Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2022

Từ vụ 'tiến sĩ cầu lông': Nhức nhối luận án tiến sĩ

Trong đời tôi, chưa khi nào tôi coi trọng cái bằng tiến sĩ hay học hàm giáo sư và phó giáo sư. Đối với tôi, kiến thức mới là quan trọng. Do đó, tôi nhất định không làm luận án tiến sĩ trong nước dù điều kiện rất thuận lợi. Ngay cả khi quyết định sang Pháp làm thạc sĩ và tiến sĩ, tôi cũng không chú ý nhiều đến bằng, mà tôi chỉ muốn được sang đó vui chơi, du lịch và đọc sách bên đó. Vì muốn sống ở Pháp càng lâu càng tốt, nên tôi chọn đi làm luận án để được ở đó ít nhất 5 năm. Học xong về nước, trong các bài báo và bài viết, tôi thường chỉ ghi tên, không ghi bằng cấp; tuy nhiên, có những vị sếp của tôi và một số ban biên tập đề nghị phải bổ sung hoặc tự ý bổ sung bằng cấp vào cho tôi. Họ làm như thế dường như để "nâng cao" độ tin cậy cho các bài viết. Đến khoảng năm 1999 nhà nước ta hủy bằng "Phó tiến sĩ", chuyển tất cả thành "Tiến sĩ". Thế là chỉ sau một đêm, tất cả các Giáo sư Phó tiến sĩ (Phun Thuốc Sâu”) đều trở thành GSTS (Gà Sống Thiến Sót). Số người có bằng tiến sĩ lúc đó tự nhiên tăng gấp vài trăm lần, làm dư luận xôn xao phản đối. Cũng vì sự phản đối này mà ngành giáo dục không dám thực hiện cải cách thêm một bước điên rồ hơn là nâng bằng Cử Nhân tốt nghiệp ở Liên Xô và một số nước XHCN thành bằng Thạc sĩ. Vì số tiến sĩ tự nhiên đông như lợn con nên chẳng ai muốn khoe bằng làm gì; hơn nữa nhiều tiến sĩ cũng xấu hổ khi chứng kiến các các đồng nghiệp "Gà Sống Thiến Sót" của mình lên truyền hình, báo chí phát biểu những câu “tranh hết phần ngu của thiên hạ” hoặc "nịnh chính quyền không khác bọn đĩ bút", nên họ càng không muốn khoe bằng. Xu hướng giấu học vị tiến sĩ đã xuất hiện từ đầu những năm 2000 và ngày càng lan rộng. Từ lâu, tôi đã thấy rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học không ghi học hàm học vị trong card visit (danh thiếp) hay trong các thư email; chỉ đám quan chức từ địa phương tới trung ương mới thích khoe khoang kiểu này. Thời nay thì thôi rồi. Riêng Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cấp bằng tiến sĩ giống như cái máy đẻ, mỗi ngày “nghiệm thu” hàng chục đề tài nghiên cứu để sinh ra hàng chục tiến sĩ. Số tiến sĩ cầu lông, tiến sĩ lịch sử đảng, tiến sĩ xây dựng đảng... nhan nhản, không những hoàn toàn phản khoa học mà còn làm loạn đất nước. Có bằng tiến sĩ, được gọi là tiến sĩ..., có khi lại thành sự ô nhục vì bị dân chửi. Chẳng lẽ sắp tới đây sẽ có phong trào các tiến sĩ tuyên bố từ bỏ bằng tiến sĩ của mình để được trong trắng trở về với dân cho đỡ xấu hổ ? Đất nước và nền văn hóa giáo dục chưa bao giờ khốn nạn và thê thảm như bây giờ. Tiến sĩ thì giấu bằng vì nhục và xấu hổ, cử nhân thì cũng giấu bằng để xin làm công nhân hay chạy xe ôm... Một thời đểu cáng đang hoành hành.
Từ vụ 'tiến sĩ cầu lông': Nhức nhối luận án tiến sĩ
06/05/2022 TTO - Không phải đến nay luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" mới khiến dư luận xôn xao! Nhiều năm nay, xã hội đã râm ran về các luận án tiến sĩ "không giúp ích gì cho cuộc sống".
Luận án “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” được lưu trữ trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ Giáo dục và đào tạo - Ảnh chụp màn hình sáng 5-5

Luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23-12-2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch). Viện Khoa học thể dục thể thao đã xác nhận NCS Đặng Hoàng Anh bảo vệ luận án thành công cấp viện ngày 19-1-2022.

Hẹp, không xứng tầm

Chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ Giáo dục và đào tạo đến sáng 5-5 vẫn còn lưu trữ toàn văn luận án của NCS Đặng Hoàng Anh. Theo giới thiệu, luận án này đã có nhiều đóng góp mới, kết quả nghiên cứu đạt được một số thành tựu: "Quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La.

Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn cầu lông. Kết quả thực nghiệm cho thấy các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15,38% đến 133,33%). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác suất thống kê cần thiết".

Tuy nhiên, những ngày qua, các diễn đàn học thuật trên mạng xã hội có nhiều ý kiến băn khoăn về luận án tiến sĩ này. Nhiều người cho rằng nội dung đề tài không đủ tầm của một luận án tiến sĩ. Theo nhiều nhà khoa học, mục đích của một công trình nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp nhằm cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, có tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội.

Trong khi đề tài luận án trên nói đến việc phát triển môn cầu lông cho cán bộ công chức, viên chức thành phố Sơn La là quá nhỏ, không có tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học. Do vậy xét về tính học thuật lẫn thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu.

TS Nguyễn Đức Danh - trưởng khoa khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nhận định một luận án tiến sĩ đưa ra hướng nghiên cứu giải pháp thì được, tuy nhiên với luận án của NCS Đặng Hoàng Anh lại quá hẹp.

"Thực tế công chức, viên chức sau một ngày làm việc có thể tham gia nhiều bộ môn thể thao (bơi, đá bóng, đi bộ...) chứ không nhất thiết chỉ chơi môn cầu lông. Rõ ràng phạm vi nghiên cứu của đề tài luận án trên quá hẹp, vì mục đích cuối cùng của tập luyện thể dục thể thao là để rèn luyện sức khỏe. Một luận án như vậy là không xứng tầm để nghiên cứu.

Hơn nữa, đối tượng nghiên cứu của luận án trên là công chức, viên chức, chứ không phải học sinh - sinh viên nên đề tài này cũng không liên quan đến chuyên ngành giáo dục học", ông Danh nói.

Đáng chú ý, ngoài luận án "tiến sĩ cầu lông" của NCS Đặng Hoàng Anh còn có 6 luận án liên quan đến lĩnh vực cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước đã được công bố từ năm 2018 đến nay, tất cả cũng đều thuộc chuyên ngành giáo dục học. Ngoài ra còn có đến vài chục luận án tiến sĩ dạng tương tự, theo cách nói của các nhà khoa học là "đề tài của chuyên viên văn phòng".

Chỉ cần vào chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ GD-ĐT tra cứu sẽ ra hàng loạt tên luận án tiến sĩ như vậy. Tên của các luận án này đều là "nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất..." chỉ khác nhau địa điểm (các trường học, địa phương trên khắp cả nước).

Không được trùng lắp

PGS.TS Huỳnh Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM, cho hay khi đánh giá một luận án tiến sĩ yêu cầu đầu tiên là không được trùng lắp. Một NCS bảo vệ luận án tiến sĩ phải trải qua ba cấp ở trường đại học: cấp bộ môn, cấp khoa, cấp trường (ở các viện cũng có ba cấp tương ứng). Đối với các công trình nghiên cứu, luận án sự trùng lắp với tỉ lệ nhất định (thường không quá 30%) sẽ được hội đồng chấp nhận.

"Các số liệu, dữ liệu nghiên cứu để viết ra luận án không được trùng lắp hoặc sử dụng các số liệu của các công trình trước đã được công bố. Với các luận án tiến sĩ cần phải đọc sâu nội dung về hàm lượng khoa học bên trong mới có thể đánh giá được luận án có đủ tầm hay không. Nếu với các đề tài luận án nghiên cứu sâu về thực trạng, nêu rõ điểm mạnh - yếu, từ đó đưa ra giải pháp và đưa vào thực nghiệm thành công thì cũng hoàn toàn xứng tầm.

Vì vậy với bản thân tôi nếu chỉ đọc tên đề tài thì cũng chưa đủ cơ sở để nhận định luận án có xứng tầm hay chưa, nên cần phải đọc thật kỹ nội dung luận án và thẩm tra lại số liệu, kết quả thực nghiệm mới có thể đánh giá được. Trong đánh giá công trình khoa học, luận án ngoài ý nghĩa khoa học, phương pháp nghiên cứu còn có ý nghĩa thực tiễn" - ông Khải nói.

Lý giải về các đề tài luận án về thể dục thể thao lại được xếp vào chuyên ngành giáo dục học, ông Huỳnh Trọng Khải cho hay trước đây có chuyên ngành thể dục thể thao, giáo dục thể chất nhưng sau đó Bộ GD-ĐT nhập chung các chuyên ngành này vào cùng một mã ngành thuộc ngành giáo dục học.

Xây dựng không gian học thuật lành mạnh

Mời quý bạn đọc tham gia diễn đàn "Nhức nhối luận án tiến sĩ" bằng cách chia sẻ những trải nghiệm, câu chuyện, góc nhìn, phân tích, giải pháp để hướng tới một không gian học thuật lành mạnh. Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: giaoduc@tuoitre.com. Bài được sử dụng trên nhật báo Tuổi Trẻ hoặc báo Tuổi Trẻ điện tử sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của Tuổi Trẻ.

Hệ lụy của việc bỏ công bố quốc tế

GS.TSKH Ngô Việt Trung - nguyên viện trưởng Viện Toán học Việt Nam - cho rằng cái gốc vấn đề nằm ở quy chế bảo vệ luận án tiến sĩ mới bị "tầm thường hóa" gần đây. "Quy chế bị thay đổi năm ngoái chính vì áp lực của các cơ sở đào tạo kiểu này.

Thực tế trước năm 2019, có những cơ sở đào tạo hàng trăm, hàng chục tiến sĩ mỗi năm nhưng sau đó giảm xuống chỉ còn vài nghiên cứu sinh bảo vệ được luận án, thậm chí không có nghiên cứu sinh nào bảo vệ được do yêu cầu công bố quốc tế. Vì vậy quy chế mới bỏ chuyện công bố quốc tế với lý do "tự chủ, tự chịu trách nhiệm", nghe thì rất hay nhưng thực ra là vô trách nhiệm" - ông Trung nhấn mạnh.

Những luận án "tiến sĩ cầu lông"

Ngoài luận án "tiến sĩ cầu lông" của NCS Đặng Hoàng Anh còn có ít nhất 6 luận án liên quan đến lĩnh vực cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước đã được công bố từ năm 2018 đến nay.

Cụ thể: 1. Luận án "Nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức luyện tập ngoại khóa cầu lông cho học sinh THPT thành phố Tuyên Quang" của NCS Nguyễn Mỹ Việt tại Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, công bố ngày 24-12-2021;

2. Luận án "Nghiên cứu xây dựng mô hình nữ vận động viên cầu lông cấp cao Việt Nam" của NCS Lương Thành Tài tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, công bố ngày 27-10-2021;

3. Luận án "Nghiên cứu đổi mới chương trình giảng dạy cho sinh viên chuyên sâu cầu lông ngành giáo dục thể chất theo học chế tín chỉ tại Trường ĐH Cần Thơ" của NCS Châu Hoàng Cầu tại Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM công bố ngày 14-12-2020;

4. Luận án "Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên đại học khối các trường kỹ thuật thành phố Thái Nguyên" của NCS Nguyễn Trường Giang tại Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh công bố ngày 30-7-2019;

5. Luận án "Nghiên cứu mô hình câu lạc bộ cầu lông trong một số trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội" của NCS Lê Thanh Hà, Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh công bố ngày 1-11-2018;

6. Luận án "Nghiên cứu lựa chọn bài tập nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ thuật tay cho sinh viên chuyên ngành cầu lông khoa sư phạm thể dục Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh" của NCS Nguyễn Văn Thạch, Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh công bố ngày 21-6-2018.

https://tuoitre.vn/tu-vu-tien-si-cau-long-nhuc-nhoi-luan-an-tien-si-20220505230357176.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét