Bị dồn vào chân tường
Brazil là một ví dụ điển hình cho thấy một quốc gia đang phát triển nhanh chóng bị đâm vào tường.
Kỳ 1: Các thị trường mới nổi phải làm gì để trở nên giàu cóNền kinh tế nước này đã tăng trưởng ở mức bình quân gần 7%/năm trong những năm 1945 -1980. GDP trên đầu người tăng từ mức bằng 12% của Mỹ lên mức 28%, theo thống kê của Maddison. Nhưng các thành quả này đã đi ngược lại. Nợ chồng chất phải trả cho máy móc nhập khẩu bắt đầu ảnh hưởng tới lãi suất. Các ngành công nghiệp phục vụ thị trường trong nước được bảo vệ bắt đầu tỏ ra không hiệu quả. Một đồng tiền yếu và lương hưu thấp dẫn tới lạm phát và sau đó là siêu lạm phát.
Một loạt cuộc cải cách tiền tệ và tài chính trong những năm 1990 đã giúp kiềm chế lạm phát và chặn đà suy giảm thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người ở Brazil hiện ở mức 20% so với ở Mỹ. Nhưng nền kinh tế này cũng phải chịu những bấp bênh như ở Trung Quốc. Đầu tư chiếm 19% GDP, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, và khá thấp so với mức chuẩn ở các nước giàu. Đây là lý do tại sao sản lượng thấp, bên cạnh đó là yếu kém trong hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng. Nền kinh tế này có xu hướng tăng trưởng khoảng 4%/năm, nhanh hơn các nước giàu nhất nhưng chậm hơn những nước có nền kinh tế thị trường mới nổi tương tự như Brazil.
Đầu tư kém phản ánh tiết kiệm trong nước thấp. Brazil vẫn thường xuyên bị thâm hụt cán cân thanh toán. Sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài đã khiến nước này dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán định kỳ, dù họ có quỹ dự trữ ngoại tệ lên tới 344 tỷ USD để tự lo liệu cho mình trong tương lai. Nợ nước ngoài ròng của Brazil (cả nợ công và nợ tư nhân) đạt 700 tỷ USD, so với tài sản ròng của Trung Quốc đạt 1.800 tỷ.
Cái được của tiết kiệm thấp ở Brazil là tiêu dùng mạnh, chiếm 61% GDP năm ngoái. Cho vay hộ gia đình đã bùng nổ. Một phần vì ngân hàng phát triển của nhà nước BNDES cung cấp các khoản vay được trợ cấp cho các công ty lớn của nhà nước và một số doanh nghiệp khác. Cơ hội hạn chế trong việc cho doanh nghiệp vay như vậy khiến các ngân hàng tư nhân phải tìm nguồn tiền ở chỗ khác.
Nền kinh tế Brazil có hai sức mạnh. Dân số ở độ tuổi lao động đang gia tăng nhanh chóng, và nước này sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào khi mà các thị trường mới nổi đang trong quá trình công nghiệp hóa với một tốc độ nhanh chưa từng thấy. Brazil đang cạnh tranh với Australia vị trí nước xuất khẩu đồng quặng nhiều nhất thế giới, hơn nhiều so với Trung Quốc. Diện tích đất trồng mênh mông của Brazil cũng sinh sôi một cách đáng kinh ngạc (tại một số nơi có thể canh tác tới ba vụ mỗi năm), nhờ được hưởng nhiều ánh nắng mặt trời và nước sạch. Các hồ "subsalt" nằm bên dưới lớp muối dày ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Brazil chứa ít nhất 13 tỷ thùng dầu.
Sự bùng nổ hàng hóa và việc phát hiện mỏ dầu mới đã giải phóng Brazil khỏi các ràng buộc cán cân thanh toán truyền thống. Ngoại tệ ồ ạt đổ vào, do hấp dẫn bởi tỷ lệ lãi suất cao ở Brazil và khoản lời kỳ vọng một khi dầu bắt đầu chảy. Nhưng việc này cũng tạo ra vấn đề mới: một lượng tiền lớn làm ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu trong nước không hoạt động trong các ngành công nghiệp tài nguyên.
Liều thuốc "giáo khoa" cho "căn bệnh Hà Lan" này là tăng năng suất hoặc giảm chi phí trong các ngành công nghiệp không được hưởng lợi từ sự bùng nổ nguồn lực này. Tháng Tám vừa qua, Chính phủ Brazil cho biết sẽ bãi bỏ các loại thuế lương (thuế bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế) trong bốn ngành công nghiệp tuyển nhiều lao động như giày dép, quần áo, đồ nội thất và phần mềm.
Brazil là một trong những nước khó làm kinh doanh nhất, được WB xếp ở vị trí thứ 127 trên tổng số 183 quốc gia. Tiền thuê cơ sở và chi phí nhiên liệu rất đắt đỏ, trong khi đóng cửa một công ty có thể mất nhiều năm trời. Hệ thống thuế phức tạp, cộng thêm các quy định không khớp nhau.
Ảnh minh họa: forbes.com |
Brazil hy vọng các mỏ dầu mới phát hiện sẽ được khai thác theo cách hỗ trợ chứ không gây ảnh hưởng xấu tới các ngành công nghiệp khác. Chính phủ yêu cầu Petrobras, gã khổng lồ dầu mỏ do nhà nước Brazil kiểm soát có độc quyền đối với mỏ subsalt, nên mua hầu hết các nguồn cung tại Brazil.
Eike Batista, ông trùm trong ngành khai mỏ và hậu cần, đang xây dựng một khu cảng đầy đủ hạng mục, có cả xưởng đóng tàu (sau công ty Hyundai của Hàn Quốc) để phù hợp với các quy định địa phương. Ông nói: "Nhu cầu của Petrobras sẽ lấp đầy hai xưởng đóng tàu". Một khu cảng hiện đại sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nước ngoài xây dựng các nhà máy dọc bờ biển Brazil và phục vụ cho thị trường trong nước. "Brazil sẽ đầy hàng hóa". Nhưng những người khác lo ngại Brazil sẽ bị hấp dẫn bởi một mô hình công nghiệp hóa hướng nội và có ảnh hưởng của nhà nước từng dẫn tới thất bại trước đó.
Brazil và Trung Quốc cần có những bước chuyển đổi khác nhau nếu họ muốn duy trì tốc độ tăng trưởng của mình. Brazil phải tăng tiết kiệm và đầu tư nhiều hơn; Trung Quốc lại cần tiêu dùng nhiều hơn. Brazil giàu tài nguyên; Trung Quốc lại đói tài nguyên. Brazil thiếu những con đường bộ và tuyến đường sắt tốt; trong khi một số con đường của Trung Quốc vẫn còn ít người qua lại. Brazil là một quốc gia trẻ trong khi Trung Quốc đang già đi. Arminio Fraga, một cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Brazil, chủ tập đoàn đầu tư Gavea tại Rio de Janeiro, đùa rằng: "Có lẽ họ nên pha trộn với nhau".
Con đường gập ghềnh của Ấn Độ
Các thách thức chính của Ấn Độ là sự pha trộn những điều mà Brazil và Trung Quốc đang phải đối mặt. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ được hưởng một tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mức thông thường của nền kinh tế thị trường mới nổi, khoảng 8%/năm. Và con số này sẽ còn cao hơn nữa: bởi Ấn Độ hiện nghèo hơn Trung Quốc, nên họ còn có thể tiến bộ nhiều hơn. Đầu tư chiếm 38% GDP. Đa số lấy từ túi của chính các công ty, một triệu chứng của một hệ thống tài chính chưa chín muồi. Hầu hết các công ty lại không thể dựa vào nguồn vốn từ bên ngoài, dù các tập đoàn lớn như Tata có thể kêu gọi đầu tư trên các thị trường vốn quốc tế.
Giống Brazil, Ấn Độ đang rất cần những con đường tốt hơn để kết nối các thị trường nội địa ở những nơi rất xa xôi trong lòng mình. Đây là một quốc gia trẻ, với dân số ở độ tuổi lao động tăng 1,7%/năm cho tới năm 2015, mức tăng nhanh hơn ở Brazil. Nhưng quá nhiều người trong số này không được đào tạo tốt. Giống như ở Brazil, các công ty thường phải đào tạo thêm cho các nhân viên mới trước khi họ có thể tự xoay sở. Nạn tham nhũng đang hủy hoại các dự án cơ sở hạ tầng. Nền kinh tế đang phát triển quá nóng và phải chứng kiến thâm hụt cán cân thanh toán.
Điều này cho thấy một điểm yếu nghiêm trọng hơn trong các thị trường mới nổi. Trong quá khứ, họ đã không giỏi trong việc quản lý cầu nội địa. Việc dựa vào xuất khẩu cho phép họ vừa tăng trưởng mà vẫn tiết kiệm. Hiện giờ, khi các nền kinh tế của thế giới giàu phải chật vật và ngày càng khắc khổ, làm nổi lên nguy cơ về những yếu kém từng dẫn tới các cuộc khủng hoảng của thị trường mới nổi trong quá khứ: chi tiêu công thái quá, tăng trưởng tín dụng nhanh và lạm phát cao. Theo ông Raghuram Rajan, một cựu giám đốc kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang nền kinh tế giàu phụ thuộc vào các chính sách tiền tệ, tài chính và quản lý tốt.
Nỗi lo ngại tái diễn vấn đề tại các nền kinh tế đầy nợ nần trong thế giới giàu đồng nghĩa với việc Brazil và Ấn Độ phải giảm dần cho tới chấm dứt các sức ép lạm phát ở nước mình. Trung Quốc đã vượt qua phép thử lớn đầu tiên về cầu ở thế giới giàu khi họ đã tăng tín dụng ngân hàng thêm 1/3 trong năm 2009. Đây là một biện pháp kích thích đáng hoan nghênh đối với nền kinh tế nước này và toàn cầu, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về độ khôn ngoan của các khoản cho vay. Nợ tăng vì chính quyền địa phương tài trợ cho cơ sở hạ tầng là rất đáng lo ngại.
Sai lầm Trung Quốc cho thấy tiêu dùng có tầm quan trọng trong việc tái cân bằng đất nước. Các con đường vận tải tốt hơn, kết nối các thành phố duyên hải giàu có với những khu vực miền Tây nghèo khó hơn, rất cần để phát triển thị trường nội địa. Nhưng những người hoài nghi thì thấy những con đường không có xe hơi, tàu hỏa ít khách và những tòa nhà trống rỗng là một sự lãng phí đầu tư.
Một số báo cáo cho biết 2.000 tỷ nhân dân tệ tiền cho chính quyền địa phương vay đã trở thành những khoản đầu tư tồi. Đáng lo ngại là một số nhà đầu tư nước ngoài từng đua nhau gửi tiền vào các ngân hàng Trung Quốc nay đang lén rút chân đi. Ngân hàng Mỹ, do gặp vấn đề với thị trường trong nước của mình, đã bán một nửa cổ phần tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
Tuy nhiên, ổn định tổng cầu có lẽ dễ hơn là phải giải quyết xung đột xã hội hay tìm cách thoát khỏi cái bẫy đình trệ về công nghiệp ở các nước có thu nhập trung bình. Theo Dani Rodrik, thuộc trường Đại học Harvard, điều này không chỉ tùy thuộc vào một cỗ máy kinh tế vận hành có tốt hay không; mà còn phụ thuộc vào việc "nỗi đau" bị điều chỉnh có được chia sẻ công bằng hay không. Các xã hội bị chia rẽ sâu sắc bởi các giai tầng hoặc các phe phái đối địch thường tụt lùi sau thay đổi kinh tế. Các nền dân chủ với các quy định và thủ tục giải quyết tranh chấp và đền bù cho người thiệt hại có xu hướng làm tốt hơn.
Ông Rodrik so sánh sự bật nảy của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1998 (cũng như trong các khó khăn trước đó) với thời kỳ suy sụp kinh tế mà Brazil và các nước Mỹ Latinh khác phải trải qua trong những năm 1980. Nền công nghiệp Hàn Quốc đã được thử sức trong các thị trường xuất khẩu, nên có thể tạo ra một đà phục hồi dựa trên sức mạnh công nghiệp của mình.
Brazil không có sức mạnh này. Nhưng Hàn Quốc có thể phục hồi nhanh hơn còn là vì mỗi nhóm lợi ích đều nhất trí nhận một phần nỗi đau suy thoái. Chính phủ Hàn Quốc nói họ sẽ làm hết mình để giúp đất nước vượt qua khủng hoảng nhưng các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực bằng cách tránh để rơi vào tình trạng ngừng sản xuất và các nghiệp đoàn phải giảm bớt các đòi hỏi tăng lương. Ngược lại tại Brazil, ai cũng cố gắng đẩy cái khó cho người khác. Lạm phát giảm và GDP trên đầu người ở Brazil không hề tăng trong 15 năm liền.
Theo ông Rodrik, Trung Quốc có thể có nền kinh tế mạnh hơn nhưng Brazil và Ấn Độ dường như sẽ giỏi hơn trong cách đối phó với những chuyển động xã hội nảy sinh khi trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Cả ba gã khổng lồ thị trường mới nổi này sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tránh cái bẫy thu nhập trung bình. Thành quả kinh tế mới đây của họ rất tốt nhưng kinh nghiệm cho thấy sẽ có sự thụt lùi, suy giảm. Nhưng thế giới giàu bị sa lầy từ khủng hoảng này tới khủng hoảng khác, khoảng cách thịnh vượng sẽ sớm được thu hẹp. Việc Mỹ đòi quyền lãnh đạo kinh tế có vẻ ngày càng nhàm, và một trong số các ưu tiên lâu nay của họ - sở hữu đồng tiền dự trữ chính của thế giới - đang bị đe dọa./.
- Châu Giang dịch từ The economist
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét