Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Một số việc cần làm trước khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Một số việc cần làm trước khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

SGTT.VN - Dựa trên những phát biểu dồn dập trong những ngày gần đây của các vị lãnh đạo hàng đầu Chính phủ, như Thủ tướng và phó Thủ tướng, thì việc tiến hành quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam có lẽ sẽ được tiến hành trong nay mai.
Việc tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam rõ ràng là việc cần làm. Ảnh minh hoạ. Ảnh: L.Q.N
Tương tự như đã diễn ra ở một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Indonesia sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở Việt Nam sẽ bao gồm các hoạt động: giải thể một số ngân hàng yếu kém, tiến hành sáp nhập một số ngân hàng yếu hơn vào ngân hàng khoẻ mạnh, và củng cố lại hoạt động của các ngân hàng còn lại trong hệ thống để đảm bảo rằng sau khi tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng sẽ hoạt động an toàn hơn và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khác với việc xử lý sự phá sản hoặc hoạt động yếu kém của một ngân hàng yếu kém trong thời kỳ bình thường, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đòi hỏi một kế hoạch đồng bộ và dài hạn, bao gồm trình tự xử lý cũng như xây dựng các kịch bản dự phòng cho các tình huống xấu nhất, để sao cho trong quá trình tái cấu trúc hoạt động thanh toán và hoạt động tín dụng của hệ thống không bị ảnh hưởng.
Kinh nghiệm tái cấu trúc ngành ngân hàng của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan... sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 cho thấy để việc tài cấu trúc thành công, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chuẩn bị những việc sau.

Khôi phục niềm tin
Hoạt động ngân hàng vận hành trơn tru được chủ yếu là nhờ dựa trên chữ tín. Vì thế, trước việc người dân và các doanh nghiệp đang thiếu niềm tin vào hệ thống ngân hàng, bước đầu tiên là khôi phục lại niềm tin của họ.
Có ba thông điệp cần được đưa ra. Thứ nhất, với người gửi tiền, Chính phủ cần đảm bảo rằng họ sẽ không bị thiệt hại khi một ngân hàng nào đó bị giải thể trong quá trình tái cơ cấu. Thông tin về việc NHNN sẽ đảm bảo lợi ích của người gửi tiền đã được tiết lộ trên báo chí trong vài ngày trước. Tuy nhiên, NHNN cần đưa ra thông cáo hoặc một văn bản chính chức khẳng định về điều này.
Thứ hai, đối với những ngân hàng sẽ tiếp tục hoạt động, NHNN cần đưa ra thông điệp rằng các ngân hàng đó sẽ thực sự khoẻ mạnh trong tương lai theo nghĩa các ngân hàng này sẽ áp dụng các chuẩn mực kế toán và kiểm toán hợp với thông lệ quốc tế (đặc biệt liên quan đến việc ghi nhận nợ xấu và phân loại tài sản), có các biện pháp quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ tốt. NHNN cũng cần đưa ra lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn Basel II cho tất cả các ngân hàng còn lại trong những năm tới.
Cuối cùng, Chính phủ cũng cần đưa ra thông điệp về việc xây dựng quy chế cũng như đầu tư, nâng cao năng lực của các cơ quan giám sát tài chính sao cho các cơ quan này hoạt động độc lập và đủ mạnh, để đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng sẽ được vận hành an toàn trong tương lai.
Do việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là bước đi đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, mọi sai lầm trong quá trình này có thể sẽ làm cản bước các kế hoạch tái cấu trúc các lĩnh vực khác sau này.
Rà soát khuôn khổ pháp lý
Để nâng cao hình ảnh của Chính phủ trong việc tuân thủ pháp luật, việc tiến hành các hoạt động cải tổ hệ thống ngân hàng cần được đặt trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc. Cần rà soát lại các văn bản pháp luật về các phương án can thiệp của Chính phủ trong các tình huống khác nhau, để đảm bảo rằng chúng không vi phạm các luật lệ đã ban hành trước đây.
Việc tạo ra một khuôn khổ pháp lý rất quan trọng. Nó cho thấy hành vi can thiệp của Nhà nước là khách quan, bình đẳng, và minh bạch, vì lợi ích chung của nền kinh tế chứ không phải vì một động cơ nào khác. Căn cứ vào các văn bản pháp lý đó, NHNN sẽ cần phải xây dựng một quy trình, với những tiêu chí rõ ràng ngay từ đầu, về mức độ can thiệp của Nhà nước cho từng trường hợp cụ thể.
Quyền lợi người đóng thuế
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy quá trình tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ tốn kém. Các loại chi phí trong quá trình bao gồm cấp tiền cho quỹ bảo hiểm tiền gửi, “làm đẹp” các ngân hàng yếu kém trước khi đem đi sáp nhập với các ngân hàng khoẻ mạnh khác, hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng tiếp tục hoạt động nhưng yếu kém đạt được các chuẩn mực quốc tế, v.v.
Để đảm bảo quỹ này có thể hoạt động được thì Chính phủ cần chỉ rõ nguồn tiền cho quỹ sẽ được hình thành từ đâu, quỹ sẽ chỉ được sử dụng trong tình huống nào, cho mục đích gì, và khi nào thì quỹ sẽ đóng? Việc hình thành một quỹ với những quy chế và mục tiêu rõ ràng như vậy rất quan trọng. Nó đảm bảo rằng các khoản chi phí đó đều được hạch toán. Về cơ bản, các khoản chi phí này cần được xem như là các khoản đầu tư của Nhà nước vào các ngân hàng tiếp tục hoạt động. Dù được chi cho mục đích nào, chúng cũng cần được quy đổi ra lượng cổ phiếu góp vào các ngân hàng còn lại. Nếu như hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công, các ngân hàng còn lại sẽ hoạt động hiệu quả và an toàn hơn trong tương lai. Trong trường hợp đó, các khoản đầu tư của Nhà nước cho hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ được thu hồi.
Việc hình thành quỹ tái cấu trúc sẽ giúp cho Chính phủ, Quốc hội và người dân có thể giám sát và kiểm soát được chi phí liên quan trong quá trình tái cấu trúc. Việc tăng tính minh bạch trong hoạt động tái cấu trúc sẽ góp phần đảm bảo rằng mọi chi phí đều được cân nhắc cẩn thận. Khi buộc phải chi thì các chi phí được bỏ ra là ít nhất trong khi hiệu quả đem lại sẽ là nhiều nhất. Nó cũng giúp cho Chính phủ ngăn cản các hành vi lạm dụng của quan chức chính phủ, cũng như các ngân hàng còn lại trong hệ thống tìm cách trục lợi từ quá trình tái cấu trúc này.
Việc tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam rõ ràng là việc cần làm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta tiến hành một cách vội vàng trước khi xây dựng một kế hoạch hoàn chỉnh, với những bước đi thận trọng và chi tiết, dựa trên những nguyên lý kinh tế và kinh nghiệm quốc tế đã được khẳng định. Do việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là bước đi đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, mọi sai lầm trong quá trình này có thể sẽ làm cản bước các kế hoạch tái cấu trúc các lĩnh vực khác sau này.
Đinh Tuấn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét