Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Thái Lan đề nghị Việt Nam cùng nhau tăng giá gạo

Thái Lan đề nghị Việt Nam cùng nhau tăng giá gạo
Theo như được Bloomberg trích lời của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha, yêu cầu về một động thái được cho là đe dọa nâng giá lương thực của người tiêu dùng trên toàn thế giới, sau khi Thái Lan và Việt Nam nên cùng nhau tăng giá gạo để tăng quyền thương lượng của họ trên thị trường toàn cầu.

Người phát ngôn của Thủ tướng Thái Lan, Thanakorn Wangboonkongchana, cho hay một bước đi như vậy sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân trồng lúa ở hai quốc gia đang phải vật lộn với chi phí tăng cao trong khi giá ngũ cốc vẫn ở mức thấp.

Chính phủ Thái Lan cho hay họ đã lên kế hoạch với Việt Nam để thực hiện chiến lược này. Trong khi phía chính phủ Việt Nam chưa khẳng định việc đã bàn thảo với Thái Lan một kế hoạch như vậy, theo Bangkok Post hôm 30/5.

Các quan chức nông nghiệp của Thái Lan và Việt Nam, hai nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, đã gặp nhau tại Bangkok hôm 27/05 để thảo luận về các biện pháp chung nhằm hỗ trợ nông dân và ngành công nghiệp lúa gạo cũng như quản lý chi phí sản xuất ngày càng tăng, theo Reuters.

Đề nghị của Thái Lan

Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana nói với Reuters: "Chúng tôi đặt mục tiêu tăng giá gạo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu".

"Giá gạo đã ở mức thấp trong hơn 20 năm trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng".

Bất kì một động thái nào nhằm thiết lập một thỏa thuận tăng giá sẽ là một tin xấu đối với người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí lương thực toàn cầu tăng cao. Thái Lan đang nhận thấy nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng nông sản của mình tăng lên, do tỷ giá đồng baht của nước này đang thấp.

Theo Bloomberg, xuất khẩu gạo của Thái Lan đang hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu phục hồi khi đại dịch giảm bớt và đồng tiền của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm - khiến nguồn cung của họ cạnh tranh hơn. Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết xuất khẩu có thể đạt 8 triệu tấn trong năm nay, tăng từ 6,1 triệu tấn năm ngoái.

Ưu tiên của Việt Nam

Reuters cho biết phía Bộ nông nghiệp Việt Nam đã không đưa ra bình luận về việc tăng giá ngay lập tức.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết các quan chức nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp đối tác Thái Lan vào tháng 6 để đàm phán thêm về việc sản xuất gạo nhưng không nhằm mục đích kiểm soát giá cả.

"Cuộc họp sẽ tập trung vào các biện pháp hợp tác sản xuất lương thực bền vững. Sẽ không hợp lý khi nói về việc tăng hoặc kiểm soát giá gạo vào thời điểm này khi giá lương thực toàn cầu đang tăng.", Reuters trích lời Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Thứ trưởng cho biết ưu tiên của Việt Nam là quản lý xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực của đất nước, bổ sung rằng Việt Nam sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm từ 6,24 triệu tấn trong năm ngoái.

Ưu tiên của Việt Nam là quản lý xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực của đất nước

Tính khả thi?

Tờ Bangkok Post hôm 30/05 dẫn lời một quan chức hàng đầu trong ngành nông nghiệp Thái Lan rằng một thỏa thuận giữa hai nước nhằm tăng giá gạo sẽ là "bất khả thi".

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse cho biết‎ ý tưởng này được đề xuất mà không tham khảo ý kiến tổ chức của ông.

"Các chính trị gia không hiểu thị trường gạo và đã không thảo luận về vấn đề này với hiệp hội."

Ông Chookiat Ophaswongse nói với Reuters: "Thái Lan và Việt Nam không phải là những nhà xuất khẩu lớn nhất, hai nước gộp lại ít hơn Ấn Độ và người mua sẽ quay sang đối thủ cạnh tranh", đồng thời cho biết thêm gạo phải được bán ngay sau khi thu hoạch nếu không chất lượng sẽ kém đi trong khi chờ giá tăng.

Việt Nam vẫn chưa xác nhận một kế hoạch như vậy đã được thảo luận, Bangkok Post đưa tin.

Hiện cả Thái Lan và Việt Nam đều xuất khẩu gạo ít hơn Ấn Độ nhưng giá lại cao hơn.

Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% nguồn cung toàn cầu.

Hôm thứ Hai 30/5, các đại lý cho biết gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ rẻ hơn ít nhất 50 đôla Mỹ/ tấn so với của Việt Nam và rẻ hơn 100 đôla so với Thái Lan, theo SCMP.

Việt Nam và Thái Lan chiếm khoảng 10% sản lượng gạo thô toàn cầu và khoảng 26% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, theo Reuters.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu một số gạo của Ấn Độ để sản xuất bia và thức ăn chăn nuôi, theo Bangkok Post.

Business Insider ngày 30/05 đưa tin cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cả Thái Lan và Việt Nam đều không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp gạo trong năm nay. Tuy nhiên, giống như ở nhiều nước trên thế giới, lạm phát ở cả hai quốc gia đều tăng mạnh trong năm ngoái, gây áp lực lên chính phủ nhằm giảm bớt tác động lên người dân. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 40% dân số Việt Nam và 30% dân số Thái Lan làm việc trong ngành nông nghiệp.

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Giá gạo Ấn Độ đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm vào tuần trước do đồng rupee của Ấn Độ yếu hơn và nguồn cung dồi dào giữa các nước xuất khẩu hàng đầu. Tuy nhiên, Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu, theo các quan chức nước này, do Ấn Độ đủ dự trữ và giá gạo nội địa thấp hơn giá hỗ trợ do nhà nước quy định, Reuters đưa tin hôm 26/05.

Ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết Thái Lan và Việt Nam chưa tiếp cận nước này để bàn về việc tham gia vào một thỏa thuận thương mại về gạo.

Ông B.V. Krishna Rao nói với Reuters: "Nếu Thái Lan và Việt Nam cố gắng tăng giá, rõ ràng những người mua nhạy cảm với giá ở châu Phi sẽ chuyển sang Ấn Độ," một tỷ lệ người mua sẽ chọn gạo Thái Lan hoặc Việt Nam "nhưng tỷ lệ đó là nhỏ."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét