Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Nợ xấu đang xấu đi

Nợ xấu đang xấu đi

Theo số liệu từ một đơn vị nghiệp vụ của Ngân hàng (NH) Nhà nước, từ đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu đều đặn gia tăng qua từng tháng, tạo thành xu hướng tiêu cực.
Đặc biệt nợ xấu có nguy cơ mất vốn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong nợ không đủ tiêu chuẩn, khiến nợ xấu của ngành NH tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tỷ trọng lớn
Số liệu thống kê của đơn vị nghiệp vụ trên cho thấy, hiện nợ xấu chiếm 3,21% tổng dư nợ toàn hệ thống. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8, dư nợ cho vay của các NH đạt 2.388,9 nghìn tỉ đồng, trong đó, tổng nợ không đủ tiêu chuẩn là 76.736 tỉ đồng. “Nợ xấu đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay. So với cùng kỳ năm 2010, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã tăng 0,68% (tháng 8.2010 là 2,53%)”, đơn vị này nhận định.
Dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn (không quá 5% tổng dư nợ), nhưng điều đáng ngại là nợ có nguy cơ mất vốn luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, và tăng mạnh nhất trong thời gian qua.
Theo quy định, tổ chức tín dụng phân loại nợ theo 5 nhóm gồm nhóm 1: đủ tiêu chuẩn; nhóm 2: cần chú ý; nhóm 3: dưới tiêu chuẩn; nhóm 4: nợ nghi ngờ và nhóm 5: có khả năng mất vốn. Trong tổng nợ không đủ tiêu chuẩn, nợ nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) chiếm tới 49,29%. Lãnh đạo của đơn vị trên cho biết, nhóm nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ xấu và luôn tăng cao hơn các nhóm khác là dấu hiệu cho thấy rủi ro tín dụng của ngành đang tăng theo chiều hướng xấu. Nghĩa là các NH quản trị thanh khoản kém, quy mô nhỏ, mới thành lập có nguy cơ bị mất vốn cao, gây mất an toàn cho hệ thống bởi phản ứng dây chuyền.
Cũng theo đánh giá trên, trong số 114 tổ chức tín dụng, 39 tổ chức có tỷ lệ nợ xấu tăng trong tháng 8, trong đó một số tổ chức có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh: Công ty tài chính dầu khí, NH Ngoại thương (Vietcombank) NH Việt Nam Thương tín, NH cổ phần Đệ Nhất…

Nợ xấu đang gia tăng ở 39/114 tổ chức tín dụng (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Cần tái cơ cấu nợ xấu
Trao đổi với Thanh Niên, tổng giám đốc một NH lớn tại Hà Nội cho biết, nợ xấu được công bố hơn 3%, nhưng thực tế trong điều kiện các NH đều có dư nợ cho vay bất động sản lớn, tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản, tỷ lệ nợ xấu theo dự liệu chắc chắn phải cao hơn, cỡ 7-8%. Vì vậy, thời gian tới không phải chỉ tăng cường kiểm soát để không phát sinh thêm nợ xấu, cần thiết phải tái cơ cấu, tái cấu trúc nợ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thừa nhận, mặc dù đặt trọng tâm nhiệm vụ 2011 là cải thiện tình hình nợ xấu, cơ cấu lại các khoản vay, thế nhưng hiện nợ xấu của NH đã chiếm 6,67% tổng dư nợ. Số nợ xấu này chủ yếu nằm đọng ở một bộ phận tín dụng bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM, với những dự án đầu tư từ những năm 2008, 2009. “Tuy nhiên, việc thu hồi nợ cũng không dễ khi thị trường này đang "ảo", cung cầu mất cân đối, NH Nhà nước hạn chế tín dụng bất động sản, vốn không luân chuyển và đầu tư từ nước ngoài kém đi”, ông Bảo nhận định. Cũng theo vị lãnh đạo này, nợ xấu đang gây áp lực lớn đến chi phí và khả năng đảm bảo thanh khoản, trần lãi suất của các NH. Đặc biệt dịp cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao đột biến do các DN cần tiền để nhập hàng, thanh toán nợ, chi lương, thưởng cho cán bộ, nhân viên… Vì vậy, NH Nhà nước cần có những giải pháp cần thiết, kịp thời để cơ cấu, xử lý nợ xấu giúp bảo đảm sự an toàn của hệ thống.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc NH Công thương (Vietinbank - CTG) cho rằng, thị trường năm nay có biến động nhiều hơn, khó khăn hơn. Thông qua hệ thống chấm điểm tín dụng rủi ro nội bộ vừa thống kê cho thấy, các khách hàng gồm tổ chức tín dụng, DN của Vietinbank rủi ro hơn so với mọi năm. Một nguồn tin khác cũng cho hay, trước diễn biến không mấy tốt đẹp của nợ xấu, hiện tại các NH thuộc sở hữu nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, Agribank đã bắt đầu co lại “phòng thủ”, cắt hạn mức tín dụng tín chấp đối với các NH cổ phần trên thị trường liên NH. Đây được xem như một đòn chí mạng vào các NH cổ phần, NH nhỏ vì nó rơi vào đúng thời điểm các NH này đang bị thua thiệt, bị rút vốn.
Nợ xấu, vì vậy sẽ có thể trở thành “tội đồ” gây ra căng thẳng thanh khoản cho hệ thống kể từ nay đến cuối năm, nhất là dịp tháng 11, tháng 12 - 2 tháng cao điểm về nhu cầu vốn.
Anh Vũ
THANH NIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét