Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Tái cấu trúc đầu tư: Liệu pháp ‘máy xén’ và tư duy nhiệm kỳ

Bài này lý giải một phần tại sao các Bộ không thể từ chối yêu cầu của của địa phương và DNNN

(VEF.VN) - Tái cấu trúc đầu tư có thể là cuộc tự sửa mình đau đớn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Cuộc cải cách này sẽ phải chấm dứt lối tư duy nhiệm kỳ, kiểu đầu tư “cố đấm ăn xôi và chạy đua thành tích” và hơn hết, phải tự làm mới chính cái đầu của mình.
Khi thông thoáng đồng nghĩa với buông lỏng
Hơn 200 doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan và Hàn Quốc bị phá sản. Có hơn 20 dự án trong đó đã ngừng hoạt động, các ông chủ biến mất để lại khoản nợ tới 79 triệu USD cho các ngân hàng của Việt Nam.
Câu chuyện xù nợ trên được báo chí xới xáo hồi cuối tháng 9 vừa qua là một vệt đen trong bức tranh thu hút FDI ở Việt Nam vốn bấy lâu được cho sáng sủa. Đó là quả đắng cho nhiều tỉnh thành ở Việt Nam về cái giá của bệnh chạy đua thành tích. Và đau xót hơn, đây là một minh chứng điển hình cho mặt trái của cơ chế phân cấp quản lý đầu tư hiện nay.
Bởi lẽ, đem câu chuyện này tới hỏi thăm Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết "vẫn chưa nhận được báo cáo từ các địa phương về vấn đề này".
Như ông giãi bày, Phòng quản lý về đầu tư nước ngoài của Cục chỉ có 7 cán bộ nhưng lại phải theo dõi tình hình cả 63 tỉnh thành. Ngày 20 hàng tháng, các tỉnh mới gửi báo cáo kết quả thu hút đầu tư FDI về, Cục chỉ tổng hợp tình hình. Do đó, có vấn đề gì phát sinh, đúng là chỉ khi địa phương báo cáo mới biết.
Đến khi đi giám sát, nếu phát hiện dự án có vấn đề, Cục chỉ có thể có "ý kiến với địa phương và kiến nghị lên Chính phủ, chứ không có quyền rút phép".
Câu chuyện này cũng tương tự như tình trạng khó kiểm soát đầu tư tràn lan ở ngành thép. Sau đợt rà soát hồi năm 2010, Bộ Công Thương phát hiện tới 32 dự án thép ngoài quy hoạch, nguồn cung gấp đôi nhu cầu dự kiến, nhưng đến nay, chưa có dự án nào bị rút phép.
Ông Vũ Văn Chuyện, Vụ Phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương khi đó đã chia sẻ rằng, Bộ chỉ có thể kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và sau đó, Thủ tướng sẽ có ý kiến với các địa phương. Nơi nào cấp phép dự án thì nơi đó mới có quyền rút phép dự án.
Trong cơ chế phân cấp thông thoáng này, ngoại trừ dự án nhóm A, các bộ ngành quản lý như bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương... chỉ còn giữ quyền giám sát và kiến nghị, quyền cấp phép và rút phép thuộc hoàn toàn về địa phương. Vì thế, các bộ rơi vào tình trạng hậu kiểm, phát hiện bội thực dự án, vỡ quy hoạch hoặc dự án có kém hiệu quả thì cũng "lực bất tòng tâm", không can thiệp sâu được.
Nhiều tỉnh đầu tư cảng biển tràn lan rồi đắp chiếu do năng suất thấp hoặc hạ tầng chưa đầy đủ.

Một thống kê khác từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cho thấy, giá đắt cho phân cấp thông thoáng đã phản tác dụng, vượt tầm kiểm soát của Trung ương, làm méo mó cơ cấu kinh tế của cả nước.

Hiện nay, cả nước đã có tới 100 cảng biển, 22 sân bay, 18 khu kinh tế ven biển, 267 khu công nghiệp, 918 cụm công nghiệp, 28 khu kinh tế của khẩu và rất nhiều dự án cơ cở hạ tầng xã hội, nhiều chương trình mục tiêu. Nhưng Việt Nam chỉ có 12 Tập đoàn kinh tế, vốn vẫn bị cho là yếu kém, và hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân tính trên danh nghĩa đã đăng ký kinh doanh. Nếu tổng hợp từ các bộ, ngành lại, nhu cầu đầu tư hạ tầng xã hội trong 10 năm tới đã gấp 3 lần khả năng cung ứng vốn. Vì thế mới có cảnh dự án kéo dài vì thiếu vốn đầu tư.
Liệu pháp "máy xén" và tư duy nhiệm kỳ
Đã không ít ý kiến bóng gió xa xôi rằng: sửa phân cấp quản lý đầu tư bây giờ là vấn đề nhạy cảm nhất, vì luật đã ban hành, giờ tính chuyện thu quyền về sẽ gặp phải lực cản lợi ích nhóm.
Có thể nói, tại thời điểm ban hành luật Đầu tư 2005, chủ trương phân cấp là đúng với ý nghĩa, cần khuyến khích tính năng động, sáng tạo của các địa phương, các đơn vị. Nhưng tư duy "làm kế hoạch" vẫn còn đó, các tỉnh bị ràng buộc với các mục tiêu như tốc độ tăng trưởng GDP, kết quả thu hút FDI, số doanh nghiệp thành lập mỗi năm, nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, do tư duy về cơ cấu kinh tế theo ngành trong từng tỉnh nên mới có chuyện, các địa phương ào ào làm cảng biển, làm thép, bỏ đất lúa làm sân golf, lãng quên tiêu chí về lợi thế cạnh tranh thực sự của chính mình. Gắn liền với các chỉ tiêu tăng trưởng đó còn là chiếc ghế nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Sửa câu chuyện này không khó. Thực ra, Luật Đầu tư 2005 không quy định phân cấp. Vấn đề phân cấp được nêu trong các Nghị định hướng dẫn nên Chính phủ có đủ quyền để sửa ngay được.
Theo ông Cung thì vấn đề mấu chốt là phải loại bỏ tư duy nhiệm kỳ với một vị tổng chỉ huy cho cuộc tái cấu trúc lĩnh vực nhạy cảm này có một tinh thần thép.
Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã mô tả về kiểu đầu tư của Việt Nam rằng: "Một số dự án vốn đầu tư rất cao, nhưng chưa thu xếp được nguồn vay, các chủ đầu tư thường làm theo kiểu, có đến đâu, làm đến đó, có ít, có nhiều, họ cứ triển khai miễn sao dự án trình lên không bị cắt. Đến lúc thiếu vốn sẽ... tính sau và kiểu gì cũng hoàn thành."
Trong cơ chế xin cho, tính minh bạch còn hạn chế, điều tất yếu mà dư luận thường nghi ngại, các nơi vẽ dự án không phải vì tính hiệu quả kinh tế xã hội của chính dự án đó mà vì những khoản hoa hồng và đặc quyền sau đó.
Để trị được căn bệnh đầu tư này, theo các chuyên gia kinh tế, cần một thái độ kiên quyết, dứt khoát từ người đứng đầu, tựa như tinh thần "máy xén" các giấy phép con trong chương trình cải cách thủ tục hành chính.
Tư duy đầu tư kiểu "đâm lao phải theo lao" cần thay đổi. Như TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích: "Có thể, nhiều người nghĩ dự án đã bỏ vốn ra triển khai rồi, giờ không làm nữa thì phí. Nhưng theo tôi, thà bỏ dự án này, thứ dự án kém hiệu quả đi còn hơn là tiếp tục triển khai. Làm đầu tư như cũ thì không khác nào là ném tiền qua cửa sổ."
Tán thành ý kiến này, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích: "Như câu chuyện đầu tư cảng biển tràn lan khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam, có những cảng hiện đại đầu tư ra, tàu vào chờ cả tuần để gom hàng thì ai chấp nhận được? Một dự án đầu tư 100 tỷ nhưng không hiệu quả thì nên cắt, chuyển đổi hơn là tiếp tục bỏ thêm 500 tỷ để nuôi dự án này".
Bên cạnh đó, cuộc cải cách này phải hóa giải được mối lo lợi ích nhóm. Không phải vô cớ khi ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội băn khoăn: "Chúng ta giao bộ Tài chính cải cách DNNN, Ngân hàng Nhà nước cải tổ ngành ngân hàng, hay bộ Kế hoạch đầu tư cải cách lĩnh vực đầu tư công và phân cấp thì liệu có ổn không?"
Còn ông Lê Xuân Bá bình luận: "Người đã ngồi gốc cây thì không bao giờ chặt cây đổ vào mình. Nếu cứ để lãnh đạo các bộ ngành tự tái cấu trúc, có thể tiến bộ nhưng không nhiều!"
Theo ông Phúc, chúng ta cần một thiết chế mới độc lập hơn như một Ủy ban về Tái cấu trúc nền kinh tế thuộc Chính phủ. Đến lúc đó mới giải quyết được vấn đề liên bộ, tránh xung đột lợi ích nhóm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét