Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Nga đạt thỏa thuận quốc hữu hóa tài sản của Renault

Gia đình tôi gốc làng Hoàng Mai, vùng đất nay phần lớn thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Một phần nhỏ chạy dọc theo phía Đông đường Trương Định thì lại thuộc quận Hai Bà Trưng. Đây là một làng rất to. Phía Bắc và phía Tây bao hai góc làng là các phố Minh Khai và Trương Định, phía Đông giáp với đường Kim Ngưu và phía Nam kéo dài mãi xuống quá Đền Lừ, đến tận Tương Mai, Tân Mai và Giáp Bát. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XIX, ông nội tôi đã mua đất xây biệt thự rất to, kèm theo sân vườn và ba gian hàng rất rộng ở mặt đường Trương Định. Trải qua thăng trầm, hơn 5000 m2 và biệt thự to đùng của ông nội đã mất (biệt thự bị Pháp lấy làm trụ sở, trước khi rút đi chúng đã đặt thuốc nổ phá hủy, giờ chỉ còn hệ thống móng nhà nằm sâu dưới đất). Đất đai chỉ còn lại hơn 1000 m2 để anh em chúng tôi chia nhau. Bố tôi và tôi đều sinh ra và lớn lên ở đây; do đó chúng tôi có nhiều người quen trong khu phố này. Đáng buồn là trong hơn nửa thế kỷ qua, khu phố này rất kém phát triển, hơn nữa cũng không có mấy người dân ở đây thành đạt. Những khi sống ở đây, thỉnh thoảng đi bộ trên phố, tôi gặp lại một số người quen hay bạn học cũ, đa số họ không có nghề nghiệp tử tế, thậm chí một số người chưa từng đi làm, cả đời sống dựa vào bố mẹ, trong khi bố mẹ sống bằng tiền cho thuê nhà, thuê đất. Họ không có tiền, nhưng gặp tôi, nghĩ tôi có tiền, họ thường giục tôi phải mua nhà này xe kia, vì theo họ "mỗi thứ chỉ vài chục tỷ chứ đáng bao nhiêu". Tiền một xu không làm ra, thậm chí không có, nhưng mồm họ toàn nói tiền tỷ và khinh thường những người có tiền triệu. Quá lạ cho cách sống và văn hóa của một bộ phận người Việt này. Đọc bài dưới đây, thấy chỉ riêng 1 liên doanh của Renault với Nga, năm 2021 đã bán được khoảng 500.000 ô tô tại Nga và Nga là thị trường lớn thứ hai của Renault sau Liên minh châu Âu (EU), trong khi đó ngành công nghiệp ô tô của VN cả năm 2021 chỉ bán được cho 100 triệu dân cả xe nội lẫn xe nhập ngoại là 410.000 chiếc, trong đó chủ yếu là xe rẻ tiền được sản xuất liên doanh với Hàn Quốc. Vậy mà người Việt chúng ta (trong đó có một số bạn viết bình luận trên trang FB này của tôi) luôn mồm khinh bỉ Nga nghèo đói, nhục nhã. Họ còn chê Nga độc tài như Hitler..., trong khi Nga là một nước đa nguyên đa đảng và dân chủ gấp hàng chục lần nước ta. Những người này thật chẳng khác gì những người quen hay bạn học cũ của tôi nêu trên. Để so sánh giầu nghèo, có thể xem bảng so sánh các quốc gia trên thế giới theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) bình quân đầu người (tức là chia giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tạo ra bên trong một quốc gia trong một năm cho dân số trung bình của cùng năm đó). Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy năm 2021, GDP đầu người của Mỹ là 69,375 USD, trong khi của Nga là 30,431 USD, tức là khoảng cách không phải là quá xa. Cần lưu ý là số liệu GDP của Mỹ đã tính đủ giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trên đất Mỹ, nhưng GDP của Nga chỉ tính được một phần vì nền kinh tế Nga chưa thị trường hóa tất cả các hàng hóa và dịch vụ như ở Mỹ. Người Nga bây giờ cũng giống như người dân đồng bằng sông Cửu Long trước kia, tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, nên có rất nhiều thứ họ lấy từ thiên nhiên để tiêu dùng mà không được tính vào GDP. Thêm nữa, tôi luôn luôn phê phán xã hội phương Tây tiêu xài quá lãng phí, làm cạn kiệt tài nguyên thế giới và phá hoại môi trường. Nếu cả thế giới đều tiêu xài như phương Tây thì quả đất này nát bét. Tôi cho rằng mức tiêu xài của Nga là hợp lý và thế giới nên dừng ở mức tối ưu đó để bảo vệ quả đất; vấn đề là nước giầu phải bớt bóc lột các nước nghèo thông qua quan hệ mua bán, đầu tư bất bình đẳng. Bản thân tôi, dù có tiền, nhưng tiêu xài rất tiết kiệm, chỉ cần đủ sống như người dân bình thường là được. Tiền dư thừa để cho con cháu, thậm chí con cháu không muốn lấy thì dùng làm từ thiện, góp phần nâng cao mức sống cho thế hệ sau; như thế tốt hơn nhiều so với quan điểm chết không mang được đi nên nếu có tiền thì phải cố sức mà xài cho hết.
Nga đạt thỏa thuận quốc hữu hóa tài sản của Renault
Ngày 16/5, cơ quan chức năng Nga và Renault, hãng chế tạo ô tô của Pháp, đều đã xác nhận đã ký kết thỏa thuận về việc mua - bán tài sản của tập đoàn này tại Nga. Kể từ khi ký kết thỏa thuận liên doanh với AvtoVAZ, hãng chế tạo ô tô lớn nhất ở Nga với thương hiệu xe Lada nổi tiếng, từ năm 2008, Renault đã đầu tư hàng tỷ euro cho nhà máy sản xuất tại Nga. Nhờ AvtoVAZ, năm 2021, Nga trở thành thị trường lớn thứ hai của Renault sau Liên minh châu Âu (EU), với doanh số bán ra tại "xứ Bạch Dương" vào khoảng 500.000 ô tô. 

Trước khi ký thỏa thuận bàn giao tài sản, Renault nắm giữ 68% cổ phần của AvtoVAZ. Khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua và bị các nước phương Tây trừng phạt, Renault cũng chịu sức ép rút khỏi thị trường nước này.

Trong thông báo mới nhất, Bộ Công nghiệp và thương mại Nga cho biết hai bên đã ký kết thỏa thuận bàn giao các tài sản của Renault tại Nga cho chính phủ liên bang và chính quyền thủ đô Moskva. Theo thỏa thuận, Renault có quyền chọn mua lại cổ phần ở AvtoVAZ trong vòng 6 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận. Thỏa thuận bao gồm cả nhà máy của Renault ở Moskva. Dù thông tin tài chính của thỏa thuận không được công bố nhưng tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại Nga Denis Manturov cho biết Renault có ý định bán các tài sản tại Nga với giá tượng trưng 1 ruble.

Trong khi đó, thông báo của Giám đốc điều hành (CEO) Renault Luca de Meo nêu rõ đây là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết, một lựa chọn có trách nhiệm với 45.000 nhân viên tại Nga. CEO này cũng xác nhận Renault vẫn bảo lưu quyền trở lại thị trường Nga trong tương lai.Trong khi đó, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết Reanault đã quyết định đóng cửa nhà máy ở thủ đô. Ông khẳng định sẽ không để hàng nghìn công nhân nhà máy rơi vào cảnh thất nghiệp và quyết định nối lại hoạt động chế tạo các loại xe chở khách dưới nhãn hiệu Moskvich nổi tiếng thời Xô Viết. Ông khẳng định trong năm 2022, Nga sẽ mở trang mới trong lịch sử dòng xe Moskvich.

Đây là thỏa thuận quốc hữu hóa tài sản doanh nghiệp lớn nước ngoài đầu tiên tại Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Giới chức Nga khẳng định sẵn sàng các bước để quốc hữu hóa các tài sản nước ngoài tại nước này, người dân trong nước sẽ được cung cấp những sản phẩm thay thế cho những nhãn hiệu nước ngoài mà họ yêu thích trước đây. Moskva cũng khẳng định sẽ thích ứng tốt và thực hiện các bước nhằm khắc phục tình trạng thoái vốn nước ngoài và khan hiếm ngoại tệ do ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

https://www.vietnamplus.vn/nga-dat-thoa-thuan-quoc-huu-hoa-tai-san-cua-cong-ty-renault/790598.vnp

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_qu%E1%BB%91c_gia_theo_GDP_(PPP)_b%C3%ACnh_qu%C3%A2n_%C4%91%E1%BA%A7u_ng%C6%B0%E1%BB%9Di

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét