Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Chuyện bầu chọn “New 7 Wonders of Nature”

Chuyện bầu chọn “New 7 Wonders of Nature”

Thế Phong
 

Nếu quả thực Vịnh Hạ Long xứng đáng đẳng cấp địa danh du lịch hàng đầu, thì không cần đến danh hão, bằng chính thực lực vun đắp, quản lí, thu hút khách của các cơ quan chức năng cũng sẽ tạo được nhiều lợi ích kinh tế cho nước nhà. Nên có tầm nhìn xa, nếu quảng bá danh thơm lừng lẫy, kéo gọi khách đến mà khả năng tổ chức, quản lí yếu kém thì cái danh ấy không có tác dụng lâu dài… Với tôi, Vịnh Hạ Long thật tuyệt và đang chờ đợi những nhà quản lí có bản lĩnh, tầm nhìn để biến nó thành viên ngọc du lịch của Việt Nam!
Không có cơ sở khoa học
Hiện tại Việt Nam đang ráo riết vận động cuộc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 Kì quan thiên nhiên của thế giới. Nhìn bề nổi, đó quả là một “công cuộc” đầy hào hứng thể hiện tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và mang lại nhiều lợi ích to lớn cho kinh tế, văn hóa, du lịch nước nhà. Có vẻ như trước miếng bánh ngọt béo bở này, nhiều quốc gia đang cố lao vào “trận chiến” bình chọn đầy khí thế mà đôi khi cái được chưa biết là bao nhiêu nhưng trước hết đã thấy nguy cơ tất cả chỉ là trò cười.
Năm 2007, theo nhiều tờ báo đưa tin, khi New Open World Corporation (NOWC) công bố danh sách 7 Kì quan thế giới mới, tổ chức UNESCO đã lên tiếng thẳng thừng phủ nhận kết quả này. Cùng với các chuyên gia nghệ thuật, UNESCO cho rằng kết quả cuộc bầu chọn này không hề có tính học thuật chuyên môn cao, không căn cứ theo một tiêu chí khoa học rõ ràng. Kết quả bầu chọn qua Internet và điện thoại di động này chỉ phản ánh tính chất riêng tư, cảm tính và hoàn toàn phục vụ cho nhu cầu tự quảng bá quốc gia. Nó không có bất kỳ đóng góp nào về mặt ý nghĩa và bền vững cho việc phòng giữ các công trình được chọn.
Chiến dịch bầu chọn “7 Kỳ quan thế giới mới” là sáng kiến của người Thuỵ Sĩ Bernard Weber phát động năm 1999. Việc lựa chọn được tiến hành với các lá phiếu tự do và lá phiếu phải trả tiền qua hình thức điện thoại hay mạng Internet. Lá phiếu đầu tiên được tự do đăng ký thành viên và những lá phiếu sau có thể được mua thông qua một khoản quyên góp cho NOWC.

 
Trang web www.new7wonders.com – nơi bình chọn đang diễn ra cho đến ngày 11.11.2011.
Ảnh: Chụp từ trang web

Ngoài việc bán phiếu bầu, NOWC dựa vào các khoản quyên góp từ cá nhân, việc mua bán các loại hàng hoá như áo phông, đồ lưu niệm và các khoản thu từ quảng cáo để hoạt động. Nagib Amin, một chuyên gia Ai Cập về di sản thế giới phát biểu rằng, “Ngoài khía cạnh thương mại, lá phiếu không có cơ sở khoa học.”
Vậy mà NOWC lại lên tiếng tuyên bố là tổ chức phi lợi nhuận! Điều này nhìn vào thật khó tin. Và bây giờ, đến cuộc bầu chọ 7 Kì quan thiên nhiên, nếu Vịnh Hạ Long của Việt Nam lọt vào top 7 thì bạn bè thế giới có thật sự công nhận? Tôi đoán rằng, 7 công trình kiến trúc thế giới được công bố năm 2007, đến nay, mấy ai còn nhớ được ngoại trừ những cái tên quá nổi bật như Vạn Lý Trường thành hay Taj Mahal. (Và người ta cũng không quên rằng phần nhiều những công trình được lọt top thuộc về những quốc gia có dân số đông nhất).
Ảo danh vô thực
Hiện nay, ở Việt Nam, bên cạnh phong trào bầu cho Vịnh Hạ Long được gióng trống thổi kèn, một bộ phận cư dân trên mạng đã có những phản biện tinh ý, đầy cảnh giác với NOWC. Đó có phải là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì lợi ích cộng đồng? Đầu tiên vào www.new7wonders.com, người ta đã thắc mắc tại sao tên miền của website này không phải là “.org” hay “.net” mà lại là “.com”. Bạn hãy tự hỏi có bao giờ thấy website unesco.com, worldbank.com, hay greenpeace.com chưa?
Phi lợi nhuận nhưng lại có quy định đầy nghịch lý : “Mỗi địa danh tham gia phải có một ủy ban hỗ trợ chính thức, có đủ tư cách pháp lý, phải ký hợp đồng và được NOWC chấp thuận, và phải đóng lệ phí là 5.000 USD mỗi tháng.”
NOWC đã rất khéo léo biến ý tưởng đầy cảm hứng và tham vọng trục lợi của vài cá nhân trở thành một hiện tượng toàn cầu bởi họ đã đánh rất trúng vào tâm lí dân tộc – nhất là với những nước đang phát triển, chưa có thương hiệu quốc gia về du lịch và có dân số đông. Còn một sự thật khác không ai ở Việt Nam muốn nói ra là giới truyền thông Việt Nam đã quá ngây thơ và bị lừa thảm hại.
Cuộc bầu chọn này đã bị UNESCO tẩy chay và trên thực tế hình thức hoạt động của nó sẽ không thể đem lại một kết quả đáng tin cậy. Điều nực cười nhất chính là tất cả các nước được đề cử lao vào chiến dịch “click chuột” điên cuồng cho địa danh đất nước họ. Nói thẳng ra đây là cuộc chạy đua của những quốc gia giỏi “tự sướng”! Bởi họ tin rằng, một khi địa danh nước họ được vinh danh, điều đó mang lại quá nhiều tự hào và thuận lợi cho thu hút du lịch.
Trong dòng thác bầu chọn rầm rộ đó, có khi nào người Việt chúng ta “fairplay” thật sự bầu chọn cho địa danh của những quốc gia khác mà mình đánh giá cao? Và ngược lại cũng đừng hoang tưởng rằng người dân bất kì quốc gia nào bầu chọn cho Việt Nam. Tôi dám chắc một điều, 90% những người tham gia bầu chọn này đều chẳng hiểu biết bao nhiêu về địa danh của chính đất nước họ chứ đừng nói đến hiểu biết địa danh các nước khác. Nếu chỉ dựa vào thông tin quảng bá hời hợt qua vài tấm ảnh và các đoạn video thì nó chẳng phản ánh được điều gì thực tế cả.

28 “kỳ quan”được vào chung kết  trên trang web NOWC. Ảnh: NOWC

Tôi mừng là trong vòng bình chọn cuối cùng này, Trung Quốc không có địa danh nào. Bởi tôi tin, người dân nước họ đã hiệu được bản chất vấn đề, cho dù bất kì địa danh nào của nước họ được công nhận trong top 7 thì đều không thuyết phục được thế giới. Thêm nữa, với sức mạnh về tìm năng thu hút du lịch của nước họ vốn chẳng cần một danh hão kiểu này. Còn Việt Nam ta và Bangladesh thực chất đang quá khát khao danh hiệu, và quá ngây thơ cả tin.
‘Hữu xạ tự nhiên hương’
Dường như thời đại càng phát triển, người Việt Nam đã quên rồi bài học về thuyết Chính danh mà Khổng Tử từng dạy. Việt Nam cùng những nước trong danh sách bầu chọn cuối cùng đang lao vào cuộc chạy đua, bất chấp tất cả để tự bầu chọn cho địa danh nước mình, mong đem lại lợi ích quốc gia. Nhưng rồi dù cho có đạt được như mong muốn, tôi tin chắc hào quang của nó, ồn ào của nó cũng chỉ ba chìm bảy nổi trên mặt báo trong vài tháng. Và do ai cũng quá hiểu bản chất lố bịch này thì ý nghĩa về du lịch, kinh tế cũng sẽ rất mong manh. Cộng đồng quốc tế sẽ không ngây thơ nghĩ rằng 7 địa danh được vinh danh thực sự là 7 kì quan thế giới tuyệt nhất.
Việt Nam là vua của những cuộc bình chọn và cũng không ít lần bẽ mặt với điều đó. Năm 2008, khi Tổ chức hoa hậu thế giới quyết định dành một vé vào top 16 cho thí sinh có lượt bình chọn nhiều nhất, Á hậu Thiên Lý của Việt Nam đã dẫn đầu bình chọn. Thế nhưng đến phút chót bà Morley lại hủy đi kết quả và tế nhị đưa ra lý do chống chế rằng bộ phận kĩ thuật bị trục trặc, nhưng sự thật là gì thì bản thân người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế đều quá rõ. Đạt danh hiệu như vậy có thật sự đáng tự hào?
Mỗi người dân Việt Nam luôn cố gắng hết sức vì khả năng của mình, có thể làm một điều nhỏ bé nào đó để góp phần phát triển đất nước bằng nhiều cách. Tôi không cho rằng cả dân tộc lao vào cuộc bình chọn đầy kí trá này là thể hiện lòng yêu nước, đem lại nhiều lợi ích kinh tế như đã từng ảo tưởng. Ông bà ta từng dạy, hữu xạ tự nhiên hương. Nếu quả thực Vịnh Hạ Long xứng đáng đẳng cấp địa danh du lịch hàng đầu, thì không cần đến danh hão, bằng chính thực lực vun đắp, quản lí, thu hút khách của các cơ quan chức năng cũng sẽ tạo được nhiều lợi ích kinh tế cho nước nhà. Nên có tầm nhìn xa, nếu quảng bá danh thơm lừng lẫy, kéo gọi khách đến mà khả năng tổ chức, quản lí yếu kém thì cái danh ấy không có tác dụng lâu dài.

Vịnh Hạ Long. Ảnh: Aftab – Flickr

Ở một phương diện khác, chính cái phong trào vận động bầu chọn rầm rộ, lôi kéo toàn dân, học sinh, sinh viên, viên chức quyết liệt “click chuột” đã kéo theo cái hệ lụy làm xấu xí diện mạo bản chất con người Việt Nam. Chúng ta không thể lấy lí do rằng tất cả các nước được lọt vào danh sách đề cử đều bầu chọn cho nước họ như vũ bão nên Việt Nam cũng cố dành lấy một suất. Hóa ra, người Việt đang cố làm trò cười, cố danh đoạt lấy một thành quả ảo ảnh vốn thực chất chiến thắng của nó không hề xứng đáng. Tôi không phủ nhận Vịnh Hạ Long rất tuyệt, song không có cơ sở nào để khẳng định Vịnh Hạ Long thực sự xứng tầm kì quan nhất hạng toàn cầu. Và cũng chẳng có địa danh nào trên thế giới đủ đẳng cấp lấn át hết tất cả để vào top 7. Bởi mỗi quốc gia, lãnh thổ, vùng miền, địa danh có một đặc trưng riêng. Tạo hóa vốn sòng phẳng, cái quyết đinh địa danh nào hơn hẳn nằm ở trình độ quản lí, chinh phục khách du lịch chứ không phải ở lời rao trống rỗng của bất kì tổ chức nào.
Cha ông người ta từng giễu nhại hiện tượng này bằng thành ngữ con hát mẹ khen. Văn hóa đẹp của người Việt bao đời nay không thể chấp nhận sự dối trá này. Nếu những người quản lí và giới truyền thông Việt Nam vẫn đầy hào hứng đẩy nhân dân vào cuộc chơi xấu xí, trẻ con thì e rằng chỉ tạo ra cho căng tính dân tộc những thói hư tật xấu mới.
Trong nay mai, cuộc bình chọn của NOWC sẽ bị dư luận quốc tế quên lãng, thậm chí tẩy chay. Những quốc gia nào cố bình chọn cho địa danh nước mình lọt top 7 đang đánh mất đi lòng tự trọng dân tộc (chứ không hề có chút tự hào nào) và thiếu sót văn hóa ứng xử một cách fairplay!
Đừng để đạo đức xã hội Việt Nam bị méo mó như vậy! Với tôi, Vịnh Hạ Long thật tuyệt và đang chờ đợi những nhà quản lí có bản lĩnh, tầm nhìn để biến nó thành viên ngọc du lịch của Việt Nam!
Một dân tộc có văn hóa đẹp, có tầm nhìn trí tuệ sâu rộng thì không bao giờ chọn con đường phát triển đất nước một cách non kém, hời hợt mang tính thủ công đơn thuần này!
T.P.
© 2011 TCPT số 50

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét