Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Cận cảnh những gương mặt "Chiếm phố Wall" ở Thụy Sĩ

Những gương mặt "Chiếm phố Wall" ở Thụy Sĩ




Câu chuyện của những người giàu nhất thế giới đi biểu tình ủng hộ phong trào 99%.

LTS: Công dân thứ 7 tỉ ra đời, biểu tỉnh 'chiếm phố Wall', thành lũy cuối cùng của Tổng thống Gaddafi đã sụp đổ... là những sự kiện nóng trong tuần này. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết vừa được CTV ghi lại cuộc biểu tình 'Chiếm phố Wall' trên đường phố Zurich, Thụy Sĩ.
"Chiếm lấy Zurich"
Quảng trường Paradeplatz ở Zurich, trung tâm tài chính của Thụy Sĩ và toàn cầu, đang trải qua những ngày cuối thu không yên ả. Truyền cảm hứng bởi phong trào "Chiếm lấy phố Wall" khởi nguồn từ Mỹ, cuối tuần qua đã có hơn 1,500 người đã đến đây để phản đối sự vô trách nhiệm của hệ thống ngân hàng và sự bất lực của chính phủ trong việc quản lý nó.
Mục tiêu chính của người biểu tình là hai ngân hàng khổng lồ UBS và Credit Suisse, vốn từ lâu là niềm tự hào quốc gia của người Thụy Sĩ. Cả hai ngân hàng này đều phải chịu những thiệt hại nặng nề từ những thương vụ kiểu "đánh bạc" trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và hiện giờ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Chỉ cách đây khoảng gần một tháng, UBS lại vừa mới bị phát hiện thất thoát 2 tỷ USD do một nhân viên giao dịch của hãng ở London thực hiện.
Là chủ của một hãng lữ hành có tiếng của Thụy Sĩ, và cũng sở hữu một khoản thu nhập có thể được coi là thuộc nhóm "một phần trăm (1%)", nhưng bà Mariane Khalil vẫn quyết định xuống đường biểu tình vì điều đó.
"Chúng tôi thực sự nổi giận với cách làm việc của các ngân hàng bây giờ, " Bà Mariane cho biết. Theo như quan điểm của bà, chính phủ Thụy Sĩ đã phải chi rất nhiều tiền để đưa UBS thoát ra khỏi mớ tơ vò mà chính họ tạo ra trong cuộc khủng hoảng vừa qua, trong khi ngân hàng này tiếp tục ném những khoản tiền thuế đó ra cửa sổ.
"Trên thế giới có những người không có lương thực để ăn, nước để uống, mà người ta dễ dàng vứt đi 2 tỷ USD như thế đấy," bà phàn nàn.
Không phải là hiếm những người như bà Mariane ở cuộc biểu tình này. Người trung niên ở đây cũng rất tích cực tham gia vào "Chiếm lấy phố Wall" phiên bản Thụy Sĩ. Nhiều người trong số họ vẫn có việc làm, nhưng tranh thủ cuối tuần cũng tham gia vào đoàn biểu tình để bày tỏ quan điểm.

Nhưng tất nhiên, giống như ở hơn 900 thành phố khác trên thế giới, phần đông người biểu tình ở Zurich là thanh niên: sinh viên, nghệ sĩ, chính trị gia, và cả những ai người được coi là nạn nhân của khủng hoảng kinh tế-người thất nghiệp. Đây là những thành phần được coi là "đầu máy" cho phong trào, tạo ra nhiều hoạt động khác nhau cho đám đông, chứ không đơn thuần chỉ đứng và hô khẩu hiệu như nhiều cuộc biểu tình khác.

Tác giả phỏng vấn người biểu tình
Ở một góc quảng trường, những bài hát mang tính cách mạng kiểu như "Sức mạnh thuộc về nhân dân" (Power to the people-John Lennon) được bật lên, cùng với đó là những thanh niên trẻ khoác vai nhau nhảy múa và hát. Hình ảnh này làm người viết hồi tưởng đến những cuộc biểu tình phản chiến hồi thập niên 60-70 hơn là đang ở trung tâm tài chính giàu có của thế giới.
Người biểu tình tụ tập đông nhất ở trước trụ sở của UBS và Credit Suisse, nơi rất nhiều biểu ngữ, tranh biếm họa đã được họ dán lên tường, vẽ lên vỉa hè, hay giăng lên trên đèn đường hoặc các cột chống tự dựng. Thậm chí, một số sinh viên nghệ thuật đương đại còn giả làm cảnh sát cầm súng (gỗ) đứng trước cổng chính của Credit Suisse, ngầm tượng trưng cho mối quan hệ mờ ám giữa các chính trị gia và ngân hàng.
Nhiều thanh niên trẻ thuộc một số tổ chức chính trị cánh tả thì chạy đôn chạy đáo để phát truyền đơn, vừa kêu gọi tiếp tục biểu tình trong những ngày tới, vừa vận động quần chúng bỏ phiếu thông qua một số dự luật siết chặt hơn hoạt động của các ngân hàng.
Khi người viết tỏ ý nghi ngờ rằng những biện pháp "dân vận" như thế này liệu có hiệu quả, một người phát truyền đơn nhún vai:" Ở đâu đó có thể là viển vông, nhưng ở nước này thì cái gì cũng có thể trưng cầu dân ý đấy."
Rồi cậu ta giải thích rằng cách đây tầm vài tuần, một dự thảo về việc chia tách khối ngân hàng đầu tư (investment banking) vốn mang lại nhiều rủi ro cho hệ thống, ra khỏi ngân hàng thương mại, đã được trình lên quốc hội Thụy Sĩ chờ phê chuẩn. "Nó cũng chỉ bắt đầu từ việc đóng góp ý kiến thế này thôi, nhưng giờ thì đã chuẩn bị được thông qua rồi," cậu nhoẻn miệng cười trước khi vội bước sang một nhóm khác.
1% ủng hộ 99%
Biểu tình theo phong trào "Chiếm lấy phố Wall" xuất hiện ở Zurich là một điều đáng ngạc nhiên, vì so với phần lớn các thành phố thuộc các nước phát triển, Zurich nói riêng và Thụy Sĩ nói chung ít gặp phải những vấn đề về xã hội nhất.
Gần đây, nhờ sự tăng giá của đồng Franc Thụy Sĩ so với đồng Euro, quốc gia này còn trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, theo điều tra của Credit Suisse. Hệ thống y tế và an sinh xã hội tốt, cộng với một môi trường rất trong lành và phong cảnh tuyệt đẹp, người Thụy Sĩ chẳng có gì phàn nàn về cuộc sống (ngoại trừ việc giá cả đắt đỏ, điều này đã được giảm đi phần nào bởi mức thu nhập cao). Riêng với Zurich, chỉ cái tên của nó thôi cũng đã nói lên tất cả(Zurich tiếng Đức là Zu Reich-Too Rich-Quá giàu).
Thế nên, cũng thật là khó để tìm được những câu chuyện thực sự rung động của những người biểu tình ở đây như New York hay Athens.
"Tôi tham gia vào đoàn người biểu tình này không phải là chịu bất công gì, chỉ là thấy hệ thống kinh tế-chính trị toàn cầu nói chung cần phải có sự thay đổi cơ bản," Một thanh niên thuộc tổ chức "We are change", chi nhánh Thụy Sĩ, cho biết.
Anh này cho rằng chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ đã lấy đi hết của cải của xã hội, tàn phá môi trường sống, bóc lột người lao động, trong khi phần đông dân chúng còn lại phải gánh chịu những hậu quả do nhóm "1%" này gây ra.
Một cô gái tham gia biểu tình
"Hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua xem: tỉ lệ thất nghiệp ở mọi quốc gia đều tăng lên, đời sống thì ngày càng đi xuống, giá cả leo thang, trong khi những kẻ tạo ra nó thì vẫn nhởn nhơ với các khoản tiền thưởng kếch xù," anh này giải thích.
Trước cuộc biểu tình này diễn ra vài ngày, tờ Financial Times cho biết các lãnh đạo của các quỹ đầu tư, ngân hàng, vẫn giữ được khoảng 96% khoản thu nhập cao ngất ngưởng hàng năm qua dạng tiền thưởng, và phần lớn thu nhập của họ không bị thay đổi quá nhiều so với các năm trước.
"Tôi muốn thể hiện thái độ đồng cảm với những người biểu tình ở khắp nơi trên thế giới, để họ biết rằng người Thụy Sĩ không phải ai cũng là những ngân hàng hám tiền," bà Mariane nói. Bà tỏ ra khá bất mãn với việc chính quyền Mỹ chỉ trích Thụy Sĩ không hợp tác với họ trong việc điều tra tiền "bẩn" có trong hệ thống, và rằng  chính phủ nước này quá bất cẩn trong việc quản lý đầu tư của các ngân hàng. "Trước khi trách ngân hàng Thụy Sĩ nhận tiền đen (black money-thu nhập bất hợp pháp?), thì chính phủ các nước khác phải xem lại mình tại sao lại để một nhóm người có được số tiền đen ấy chứ?"
Ở xung quanh quảng trường Paradeplatz, những hình ảnh quen thuộc trong phong trào "Chiếm lấy phố Wall" đang nóng bỏng ở khắp nơi trên thế giới, như "Chúng ta là 99%", mặt nạ Guy Fawkers, các biểu tượng chống ngành ngân hàng và chủ nghĩa tư bản...xuất hiện khắp nơi như chứng minh cho những gì bà Mariane nói.
Nhưng cũng có những người biểu tình đến đây với mục tiêu không thực sự rõ ràng, người thanh niên tác giả phỏng vấn dưới đây (và trong hình trên) là một ví dụ.
-Tại sao anh tới đây biểu tình?
"Tôi phản đối hệ thống tư bản chủ nghĩa tham lam và mục ruỗng, tôi muốn phá bỏ nó để xây dựng một hệ thống mới tốt đẹp hơn."
-Hệ thống mới là hệ thống nào, anh có biết không?
-"Đến bây giờ thì tôi chưa biết, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải chung tay để tìm ra nó".
-Anh phải giữ hệ thống cũ trước khi nghĩ ra được hệ thống mới tốt hơn chứ?
-"...tôi không chắc lắm, nhưng bây giờ cứ phải phá đi cái đã".

Một số hình ảnh khác:
Các cô gái trẻ viết khẩu hiệu
Người biểu tình cầm súng gỗ trước cửa
Người trung niên cũng tham gia biểu tình
Vì bạn phải nằm ngủ để mơ thấy nó
các cô gái trẻ viết khẩu
các cô gái trẻ viết khẩu hiệu
người biểu tình cầm súng gỗ trước cửa
người trung niên cũng tham gia biểu tình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét