình gay gắt các tác phẩm đoạt giải lần này lại là những ý kiến độc lập: “Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết” (Văn nghệ số 45/2010, phongdiep.net),  “Chán Visa” (Văn nghệ TP. HCM số 131 bộ mới/2010), “Võ Diệu Thanh và những kiểu nhân vật tầm tầm” (Văn nghệ TP.HCM số 135 bộ mới/2010), “Văn học tuổi 20 lần IV: khẳng định vai trò tẻ nhạt của văn chương” (Văn nghệ TP.HCM số 139 bộ mới/2010)…. tập trung phê phán sự thẩm định của ban giám khảo và quyết định trao giải của họ, đồng thời thể hiện sự hụt hẫng thất vọng của người đọc trước văn chương trẻ hôm nay. Nhìn chung, thời điểm Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 4 công bố trao giải cũng là mốc thời điểm đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong tiếp nhận giải thưởng “văn học tuổi 20″.
4. Ở ta hệ thống giải thưởng tư nhân, xã hội hóa và văn học mạng còn quá ít, chưa có uy tín, chưa được ủng hộ của nhiều lực lượng xã hội. Có giải thưởng xã hội hóa tổ chức xét giải được 1 năm thì ngừng hoạt động, không có đủ tiền in hết các tác phẩm đã lọt vào chung khảo theo quy chế giải thưởng. Có giải thưởng tư nhân đã tổ chức xét giải được vài năm, in được một số tác phẩm mới, quảng bá giới thiệu một vài gương mặt mới, trẻ, nhưng nhìn chung các tác phẩm tham dự và được trao giải thưởng này vẫn chưa thu hút được độc giả và chưa tạo được uy tín cao; Ban tổ chức giải thưởng có những động cơ ngoài văn học, muốn thao túng điều khiển Ban giam khảo. Đến nay vấn đề quan trọng ở các giải này vẫn là nguồn tài chính, cơ chế tuyển chọn, đánh giá, tiêu chuẩn đánh giá của các Hội đồng thẩm định.
Sự xuất hiện của những giải thưởng tư nhân, xã hội hóa có tác động tích cực đến đời sống văn chương, nhưng tính cạnh tranh giữa các giải thưởng và với giải thưởng chính sách chưa cao (trừ giá trị tiền thưởng); có nhà văn, nhà thơ vừa tham gia thẩm định ở giải thưởng xã hội hóa này vừa có chân giám khảo ở giải thưởng tư nhân khác. Giải thưởng tư nhân, xã hội hóa ở ta còn non trẻ; mới chỉ dừng lại ở mức độ “thăm dò” dư luận xã hội, người đọc, người sáng tác; tính độc lập trong khâu thẩm định các tác phẩm chưa cao, tính định hướng của giải thưởng cũng chưa rõ rệt. Thay vì đa dạng hóa giải thưởng, làm cho mỗi giải thưởng có một khuynh hướng riêng, có một chủ trương hợp thức hóa giá trị riêng không thể trộn lẫn thì các giải thưởng tư nhân, xã hội hóa ở ta lại có tham vọng thay thế lẫn nhau, thay thế giải thưởng chính sách, “làm ra một thứ chuẩn mực” hoặc chỉ đơn thuần là nối dài nhau, chồng chéo lên nhau. Giải thưởng văn học mạng chưa có chỗ đứng và chưa có giải thưởng chính thức nào dành riêng cho các thể loại văn học.
5. Công chúng văn học, giới sáng tác Việt Nam mới chỉ biết đến vài ba giải thưởng khu vực.
Giải thưởng sông Mê Kông được tổ chức thường niên, luân phiên tại Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia nhằm thúc quan hệ  hợp tác gắn bó và sự phát triển văn học của ba nước. Giải thưởng văn học sông Mê Kông là một giải thưởng có tính chất hữu nghị, thể hiện tình đoàn kết giao hảo của các nước tham gia hơn về uy tín văn học. Đến nay giải thưởng văn học sông Mêkông vẫn chưa thực sự dành phần cho các nhà văn trẻ, hơn nữa các tác phẩm đoạt giải vẫn chưa được dịch ra những ngôn ngữ của hai nước Đông Dương còn lại, để nhà văn của các nước này đều đọc được nhau. Giải thưởng văn học ASEAN được Hoàng gia Thái Lan thành lập ra từ năm 1979. Việt Nam cử đại diện tham dự giải thưởng này từ năm 1996. Theo nguyên tắc, “người đoạt giải của mỗi nước do chính nước ấy lựa chọn, dựa trên tác phẩm xuất sắc xuất bản năm trước, chứ không xét theo quá trình đóng góp hoặc toàn bộ sáng tác, có ưu tiên các tác giả trẻ đề cập đến những vấn đề thời đại” (Văn nghệ số 42/2000). Cũng như giải thưởng văn học sông Mê Kông, giải văn học ASEAN chưa chú ý đến việc dịch giới thiệu tác phẩm đoạt giải của các nhà văn trong khu vực, hiện tượng dịch phẩm làm méo mó nguyên tác khá phổ biến. Giải thưởng văn học ASEAN chưa có một Hội đồng/ ủy ban xét duyệt chung (do những khó khăn về ngôn ngữ), chưa có sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà văn trong khối thông qua việc dịch và xuất bản tác phẩm của những người đoạt giải. Giải thưởng ASEAN (đối với ta) thực chất vẫn là “giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam lần 2” (chọn luân phiên một năm cho thơ, một năm cho văn xuôi…). Giải thưởng văn học Đông Nam Á đến nay vẫn chủ yếu thể hiện tinh thần hữu nghị và hội nhập, vẫn dành trao tặng cho các tác giả cao tuổi, còn những tác giả trẻ hầu như chưa có mặt ở những giải thưởng khu vực như vậy.
Giải thưởng của người Việt ở hải ngoại chưa được giới văn học trong nước công nhận, cũng chưa được phổ biến rộng rãi. Đến nay mới chỉ có giải thưởng Văn chương toàn sự nghiệp của tạp chí Khởi hành là tạo được sự chú ý hơn cả. Bên cạnh giải thưởng văn chương của Khởi hành độc giả trong nước còn được biết đến cuộc vận động thành lập giải thưởng văn học Bùi Giáng do Phạm Thị Hoài đề nghị sau ngày Bùi Giáng mất, nhưng đến nay giải thưởng này vẫn chưa được thực hiện…
II. Những vấn đề đặt ra từ giải thưởng văn học hiện nay
1. Ở Trung Quốc, giải thưởng văn học Lỗ Tấn được xét 2 năm một lần. Cơ cấu giải thưởng bao gồm: giải thưởng truyện vừa; truyện ngắn; báo cáo văn học; thơ ca; tạp văn, tản văn và giải thưởng phê bình lí luận văn học. Ở ta, tản văn – tạp văn phát triển mạnh mẽ nhưng chưa có giải thưởng dành riêng cho nó. Trong hầu hết giải thưởng hiện nay thể loại này vẫn được gộp chung vảo mảng văn xuôi. Tình trạng sắp xếp cơ cấu giải thưởng theo từng mảng văn học ở Việt Nam như thế đã gây ra những nhầm lẫn đáng tiếc như trường hợp trao giải cho cuốn Vừa làm vừa nghĩ của Phạm Tiến Duật (nhân đó xếp luôn thể loại cho cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa), hoặc các cuốn chân dung văn học, tạp văn, văn học sử vẫn thường được xếp vào giải thưởng lí luận phê bình; có đơn vị tổ chức trao giải thưởng cho thơ trong đó tính đến cả trường ca, nhưng có nơi lại loại bỏ trường ca ra khỏi giải thưởng dành cho thơ, và trong giải văn học dịch không tính đến các công trình dịch lí luận văn học, dịch văn học sử, phê bình văn học, hầu như vẫn chỉ có dịch các sáng tác được xét trao giải. Chúng tôi cho rằng cần bỏ giải thưởng văn xuôi chung chung. Bởi vì việc duy trì giải thưởng cộng gộp kiểu này đang tạo ra sự thiếu công bằng. Không nên chọn trao “giải thưởng văn xuôi” theo cách so sánh chất lượng của một tập tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết… với nhau để chọn ra một tác phẩm chung cho nhóm. So sánh như vậy sẽ rất khập khiễng. Chỉ nên đặt giải thưởng theo từng thể loại, có như vậy các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại mới đạt được sự khách quan, hợp lí.
Chúng ta chưa có giải thưởng trao cho tác phẩm đầu tay xuất sắc, cho tác giả mới vào nghề mà chỉ có tặng thưởng cho tác giả trẻ như một cách cân bằng cơ cấu tuổi tác; chưa có giải thưởng trao cho nhà văn đang viết cuốn sách thứ hai mà chỉ có xét đầu tư theo chiều sâu rất thiếu công bằng; chưa có giải thưởng của Viện hàn lâm (nhiều nước trên thế giới đều có giải thường này như giải văn chương Ulysses do Viện văn học độc lập Mỹ trao tặng, giải thưởng Goncourt của Viện hàn lâm Pháp, giải thưởng của Viện văn học Ấn Độ, giải thưởng Georg Buechner của Viện hàn lâm Đức về ngôn ngữ và thi ca, Giải thưởng văn học Asturias của Viện ngôn ngữ Tây Ban Nha…) trong khi đó có rất nhiều giải thưởng thường niên mang tính phong trào, có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ ở các Hội văn học nghệ thuật….
Chúng ta thiếu các giải thưởng xét trao cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác của một người viết trong khi đang có rất nhiều giải thưởng trao cho từng tác phẩm theo năm xuất bản; không có nhiều giải thưởng chính thức và có tính xã hội hóa cao dành cho các vấn đề về giới tính, riêng cho các nhà văn nữ trong khi văn học nữ giới, và về giới tính đang phát triển khá mạnh mẽ (năm 2004 trong Cuộc thi Sáng tác văn học cho Tuổi trẻ năm 2002-2003 do Nxb. Thanh niên và báo Văn nghệ tổ chức, tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ đoạt giải thưởng nhưng Nxb. Thanh niên lại không được phép in vì “nội dung sách có một phần đề cập đến đề tài đồng tính luyến ái”…); không có giải thưởng dành riêng cho lí luận phê bình, tản văn, văn học sử, văn chương tư liệu, càng không có giải thưởng được trao cho tác phẩm trực diện đặt những vấn đề chính trị hoặc nhằm vào đe dọa những giá trị truyền thống nhằm thúc đẩy phát triển tích cực; thiếu giải thưởng dành riêng cho tác giả hải ngoại, tác giả người nước ngoài viết về Việt Nam, những giải dành cho người có công chuyển ngữ giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới… thành thử nhiều tác phẩm được trao giải cùng lắm chỉ trở thành sự kiện của đời sống văn học chứ ít khi nào trở thành sự kiện của đời sống xã hội.
Chúng ta không có hệ thống giải dành riêng cho việc tôn vinh những tác phẩm mang đậm tính chất truyền thống và phong cách cổ điển; hầu như giải thưởng nào cũng tuyên xưng là mình hướng đến cái mới, sự cách tân; nhiều giải thưởng mang tên các tác gia văn học dân tộc (ở các địa phương) xét trao cho các tác phẩm mà lối viết, văn phong và ngôn ngữ không ăn nhập với sáng tác của những tác gia đó. Nhiều năm trở lại đây chúng ta không có một tác phẩm đoạt giải thưởng nào có tác động lớn đến văn hóa đọc và cả lợi ích thương mại. Kết quả đó khiến cho tất cả chúng ta băn khoăn về chất lượng thẩm định, về quyết định trao giải thưởng và chất lượng hiện thời của sáng tác văn học.
2.Giải thưởng của các nhà xuất bản ở ta chưa nhiều và thực sự có uy tín. Trị giá giải thưởng của các Hội chuyên ngành dành cho nhà văn quá thấp, trong khi một số giải thưởng khác trị giá phần thưởng lên đến… hàng chục triệu đồng. Ngay từ đầu năm 2000, đã có dư luận về giải thưởng và phần thưởng dành cho những người viết văn. Nhà nước cần điều chỉnh chủ trương chính sách phát triển văn học nghệ thuật, trong đó có chính sách về giá trị giải thưởng nhằm khuyến khích nhà văn theo đuổi nghề, tìm tòi cách tân thúc đẩy văn học phát triển, cũng để người cầm bút cảm thấy công sức của mình xứng đáng được nâng niu trân trọng. Nên có một tên gọi giải thưởng với giá trị hàng trăm triệu trao cho những tác phẩm thực sự có giá trị, những tác giả có đóng góp cho sự phát triển chung của nền văn học dân tộc và sự phát triển của từng thể loại (Văn nghệ số 23/2001).
3. Vấn đề Ban giám khảo và việc chấm giải cũng luôn thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, nhiều thế hệ. Độc giả và người viết đều mong mỏi có một ban chấm giải có uy tín, có năng lực, nhìn ra và nâng niu các tài năng và cái mới. Họ phải là những người có cái nhìn phóng khoáng, biết trân trọng sự tìm tòi lao động chữ nghĩa của nhà văn, có trách nhiệm trước mỗi lá phiếu của mình, nhất là phải độc lập trong đánh giá thẩm định, có bản lĩnh bảo vệ đến cùng tác phẩm họ đề cử giải thưởng. Nhiều ý kiến cắt nghĩa chất lượng cuộc thi yếu từ góc độ người chấm giải. Nhiều người chấm giải còn dễ dãi, “nể nang và chiếu cố”, chưa có được những nhận định cụ thể, sát đúng, tinh tường về tác phẩm dự giải; có nhiều vị “ba phải”, vừa bỏ phiếu tán thành tác phẩm được giải vừa vội vã viết bài phê phán tác phẩm ấy; có vị là thành viên Ban chấp hành, thành viên của Hội đồng chuyên môn nhưng cũng tham dự xét giải và được trao giải (không ít lần). 10 năm trao giải thưởng đã qua nhưng số lượng những người tham gia chấm giải ở hầu hết các giải thưởng, các cuộc thi không thay đổi đáng là bao. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần đa dạng hóa thành phần Ban giám khảo, bổ sung các nhà lí luận phê bình văn học vào thành phần ban sơ khảo, chung khảo…
Ở một số giải thưởng thường niên của Hội chuyên ngành cơ cấu Ban chung khảo cố định gồm Ban chấp hành và Chủ tịch các Hội đồng chuyên môn. Nghĩa là đối với một giải thưởng xét theo thể loại trước hết chỉ có lá phiếu của một người đúng chuyên môn trên tổng số trên dưới 10 thành viên, còn lại là thành phần Ban chấp hành (trong số này có thể được bổ sung thêm 2 – 3 lá phiếu chuyên môn nữa) mà không phải ai cũng thông thạo tất cả các thể loại. Có tình trạng Hội đồng chuyên môn đề cử vài tác phẩm lên nhưng Ban chung khảo lại không bỏ phiếu cho tác phẩm nào. Mỗi thành viên BCH lại có một cách đọc, một cơ sở đánh giá và nhất là không phải ai cũng vì bản thân văn học dám gạt đi những yếu tố phi nghệ thuật khác. Nhiều người thẩm định, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, khi đánh giá tác phẩm chưa chọn đứng về phía sáng tạo, họ bị chi phối bởi nhiều yếu tố, bị đặt vào những mảnh đất khác, buộc phải thỏa hiệp với nó để đánh giá văn học, cách trao giải và giải được trao luôn hướng đến sự an toàn sao cho bước vào giai đoạn hậu giải thưởng sẽ không phải giải trình với cấp trên. Chất lượng thẩm định giải thưởng ở các khâu, đặc biệt là chung khảo không cao, nhiều nhà văn và độc giả khó có thể đặt niềm tin vào những quyết định đó cũng là dễ hiểu.
4. Vấn đề truyền thông giải thưởng cũng được nhiều người nhắc đến như một kinh nghiệm. Trước và trong khi các Hội đồng xét giải thường làm việc của mình, trên báo chí xuất hiện dăm bài phê bình lót đường về tác phẩm dự giải, những bài “hồi âm” “đọc sách” ngắn cũng được công bố nhằm tạo dư luận giả. Nói là dư luận giả bởi vì nó được tạo ra từ sự nhờ vả, từ “vận động” hành lang. Ở đây không chỉ có tác giả mà cả nhà xuất bản, các công ty sách, công ty truyền thông… cũng vận động hàng lang, cũng có những nhân viên truyền thông chuyên trách việc viết bài quảng cáo và thông đồng với một vài cơ quan báo chí (trao bài cho báo chí không cần nhận nhuận bút) tạo ra một kiểu dư luận.
Sự truyền thông tác phẩm giải thưởng ở ta chủ yếu do báo chí thực hiện dưới hai hình thức: đưa tin vắn hoặc phỏng vấn tác giả đoạt giải. Bởi vậy, sau khi được trao giải thưởng, các nhà văn thường nói về mình nhiều hơn các nhà phê bình đánh giá về họ. Trong công tác truyền thông giải thưởng hiện nay báo chí nói chung chủ yếu truyền đi các thông điệp, các nhận định, đánh giá, những thông cáo về thành tựu xét giải của Hội đồng giải thưởng này, Ban giám khảo kia, nghĩa là ở đấy thiếu hẳn những tiếng nói phản biện, những đánh giá độc lập.
5. Để thay đổi chất lượng giải thưởng ở ta việc đầu tiên là thay đổi cơ cấu người chấm giải thưởng, sau đó là thay đổi cơ chế nhận biết, và tuyển chọn tác giả, tác phẩm.
Ở ta thiếu cơ chế nhận biết và tuyển chọn tác giả xuất sắc, hầu hết các thành viên trong thành phần Ban giám khảo, các Hội đổng thẩm định giải thưởng vẫn chưa chỉ ra được những đóng góp thực sự mới mẻ, giá trị của một tác giả – tác phẩm đối với sự phát triển chung của thể loại, với một giai đoạn văn học, một nền văn học; một số nhà văn nhà thơ, thậm chí cả nhà phê bình văn học thiếu tri thức văn học sử, thiếu nhãn quan lí luận vững chắc nên phát xét tác phẩm, nhất là những “đóng góp, cống hiến, tìm tòi” chủ quan, tùy tiện; chưa kể có những tổ chức xét trao giải thưởng, tặng thưởng thường niên năm nào cũng copy lại phần lớn những nhận xét, đánh giá của các năm trước, chỉ thay đổi tên tác giả, tác phẩm và một vài chi tiết mới nảy sinh trong việc trao giải (có thể coi đây như là một biểu hiện khác của sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp…); các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận biết tác phẩm, tác giả xứng đáng còn mơ hồ, những từ ngữ như tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm ngang thời đại, tác phẩm hay, tác phẩm lớn, thậm chí là những phá cách, cách tân…. chỉ có nghĩa truyền thông chứ thực tế chưa có giá trị đảm bảo cho chất lượng chọn trao giải thưởng.
Quy trình xét chọn tác phẩm, tác giả để trao giải thưởng ở ta nặng về hình thức hành chính; nhiều giải thưởng thiên về tính chất phong trào, tính chất định hướng tuyên truyền, thậm chí là không chế về mặt chính trị, tư tưởng… cho nên thay vì việc chỉ ra và chấp nhận những chỗ dị biệt, mới lạ, những thứ vẫn được coi là ngoại biên, ngoài lề người ta nhấn mạnh đến sự “thống nhất”, “truyền thống”, đến tính hiện thực và tính chính thống của nó; thay vì trao giải cho các tác phẩm khai phóng, có tính cách “đặt vấn đề” và đại diện một khuynh hướng mới trong sáng tạo, hoặc từ việc trao giải đó thể hiện một dự báo về bước chuyển biến mới mẻ của thể loại, của văn học người ta đã trao thưởng cho những tác phẩm nằm trong khuôn khổ của lối viết cũ, quan niệm cũ; thay vì trao giải ghi nhận những tìm tòi, những đổi mới sáng tạo trong cách nhìn, cách thể hiện người ta chọn trao giải theo “những đề tài lớn – đề tài nhỏ”; thay vì trao giải theo tiêu chí văn chương, chỉ rõ giá trị văn chương người ta trao giải chiều theo cái gọi là dư luận; chưa kể có những giải tư nhân ở ta được đặt ra trong một tham vọng đậm màu sắc “kinh tế thị trường” chứ không chỉ dừng lại ở tôn vinh những giá trị văn chương thuần túy.
Quy trình cách thức đề cử, tiến cử tác phẩm dự giải thưởng ở ta còn rất lỏng lẻo, tùy tiện, lộn xộn, thiếu tính khách quan và công khai; có nhiều Hội đồng thiếu hẳn những thành viên chuyên trách có trình độ thẩm định chuyên môn vững vàng; những Hội đồng tập trung được nhiều người có chuyên môn lại mang nặng tính nhiệm kì, tính “hành chính công vụ”, họ có thể bỏ phiếu, đánh giá văn chương qua điện thoại, qua đường bưu điện và nếu bị dư luận lên án họ tiến hành họp lại, tổ chức bầu chọn lại từ đầu. Kì quặc hơn nữa, là nếu có rất nhiều người trực tiếp tự đề cử tác phẩm họ sẽ tiến hành thay đổi quy chế sao cho việc giới thiệu tác phẩm cần phải thông qua những khâu trung gian và như thế là một cách giảm bớt được gánh nặng đọc thẩm định cho họ. Không phải ngẫu nhiên số lượng các tác phẩm được đề cử sơ khảo, chung khảo và kết quả cuối cùng được trao giải thưởng ở nhiều Hội VHNT (nhiều cuộc thi) không cố định, thay đổi tùy theo năm: Ban sơ khảo đề cử nhưng Ban chung khảo có thể gạt bỏ hoàn toàn tác phẩm được đề cử đó, Ban sơ khảo không đề cử nhưng Ban chung khảo lại đề cử thêm những tác phẩm mà họ cho là xứng đáng. Tình trạng: tác phẩm nào Ban chung khảo quyết định trao giải thì được coi là có dư luận tốt, tác phẩm nào không trao giải thưởng thì dư luận lại không còn vai trò gì… rất phổ biến ở nhiều giải thưởng. Có năm trong một thể loại có nhiều tác phẩm được trao giải; lại có năm, thậm chí nhiều năm liền ở thể loại đó bị bỏ trống giải thưởng, đấy là chưa kể có tình trạng giải thưởng của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nhiều năm chủ yếu trao tặng thưởng cho “người đa số”,… nói chung ở ta những biểu hiện bất bình thường kiểu đó có liên quan đến cơ chế nhận biết và tuyển chọn tác giả, tác phẩm xuất sắc. Kênh tuyển chọn, để cử, thẩm định tác phẩm của chúng ta đến nay rất hạn chế và chưa rõ ràng.
Bên cạnh việc thiếu cơ chế nhận biết và tuyển chọn tác giả xuất sắc, thì “quy trình tạo ra các tác giả văn học” ở ta cũng có vấn đề, xét từ nhiều phía. Từ các nhà văn tham dự xét giải có tình trạng do quan hệ này khác đã phong thưởng, chia phần cho nhau. Từ phía truyền thông, các báo chí thông đồng với một số người viết tạo ra dư luận giả, cho đăng tải những đánh giá quá cao và thiếu cơ sở khoa học đối với một số tác phẩm, tác giả dự giải. Từ phía người viết có hiện tượng “vận động hành lang”, “gửi gắm”, và tự huyễn hoặc mình, nhiều tác giả tuyên bố họ đoạt tuyệt với truyền thống trong khi thực tế một tài năng văn học đòi hỏi phải có sự tích lũy, kế thừa những tri thức, những thành tựu của các thế hệ trước; phông văn hóa, mặt bằng về tri thức cuộc sống đương đại kể cả bản lĩnh chính trị, tư tưởng của nhiều người viết nói chung còn thấp, nhiều người viết văn đọc ít và tỏ ra vụng về trong đánh giá về đồng nghiệp, số lượng người viết đọc văn bằng ngôn ngữ khác, đọc cổ vũ cho những thứ văn chương phi chính thống, phi mácxit và học hỏi được từ đấy những kinh nghiệm cần thiết, hữu ích cho sự sáng tạo hiện tại của họ chưa nhiều; ngoài ra còn phải kể đến yếu tố môi trường sản sinh và hợp thức hóa các “tài năng văn học”, những rào cản ý thức hệ.
 Hà Nội, tháng 12 năm 2010
Báo cáo thường niên về Tình hình văn học năm 2010 đã được Hội đồng khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam (gồm các thành viên: PGS.TS. Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội đồng, GS. TS. Nguyễn Xuân Kính, GS.TS. Trần Đăng Xuyền, PGS.TS. Phạm Thành Hưng, PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS. TS. Tôn Thảo Miên… ) tổ chức nghiệm thu, xếp loại Xuất sắc.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét