Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Lương tối thiểu cần tăng thêm 50%

Đầu năm 80 của thế kỷ trước, tiền lương tháng được xác định chỉ đủ để người lao động sống được trong 10 ngày (33%), đến nay sau 30 năm phát triển rầm rộ, tiền lương đã đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của người lao động (không biết con số này có bị phóng đại theo chủ nghĩa thành tích không (?) chứ người lao động thấy tiền lương cần phải tăng lên gấp 3 mới đủ sống). Thật là một thành tích rất đáng tự hào. Cứ đà này thì đến năm 2050 người lao động sẽ có thu nhập để đủ sống ở mức tối thiểu. Tiếc là bài báo không phân tích công lao này chủ yếu do ai đóng góp.

Lương tối thiểu cần tăng thêm 50%



Do đa số không đủ tích luỹ nên có tới 39,6% số NLĐ không hài lòng với công việc hiện tại. Họ mong muốn có mức thu nhập lên 3 lần mới có điều kiện để tái sản xuất sức lao động.

Đó là quan điểm của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) sau khi nghiên cứu về lương cho công nhân. Mức lương hiện tại chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu của người lao động.
Lương tối thiểu phải 3 triệu đồng
Theo ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn: “Việc tính toán theo cách tính chung chung như hiện nay không phản ánh hết đời sống thực tế của người lao động”. Để xác định được mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu, Viện Công nhân - Công đoàn đã đưa ra phương pháp tính theo kilo calo, điều tra giá lương thực, thực phẩm, chi phí sinh hoạt cá nhân có tính đến yếu tố nuôi con.
Theo khảo sát thực đơn bữa ăn của một công nhân tự nấu tại Hà Nội (vùng I) với khẩu phần ăn đủ 2.300 kilo calo/ngày tối thiểu cũng hơn 31.000 đồng. Tương đương với mức 942.000 đồng/tháng. Đối với các nhu cầu phi lương thực, thực phẩm với tính toán bằng 90% chi phí nhu cầu lương thực, thực phẩm, tức vào khoảng 730.000 đồng/tháng. Nhu cầu nuôi con bằng 70% chi phí lương thực và phi lương thực, tương đương 1.252.860 đồng/tháng.
Để người lao động có thể tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động (tại thời điểm 4.2011) thì mức lương ở vùng I phải là 3.042.660 đồng/tháng; vùng II là 2.861.780 đồng/tháng; vùng III là 2.664.750 đồng/tháng và vùng IV là 2.470.950 đồng/tháng. Như vậy, với tiền lương tối thiểu hiện nay vẫn còn một khoảng cách quá xa đối với mức sống tối thiểu.

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN cho biết: “Việc trả lương thấp, không tương xứng với công sức người lao động đã dẫn đến quan hệ lao động căng thẳng và đình công gia tăng, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp FDI. Từ đầu năm 2011 đến nay, 90% các cuộc đình công liên quan tới tiền lương”.
Gần 40% không hài lòng với công việc
Là lao động có tay nghề về lĩnh vực in ấn, gắn bó với công ty hơn 4 năm, hiện anh Nguyễn Văn Nam (quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) mới chỉ đạt được mức lương 2,8 triệu đồng /tháng. “Tôi phải làm thêm ca đêm cho một công ty khác cùng lĩnh vực in ấn mới có thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Với số tiền ấy tiết kiệm cũng chỉ đủ sống nên chưa dám nghĩ tới việc xây dựng gia đình” - anh Nam cho biết.
Bà Trường Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc - Công ty Dệt 19.5 Hà Nội cho biết: “Quyết định tăng lương trước thời hạn vào tháng 10 vừa qua làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên đến nay tôi biết có doanh nghiệp không thực hiện được. Với nhiều doanh nghiệp, việc tăng lương cơ bản chỉ là tăng thêm khoản đóng bảo hiểm chứ thực tế doanh nghiệp không thể trả được theo quy định của Nhà nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn khó khăn này”.
Theo ông Đặng Quang Điều, từ năm 2008 đến 2011 đã có 4 lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng với mức tăng từ 84 - 200%. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu dành cho khối doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, trong đó rõ nét nhất là đóng “khung cứng” ở mức tối thiểu (chứ không nhân hệ số theo lãi, theo năng suất) khiến người lao động chưa yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn trong năm 2011 ở 60 doanh nghiệp và 2.000 công nhân cho thấy, có 8,2% NLĐ có thu nhập dưới 1,5 triệu đồng và chỉ có 14,7% NLĐ có thu nhập trên 3,5 triệu đồng. Trong đó, 35,6% số NLĐ cho biết thu nhập không đủ chi tiêu và 44,7% NLĐ phải chắt chiu, dành dụm mới đủ trang trải cuộc sống.
Do đa số không đủ tích luỹ nên có tới 39,6% số NLĐ không hài lòng với công việc hiện tại. Họ mong muốn có mức thu nhập lên 3 lần mới có điều kiện để tái sản xuất sức lao động mở rộng và có tích luỹ để thực sự yên tâm công tác và gắn bó với doanh nghiệp.
Theo Phương Vy
Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét